Trong văn hóa Trung Quốc, không thể nghi ngờ rằng Gia Cát Lượng (181~234 SCN) chính là “hóa thân của trí tuệ”. Nhưng đại đa số mọi người đều coi ông là bậc kỳ tài có trí tuệ về mưu lược quân sự, mà không biết rằng, Gia Cát Lượng còn có tài “dự liệu như Thần”.
Ông có năng lực dự đoán siêu thường, không những tinh thông binh pháp, mà còn “trên thông thiên văn, dưới tường địa lý”. Ông tinh thông thuật số Dịch Lý, từ quan sát thiên tượng mà phán đoán được tình thế. Ngoài ra, ông còn có khả năng xem tướng. Một dự ngôn nổi tiếng là chuẩn xác được người đời biết đến của Gia Cát Lượng là “Mã Tiền Khóa” (Quẻ bói trước ngựa).
“Mã Tiền Khóa” là dự ngôn do Thừa tướng Gia Cát Lượng nhà Thục Hán thời Tam Quốc sáng tác. Nhắc đến Gia Cát Lượng, tại Trung Quốc có thể nói hầu như người người đều biết, nhưng lại không có nhiều người biết về “Mã Tiền Khóa”. Tương truyền rằng, vào lúc nhàn hạ trong quân ngũ, Gia Cát Lượng đã sáng tác “Mã Tiền Khóa”. Đây là tiên tri dự đoán những việc lớn sắp xảy ra trong thiên hạ. Dự ngôn tổng cộng có 14 khóa, trong đó 10 khóa đã được giải, 4 khóa còn lại vẫn là điều mà các bậc sĩ đang tìm hiểu.
Có thể nói, “Mã Tiền Khóa”của Gia Cát Lượng tương đối dễ giải hơn so với những dự ngôn khác xuất hiện trong lịch sử Trung Quốc. Bởi vì nó vô cùng quy tắc, mỗi một khóa tiên đoán về một triều đại, miêu tả thuận theo diễn biến của lịch sử. Còn các dự ngôn khác, hầu hết đều không có quy tắc rõ ràng, có khi tiên đoán rất nhiều đại sự về một triều đại nhưng có triều đại lại rất ít đại sự, do đó không dễ để xem lời dự ngôn đối ứng với triều đại nào.
“Mã Tiền Khóa” tổng cộng bao gồm 14 khóa. 10 khóa đầu bắt đầu từ thời Thục Hán kéo dài đến thời Trung Hoa Dân Quốc ra đời, vô cùng chuẩn xác. Trong khóa thứ nhất của “Mã Tiền Khóa”, Gia Cát Lượng nói “Vô lực hồi thiên, Cúc cung tận tụy, Âm cư Dương phất, Bát thiên nữ quỷ”. Trong “Xuất Sư Biểu” ông cũng có nói qua: “Thần cúc cung tận tụy, đến chết mới thôi“. 8 chữ này chính là Gia Cát Lượng tự miêu tả về mình. Bởi vì ông biết giang sơn nhà Hán khí số đã tận, không ai có thể cứu vãn được nữa. 2 câu sau “Âm cư Dương phất, Bát thiên nữ quỷ”.“Bát thiên nữ quỷ” ở đây là đố chữ, chữ “Bát” (八) thêm chữ “thiên” (千) và thêm chữ “nữ” (女) rồi thêm chữ “quỷ” (鬼), hợp thành một chữ “Ngụy” (魏), chính là có ý nói rằng Thục Hán cuối cùng bị nước Ngụy tiêu diệt.
Trong tổng cộng 14 khóa của “Mã Tiền Khóa”, mỗi khóa là nói về một triều đại. Khóa 4, là nói về triều đại nhà Đường sau khi kiến lập. Quẻ nói “Thập bát nam nhi, khởi vu Thái Nguyên”. Chữ “Nam nhi” (男兒) này, người Trung Quốc sinh con trai sẽ gọi là “tử” (子), “Thập bát tử” (十八子) hợp thành một chữ “Lý” (李), chính là chỉ cha con Lý Uyên triều Đường giành được thiên hạ. “Khởi vu Thái Nguyên” là ý nói vì Lý Uyên năm ấy khởi binh từ Thái Nguyên.
Khóa 8 nói về triều đại nhà Minh. Triều nhà Minh là Chu Nguyên Chương giành được thiên hạ. Quẻ này nói: “Nhật nguyệt lệ thiên, Kỳ sắc nhược xích, Miên miên diên diên, Phàm thập lục thế”. “Nhật nguyệt lệ thiên” cũng là đố chữ, chữ “Nhật” (日) cộng thêm chữ “nguyệt” (月) là thành chữ Minh (明), chỉ triều đại Minh. Chữ “xích” trong “Kỳ sắc nhược xích” là mang ý sắc đỏ thẫm, ám chỉ thiên hạ nhà Chu. “Miên miên diên diên, Phàm thập lục thế” có nghĩa là triều Minh truyền được tổng cộng 16 đời Hoàng Đế.
Có lẽ có người sẽ hỏi, dự ngôn này liệu có phải do người đời sau soạn ra hay không? Đây là vấn đề rất có ý tứ. Tuy nhiên, bản “Mã Tiền Khóa” còn lưu lại hiện nay là bản có chú giải của nhà sư Thủ Nguyên ở núi Bạch Hạc vào những năm Quang Tự triều đại nhà Thanh, lúc ấy ông đã 86 tuổi.
Trong “Mã Tiền Khóa”, dự ngôn về triều nhà Thanh viết rằng: “Thủy nguyệt hữu chủ, Cổ nguyệt vi quân”. “Thủy nguyệt hữu chủ” là một câu đố chữ, ba điểm bộ Thủy (氵) cộng thêm một chữ “nguyệt” (月) rồi thêm chữ “chủ” (主) sẽ thành một chữ “Thanh” (清). “Cổ nguyệt vi quân”, chữ “Cổ” (古) thêm chữ “nguyệt” (月) là chữ “Hồ” (胡). Triều Thanh là thiên hạ của dân tộc Mãn thiểu số. Do đó “Cổ nguyệt vi quân” là nói người dân tộc Mãn tiến vào làm chủ Trung Nguyên. Phía sau còn có 8 chữ “Thập truyền tuyệt Thống, Tương kính nhược tân”, câu này, Thủ Nguyên lão hòa thượng không giải. Ông nói: “Lão tăng sinh vào năm Gia Khánh (năm 1806), năm nay đã 86 tuổi (năm 1892), mấy câu sau này không dám nghị luận bừa“.
Nếu như Thủ Nguyên lão hòa thượng có thể đợi thêm mấy thập niên nữa, tận mắt chứng kiến cách mạng Tân Hợi năm 1911, Hoàng đế cuối cùng của triều đại nhà Thanh là Tuyên Thống thoái vị thì khóa này sẽ được giải thích hoàn chỉnh. “Thống” là chỉ “Tuyên Thống”, “Thập truyền tuyệt Thống” là chỉ triều Thanh tính từ khi Thuận Trị nhập quan xưng Đế đến Tuyên Thống tổng cộng là 10 Hoàng đế. Bao gồm lần lượt là Hoàng đế Thuận Trị, Khang Hy, Ung Chính, Càn Long, Gia Khánh, Đạo Quang, Hàm Phong, Đồng Trị, Quang Tự và Tuyên Thống. “Tuyệt Thống” là chỉ vị Hoàng đế cuối cùng Tuyên Thống.
Có thể thấy “Mã Tiền Khóa” đã sớm tiên đoán ra sự diệt vong của triều đại nhà Thanh, chỉ là vì sự tình còn chưa phát sinh, nên lão hòa thượng không dám đoán bừa, đành phải ngưng lại. Điều này cũng cho thấy, “Mã Tiền Khóa” không phải do người đời sau bịa đặt mà soạn ra.
Khóa 10 chính là dự ngôn Trung Hoa Dân Quốc──Tôn Trung Sơn sáng lập nước Cộng hòa đầu tiên trong lịch sử Trung Hoa. Từ Khóa 11 là nói về những sự kiện sau thời Trung Hoa Dân Quốc, ví như Khóa 13 nói: “Hiền bất di dã, Thiên hạ nhất gia, Vô danh vô đức, Quang diệu Trung Hoa”. Đây hiển nhiên là chỉ thế giới hòa bình thịnh vượng, kết cục đại viên mãn. Nhưng xã hội tương lai rốt cuộc sẽ như thế nào, đối với chúng ta mà nói là vẫn là một cái mê, có lẽ phải đợi đến lúc có bậc cao minh chỉ dẫn khai mở ra!
Theo Đại Kỷ Nguyên Tiếng Trung
Mai Trà biên dịch
Xem thêm: