Câu nói “Một người làm quan, cả họ được nhờ” ngày nay thường bị lý giải theo nghĩa xấu, liên quan đến nạn chạy chức chạy quyền, “con ông cháu cha”. Tuy nhiên, trong văn hoá truyền thống chân chính, “Một người làm quan, cả họ được nhờ” có hàm nghĩa hoàn toàn khác.
Chữ “Quan” trong văn hoá truyền thống
Chữ viết Trung Quốc truyền thống phản ánh quan niệm của người xưa về con người và vạn vật. Chữ “quan” trong tiếng Hán có hai phần: Phía trên là bộ miên (mái nhà, mái che), phía dưới là hai chữ khẩu (nhiều miệng ăn, chỉ nhiều người). Hàm ý chính là: Quan là người che chở, chăm lo cuộc sống cho dân chúng.
Bởi vậy, người làm quan được ví như “phụ mẫu” (cha mẹ) của dân, có vai trò trách nhiệm nặng nề. Lê Thánh Tông nói: “Trăm quan là nguồn gốc của trị, loạn. Người có đức, có tài nhậm chức thì nước trị, dân yên. Người vô đức bất tài giữ chức thì nước loạn, dân khổ”.
Để xây dựng nền trị vì quang minh, Lê Thánh Tông trọng dụng hiền tài vào đội ngũ quan lại, đồng thời cũng đặt yêu cầu, tiêu chuẩn rất cao đối với quan lại. Trong bài “Thần tiết” (Tiết của người bề tôi), Lê Thánh Tông viết:
“Đan trung cảnh cảnh nhật tinh lâm,
Trí chủ an dân, nghĩa khái thâm.
Nội minh ngoại phủ hồi thiên lực
Hậu lạc tiên ưu Lê thế tâm”
Tạm dịch:
“Lòng son quang minh, nhật tinh soi xét tới
Có nghĩa khí sâu sắc để trung với vua và an dân
Sức chuyển dời trong nước bình trị, ngoài nước mến yêu
Lòng giúp đời vui sau thiên hạ, lo trước thiên hạ”.
Làm quan là cơ hội hành Thiện rộng khắp
Viên Liễu Phàm thời nhà Minh được cao nhân bày cho cách hành Thiện tích đức cải tạo vận mệnh. Khi phát nguyện cầu đỗ Tiến sỹ, ông đồng thời hứa làm mười ngàn điều thiện. Quả nhiên, năm Bính Tuất ông trúng cử và được bổ làm tri huyện huyện Bảo Đề.
Viên Liễu Phàm có một cuốn sổ nhỏ ghi lại việc thiện – ác trong ngày để tu tâm sửa tính. Vợ ông lo lắng khi thấy số việc thiện làm được còn ít ỏi, không biết bao giờ mới viên mãn một vạn điều đây.
Một đêm, Viên Liễu Phàm nằm mộng thấy một vị Thần nhân, khai thị rằng chỉ cần một việc giảm tiền thuế là vạn sự sẽ hoàn thành đầy đủ. Trong lòng ông còn hoang mang nghi hoặc, bèn thỉnh giáo thiền sư Thích Huyền Dư từ Ngũ Đài Sơn tới.
Thiền sư bảo: Làm việc thiện mà tâm khẩn thiết chí thành thì một điều có thể sánh bằng vạn điều. Huống hồ lại giảm tô cho cả một huyện, toàn dân đều được hưởng ân huệ thì một điều đó cũng đáng bằng mười ngàn điều vậy.
Kinh Dịch viết: “Tích thiện chi gia, Tất hữu dư khánh” (Nhà tích thiện ắt có nhiều niềm vui). Lại có câu: “Tổ tiên tích đức, con cháu hưởng phúc”. Trong một dòng họ, nếu có người làm quan thanh liêm, lo trước cái lo của dân, vui sau cái vui của dân, người trong dòng họ ấy nhất định được hưởng phúc báo.
Ngược lại, nếu một người làm quan tham ô, hại dân hại nước, người ấy tuy có thể “nâng đỡ” một vài người trong họ hay tích cóp tiền của bất lương cho con cháu, nhưng chút lợi ích ấy không thể vững bền. Làm việc ác là tạo nghiệp, tổn đức, bản thân người ấy và dòng họ anh ta cũng vì thế mà chịu ác báo.
Một gia tộc hưng thịnh suốt 800 năm “được nhờ” ông Tổ hành đại Thiện
Phạm Trọng Yêm (989 – 1052) là một nhà chính trị, nhà văn, nhà quân sự và nhà giáo dục nổi tiếng thời Bắc Tống. Ông xuất thân nghèo khó, lúc trẻ cuộc sống vô cùng gian khổ. Nhưng vốn tính tình cương trực, nghĩa khí, ông luôn tự dặn lòng rằng mai sau nếu có thể hơn người nhất định phải cứu tế những người nghèo khổ.
Có lần ông mua nhà ở Tô Châu, thầy phong thủy ra sức khen ngợi phong thủy thật tốt, đời sau con cháu nhất định làm đến tam công cửu khanh. Phạm Trọng Yêm nghĩ thầm: “Nếu nhà này có phong thủy khiến cho đời sau vinh hiển như thế, không bằng ta đổi thành học đường thì hơn để muôn dân trăm họ Tô Châu được vinh hiển. Tương lai sau này có nhiều người tài đức chẳng phải là càng có lợi đó sao?”.
Ông lập tức đem ngôi nhà quyên góp, sửa sang thành học đường, quả là thỏa nguyện ước ấp ủ bao lâu nay của những trẻ nghèo không có tiền đi học.
Xả bỏ lợi ích bản thân vì bách tính, tấm lòng chân Thiện của Phạm Trọng Yêm đã gieo mầm cho phúc báo đời đời của Phạm gia. Bốn người con trai của Phạm Trọng Yêm lớn lên đều thông minh phi phàm, tài đức vẹn toàn, cũng được làm quan tới Tể tướng, tam công cửu khanh, thị lang. Con cháu Phạm gia cũng đều vinh hiển, có đức có tài, phúc báo thật là kéo dài không dứt. Đến thời Dân Quốc, Phạm gia vẫn là một dòng họ nổi tiếng.
Câu nói “một người làm quan, cả họ được nhờ” quả là đúng đắn khi người làm quan ấy có thể chăm sóc, yêu thương dân chúng như con. Làm quan là cơ hội hành Thiện, tích đức từ quần chúng, phúc báo cho gia tộc chính là sự “được nhờ” chân chính vậy.
Thanh Ngọc