“Cùng em gánh nước cầu ao, 

Để câu lục bát rơi vào mắt nhau.”

Bắt gặp hai câu thơ trong bài “Lục bát đêm trăng” trích trong tập thơ Hương Mộc lan (NXB HNV – 2014), tôi cảm thấy chạnh lòng, bâng khuâng chợt nhớ về hình ảnh những cái ao làng của quê hương.

Làng tôi là vùng đất bãi bồi ven sông gần 300 năm trước còn nằm bên bờ tả ngạn của sông Hồng. Do thiên nhiên biến đổi con nước từ ngã ba Tuần Vường chảy xói vào làng gây ra sụt lở, dân làng tôi phải di cư sang bờ sông bên này lập nghiệp. Vùng đất mới quanh năm sình lầy, ngập nước nên ông cha tôi từ đời này qua đời khác đào ao vượt thổ, lập ấp, lập làng. Do vậy những cái ao làng cứ nối nhau liên tiếp ra đời, long lanh soi bóng thời gian, chứng nhân bao cảnh đổi thay thăng trầm của lịch sử.

Ao làng như bầu sữa nguyên sơ ngọt lành của quê hương tắm táp cho tuổi thơ của chúng tôi, nuôi dưỡng chúng tôi khôn lớn trưởng thành. Mỗi khi xa quê trong lòng lại trào lên một cảm giác nhớ nhung da diết khi nghĩ về những cái ao làng. Chỉ muốn ào về lặn ngụp, bơi lội vẫy vùng trong làn nước trong vắt, ngọt ngào cho tan hết những lo toan, vất vả trong dòng chảy mưu sinh của cuộc sống bộn bề chật chội này.

Về mùa Xuân, ao làng chìm êm đềm trong mưa bụi mênh mang, mong manh những cánh hoa xoan tim tím đa đoan buông nhẹ xuống làn nước biếc. Về mùa Hè lại rực rỡ long lanh thắm tươi sắc hoa súng tím, súng hồng, chấp chới những cánh chuồn chuồn ớt đỏ chót, chuồn chuồn kim mảnh dẻ dịu dàng, chuồn chuồn ngô mắt lồi xanh ngọc cắn rốn không sót đứa trẻ quê nào. Lũ gọng vó suốt ngày mê mải đuổi nhau như bay trên mặt nước. Cá chuối, cá trôi, cá trắm từng đàn nối đuôi nhau lượn lờ, thung thăng bơi lội, nhởn nhơ đớp bọ gậy, rong rêu. Rồi những trận mưa rào mùa hạ mặt ao sôi lên những bong bóng nước, xô những cánh lục bình tím ngắt trôi dạt lang bang. Dường như ao làng đẹp nhất khi Thu tới, sóng ao gợn lăn tăn dưới ngọn gió heo may se sắt gợi lên một cảm giác man mác, mơ màng.

Trong nắng vàng dịu nhẹ, ao làng như những chiếc gương lấp lánh phản chiếu bầu trời xanh thẳm, những làn mây trắng xốp bồng bềnh trôi nhẹ giữa không gian. Xung quanh bờ ao ổi chín vàng ươm, thơm lựng chao chát tiếng chim kêu, roi đung đưa những chùm quả trắng hồng lúc lỉu nghiêng mình soi bóng. Mùa Đông tới, ao trầm mặc lặng lẽ suy tư một nỗi niềm. Tôi nhớ nhất là hình ảnh chú chim bói cá có bộ cánh bảnh bao xanh biếc, đậu mấy tiếng đồng hồ trên cọc cầu ao trầm ngâm như một đạo sĩ và rồi bất chợt lao như tia chớp vào làn nước trong xanh cắp lên chú cá cờ lấp lánh vẩy bạc, vẩy hồng đang giãy đành đạch.

image004
Các cô thôn nữ quê tôi được tắm nước ngọt lắng phù sa sông Hồng nên ai cũng trắng hồng, khỏe mạnh, tóc dài, môi thắm, đêm đêm tranh thủ gánh nước tưới rau, hò hẹn tâm tình với người thương yêu (Ảnh: Internet)

Với dân nghèo quê tôi, ao làng là nguồn sống vô tận về tinh thần và vật chất không bao giờ cạn. Hết đời này qua đời khác người dân quê ăn uống, giặt giũ, tắm rửa, hò hát, tâm tình từ sáng tới đêm khuya. Tôm cá, lươn cua, ốc ếch vô tư sinh sôi nảy nở dồi dào, bốn mùa cung cấp thức ăn cho người đất bãi. Tuổi nhỏ tôi thường tấp tểnh theo anh trai đi cất vó tôm, hồi hộp khi nâng cần vó lên nghe tôm nhảy xao xao trong lòng lưới, thò tay vào bắt tôm bị cua cắp cho đau điếng vẫn sung sướng cười giòn. Lớn lên một chút đi học xa, mỗi khi về nhà lại chạy vội ra ao ngồi bệt xuống bậc thò chân khỏa nước, thích thú cảm nhận cái cảm giác mát lạnh ngọt ngào thấm dần vào cơ thể. Rồi đợi những vòng sóng lặng dần, lặng lẽ ngắm bóng mình trong làn nước biếc, ngỡ ngàng mỉm cười, trong lòng chợt dâng lên một nỗi bâng khuâng khôn tả và cảm thấy… sao yêu đời tha thiết.

Hết đời này qua đời khác người dân quê ăn uống, giặt giũ, tắm rửa, hò hát, tâm tình từ sáng tới đêm khuya.
Hết đời này qua đời khác người dân quê ăn uống, giặt giũ, tắm rửa, hò hát, tâm tình từ sáng tới đêm khuya. (Ảnh: Internet)

Ban ngày ao làng rực rỡ long lanh, sôi động bao nhiêu thì khi đêm đến lại mơ màng, lung linh huyền diệu, êm đềm bấy nhiêu. Các cô thôn nữ quê tôi được tắm nước ngọt lắng phù sa sông Hồng nên ai cũng trắng hồng, khỏe mạnh, tóc dài, môi thắm, đêm đêm tranh thủ gánh nước tưới rau, hò hẹn tâm tình với người thương yêu. Bên cầu ao sóng sánh ánh trăng vàng, sóng sánh những thùng nước nặng trĩu, sóng sánh những bước chân, những tiếng cười khúc khích và ngát thơm hương tóc gội bồ kết lá chanh. Vồng rau sau một ngày khát nước được tưới tắm xanh nõn, mơn mởn dưới ánh trăng chan chứa, ngọt lành. Quê hương thật đẹp, đẹp bởi tình đất nồng hậu thủy chung, đẹp bởi tình người yêu thương son sắt và cũng đẹp bởi những ánh mắt lung liêng, những nụ cười rạng rỡ, những lời hát ngọt ngào của những người thôn nữ, tiếng sáo réo rắt của cánh trai quê bên cầu ao trong những đêm trăng sáng.

Quê hương thật đẹp, đẹp bởi tình đất nồng hậu thủy chung, đẹp bởi tình người yêu thương son sắt (Ảnh: internet)

Những năm gần đây do cơ chế thị trường mở cửa, cây cảnh, cây hương dược liệu lên ngôi, dân quê tôi thi nhau san lấp ao để lấy diện tích đất sản xuất, trồng trọt. Chăn nuôi phát triển, chất thải xả bừa bãi xuống hệ thống thủy lợi và xuống ao. Ao làng dần mai một, những chiếc gương phản chiếu thời gian, soi gương mặt của cuộc sống dân làng đang đi vào dĩ vãng. Quan niệm về phong thủy cũng đang bị cố tình quên đi nhường chỗ cho sự nỗ lực phát triển kinh tế của gia đình và xã hội.

Những món ăn dân dã của ông cha ngày xưa như ốc ếch, ba ba… giờ trở thành đặc sản vì chúng khó sống được trong môi trường nước bị ô nhiễm, tù đọng. Có gia đình cố gắng níu giữ lại hình ảnh của quê hương, níu giữ lại những cái ao đã từng đọng lại mồ hôi công sức của ông cha một thuở, xây bê tông bó kè phòng sạt lở bờ ao. Tôi thầm cảm ơn họ nhưng vẫn không khỏi tiếc nuối khi nhớ về những bờ tre xanh mướt nghiêng mình soi bóng chải tóc, những rặng dành dành nở hoa trắng muốt chấp chới cánh bướm lượn bay, tiếng chim ríu rít trong vòm ổi thơm lừng đánh rơi tiếng hót xuống mặt nước trong vắt, tiếng cá quẫy lao xao, tiếng múc nước thì thùm và…thèm nhớ mùi hương bồ kết lá chanh thơm ngát cầu ao trong những đêm trăng sáng.

Rồi đây khi xa quê mỗi khi nhớ về nguồn cội, hình ảnh những cái ao làng có còn hiện hữu trong tâm thức của chúng ta? Cái cảm giác khát khao muốn ào về lặn ngụp trong làn nước mát dường như đang tan dần vào dòng chảy cuộc đời mê mải bận rộn kia. Ao làng có còn là nơi neo đậu tâm hồn của mỗi con người, có còn soi được bóng trời thẳm xanh.

Hằng Nguyễn