Có một nghịch lý là thiên tài hội họa Michelangelo đã ném hầu hết các bản vẽ của mình vào bếp lửa. Hy vọng rằng đó chỉ là những bản phác thảo thô, hay những suy nghĩ thoáng qua của ông. Với một ít bản vẽ còn lại, những người đương thời với ông đã gọi chúng là “những tiếng vọng của thánh thần”.

Michelangelo được ca ngợi là “Thánh nhân” từ khi mới 31 tuổi…

Đây là những tác phẩm được đánh giá cao, ngay cả trong khi ông còn sống, vì chúng tiết lộ quá trình sáng tạo của một “Il Divino” (Thánh nhân). Là bậc thầy của nghệ thuật thời kỳ Phục hưng, người đã làm nên trang sử của hội họa, kiến trúc của nhân loại, người đã để lại cho đời sau một di sản kiệt xuất…

Michelangelo đã được công chúng ca ngợi là một “Thánh nhân” ngay từ khi 31 tuổi, trong một bài thơ sử thi, và sau đó là trong suốt cuộc đời của ông. Sự công nhận này đã được giữ mãi tới ngày nay, tại một triển lãm chưa từng có của Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan với cái tên: “Michelangelo: Người họa sĩ và nhà thiết kế thần thánh”.

“Thiên tài cao quý của Michelangelo có thể nhắc nhở chúng ta rằng nghệ thuật là vĩnh cửu và bao la hơn bản thân chúng ta. Nó nuôi dưỡng tinh thần nhân loại. Nghệ thuật có thể an ủi con người khi đau buồn và thắp sáng niềm hy vọng cho tương lai”,

Carmen Bambach

Những bản vẽ phác thảo các công trình hội họa và kiến trúc vĩ đại của Michelangelo

Như thể để phù hợp với quá trình sáng tạo khổng lồ của Michelangelo, trong tám năm qua, Bảo tàng nghệ thuật Metropolitan đã tập hợp một triển lãm với số lượng lớn nhất từ trước tới nay của các bản vẽ của bậc thầy này – tổng cộng 128 bản, bao gồm cả các bản vẽ để chuẩn bị làm tác phẩm điêu khắc tượng David khổng lồ bằng đá cẩm thạch, sơ đồ bước đầu của Lăng mộ của Đức Giáo hoàng Julius II, những nghiên cứu ông thực hiện để vẽ trần của Nhà thờ Sistine và một bức tranh chì khổng lồ (bản vẽ tỷ lệ đầy đủ) được tạo ra để chuẩn bị cho bức tranh tường “Cây thập tự của Thánh Peter” ở Cung điện Vatican.

Để thể hiện một bối cảnh rộng lớn hơn, triển lãm này còn trưng bày ba tác phẩm điêu khắc bằng đá cẩm thạch, bức tranh đầu tiên của ông, mô hình kiến ​​trúc cho mái vòm của một nhà thờ, các bài thơ và thư từ của ông, cũng như khoảng 70 tác phẩm của các giáo viên, học sinh, cộng tác viên và nghệ sĩ chịu ảnh hưởng của ông.

Bức “Ba công việc của Hercules,” 1530-1533, Tác giả Michelangelo Buonarroti (1475-1564). Chất liệu: Vẽ, phấn đỏ. 10 11/16 inch x 16 inch 5/8 inch. (Bộ sưu tập Hoàng gia / Nữ hoàng Elizabeth II, 2017, www.royalcollection.org.uk)
Bẩn thiết kế cho Lăng mộ của Đức giáo hoàng Julius II della Rovere, 1505-1506, Tác giả Michelangelo Buonarroti (1475-1564). Chất liệu: Bút và mực màu nâu, chải và vẽ lót màu nâu, kẻ bằng bút trâm và đầu chì nhọn. 20-1 / 16 inch 12-9 / 16 inch. Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan, Quỹ Rogers, 1962. (Bản quyền: Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan)

Có thể thấy mạch nối các chủ đề nghệ thuật của Michelangelo được làm theo một cách chưa từng có trước đây.

Các tác phẩm hiếm khi trưng bày này, được mượn từ khoảng 50 bộ sưu tập hàng đầu từ 35 thành phố ở Châu Âu và Hoa Kỳ. Nếu không có triển lãm này thì sẽ mất tới 20 năm để một học giả có thể tiếp cận được tất cả các tác phẩm này, chưa nói chi đến việc có thể xem tất cả tác phẩm tại cùng một nơi.

Trí tưởng tượng vô biên của Michelangelo

Trí tưởng tượng vô biên của Michelangelo, sức mạnh tính cách và đạo đức của ông được trưng bày cho tất cả mọi người chiêm ngưỡng trong triển lãm hoành tráng kéo dài ba tháng này, tới tận ngày 12 tháng 2 năm 2018 tại Bảo tàng nghệ thuật Metropolitan ở New York.

Đó là một sự cống hiến đầy hào phóng của nhà triển lãm, xét tới độ mong manh của các bản vẽ và sự chăm chút tối cẩn thận cần phải thực hiện, để bảo tồn chúng bằng cách hạn chế cho các tác phẩm này tiếp xúc với ánh sáng.

Danh mục của triển lãm này vẫn sẽ mãi là một kỉ lục vĩnh viễn.

Vì sao người đời gọi Michelangelo là “khủng khiếp”?

Nhưng chỉ khi được tận mắt nhìn thấy những tác phẩm này, người xem mới có thể đánh giá hết chất “terribilità” của Michelangelo, nghĩa là sự ‘cái đẹp làm người ta khủng khiếp’, danh hiệu mà ông được người đời đặt cho.

Người xem có thể nhận được cảm giác xúc giác về cách ông đã cào vào giấy, với những đường viền đậm do ấn mạnh. Họ còn có thể nhận thấy cách làm khác thường của ông với các tác phẩm, để biến các vật thể bất động này thành ra sinh động và có sức sống vĩnh cửu.

Các nghiên cứu cho bức Libyan Sibyl, khoảng năm 1510-1511, bởi Michelangelo Buonarroti (1475-1564). Chất liệu: Phấn đỏ, với dấu phấn trắng nhỏ trên vai trái của hình vẽ, tờ. 11 3/8 inch x 8 7/16 inch. Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan, mua lại, Joseph Pulitzer thừa kế. (Bảo tàng nghệ thuật Metropolitan)

Bambach nói: “Khi nhìn thấy bản gốc, chúng tôi thực sự cảm giác được bàn tay của nghệ sĩ, suy nghĩ của nghệ sĩ thể hiện trên mặt giấy. Khi tới gần hơn, chúng tôi có thể thấy sức mạnh sáng tạo vô cùng phóng khoáng của Michelangelo, như thể bàn tay của ông không thể theo kịp được niềm đam mê của ông trong việc biến thứ vô hình thành hữu hình”. “Nó gần giống như một sự bùng nổ các ý tưởng và hình ảnh đẹp đẽ lên trên mặt giấy.”

Mặc dù đã có nhiều tài liệu nói về Michelangelo, bao gồm 5 tiểu sử được viết trong khi ông còn sống và ngay sau khi ông mất, triển lãm này vẫn giúp mở rộng thêm sự hiểu biết của chúng ta về ông.

Ngôn ngữ nghệ thuật của Michelangelo

Khi Michelangelo vẽ cho bản thân mình, ông đã vẽ các bản thảo rất nhanh, trực quan, và tự phát. Khi ông giao tiếp với các nghệ sỹ khác, các trợ lý, hoặc các công nhân trong các mỏ đá, ông đã vẽ ra các bản vẽ chi tiết, trong một phong cách họa khô khan, trong đó bàn tay tài hoa của ông không thể hiện ra rõ ràng vì đó chỉ là để giao tiếp thông tin.

Các nghiên cứu về giải phẫu của ông tuyệt đẹp khi hoàn thành, thể hiện các bóng mờ ngang dọc cũng giống với cách ông chạm khắc các bức tượng của mình, Bambach giải thích.

Bức tranh chì của Michelangelo, “Cây thập tự của Thánh Peter” tại Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan ở New York vào ngày 6 tháng 11 năm 2017. (Ảnh: Benjamin Chasteen / báo The Epoch Times)

Đối với Michelangelo, bản vẽ của ông chính là một loại ngôn ngữ. Người nghệ sĩ tự coi mình là một nhà điêu khắc đá cẩm thạch, nhưng ông cũng chính là một hoạ sĩ, một kiến ​​trúc sư, và một nhà thơ. Nền tảng ban đầu cho bất cứ tác phẩm nào của ông, dù là để làm tượng hay trưng bày, đều bắt đầu bằng các bản vẽ. Ông hiếm khi thuyết minh quá trình sáng tạo của mình bằng văn bản.

“Đây là con người mà khi ông ấy nói, thì nói bằng thơ là tốt nhất.” Bambach.

Một trong những bài thơ sonê nổi tiếng nhất của ông, có lẽ là dành cho bà Colonna, là đặc trưng nhất cho lý thuyết nghệ thuật theo triết học Neoplatonic của ông. Khổ thơ đầu tiên đã viết (tạm dịch):

Nghệ sĩ giỏi nhất cũng chẳng hay
Có gì trong khối đá đơn này
Điều gì vượt lên thân phận đá?
Bàn tay trí huệ mới tạo dày
“.

Chân dung của Andrea Quaratesi, 1532, Tác giả: Michelangelo Buonarroti (1475-1564). Chất liệu: Vẽ, phấn đen. 16 3/16 inches x 11 ½ inch. (Bảo tàng Anh, Luân Đôn)

Sự kết nối giữa trái tim, tâm trí, và bàn tay của ông chắc chắn đã được ngưng tụ thành tác phẩm nghệ thuật.

Michelangelo đã đánh giá ‘disegno (ký họa)’ như là một cách vẽ có sự tập trung đầy đủ nhất để đạt được sự kết nối thần bí với Thiên Chúa và do đó truyền nó vào nghệ thuật của mình. Không có gì ngạc nhiên khi những người đương thời tôn kính tác phẩm của ông, và gọi đó là “tiếng vọng của thần thánh” và hiểu rằng Thiên Chúa đã ủy thác công trình của họ  riêng cho “đôi tay ông”.

Bản vẽ có tiêu đề “Giấc mơ”

Một số bức vẽ hiếm hoi nhất được trưng bày bao gồm những món quà mà Michelangelo tặng cho những người bạn lớn nhất của mình, như bốn bức vẽ còn sót lại mà ông tặng cho Tommaso de Cavalieri (được mượn từ Bộ sưu tập Hoàng gia của Nữ hoàng Elizabeth II).

Bản vẽ, có tiêu đề “Giấc mơ”, mô tả một thiên thần bay lượn, đang chơi một cây kèn trỏ trực tiếp vào điểm giữa hai mắt của một người đàn ông trẻ (là vị trí của con mắt thứ ba, còn gọi là thiên mục). 

Người đàn ông ngồi trên một chiếc hộp đựng mặt nạ sân khấu và tựa vào một quả cầu, truyền đạt ý tưởng về thế giới trần thế chỉ giống như một sân khấu. Thiên thần đánh thức người đàn ông trong “giấc mơ”, đưa vào đôi mắt ấy những hình ảnh thiên đường để ông vẽ lại, có lẽ phản ánh chính giấc mơ của Michelangelo, người họa sĩ thường được các Thiên Thần đánh thức để giao phó sứ mệnh vào đôi bàn tay ông. 

Bức “Il Sogno (Giấc mơ)”, khoảng năm 1530. Tác giả: Michelangelo Buonarroti (Ý, Caprese 1475-1564 Rome). Chất liệu: Vẽ, phấn đen, tờ. 15 5/16 inch x 10 15/16 inch. (London, Courtauld Gallery, di vật của Hoàng tử Gate)

Bambach nói: “Có một cái gì đó tuyệt vời khi quan sát những bức vẽ; đó là sự hoàn hảo tối đa của các ký họa của Michelangelo. Về cơ bản, chúng chính là những châu báu trong sự nghiệp vẽ thiết kế của ông”

Những bài thơ ông trao đổi với Colonna và bản vẽ Pieta mà ông tặng cho bà, mượn từ Bảo tàng Isabella Stewart Gardner, chứng thực “niềm tin cực kỳ sâu sắc của họ vào Thiên Chúa và sự xả bỏ lợi lộc“, Bambach nói.

Bản vẽ chì chưa hoàn chỉnh dành cho Madonna và người con, 1525-1530, Tác giả Michelangelo Buonarroti (Ý, Caprese 1475-1564 Rome). Chất liệu: Vẽ, màu đen và đỏ phấn, bột màu trắng, bàn chải và lót màu nâu. 21 5/16 inch x 15 9/16 inch. (Casa Buonarroti, Florence)

Michelangelo đã viết một bài sonê cho bà Colonna, ám chỉ đến sự bất tử của nghệ thuật (tạm dịch là):

Nàng ơi có thể vậy sao.
Ngàn năm hình ảnh khắc vào đá kia
Sống dài, mãi chẳng chia lìa
Không như thân người họa sĩ cuốn bia tro tàn?”

Michelangelo Buonarroti (1475-1564) sống được gần 89 năm. Tuổi thọ của ông là phi thường đối với người cùng thời. Triển lãm của người họa sĩ  thiết kế tài ba thần thánh của The Met đã kéo dài sự bất tử của Michelangelo; hơn nữa. Bambach nói: “Nó có thể là một lời nhắc nhở rằng 500 năm ‘chỉ là một khoảnh khắc’ khi chúng ta nhìn vào những bức tranh, tác phẩm điêu khắc và tranh vẽ của người họa sĩ có sức sáng tạo mãnh liệt này.’

Daniel H. Weiss, chủ tịch và giám đốc điều hành của The Met, đưa ra những nhận xét giới thiệu trong buổi họp báo trước triển lãm “Michelangelo: Nhà họa sĩ thiết kế thần thánh” tại Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan ở New York vào ngày 6 tháng 11 năm 2017. (Ảnh: Benjamin Chasteen / Báo ‘The Epoch Times’)

Theo Đại Kỷ Nguyên tiếng Anh