Trong Tam quốc diễn nghĩa, Lưu Bị từng nói: “Huynh đệ như thủ túc, thê tử như y phục” (“Anh em như chân tay, vợ con như áo mặc”). Hàm nghĩa thực sự của câu nói này không thể chỉ từ bề mặt mà vội vàng kết luận được.
Khi Lưu Bị đang trấn giữ Từ Châu thì nhận được chiếu chỉ sai đi đánh Viên Thuật. Lưu Bị cùng Quan Vũ dẫn quân đi, để Trương Phi ở lại giữ thành Hạ Phì. Trương Phi say rượu, đắc tội với Tào Báo là cha vợ Lã Bố, nên bị Tào – Lã trong ứng ngoài hợp, đang đêm đánh úp lấy Từ Châu. Trương Phi dẫn vài mươi tên kị mã đi thẳng đến Vu Thai vào hầu Lưu Bị, nói hết chuyện bị mất thành.
“Các quan nghe chuyện ai cũng mất máu mặt, duy Lưu Bị chỉ than có một câu:
– Ðược cũng chẳng nên mừng, mất cũng chẳng nên lo!
Quan Vũ hỏi:
– Thế còn chị đâu?
Trương Phi nói:
– Hãm cả ở trong thành.
Lưu Bị nín lặng chẳng nói câu gì.
Quan Công dẫm chân mắng rằng:
– Khi trước mày đòi giữ thành, nói những câu gì? Anh dặn mày như thế nào? Bây giờ thành trì thì mất, chị lại bị hãm, thế ra làm sao?
Phi nghe anh mắng, sợ hãi không biết đường nào, rút ngay kiếm ra định tự vẫn”.
“Lưu Bị trông thấy vội vàng bước lên giật lấy kiếm, vứt xuống đất rồi nói rằng:
– Xưa có câu rằng: “Anh em như chân tay, vợ con như áo mặc”. Áo rách còn dễ may, chân tay gãy, chắp sao được? Ba anh em ta kết nghĩa với nhau ở vườn đào, đã thề cùng sống chết với nhau. Nay dù mất thành trì, vợ con đi nữa, sao nỡ để anh em nửa đường chết đi cho đành. Phương chi thành trì không phải của ta, vợ con ta bị hãm ở trong thành, nhưng ta chắc Lã Bố không nỡ giết, cũng còn nghĩ kế cứu được. Hiền đệ lầm một lúc, việc gì đã đến nỗi quyên sinh?
Lưu Bị nói xong rỏ nước mắt khóc. Quan, Trương cũng khóc cả”.
***
“Anh em như chân tay, vợ con như áo mặc” (nguyên văn: Huynh đệ như thủ túc, thê tử như y phục) là câu nói mà mới nghe qua dễ khiến người ta hiểu lầm là coi thường đàn bà con trẻ. Theo thiển ý của người viết, khi Lưu Bị nói câu này hoàn toàn không có ý như vậy.
Vợ con là những người thân thiết nhất với một người đàn ông, đầu gối tay ấp, lẽ thường ai mà chẳng yêu chẳng quý. Kẻ phàm phu thậm chí vì tình cảm, nữ sắc, an ổn cho gia đình, vợ con… mà vong ân bội nghĩa, anh em không nhìn mặt nhau. Ví như Đổng Trác, Lã Bố là nghĩa phụ tử mà cuối cùng quay ra giết nhau chỉ vì tranh Điêu Thuyền. Khi Lưu Bị nói “Huynh đệ như thủ túc, thê tử như y phục” chỉ là muốn khẳng định rằng làm người nên biết trọng nghĩa hơn tình, lấy đạo nghĩa làm trọng chứ không nên hành xử hấp tấp chỉ vì tình cảm ích kỷ của bản thân.
Thực tế, khi lầm lỡ khiến hai chị bị hãm trong thành, Trương Phi bị Quan Công mắng đã ân hận muốn chết, biết rằng chị dâu quan trọng với đại huynh nhường nào. Không cần Lưu Bị phải nhắc lại, Trương Phi đã đủ khổ não vì lỗi mình gây ra. Lúc này, câu nói “Huynh đệ như thủ túc, thê tử như y phục” giúp bày tỏ sự trân trọng quý mến của Lưu Bị với Trương Phi, để Phi bớt dằn vặt khổ tâm.
Một số câu nói của người xưa cần được hiểu trong bối cảnh cụ thể, không nên dựa vào ngữ nghĩa bề mặt để phán xét cổ nhân. Ví dụ câu: “Cái nết đánh chết cái đẹp”, không hề có ý nói rằng hình thức đẹp đẽ là vô dụng, không cần thiết. Chính là vì lẽ thường người ta ai cũng “yêu bằng mắt”, chuộng hình thức, nên mới cần nói ra câu này để nhắc nhở người đời về tầm quan trọng của đức hạnh. Thực tế là cổ nhân coi trọng lễ nghĩa, nên cả đạo đức (cái nết) và diện mạo, trang phục, lễ nghi (cái đẹp) bên ngoài đều cẩn thận giữ gìn.
Tương tự như thế, câu “Anh em như chân tay, vợ con như áo mặc” cũng không hề có ý rẻ rúng đàn bà con trẻ, chỉ muốn nhắc nhở thế nhân hãy biết coi trọng đạo nghĩa, quý trọng tình huynh đệ. Một người quân tử trọng đạo nghĩa thì tự biết che chở, có trách nhiệm với thê tử của mình. Ví như Tống Hoằng làm quan dưới thời Hán Quang Vũ đế, được hoàng đế ngỏ lời gả công chúa Hồ Dương cho; danh lợi đều được mà từ chối, vì “bạn thuở hàn vi là không thể quên, người vợ tào khang là không thể bỏ”.
Quay trở về câu chuyện của ba anh em Lưu, Quan, Trương: Lưu Bị coi trọng hai em như vậy, Quan Vũ, Trương Phi cũng hết lòng tôn kính, bảo vệ thê tử của ông. Khi Quan Công bại trận trước quân Tào, ông vốn chẳng coi cái chết là gì nhưng sẵn sàng nhẫn chịu ở lại Tào doanh vì lời phó thác của anh bảo vệ hai chị dâu. Như trong thư gửi Huyền Đức, ông viết:
“Khi trước giữ thành Hạ Phì, trong lòng không có thóc chứa, ngoài chẳng có viện binh, đã toan liều chết, nhưng vì có trọng trách đối với hai chị, không dám quyên sinh để phụ lòng uỷ thác của anh, cho nên còn tạm nương náu đây, mong có ngày cùng nhau tụ hội”.
Đọc những đoạn sau, ai mà không xúc động trước tấm lòng cung kính của Quan Công đối với hai chị:
“Quan Công dẫn binh vào thành, thấy nhân dân yên ổn cả, đến ngay vào phủ, vào yết kiến hai chị. Cam, My, hai phu nhân nghe Quan Công đã về, vội ra đón vào. Quan Công lạy ở dưới thềm, nói:
– Để cho hai chị sợ hãi ấy là tội em.
Hai phu nhân hỏi:
– Hoàng thúc bây giờ ở đâu?
Quan Công nói:
– Không biết ở đâu.
Hai phu nhân lại hỏi:
– Bây giờ chú định thế nào.
Quan Công nói:
– Em ra thành đánh nhau, bị vây ở trên núi, Trương Liêu khuyên em ra hàng, em có ước ba điều, Tào Tháo nghe cả ba, nên mới rút quân, để em vào thành. Em chưa được biết ý định của hai chị, chưa dám tự tiện”.
Hay như:
“Tháo mở tiệc yến khoản đãi. Hôm sau rút quân về Hứa Xương. Quan Công thu xếp ra trượng, mời hai chị lên xe, tự mình đi hộ vệ. Khi đi đường, nghỉ ở xá, Tháo muốn làm rối loạn lễ vua tôi, để Quan Công và hai chị dâu cùng ở một nhà. Quan Công cầm đuốc đứng hầu ngoài cửa, tự tối đến sáng, sắc mặt không lúc nào có dáng mỏi mệt. Tào Tháo thấy thế lại càng kính phục”.
Một người em kết nghĩa biết kính trọng chị dâu của mình như thế, thử hỏi có thứ “y phục” nào được như vậy chăng? Ý tứ sâu xa của người xưa quả là không thể vội vã luận bàn.
***
Trong Tam quốc diễn nghĩa, Lưu Bị là hình tượng người quân tử nhân nghĩa, thực lòng yêu thương anh em, tướng sĩ, nhân dân. Khi bị Tào Tháo tấn công ở Kinh Châu, Lưu Bị cần rút lui gấp nhưng ông vẫn không nỡ bỏ lại những người dân đã đi theo ông. Tập Tạc Xỉ chép:
“Tiên Chủ tuy điên đảo gian nan mà tín nghĩa càng sáng tỏ, tình thế bức bách hành sự hung hiểm mà lời nói chẳng lỗi đạo. Nhớ ân nghĩa của Cảnh Thăng, cái tình cảm động ba quân; mến yêu nghĩa khí của kẻ sĩ, mà cam lòng cùng chịu thất bại. Xét cái nguyên nhân thu được lòng người, há chỉ vì đồng cam cộng khổ với quân dân, vỗ về người già yếu mà thôi đâu! Sau này làm nên đại nghiệp, chẳng phải là lý đương nhiên sao!”
Trong trận Đương Dương, quân Tào truy sát tới nơi, các tướng của Lưu Bị đều khuyên ông tạm thời bỏ người dân lại, đi trước cho nhanh, nhưng Lưu Bị vẫn không nghe. Người đời sau có thơ khen lòng nhân ái của Lưu Bị đã làm lòng dân hướng về ông:
“Lâm nạn lòng nhân lo bách tính
Lên thuyền rơi lệ cảm ba quân
Bến nước sông Tương còn thương xót,
Phụ lão năm xưa nhớ Sứ quân”.
Chúng ta thử nghĩ mà xem, một vị chủ công yêu thương bách tính như vậy, há lại chẳng yêu thương vợ con của mình hay sao. Khi Triệu Tử Long một mình một ngựa xông pha trong vạn quân Tào để cứu A Đẩu, nhìn Tử Long trở về “máu đỏ chan hòa áo giáp hồng”, Lưu Bị đã “đỡ lấy A Đẩu, rồi ném phịch xuống đất nói: Vì mày suýt nữa ta mất một viên đại tướng!”. Ấy đâu phải vì Lưu Bị coi con trẻ như “y phục”, chỉ vì thương yêu tướng sĩ đó thôi!
Người sau có thơ rằng:
“Hổ thiêng vùng vẫy trong quân Tháo,
Rồng nhỏ nằm tròn bọc Tử Long.
Trung ấy lấy gì yên ủi được,
Ném con thu lấy bụng anh hùng”.
Tam quốc diễn nghĩa tái hiện lại một thời đại phi thường trong lịch sử Trung Quốc, quần anh tụ hội, ba nước tranh hùng với biết bao biến cố, được mất, thành bại ấy chỉ để diễn dịch một chữ “Nghĩa”. Bề tôi có cái nghĩa trung quân báo quốc, phu thê có cái nghĩa đồng cam cộng khổ, huynh đệ có cái nghĩa cốt nhục trung trinh… bấy nhiêu nhân vật sẵn sàng xả thân vì nghĩa, thật khiến người đời sau dập đầu bái phục.
- Xem trọn bộ Cảm ngộ Tam Quốc
Thanh Ngọc
Video: Vì sao người Việt Nam ai cũng yêu thích “Tam Quốc diễn nghĩa”? Chung quy chỉ ở 1 chữ mà thôi!