New York City là một thành phố nhộn nhịp và hối hả – tiếng còi xe, tiếng ồn ào đặc trưng của một vùng đô thị. Nhưng bên trong một căn hộ, lại có một không gian dịu nhẹ tương phản hẳn với bên ngoài – trong tiếng cổ nhạc nhẹ nhàng, ngồi xếp bằng đả tọa, trong hình dáng một đóa hoa sen yên tĩnh như mặt nước hồ phẳng lặng, đó là nữ họa sĩ Trần Tiếu Bình, nhân vật chính của chúng ta.
Tiếu Bình nói, “Là nghệ sĩ, chúng ta chỉ có thể nâng cao cảnh giới tư tưởng của mình nhờ thái độ khiêm nhường hơn đối với thần thánh – đó cũng là cách duy nhất để miêu tả những hình ảnh thần thánh“.
Nữ họa sĩ theo trường phái cổ điển Trung Quốc sau này đã chấp nhận sử dụng các kĩ thuật hội họa phương Tây và mê hoặc thế giới bằng những bức tranh sơn dầu đầy kịch tính của mình.
Sự theo đuổi chân thành của Tiếu Bình đã thu hút được sự ca ngợi cô trên toàn thế giới: năm 1998, thống đốc của Quần đảo Bắc Mariana đã trao cho cô danh hiệu “Nghệ sĩ nổi bật”; trong năm 2009 và năm 2011, cô đã giành được huy chương vàng tại cuộc thi vẽ tranh minh họa quốc tế lần thứ 2 và thứ 3 do đài truyền hình NTD Hoa Kỳ tổ chức.
Nhưng sự hoan nghênh của công chúng không bao giờ là mục đích của cô; vì Tiếu Bình tin rằng các nghệ sĩ có trách nhiệm phục vụ xã hội, một vai trò đòi hỏi sự cống hiến không chỉ là kĩ năng kĩ thuật.
Nghệ thuật khởi nguồn từ nội tâm
Khi còn ở Trung Quốc, ở tuổi lên 6, Tiếu Bình đã mải mê ngồi vẽ trong khi “những đứa trẻ cùng trang lứa khác đang vui chơi bên ngoài,” cô nói và cười. Cha cô, là một giáo viên, đã nhận ra tình yêu của con gái mình với hội họa nên đã gửi cô đến một giáo viên nghệ thuật, người mà đã phát hiện ra tài năng bẩm sinh của bé Tiếu Bình, một tài năng đáng ngạc nhiên mà không thành viên nào khác trong gia đình cô bé có được.
Bước đi đầu tiên trong việc học vẽ cổ điển Trung Quốc là nghiên cứu về thư pháp, một môn nghệ thuật bắt nguồn từ cảm xúc bên trong – đó cũng là tinh túy của nghệ thuật cổ truyền Trung Quốc.
“Tôi có cảm giác rằng các nghệ sĩ khi càng thành công, thì các phẩm chất đạo đức của họ càng trở nên cao thượng hơn“, Tiếu Bình nói.
Vị thầy thư pháp nổi tiếng của cô cũng là người thuộc loại này, qua lời tả của cô:
“Mặc dù tôi vẫn còn rất trẻ, nhưng tôi có thể cảm thấy ông ấy rất khác biệt. Ở ông, có một khí chất cao thượng và tĩnh lặng, ít quan tâm đến các vấn đề về danh lợi.“
Thư pháp của ông làm Tiếu Bình nhớ về các học giả Trung Quốc thời cổ đại, những người sở hữu một “nội hàm tĩnh lặng, không thể bị bắt chước”. Nội hàm là một khái niệm được sử dụng phổ biến trong tất cả các bộ môn nghệ thuật Trung Quốc, từ vẽ tranh tới vũ đạo và võ thuật, nhấn mạnh rằng tinh thần bên trong mới là xuất phát điểm của nghệ thuật.
Từ trái tim và tư chất bên trong của người nghệ sĩ, dòng chảy của sự sáng tạo bắt đầu tuôn trào, thành những đường nét thư pháp hoặc uốn lượn. Đó là loại chất lượng không thể bị giả mạo, vì nghệ thuật khi đó đã trở thành một phần mở rộng hoặc phản chiếu bản chất bên trong của người nghệ sĩ.
Khi Tiếu Bình 15 tuổi, cô đã phát triển được một kĩ năng chắc chắn về nghệ thuật thư pháp và vẽ tranh, bắt tay vào một môi trường sâu lắng của việc vẽ tranh phong cảnh, một cuộc hành trình cho phép cô khám phá sự hài hòa mang tính biểu tượng của trời và đất, cũng như hành trình của con người nhằm tìm kiếm sự bất tử.
Nhưng chỉ đến khi gia đình cô quyết định rời khỏi Trung Quốc, cô mới khám phá được tiếng gọi thật sự của cuộc đời cô, mở ra cho cô một tiềm năng thậm chí còn lớn hơn.
Ngôi nhà thật sự ở đâu?
Năm 1992, sau khi tốt nghiệp trung học, Tiếu Bình cùng bố mẹ di cư đến Saipan ở Bắc Thái Bình Dương, ở đó cô vào học Đại học miền bắc Marianas, tiếp tục các nghiên cứu nghệ thuật đầy ấn tượng của cô. “Khi tôi xin học tại trường đại học đó, những người phỏng vấn đã xem hồ sơ của tôi, trong đó có các bức tranh mà tôi đã vẽ, bèn nghĩ rằng tôi muốn xin vào làm giảng dạy ở trường“, Tiếu Bình nói, mỉm cười.
Khi Tiếu Bình bận rộn tới lui, chuẩn bị cho các cuộc triển lãm nghệ thuật, cô đã đi ngang qua các nhóm gồm nhiều người Trung Quốc đang tập các bài tập thiền định nhẹ nhàng bên bờ biển.
Một hôm, bố cô đã dừng lại và nói chuyện với những người đang tập, và được họ tặng một cuốn Chuyển Pháp Luân, cuốn sách chính và chỉ đạo của một hệ thống tu luyện cổ truyền, có tên là Pháp Luân Đại Pháp.
Cuốn Chuyển Pháp Luân đã giải đáp nhiều ẩn đố về ý nghĩa của vũ trụ, thần Phật và kiếp nhân sinh, và cha cô tin rằng đó là một quyển sách thần thánh, truyền cảm hứng cho ông để bắt đầu tu luyện với nhóm học viên này. Ngay sau đó, em trai của Tiếu Bình cũng tham gia, nên đã gây tò mò cho Tiếu Bình khiến cô tự tìm đọc cuốn sách đó. “Tôi nghĩ đó đúng là một cuốn sách tuyệt vời, dạy mọi người cách làm người tốt. Tôi nghĩ mọi người đều nên đọc.“, Tiếu Bình nói.
Pháp Luân Đại Pháp là một hệ thống tu luyện thân thể và tinh thần thực thụ, đã hấp dẫn Tiếu Bình, vì bộ Pháp này không chỉ dạy các bài công pháp làm cho thân thể cảm thấy thăng hoa và nhẹ nhàng, mà còn nhấn mạnh đến việc cải thiện nhân cách bằng cách yêu cầu người tập đồng hóa với các đặc tính đạo đức phổ quát: Chân – Thiện – Nhẫn.
Một trong những nguyên tắc chủ đạo của công pháp này là luôn suy nghĩ cho người khác trước khi định làm gì, nhắc nhở Tiếu Bình về vai trò của một nghệ sĩ như cô trong việc khiến cho xã hội tốt đẹp hơn. Say mê luyện tập các bài công pháp và cảm nhận sự yên bình mà nó mang lại, cô bắt đầu truyền tải những trải nghiệm của mình trên mặt vải.
“Trong sự hòa hợp” – là bức tranh sơn dầu đầu tiên của Tiếu Bình – minh họa chính cô đang ngồi thiền định trên một mỏm đá, giống như ở Saipan nơi cô ở, bao quanh bởi làn nước trong và bầu trời xanh, phản ánh trạng thái yên bình và kết nối với cõi thiên. Những thiên sứ đang chơi đùa trong một trường năng lượng phóng ra từ đỉnh đầu cô, kết nối trí tuệ của cô với vũ trụ vô biên.
Nghệ thuật đỉnh cao
Năm 2001, Tiếu Bình muốn tiếp tục sự nghiệp nghệ thuật của mình ở phương Tây, vì vậy cô đã tới Vancouver. Nhưng cô đã thất vọng, khi các trường nghệ thuật ở đó chỉ tập trung vào nghệ thuật đương đại. Tiếu Bình nói: “Có lẽ có một số người nghĩ rằng nghệ thuật cổ điển đã xa rời cuộc sống thực tại hôm nay. Nhưng bản thân tôi thích học nghệ thuật chính thống và tả thực hơn; mà nó chỉ có ở hội họa phái cổ điển.”
Nghệ thuật vẽ tranh truyền thống đòi hỏi sự dày công học tập hơn, để nắm được hiểu biết sâu sắc về các nguyên tắc hội họa cơ bản, nhưng Tiếu Bình lại cho rằng thử thách đó đáng để vượt qua.
“Khía cạnh quan trọng nhất của một bức tranh chính thống là khái niệm mà nó muốn biểu hiện – cũng chính là những giá trị đạo đức được thể hiện trong tác phẩm và nội hàm mà nghệ sĩ muốn truyền tải cho người xem“, cô nói.
“Sau đó, nghệ sĩ mới tập trung vào các kĩ năng vẽ, như tỉ lệ, hình dạng, phối cảnh, sáng tối và màu sắc. Đối với phần kĩ năng, thì một sinh viên có thể đạt tới một trình độ thuần thục nhất định, thông qua một khóa luyện tập và đào tạo. Nhưng đối với phần nội hàm, thì sự thành công của tác phẩm lại phụ thuộc vào sự tu dưỡng nhân cách của tác giả; và đó phải là một quá trình tích lũy lâu dài”.
Các tác phẩm từ thời Phục Hưng, như những bức tranh trần Nhà thờ Sistine, minh hoạ sự kết nối cao siêu của nghệ thuật với thần thánh. Trong nghệ thuật cổ điển, các nét vẽ của họa sĩ dường như biến mất để người xem không chú ý đến kĩ năng cá nhân của họa sĩ, mà đến sự cao quý và vẻ đẹp của thiên đường, một vẻ đẹp trong suốt, vượt ra ngoài thế giới thực của con người.
Cô đã nhìn thấy mối quan hệ giữa nghệ thuật truyền thống, nghệ sĩ và xã hội là sự liên kết và cộng sinh. “Những tác phẩm cổ điển thường truyền tải năng lượng tích cực và ích lợi, rất tốt cho cơ thể và tâm hồn con người, với sức mạnh từ sự hiến dâng và ca ngợi các vị Thần.“
Cảnh giới nhận thức của cả nghệ sĩ và người xem đều được đề cao khi họ mô tả hoặc ngưỡng mộ cảnh thiên đường và các chúng sinh trên thiên giới.
Nghệ thuật siêu việt
Từ tháng 7 năm 1999, chính quyền Trung Quốc bắt đầu chiến dịch đàn áp tàn bạo các học viên Pháp Luân Đại Pháp – là cú đánh tổng lực nhắm vào hơn 70 triệu người dân thiện lương vô tội – là cuộc khủng bố nhân dân do nhà nước tiến hành với quy mô lớn nhất trong lịch sử hiện đại.
Đứng trước biến cố trọng đại này, sau khi tham gia các hoạt động ở New York nhằm nâng cao nhận thức về vấn nạn diệt chủng khủng khiếp đang diễn ra, Tiếu Bình đã đột nhiên thức tỉnh để chuyển hướng con đường nghệ thuật của cô theo một tiếng gọi mới, sang một trang mới.
Cô bắt đầu vẽ cảnh các học viên Pháp Luân Đại Pháp bị bức hại vì không chịu từ bỏ niềm tin của họ; cô thường mô tả sự tương phản giữa bản chất nội tâm nhân từ thuần thiện của học viên với môi trường đàn áp khắc nghiệt bên ngoài.
Bức tranh “Sốc” của cô đã miêu tả một nữ học viên Pháp Luân Đại Pháp đang điềm tĩnh phi thăng (bay lên trong khi ngồi thiền) trong một căn phòng của nhà tù, phát ra hào quang mạnh mẽ của sự từ bi, làm cho những tên cai ngục tà ác phải khiếp đảm mà cúi rạp xuống.
Tiếu Bình nói: “Bức tranh này thể hiện học viên Pháp Luân Đại Pháp không có bất kỳ sự hận thù hay tức giận nào cả, và cũng không hề tỏ ra đau đớn hay quằn quại khi phải chịu đựng tra tấn khủng khiếp như thế. Đó là một trạng thái siêu việt chỉ có ở người tu luyện, là triển hiện của thần tích ở cõi người”.
Vượt lên trên tấn thảm kịch của cuộc bức hại ở Trung Quốc, Tiếu Bình còn chiêm nghiệm một bức tranh đạo đức cao lớn hơn, nơi cô ấy khiêm tốn thừa nhận vai trò nhỏ bé của mình: “Sau nhiều nghiên cứu kĩ lưỡng vẻ đẹp của thiên nhiên và cơ thể con người, giờ đây tôi dễ dàng nhận ra rằng nhân loại không thể là chủ thể kiểm soát thế giới“, Tiếu Bình nói. “Phải có những sinh mệnh cao cấp hơn sáng tạo ra thế giới tươi đẹp và hưng thịnh này, nhờ một trí tuệ cao cấp hơn trí tuệ của nhân loại.” Cô mỉm cười kết luận. “Các nghệ sĩ như tôi chỉ là những sứ giả của thượng đế trong thế giới con người mà thôi.”
Theo Taste of Life
Hạo Nhiên