Năm 2011, bản Thánh ca này được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Năm 2013, tạp chí Time sau một cuộc khảo sát đã tuyên bố đây là ca khúc Giáng sinh được yêu thích nhất trên thế giới với 733 lần được thu âm, tính riêng từ 1978 đến thời điểm đó.

Giáng Sinh ngày nay đã là ngày lễ không chỉ của riêng người Công Giáo mà là của cả nhân loại. Điều gì làm nên một đêm Giáng Sinh đầy ý nghĩa? Chúng ta nghĩ tới Ông già Tuyết, quà Giáng Sinh, ánh sáng lung linh, đêm đông lạnh, tuyết trắng, món ngỗng quay, cây thông Noel, không khí ấm cúng trong các gia đình Ki Tô hữu hay hình ảnh náo nức ngoài phố của người ngoại đạo, v.v. nhưng nhất thiết không thể thiếu nhà Thờ Công Giáo và các bản Thánh Ca.

Có một bản Thánh ca đặc biệt năm nay tròn 200 tuổi đã thể hiện sức sống trường tồn của nó bất chấp thời gian và những đổi thay của loài người. Bản Thánh ca này có lời ca được dịch ra ít nhất 140 thứ tiếng, chưa kể các loại thổ ngữ khác. Nó được thể hiện bởi vô số các giọng ca lẫy lừng, các dàn đồng ca danh tiếng trên thế giới. Không chỉ trong hoàn cảnh thanh bình, nó còn được hát ở hai bờ chiến tuyến và là lý do ngừng bắn của binh sĩ hai bên Anh – Đức trong thế chiến 2. Năm 2011, bản Thánh ca này được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Năm 2013, tạp chí Time sau một cuộc khảo sát đã tuyên bố đây là ca khúc Giáng sinh được yêu thích nhất trên thế giới với 733 lần được thu âm, tính riêng từ 1978 đến thời điểm đó. 

Qua 200 năm, bản Thánh ca Silent Night đã thể hiện sức sống trường tồn của nó bất chấp thời gian và những đổi thay của loài người. (Ảnh từ youtube)

Chúng ta đang nói đến bản Silent Night huyền thoại.

Hoàn cảnh ra đời của bài hát

Ngày 24/12/1818, tại làng Oberndorf gần Salzburg nước Áo, có một vị cố đạo trẻ 25 tuổi tên là Joseph Mohr đang loay hoay chuẩn bị cho phần âm nhạc của buổi đêm Giáng Sinh. Ông phát hiện cây đàn Organ trong nhà thờ bị chuột gặm hỏng, do vậy dàn đồng ca sẽ không thể trình diễn được như thường lệ. Trong hoàn cảnh này chỉ có thể sử dụng tiết mục đơn ca và đệm bằng đàn guitar mà thôi. Nhưng với nhạc phẩm nào đây? Joseph Mohr chợt nhớ đến một bài thơ ông làm hai năm trước ngợi ca cảnh Chúa Jesus giáng sinh. Có lẽ phải phổ nhạc cho bài thơ này để sử dụng cho buổi lễ tối hôm đó. Ông nhớ đến người bạn của mình là Franz Gruber, một thầy giáo dạy nhạc ở trường làng và đem bài thơ đến nhờ Gruber phổ nhạc. Gruber nhận lời và rất nhanh chóng phổ nhạc cho bài thơ để hai người có thể bắt tay vào tập luyện.

Và buổi đêm Giáng Sinh đó, dân làng Oberndorf hết sức ngạc nhiên và thích thú với tiết mục biểu diễn của hai nhạc công không chuyên. Một bài hát lạ lẫm được trình bày bởi giọng bass của Gruber và giọng tenor của Mohr, được đệm bằng đàn guitar… đã thành công rực rỡ và mang lại một không khí hết sức khác lạ, hết sức thiêng liêng.

Từ đó, bản nhạc bắt đầu được Gruber lan truyền quanh khu vực Oberndorf và ngày càng đi xa hơn. Đặc biệt, ban nhạc Rainer Family đã trình diễn nó ở cung điện của Sa Hoàng Nga và Hoàng đế nước Áo vào năm 1822. Năm 1832, Silent Night được trình bày trước công chúng ở Leipzig. Vua Phổ Friedrich Wilhelm năm nào cũng mời dàn đồng ca nhà thờ tới lâu đài trình bày ca khúc này. Năm 1839, nó được chơi ở NewYork và rồi đi khắp thế giới theo chân các nhà truyền giáo. Chỉ có điều, người ta đã quên bẵng hai người cha đẻ của nó là Mohr và Gruber ở một ngôi làng bình dị nước Áo. Ca khúc hay được hiểu nhầm là dân ca Tylorean (vùng đất trong khu vực núi Alps ở Châu Âu) hoặc thậm chí được cho là tác phẩm của những nhà soạn nhạc lừng danh như Haydn, Mozart hay Beethoven. Mãi cho đến năm 1995, người ta mới tìm thấy bản chép tay của bản nhạc và khẳng định được chủ nhân đích thực của nó là Mohr và Gruber sau gần 200 năm bị rơi vào quên lãng.

Hình vẽ Josef Mohr và Nhạc sĩ Franz Gruber đều là người Áo, đồng tác giả của bài Silent Night. (Ảnh: dkn)

Tại Việt Nam, bản Silent Night được chuyển lời Việt thành bản “Đêm Thánh vô cùng” khoảng hơn nửa thế kỷ trước bởi nhạc sĩ Hùng Lân.

Nội dung của bản Silent Night – Đêm yên lặng

Silent Night mô tả sự việc vào đêm huyền thoại khi Chúa Jesus giáng sinh với phần ca từ như sau (bản gốc tiếng Áo gồm 6 khổ thơ, bản tiếng Anh sau đây rút gọn còn 3 khổ thơ)

Silent night, holy night!
All is calm, all is bright.
Round yon Virgin Mother and Child.
Holy infant so tender and mild,
Sleep in heavenly peace,
Sleep in heavenly peace

Silent night, holy night!
Shepherds quake at the sight.
Glories stream from heaven afar
Heavenly hosts sing Alleluia,
Christ the Savior is born!
Christ the Savior is born

Silent night, holy night!
Son of God, love’s pure light.
Radiant beams from Thy holy face
With dawn of redeeming grace,
Jesus Lord, at Thy birth
Jesus Lord, at Thy birth.

Tạm dịch:

Đêm tĩnh mịch, đêm thiêng liêng!
Mọi vật thật bình yên và rạng rỡ
Xung quanh Đức Mẹ đồng trinh và con của bà
Đức Chúa hài đồng thật hiền hậu và bé bỏng
Yên ngủ trong cảnh thái bình thiên giới
Yên ngủ trong cảnh thái bình thiên giới

Đêm tĩnh mịch, đêm thiêng liêng!
Những mục tử chấn động trước thần tích triển hiện
Những luồng sáng mỹ diệu từ thiên đường phía xa
Những thiên sứ hát vang bài “ngợi ca Thiên Chúa”
Đấng Ki Tô Cứu Thế đã ra đời
Đấng Ki Tô Cứu Thế đã ra đời

Đêm tĩnh mịch, đêm thiêng liêng!
Người con của Thiên Chúa, ánh sáng thánh khiết của tình yêu thương
Những tia sáng lộng lẫy từ dung nhan của Thiên Chúa
Với bình minh của ơn cứu rỗi
Chúa Jesus giáng thế
Chúa Jesus giáng thế.

Độc giả có thể đối chiếu nội dung bài hát mô tả trung thực cảnh Chúa Jesus ra đời trong bài viết này:

Chút cảm nghĩ về bản Silent Night – Đêm yên lặng

Bản Silent Night hát về một thời điểm thiêng liêng nhất của loài người từ 2.000 năm trước, đó là đêm giáng sinh của Chúa Jesus, vị Cứu Thế của nhân loại. Nhưng Ngài ra đời trong một khung cảnh thật bình dị – trong một chuồng gia súc, trên máng cỏ cho lừa. Ngài sinh thành trong một gia đình lao động bình dị. Và những tác giả của bài hát ca ngợi vị Thánh giả bình dị mà vĩ đại ấy cũng là hai con người bình dị của làng quê nước Áo, không phải là những tên tuổi lừng lẫy trong giới âm nhạc như Haydn, Beethoven, Mozart… như nhiều người lầm tưởng.

Thậm chí, tên tuổi của họ suýt chút nữa đã vĩnh viễn rơi vào quên lãng, trái ngược hẳn với danh tiếng ngày càng lên cao của bài hát.

Thật khó tưởng tượng rằng một bài hát bất hủ như vậy đã ra đời bởi một nguyên nhân kỳ quặc: một sự cố về nhạc cụ của một dàn đồng ca địa phương trong ngày Giáng Sinh 24/12/1818. Thế rồi, nó được sáng tác và tập luyện trong một thời gian nhanh kỷ lục chỉ vài tiếng đồng hồ trước buổi lễ. Điều này khiến chúng ta liên tưởng đến việc bản nhạc này đã được sáng tác bởi ý Chúa thông qua hai người thường. Đó là thần tích triển hiện.

Cứ mỗi mùa Giáng Sinh về, bản Silent Night lại vang lên trong khắp các ngôi nhà, phố phường và nhà thờ. Nó mang lại một cảm giác đặc biệt khi được nghe trong Nhà Thờ Thiên Chúa. Dù có là giáo dân hay không, dù có hiểu nội dung bài hát hay không, hầu như bất cứ ai nghe nó cũng nảy nở một cảm giác an bình, để rồi hồn ta lặng đi trong giây lát và trôi vào một khung cảnh thiêng liêng cổ xưa mà ta không thể diễn tả được bằng lời. Hình như trong tâm khảm của mỗi chúng ta trỗi dậy một điều gì đó linh thiêng, một ơn cứu rỗi mà ta đã đón đợi từ lâu lắm trong vô thức.

Hay đơn giản đó là những phút bình lặng, tĩnh tâm hiếm hoi khiến trí ta sáng suốt hơn, lòng ta cao thượng hơn… những phút bình lặng thực sự mà bài hát mang lại cho loài người, cho một thế giới mà từ lâu đã trở nên không còn nhiều bình lặng.

Xin kính mời quý độc giả thưởng thức bản Silent Night với phần thể hiện của hai danh ca Hayley Westenra và Aled Jones.

Bình Nguyên