Ba đời vua lớn nhất của triều đại nhà Thanh là thời kỳ đỉnh cao của sự sáng tạo và sản xuất gốm sứ. Khang Hy, Ung Chính, Càn Long, cả ba vị vua đều cực kỳ quan tâm đến việc nung chế gốm sứ tại Cảnh Đức Trấn. Dưới tài lực phong phú của những vị quân chủ, đặc biệt trong thời Khang Hy, đồ sứ được phát triển thêm nhiều hình dáng sáng tạo mới.

Ở từng đồ dùng như bình, vại, bát, đĩa v.v. đều có những sáng chế mới trong mọi phương diện. Trong thời kỳ này, các lò nung đã thành công trong việc chế đốt ra các sản phẩm mới như bình Bổng Chùy, bình rượu củ cải, bình Quan Âm, bình chuyển tâm, ấm Gia Thúc v.v. khiến diện mạo của đồ sứ được phong phú lên nhiều phần.

Bình Bổng Chùy

Hình dạng của bình Bổng Chùy được sáng chế vào đầu thời kỳ này, nó được đặt tên theo cái chày gỗ dùng để giặt quần áo thời xưa. Bình Bổng Chùy được phân thành loại là bình Bổng Chùy cứng và bình Bổng Chùy mềm.

Bình Bổng Chùy cứng hay còn gọi là bình Bổng Chùy tròn, có miệng dày, cổ ngắn thẳng, phần vai chiết tròn, bụng tròn dạng ống trúc, có chân đáy tròn, phần đáy thường được phân làm hai tầng đài. Bình có thể thiết kế hình dạng lớn nhỏ khác nhau, cao nhất tầm 70cm, thấp nhất chỉ có mười mấy cm. Phần bụng cũng phân cao thấp lớn nhỏ các nhau; nếu tạo hình phần bụng bình to tròn sẽ mang đến cảm giác trang trọng, nếu phần bụng nhỏ nhắn sẽ mang đến cảm giác xinh xắn mỹ lệ.

Khi mới được sáng tạo, bình Bổng Chùy thiên về hình dáng thấp tròn, đến giữa thời kỳ Khang Hy mới có xu thế nhỏ dài. Đến thời Ung Chính thường áp dụng các loại sứ và cách trang trí trên bình Bổng Chùy như sứ Thanh Hoa, sứ Ngũ Thái, sơn kim v.v.

Bình Bổng Chùy mềm có hình dáng cao hơn hẳn bình cứng, phần miệng phóng lớn, vai xuôi thẳng xuống bụng bình, dưới bụng hơi thu vào, chân tròn trịa. Thường gặp ở sứ Thanh Hoa và sứ Ngũ Thái.

Bình Bổng Chùy sứ Thanh Hoa thời Khang Hy (Ảnh: jx.sina)

Bình rượu củ cải

Bình rượu củ cải hay còn được gọi bình cà rốt, là một trong những bình rượu độc đáo đặc biệt thời vua Khang Hy, bình có miệng uốn ra ngoài, cổ dài mảnh, phần dưới cổ tiếp xúc với vai có hoa văn đôi dây leo, vai rộng, bụng dưới thu lại, chân thu xuống giống củ cải. Bình rượu củ cải thường kết hợp trong đồ sứ men đỏ, sứ thiên lam, hay màu men táo xanh. Trong sáng tạo bình củ cải thời Khang Hy, sự kết hợp với men đỏ là đẹp nhất.

Bình rượu củ cải sứ men đỏ thời kỳ Khang Hy (Ảnh: baoyy)

Bình Quan Âm

Bình Quan Âm sứ Thanh Hoa thời Khang Hy với hoa văn tùng trúc mai ngự đề thơ. 

Bình Quan Âm được chế tạo trong lò nung Cảnh Đức Trấn, có miệng hướng ra ngoài, cổ dài, vai rộng, bụng dưới thu vào, uốn đến chân thì cong ra như nét phẩy, tạo hình dựa trên chiếc bình được cầm trong tay Bồ Tát Quan Âm, do đó lấy bên là Quan Âm. Bình Quan Âm thường được dùng với sứ men diêu đỏ, sứ Thanh Hoa và sứ Ngũ Thái.

Bình Quan Âm sứ Thanh Hoa  thời Khang Hy (Ảnh: artfoxlive)

Bình rượu Thái Bạch

Bình rượu Thái Bạch còn được gọi là Thái Bạch Đàn, hay bình Kê Tráo. Đây là một trong những hiện vật tiêu biểu dễ bắt gặp trong hoàng cung thời nhà Thanh, mô phỏng theo vò rượu của tửu tiên Lý Thái Bạch và cũng lấy luôn tên của tửu tiên để đặt. Bình Thái Bạch có hình dạng khá giống lồng gà nên còn được gọi là bình Kê Tráo (kê: gà, tráo: cái lồng). Bình có miệng nhỏ, cổ ngắn, vai xuôi, bụng hình bán cầu, đế phẳng. Trên bụng thường được khắc những hình vẽ như ly long. Mô phỏng của loại bình này trong những đời sau rất khó sánh kịp với hàng thật, văn sức trên bình Thái Bạch thời nhà Thanh cực kỳ mềm mại và tự nhiên

Bình rượu Thái Bạch thời Khang Hy (Ảnh: sohu)

Bình quả táo

Bình quả táo có hình dạng dựa theo quả táo, đây cũng là một sáng tạo độc đáo chưa từng có trong triều đại trước kia. Bình quả táo có miệng lõm, không có cổ, bụng tròn. Bình quả táo được phân làm hai loại là bình cổ rụt và bình không cổ, bình không cổ thường được sử dụng men màu đỏ, bình cổ rụt dùng men sứ  thiên lam hoặc men xanh lục màu táo. Đây cũng là chế phẩm được sản xuất trong lò nung Cảnh Đức Trấn.

Bình quả táo cổ rụt (Ảnh: blog.xuite)

Bình Bách Lộc

Bình Bách Lộc hay còn gọi là bình Lộc Đầu lần đầu tiên xuất hiện trong thời hoàng đế Khang Hy, tới thời Càn Long đế phát triển thịnh hành. Hình dáng của bình Bách Lộc khá giống với bình rượu đầu trâu, miệng chạy theo một đường xuống bụng, thường có hai tai tạo hình thú vật, toàn thân vẽ tranh về hươu nai, vì thế nên lấy tên là Bách Lộc (bách: trăm, lộc: hươu). Thời bấy giờ thường xuất hiện với sứ Phấn Thái, kết hợp với hội họa tranh thanh lục sơn lâm, trăm hươu đang chạy.

Bình Bách Lộc là một trong những đồ trang sức hoa lệ nhất được chế tạo cung ứng cho cung đình thời kỳ đầu vua Càn Long. Hiện nay trên thế giới cũng có thể nhìn thấy sự xuất hiện trong các bảo tàng lớn như Bảo tàng Cố cung Bắc Kinh, Bảo tàng Thượng Hải, Bảo tàng Cảnh Đức Trấn hoặc trong tay những nhà sưu tầm miền tây Nhật Bản. Trong nhiều năm, họ đã cất giữ những đồ sứ hiếm thế quý giá trên khắp Trung Quốc. Số lượng được lưu truyền đến nay lớn như vậy cũng đủ để thấy sự yêu thích của Càn Long với bình Bách Lộc. Ngoài ra cái tên của loại bình này đồng âm với “bách lộc” (nhiều bổng lộc), nên nó còn mang ý nghĩa may mắn, cát tường, được cho là vật tượng trưng cho cấp bậc cùng thân phân của người trong hoàng cung.

Bình Bách Lộc (Ảnh: hk.thevalue)

Bình Mã Đề

Bình Mã Đề có nghĩa là bình vó ngựa, có miệng rộng, vai tròn bụng rộng, đế bằng, có hình dáng giống với vó ngựa.

Bình Mã Đề (Ảnh: htjdhs)

Ấm Gia Thức sứ Tổ Tam Thái thời Khang Hy

Ấm Gia Thức có hình dáng khá kỳ lạ, nó có miệng rất nhỏ, cổ dài cong sang một bên, bụng có hình như quả cà, đáy tròn được tráng men. Theo như những gì chúng ta có thể quan sát, có người cho rằng đây là một dụng cụ chữa bệnh trong hoàng cung, cũng có người cho rằng đơn giản nó chỉ để trang trí nhà cửa.

Ấm Gia Thức sứ Tổ Tam Thái thời Khang Hy (Ảnh: renshoudh)

Bình rễ cây mã thầy

Bình rễ cây mã thầy được lưu truyền phổ biến trong triều đại nhà Thanh, nó được chế tạo đầu tiên trong thời kỳ Khang Hy. Cổ thẳng và dày, hình dáng giống với rễ mã thầy (một loại thuốc đông y). Thường được kết hợp với sứ Thanh Hoa, men vàng hoặc men xanh đậu v.v.

Bình rễ cây mã thầy thời kỳ Ung Chính (Ảnh: dpm)

Bình Tàng Thảo

Bình Tàng Thảo là một hình dáng bình phổ biến tại khu vực Tây Tạng. Các lò nung thời Thanh cho nung chế loại bình này để làm một đồ dùng đặc biệt trên bàn thờ Phật của những tăng nhân Tây Tạng, vì thế đây là một khí vật đặc sắc của người dân Tây Tạng. Thời Càn Long, bình Tàng Thảo có miệng tròn, miệng kéo thẳng xuống cổ, ở giữa cổ có một huyền văn lồi lên, vai rộng, dưới bụng thu vào nhỏ, cột chặt phần bụng đến chân. Loại bình này không phù hợp đề chữ hay thơ, chế phẩm nhiều nhất được sản xuất trong thời kỳ vua Càn Long.

Bình Tàng Thảo (Ảnh: blog.sina)

Ấm Anh Lạc Văn Ba

Ấm Anh Lạc Văn Ba là sáng chế của cung đình được tạo ra vào thời vua Càn Long, có miệng nhỏ, cổ nhỏ, giữa cổ có huyền văn lồi ra, phần giữa bụng nhô ra phần vòi, được trang trí vô cùng tinh tế và đẹp mắt. Ấm Anh Lạc Văn Ba được kết hợp với sứ men đỏ, sứ Kim Thái hoặc những màu men sắc hồng phấn v.v.

Tôn giáo là đề tài được khai thác chủ yếu trên đồ gốm sứ thời nhà Thanh, qua những đồ sứ có thể phản ánh được chính sách tôn giáo thời bấy giờ, nó không chỉ là truyền bá văn hóa nhà Thanh, mà còn có sự trao đổi văn hóa tôn giáo giữa nhà Hán, Mãn hay Tây Tạng. Ấm Anh Lạc Văn Ba được sử dụng trong lễ tế thần ở những ngôi đền thiêng liêng khu vực Tây Tạng, các đồ sứ được nung trong những lò nung hoàng gia cũng là món quà tặng của các vị vua cho những người lãnh đạo tôn giáo vùng Tây Tạng và Thanh Hải.

Ấm Anh Lạc Văn Ba (Ảnh: dmp)

Theo sohu.com