Trong tiếng anh từ ‘china’ có nghĩa là Trung Quốc, nhưng cũng có một hàm nghĩa khác là: đồ gốm. Việc gắn liền giữa hình ảnh đồ gốm và Trung Hoa mang ý nghĩa rằng, nhắc tới Trung Hoa là nhớ tới đồ gốm, là nơi khơi nguồn cho nghệ thuật gốm sứ thế giới, là cái nôi của kho tàng nghệ thuật của nhân loại.
Một cách nhìn khác trong cách viết chữ Hán, chữ ‘Tao’ chỉ nghề gốm, theo như hình vẽ mô tả của chữ viết cổ giáp cốt văn, hàm ý tả một người ngồi xổm trên mặt đất tay cầm thanh gỗ đang nặn đất sét. Những phát hiện khảo cổ đã chứng minh rất sớm từ thời kỳ đồ đá mới (khoảng 8000 – 2000 BC) người Trung Hoa đã phát minh ra đồ gốm.
Trải qua mấy nghìn năm lịch sử, người Trung Hoa cổ xưa đã chinh phục được toàn nhân loại về những kho tàng nghệ thuật đồ sộ với những đỉnh cao trong kĩ thuật mà con người ngày nay khó mà đạt được.
Câu chuyện về gốm sứ là một cuốn cổ thư có bề dày lịch sử
Trong giới khảo cổ, người ta đã phát hiện ra chữ viết trên gốm đầu tiên được phát hiện trên một mảnh gốm còn sót lại từ triều đại nhà Thương là mảnh gốm duy nhất tìm thấy cho đến nay trong khi có nhiều mảnh gốm cổ hơn không có chữ.
Bằng cách sử dụng chất đồng vị phóng xạ C14, các nhà khảo cổ đã kết luận nghề gốm của Trung Hoa cổ xưa ra đời vào năm 9000 trước Thiên Chúa giáng sinh.
Như vậy nghề gốm đã có một lịch sử lâu đời và Trung Hoa đã để lại một di sản gốm sứ to lớn.
Theo như nghiên cứu của các khảo cổ gia đồ gốm nguyên thủy được nung đốt ngoài trời, và chúng thường thô và dễ vỡ. Vào khoảng năm 8000 trước Thiên Chúa giáng sinh người ta bắt đầu nung gốm trong lò gốm, bằng phương pháp này đồ gốm được sản xuất không những cứng cáp mà còn bền đẹp hơn và trở thành sản phẩm mỹ thuật.
Ở triều đại nhà Thương (1600-1100 BC), các màu chính của đồ gốm chỉ gồm 3 màu: đỏ, xám, và đen. Càng về sau, người Trung Hoa đã bắt đầu biết sử dụng kĩ thuật phủ men màu, màu sắt của đồ gốm trở nên đa dạng và sáng sủa hơn.
Vào đời nhà Đường (618 – 907), đồ sứ, còn được gọi là đồ gốm vẽ hay đồ gốm màu, một loại thủ công mỹ nghệ đời nhà Đường đã được sáng tạo ra, trong số đó gốm sứ ba màu nhà Đường là kiệt tác nổi tiếng tiêu biểu.
Trải qua những năm tháng phát triển của lịch sử cùng với sự thăng hoa trong nghệ thuật chế tác gốm sứ, kĩ thuật làm men màu, tô vẽ và khắc chế trên các tác phẩm gốm sứ đã có sức hút mãnh liệt tới giới thượng lưu phương Tây. Và từ đó người Trung Quốc bắt đầu xuất khẩu và mang gốm sứ cho thị trường phương Tây, tạo thành cơn sốt mãnh liệt trong việc sưu tầm và sử dụng những sản phẩm này.
Điều đó làm lên thương hiệu của Trung Quốc, và gốm sứ là hình ảnh gắn liền với văn minh thời kì đó.
Giai thoại của gốm sứ qua các triều đại
Sự phát triển của gốm sứ qua các thời kì khác nhau mang hơi thở và nét đặc sắc riêng của từng triều đại. Trải qua sự biến đổi trong tư tưởng là sự thăng hoa nghệ thuật mới, có sức đột phá mới, tạo nên những kiệt tác ngày càng hoàn thiện về chất, tao nhã về hồn, và thi vị về nghệ thuật.
Thủa ban đầu của gốm sứ, cách đây 3 ngàn năm trước người Trung Hoa cổ xưa đã phát hiện ra đất cao lanh và bắt đầu chế tác ra những sản phẩm gốm trắng.
Sau đó họ còn phát hiện ra gốm trắng men cho vào lò nung ở nhiệt độ cao, bằng cách này đã chế tác ra những đồ sứ nguyên thuỷ đầu tiền trên cơ sở gốm trắng những năm cuối thời kỳ Đông Hán (năm 25 – 220 sau công nguyên Chiết Giang- Trung Quốc) đã dùng đất sét chất lượng cao trộn với đá sứ cho vào lò nung để có được những sản phẩm màu xanh nửa trong suốt có độ cứng cao, có thể khắc hoặc vẽ lên các hình trang trí, đã đánh dấu sự ra đời của những sản phẩm sứ đầu tiên trên thế giới.
Thời kì đầu của sản xuất gốm sứ, các nghệ nhân mang trong mình tư tưởng nghệ thuật chủ đạo thể hiện quan niệm về chân mỹ và tư duy văn hóa nên những sản phẩm sứ men xanh ngọc phù hợp với truyền thống “chuộng ngọc” và thể hiện gu thẩm mỹ “tự nhiên thiên thành” (tự nhiên mà thành) của người Trung Quốc.
Từ đó, công nghệ sứ xanh không những được lưu truyền đến tận ngày nay mà còn trở thành dòng nghệ thuật chủ đạo của đồ sứ Trung Quốc với hàng nghìn năm lịch sử.
Đến đời nhà Tống (960 – 1279), tinh thần mỹ học cổ điển Trung Quốc đã phát triển tới cực đỉnh, trình độ chế tác đồ sứ ngày càng được nâng cao, không chỉ dừng lại ở tính thực dụng mà còn hướng tới sự tinh tế trong kiểu dáng, chất liệu, màu sắc và hoa văn, chú trọng hơn đến các chi tiết thẩm mỹ, tính thưởng thức được nâng cao, thể hiện đầy đủ tư tưởng nghệ thuật văn hóa trong cuộc sống thời kì đó.
Thời kỳ Mông Nguyên (1205 – 1368), đồ sứ Thanh Hoa xuất hiện, cũng giống như bối cảnh văn hoá Nguyên Khúc, phong cách nghệ thuật dân dã, nghệ thuật thị dân và nghệ thuật dân tộc tương đối đa nguyên đã thâm nhập vào kỹ thuật chế tác đồ sứ, mặc dù chưa trở thành chính thống nhưng khuynh hướng thẩm mỹ thiên về tính trang trí này (tiêu biểu là dòng sứ màu) đã có sự khác biệt rất lớn so với khuynh hướng mỹ học thiên về tính tự nhiên và hàm súc (tiêu biểu là dòng sứ không màu) của thời trước.
Thời kỳ nhà Minh (1368 – 1644), phong cách nghệ thuật này được tiếp tục duy trì và hoàn thiện, trong bối cảnh lịch sử giao thoa Đông Tây ngày càng lớn, dòng sứ màu với màu sắc tươi tắn, hoa văn trang trí phong phú không những rất được ưa chuộng trong hoàng thất Trung Quốc mà còn được xuất khẩu sang các nước Âu Mỹ.
Tới triều đại nhà Thanh gốm sứ Trung Quốc lại có những bước đột phá mới, đặc biệt vào thời kì trị vì của vua Khang Hy (1622-1722). Người Trung Quốc đã sử dụng thành công loại bột men màu, và điều chỉnh nhiệt độ lò nung cho ra sản phẩm gốm với độ bóng mịn tuyệt đối.
Cũng trong thời Khang Hy, họ đã sáng tạo một số men màu mới đặc biệt trong số đó có dạng màu đỏ, màu tím, màu đỏ san hô, màu đen bóng. Tăng thêm các tông màu trên bảng màu của sản phẩm, người Trung Quốc như làm chủ ngọn lửa và nhiệt độ lò nung, kĩ thuật chế tác men và phối màu khi chế tác đã đạt tới sự phong phú trọn vẹn.
Gốm sứ đời nhà Đường là sự phát triển đỉnh cao của nghệ thuật.
Vào thời nhà Đường, gốm sứ phát triển với tốc độ vượt trội cả về số lượng và chất lượng. Những sản phẩm của họ có hồi hướng từ những bức tranh thủy mặc, tượng nặn.
Các sản phẩm đồ gốm thời kì này mang theo 3 loại màu sắc mà người ta gọi là ‘ tam sắc’ hay ‘tam thái’.
Người ta gọi là “tam sắc” vì ba màu men thường đuợc dùng là vàng, xanh lá cây và trắng mặc dù một số mẫu vật vẫn mang hai màu hoặc bốn màu. Được phát triển dựa trên cơ sở gốm men màu nâu và xanh lá cây ở triều đại Hán, nó đại diện cho một đỉnh cao của việc phát triển nghề gốm tại Trung Hoa và cũng nổi tiếng trên thế giới trong thời đại của nó.
Theo các tư liệu khảo cổ mà người ta khai quật được thì đồ gốm ba màu thời Đường đào thấy được làm là tượng ngựa, lạc đà, tượng nhỏ hình người phụ nữ, vại đầu rồng và tượng nhạc công.
Trong số này, tượng các con lạc đà đã đạt được sự ngưỡng mộ cao nhất, trình bày dưới dạng đang chở hàng hóa tơ lụa hoặc đang mang nhạc công trên lưng như thể tái tạo lại hình ảnh sống động, chân thật của người dân vùng trung Á vào thời đó đang thực hiện vận chuyển hàng hóa dọc theo con đường tơ lụa với tiếng chuông len keng của những con lạc đà.
Gốm tráng men 3 màu được sản xuất trong suốt triều đại nhà Đường (TK VII – VIII) nổi tiếng với sắc màu rực rỡ, được giới quý tộc ưa chuộng sử dụng như đồ trang trí trong nhà, thậm chí còn được dùng để mai táng người chết.
Gốm ba màu thời Đường được phát triển cách đây 1300 năm không chỉ thể hiện được vẻ đẹp dịu dàng và men mịn đầy màu sắc, mà còn thể hiện tính nghệ thuật cao và là báu vật văn hóa Trung Hoa.
Mặc dù gốm ba màu thời Đường rất hưng thịnh nhưng lại có lịch sử tồn tại khá ngắn (thế kỷ thứ VIII) của triều đại, vào thời kỳ ấy các đồ vật thuộc loại này thường được các quý tộc dùng vào việc an táng, do đó những gì tìm thấy ngày nay rất giới hạn về số lượng và được đánh giá là báu vật quý hiếm, được đánh giá cao nhờ vào màu sắc rực rỡ của chúng.
Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, hiện nay nghề gốm sứ của Trung Quốc đang đứng trước nguy cơ mai một, chất lượng gốm cũng đi xuống do sản xuất hàng loạt, sự tinh vi, tinh tế của sản phẩm đã kém đi hấp dẫn, độ bền và sự thanh tao cũng không còn giá trị của nó. Có lẽ đó là lí do mà ngày nay người ta săn lùng những sản vật đồ gốm sứ cổ bất chấp giá trị của nó có thể lên tới triệu đô.
Mời quý độc giả chiêm ngưỡng một số báu vật gốm sứ được trưng bày trong bảo tàng Cố Cung tại Đài Bắc:
Tịnh Tâm – Hà Phương