Bảo Thoa và Đại Ngọc, một người là chiếc trâm vàng, một người là viên ngọc đen, so bề tài sắc cũng thật khó phân định kẻ hơn, người kém…
Trước nay, trong “Hồng học” luôn có hai phái tranh luận, một bên thì ủng hộ Đại Ngọc, còn một bên lại ủng hộ Bảo Thoa. Ủng hộ bên này mà lại bài xích bên kia, kỳ thật không có ý nghĩa gì. Bảo Thoa, Đại Ngọc nguyên là tài nữ thuộc hai lĩnh vực khác nhau, mỗi bên đều sở hữu vẻ đẹp bất hủ nghìn thu.
Tiết Bảo Thoa: Thục nữ Nho gia truyền thống
Bảo Thoa là mẫu đơn trong các loài hoa, đứng đầu trong hoa thơm cỏ lạ. Bảo Thoa thể thái phong mãn, phẩm cách đoan trang, tài đức vẹn toàn, tính cách đại độ, được xem là viên ngọc minh châu của nhà họ Tiết – một trong tứ đại gia tộc ở đất Kim Lăng. Tuổi tác trẻ trung nhưng lại vô cùng chững chạc, nàng hội tụ luân lý khuê các của một thiên kim tiểu thư cũng như cái đức công dung ngôn hạnh của người phụ nữ.
Nàng am hiểu hội họa, tinh thông điển tích, giỏi việc nữ công, biết văn thơ, nhìn rõ mọi việc nhưng lại rất bình tĩnh, học rộng biết nhiều nhưng luôn tỏ ra khiêm tốn, hiểu rõ nhân tình thế thái, trước sau xem việc giúp chồng dạy con, làm tốt bổn phận của người phụ nữ là điều quan trọng nhất. Bảo Thoa thông minh điềm tĩnh, là mẫu người phụ nữ Á Đông lý tưởng của Nho gia.
“Gió tốt nhờ mượn sức, đưa ta lên trời xanh”, bài thơ trong “Liễu Nhứ Từ” đã cho thấy chí hướng của Bảo Thoa, đó là tu thân tề gia, đạt được công danh thành tựu. Dựa vào tư chất và thực lực của mình, Bảo Thoa vừa có tài năng quán xuyến gia đình, lại có cái đức dung hòa các mối quan hệ, đặc biệt là xử lý các mối quan hệ một cách điêu luyện. Tiến thì là hoàng hậu bậc mẫu nghi thiên hạ, quốc mẫu, thục phi, quý phu nhân; lùi thì là mẹ tốt vợ hiền dâu thảo trong gia đình.
Nếu như chị Bảo luân hồi chuyển sinh thành phu nhân Tổng thống hay một nữ doanh nhân thành đạt, hẳn nàng sẽ hoàn thành vai trò của mình một cách xuất sắc. Đáng tiếc là trong “Hồng Lâu Mộng” thời vận không hợp, làm lỡ cả đời của một tài nữ.
Lâm Đại Ngọc: Tài nữ Đạo gia phiêu dật thoát tục
Đại Ngọc là đóa phù dung sương gió điểm sầu, thanh lệ thoát tục, xinh đẹp mềm mại. Cô Lâm muội muội như Thần Tiên từ trên trời giáng hạ xuống nhân gian, vừa xinh xắn nhu mì, lại thanh nhã lanh lẹ. Đại Ngọc giữ vững tinh thần Đạo gia phản bổn quy chân, tiêu diêu tự tại, có phong thái nhàn nhã phiêu dật, dáng vẻ thanh cao thoát tục, phong nhã xuất thế siêu quần, tiên khí phiêu dật mỹ diệu, trên thế gian thật khó có ai sánh bằng.
Giáng Châu tiên tử đến thế gian con người, nguyện dùng nước mắt một đời để báo đáp ân huệ tưới nước cam lồ của Thần Anh thị giả (Bảo Ngọc) khi còn ở nơi thiên giới. Đại Ngọc vì tình yêu mà đến, chí tình chí nghĩa, đầy đủ công đức, dạt dào chất thơ. Nàng gảy đàn, ngâm thơ, thưởng nguyệt, vịnh hoa, khóc hoa, thương hoa, rồi lại chôn hoa, đốt bản thảo… cuối cùng lại cạn khô nước mắt mà qua đời. Quả đúng là: “Thân kia trong sạch muôn vàn, Đừng cho rơi xuống ngập tràn bùn nhơ”, “Hồn hoa chôn chặt dưới vành trăng trong”.
Đại Ngọc là cây bút đứng đầu trong làng thơ nơi vườn Đại Quan, vừa là một cầm sư tinh thông âm luật, lại là một tài nữ mang đậm khí chất nghệ thuật thi ca. Em Lâm trời sinh đã mang phong thái của nhà nghệ thuật, nếu sinh vào thời nay cũng sẽ là một nhà thơ, nhà văn, nhà âm nhạc giàu tính sáng tạo với phong cách riêng biệt, hoặc ít nhất cũng là một thi nhân trên văn đàn.
Nếu như Bảo Thoa bình dị dễ gần, là hình mẫu chung của đại đa số phụ nữ, thì Đại Ngọc lại giống như minh tinh nghệ thuật, chỉ phù hợp với một nhóm người thiểu số. Nhưng ai đã thấu hiểu nàng sẽ yêu thương nàng sâu sắc, mối tình khắc cốt ghi xương ấy thật khó có thể thay thế cho được.
Sự viên dung và tàng ẩn của Bảo Thoa
Bảo Thoa ôn nhu đôn hậu, an phận thiết thực, bình thản lý trí. Ở nơi phú quý mà không xa hoa, trang phục giản dị lại trang nhã hài hòa, thật đúng là: “Càng nhạt mới thấy hoa càng đẹp, vô tình cũng đủ động lòng người”.
Về mục đích đọc sách, Bảo Thoa khuyên bảo tha thiết: “Bậc nam nhi đọc sách hiểu rõ lý lẽ, giúp nước giúp dân, thế mới tốt… Còn như chị và tôi, chỉ nên kim chỉ dệt may mới đúng, lại biết được vài chữ. Đã biết chữ, thì chọn mấy kinh thư chính thống xem là được rồi, sợ nhất là xem mấy cuốn sách tạp nham, làm đổi thay tính tình, thì hết phương cứu chữa”.
Nếu như Đại Ngọc thường Thần du Thiên ngoại, thì Bảo Thoa lại để tâm trên mặt đất, dù học rộng tài cao, thông minh tuyệt đỉnh thế nào đi nữa cũng phải làm trọn bổn phận của phụ nữ truyền thống, giữ gìn vẻ đẹp cổ điển của tính tình.
Bảo Thoa thông minh tinh ý, cư xử thấu lý đạt tình. Tâm tư nàng cẩn mật, xét thời đoán thế, rất minh bạch thế nào là thích hợp, khi vừa vặn thì biết điểm dừng, lại hiểu được cần phải hành sự thuận thời thuận thế ra sao.
Bảo Thoa xem xét lời nói, quan sát nét mặt, đoán được tâm lý và nỗi khó xử của người khác. Thuận theo sở thích của người mà trao tặng cái người ta đang cần, chia sẻ mối lo nỗi buồn. Nàng giỏi lý giải tâm ý người khác lại quan tâm chu đáo, nên bất kể là Giả mẫu, Vương phu nhân, các chị em, hay những kẻ thấp kém, thậm chí ngay đến cả dì Triệu luôn làm mọi người ghét cũng phải khen ngợi nàng. Tính thích ứng, tính chừng mực thích đáng viên dung của Bảo Thoa đã hài hòa các mối quan hệ trong các mâu thuẫn phức tạp, rất thỏa đáng mà lại hợp lý hợp tình.
Hiểu rõ thế sự đều cần học hỏi, trong vườn Đại Quan có chuyện gì có thể giấu được con mắt của chị Bảo đây?! Tuy việc không liên quan đến mình, hễ hỏi đến chỉ lắc đầu, nhưng trong lòng sáng như gương vậy, thật là thâm thúy. Bảo Thoa giỏi thu mình giấu tài, giả ngốc giả vụng, không lộ tài năng, tránh gây đố kỵ, giấu kín thực lực, chờ khi hợp thời thì sử dụng.
Khi chị Phượng lâm bệnh, Bảo Thoa với thân phận người thân thích đã phụ giúp Lý Hoàn và Thám Xuân lo liệu việc nhà. Bảo Thoa chỉ mới lộ chút tài năng đã cho thấy nàng là tay cứng trong việc quản lý gia đình, tài sản, xem xét hết đại thể, chăm nom hết các phương diện, trên dưới ai ai cũng cảm nhận được.
“Thoa ư liêm nội đãi thời phi” (Trâm ở trong hộp chờ thời bay). Bảo Thoa giỏi đọc hiểu lòng người, chỉ riêng với chuyện một mình khuyên bảo Bảo Ngọc không được, có lẽ nàng nghĩ, hôn nhân cần phải dành nhiều thời gian đầu tư lo liệu, nên hãy cứ từ từ.
Điều Bảo Thoa khiến người khác chê là, sự việc đình Trích Thúy dùng kế “Kim thiền thoát xác” khiến nha hoàn nghi là Đại Ngọc nghe trộm chuyện riêng, sau chuyện Kim Xuyến nhảy xuống giếng tự tử, Bảo Thoa đi an ủi Vương phu nhân, ngôn hành của nàng đã để lộ ra nhược điểm Bảo Thoa quá ư cầu toàn, không đủ chính trực, lại có phần lãnh đạm. Người ta thường nói con người vốn chẳng có ai hoàn thiện, bản tính con người ta nguyên vốn phức tạp, làm sao tránh khỏi tì vết?
Si mê và chân thành của Đại Ngọc
Thời kỳ đầu yêu, cặp Bảo – Đại lúc thì vui, lúc thì bực, Đại Ngọc ngước gió tuôn lệ, thương cảm thở than. Vì si tình, vì nhạy cảm tự ti và cảm giác bất an, nàng luôn dùng lời nói kháy ướm thử, nhưng khá chân thành với Bảo Ngọc. Bảo Ngọc tặng khăn, dặn nàng yên tâm, Đại Ngọc cuối cùng đã hiểu được ý tứ sâu xa của Bảo Ngọc, bèn không gây chuyện nữa. “Nhược thủy 3 ngàn dặm, cũng chỉ cần một gáo nước mà thôi”. Thời kỳ sau, cặp Bảo – Đại đạt đến cảnh giới là tri kỷ tri âm, không thể xa rời.
Hai vị tiên khách từ thiên giới giáng trần này, họ rất coi thường công danh lợi lộc mà mọi người đang chăm chăm bon chen. Cặp Bảo – Đại phản nghịch như vậy, trong con mắt mọi người quả là “ngu si không thể nào dùng lý lẽ khuyên bảo được”. Bởi em Lâm chưa từng nói chuyện tầm phào mua danh bán tước, nên Bảo Ngọc càng thêm kính trọng. “Chỉ mong mọc ra đôi cánh, bay theo hoa đến tận cùng cõi trời. Đến tận cùng cõi trời, nơi nào có gò hương?”. Nỗi buồn cố hương thiên quốc từ đời trước, lại thấy lạc lõng trước xã hội thế tục, khiến Đại Ngọc đa sầu đa cảm vô cùng cô đơn, chỉ có Bảo Ngọc hiểu được nàng.
Bảo Thoa tính toán bước đệm rất tinh nhanh, trong khi Đại Ngọc lại đắm chìm trong ý thơ và thế giới nội tâm tự do. “Xa đời ngất ngưởng cùng ai đấy, Biếng nở lừ đừ khéo chậm sao?”, cũng giống như bài thơ hoa cúc của nàng, nàng là một người ở ẩn cao khiết phóng khoáng. Bảo Ngọc niệm rằng: “Trần trụi đến đi chẳng bận tâm”, đã đánh thức Phật tính. Đại Ngọc ngộ được “Không chỗ đứng lập thân, mới là sạch sẽ”, căn bản là không mưu cầu điều gì, đến thế gian dạo chơi một chuyến, mau chóng quay trở về cố hương nơi Thiên quốc không bị thế tục trói buộc.
Bảo Ngọc cả đời chỉ có cái chấp về tình là mãi không buông bỏ được. Đại Ngọc khóc trả hết nước mắt rồi rời đi, chàng ta còn có điều gì mà không buông bỏ được nữa, cuối cùng xuất gia là lẽ đương nhiên.
Hồi 87, Diệu Ngọc nghe thấy tiếng đàn của Đại Ngọc ở ngoài Tiêu Tương quán, tiếng đàn thanh thoát bi thiết. Đại Ngọc ngâm nga “Lòng canh cánh không ngủ, dải Ngân Hà mờ xa”. Diệu Ngọc nói: “Sao ưu tư quá thế!”. Cuối cùng tiếng đàn “bỗng chuyển thanh chủy”, Diệu Ngọc thất sắc nói: “Âm vận có thể tan vàng nát đá! Sai biệt quá rồi, e sẽ không được lâu!”. “Binh”, tiếng dây đàn đứt đoạn.
Đại Ngọc khiến tôi nghĩ đến nghệ sỹ đàn violin cello Jacqueline du Pré nổi tiếng có một không hai. Cô gái thiên tài này khi diễn tấu hoàn toàn quên bản thân, người và đàn hoà tan làm một, thần tình như chẳng còn ở chốn nhân gian, truyền ra một sức mạnh không gì sánh nổi, một nỗi bi sầu đẹp đến nỗi không thể thêm bớt chút nào.
Nhạc sỹ đàn violin cello Stark người Hungary nghe thấy tiếng đàn của Du Pre, cảm động than rằng: “Diễn tấu tài hoa như thế này, cô ấy chắc chắn sẽ không sống được lâu”. Một câu nói thành lời tiên tri, Du Pre quả nhiên ra đi khi tuổi còn xuân. Stark nghe tiếng đàn mà nghiệm được rằng Du Pre đang dùng sinh mệnh của mình diễn tấu.
Đại Ngọc dù là ngâm thơ, chơi đàn, hay yêu đương cũng đều vô cùng tinh tế, toàn tâm toàn ý đặt vào đó, đốt cháy hết mới thôi. Thơ của nàng chính là tính tình chân thực, tiếng đàn của nàng chính là tâm hồn, tình yêu của nàng chính là sinh mệnh.
Nước trong mọc phù dung, tự nhiên không trang sức, Đại Ngọc có sự thuần khiết thanh tịnh không thuộc về cõi trần thế. Vì chân thành, nên nàng không có tính toán, cũng không cự tuyệt cầu toàn, nói chuyện nhiều khi đắc tội người khác. Vì nàng không có mặt nạ giả tạo, nên hiển nhiên khiến tâm thái giả tạo của người khác phải đeo các loại mặt nạ, khiến người ta không thoải mái. Vượt qua cái vẻ bề ngoài chua cay khắc nghiệt, cô độc cao ngạo không hòa đồng ấy, nàng là một nhi nữ có tấm lòng chân thành, xinh đẹp lanh lợi, giàu tình cảm thi vị. Nàng rất đặc biệt, vô cùng lãng mạn.
Vứt bỏ công danh lợi lộc, chỉ cầu cái đẹp và cái chân, kiên trì cái chí chân chí thuần của nội tâm — Làm được thuần túy triệt để như thế này, xưa nay có được mấy ai?
Thoa – Đại hợp nhất, Nho – Đạo viên dung
Bảo Thoa, Đại Ngọc là nhân vật của hai thái cực, tiêu biểu cho “Nho và Đạo”, “làm quan và ở ẩn”, “lễ và thơ” của văn hóa Trung Hoa. Tranh luận Thoa – Đại tốt xấu, cũng là thể hiện của mâu thuẫn trong đó.
Hình tượng Diêu Mộc Lan mà nhà văn Lâm Ngữ Đường xây dựng trong “Kinh hoa yên vân” là người phụ nữ lý tưởng mà Nho – Đạo dung hoà bổ trợ lẫn nhau, vừa có trí huệ sinh tồn thế tục của Nho gia, lại vừa có cái chân thực siêu thoát tiêu diêu tự tại của Đạo gia. Chỉ có điều nàng quá hoàn mỹ, thế gian thật khó tìm.
Lâm Thanh Hà hoa cười ngọc thốt đoan trang, thời thiếu nữ thật giống như Đại Nhọc, đến trung niên lại giống Bảo Thoa. Rất nhiều phụ nữ ngày nay đều như thế, thời thiếu nữ trong lòng là thơ ca, tuổi thanh xuân đa sầu đa cảm, giống hệt như Đại Ngọc. Đến khi bước vào đời, kết hôn, làm vợ, làm mẹ, họ hiểu rằng cần phải lanh lợi tinh ý giữa sự đời, họ càng ngày càng giống Bảo Thoa.
Mỗi một phụ nữ đều có thể tìm thấy bóng dáng mình trong “Hồng lâu mộng”, tính cách bạn có bao nhiêu giống Đại Ngọc, lại có mấy phần của Bảo Thoa? Hoặc trong các trường hợp khác nhau, hoàn cảnh khác nhau mà chúng ta đang lần lượt vào các vai diễn Thoa – Đại. Trên thân của người con gái luôn có nét ngây thơ dễ thương, nhưng cũng không kém phần tinh tế và ý vị. Giữa cõi mịt mù hỗn độn của thế nhân, dẫu bạn có thể lựa chọn làm Bảo Thoa, thì cũng đừng quên một phần Đại Ngọc trong tâm hồn…
Theo Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung
Phi Long – Nam Phương biên dịch