Có một quan niệm khá phổ biến cho rằng xã hội phong kiến Việt Nam “trọng nam khinh nữ”, người phụ nữ một khi đã gả về nhà chồng là thuộc “quyền sinh sát” của người chồng. Thực ra không phải vậy. Trong bộ luật Hồng Đức từ thế kỷ 15, quyền lợi của người phụ nữ đã được đảm bảo chặt chẽ bằng nhiều quy định khác nhau.

Luật Hồng Đức là tên gọi thông dụng của bộ Quốc triều hình luật, bộ luật chính thức của nhà nước Đại Việt thời Lê sơ, ban hành vào thời vua Lê Thánh Tông (1470-1497). Đây là bộ luật tổng hợp, bao phủ nhiều lĩnh vực khác nhau như: luật hình sự, luật dân sự, luật tố tụng, luật hôn nhân-gia đình, luật hành chính…

Trong luật Hồng Đức, quyền lợi của người phụ nữ đã được đảm bảo chặt chẽ bằng nhiều quy định khác nhau.

Nghĩa vụ vợ – chồng

Quan hệ vợ chồng thời xưa được xác lập trên nền tảng lễ nghĩa Nho giáo và phong tục tập quán của người Việt Nam. Tuy nhiên, luật Hồng Đức cũng có các quy định nhằm điều chỉnh các quyền và nghĩa vụ nhân thân như:

– Nghĩa vụ phải chung sống tại một nơi và phải có trách nhiệm với nhau (các điều 321 và 308, 309)

– Không được ngược đãi vợ (điều 482)

– Nghĩa vụ chung thủy (điều 401, 405)

– Nghĩa vụ để tang nhau (các điều 2, 7).

Như vậy, nghĩa vụ và trách nhiệm là của cả 2 bên, chứ không phải là quan hệ trên – dưới, chủ – tớ giữa chồng và vợ như một số người nhầm tưởng. Không chỉ người phụ nữ phải phụng sự nhà chồng, mà người chồng cũng có trách nhiệm chung thuỷ, chăm lo cho vợ con và đối xử tốt với vợ.

Ly hôn do lỗi của chồng

Gả về nhà chồng không có nghĩa là người phụ nữ trở thành “tài sản” của nhà chồng, muốn định đoạt số phận thế nào tuỳ ý. Luật Hồng Đức có điều khoản quy định ly hôn nếu như xảy ra lỗi của người chồng.

Điều 308 chỉ rõ: Phàm chồng bỏ lửng vợ 5 tháng không đi lại (vợ được trình quan sở tại, quan xã làm chứng) thì chồng đó mất vợ. Nếu đã có con thì gia hạn 1 năm. Nếu đã thôi vợ mà cản trở người khác cưới vợ cũ thì xử “biếm” (“biếm” có thể được hiểu như một hình thức làm hạ thấp tư cách của người bị phạt).

Điều 309 quy định: Người nào quá say đắm với nàng hầu mà thờ ơ với vợ thì bị xử tội “biếm”. Bên cạnh đó, tất cả những hành vi gian dâm đều bị nghiêm trị với khung hình phạt rất nặng.

(Ảnh minh họa: Tranh của nữ họa sĩ Ngọc Mai)

Ngoài ra, chồng không được bỏ vợ trong ba trường hợp:

– Vợ đã để tang nhà chồng 3 năm.

– Khi lấy nhau nghèo mà sau giàu có.

Quy định này phản ánh đạo nghĩa vợ chồng của người xưa: “Tào khang chi thê bất hạ đường” (ý nói không thể bỏ người vợ thuở hàn vi để cưới người vợ mới trẻ đẹp lúc giàu sang).

– Khi lấy nhau vợ có bà con mà khi bỏ lại không có bà con để trở về.

Đồng thời, khi hai bên vợ chồng đang có tang cha mẹ thì vấn đề ly hôn cũng không được đặt ra. Khi ly hôn, con cái thường thuộc về chồng nhưng nếu muốn giữ con, người vợ có quyền đòi chia một nửa số con.

Người vợ có quyền đối với tài sản

Điều 374, 375 và 376 luật Hồng Đức quy định tài sản của vợ chồng được hình thành từ 3 nguồn: Tài sản của chồng thừa kế từ gia đình nhà chồng; tài sản của người vợ thừa kế từ gia đình nhà vợ và tài sản do hai vợ chồng tạo dựng trong quá trình hôn nhân (tài sản chung).

Khi gia đình tồn tại, tất cả tài sản được coi là của chung.

Khi ly hôn, tài sản của ai, người đó được nhận riêng và chia đôi tài sản chung của hai người.

Còn khi chồng chết trước (hay vợ chết trước), tài sản có do cha mẹ dành cho được chia làm hai phần bằng nhau, một phần dành cho gia đình bên chồng/vợ để lo việc tế lễ. Một phần dành cho vợ/chồng để phụng dưỡng một đời.

Mạn đàm

Đã có một thời, người ta hô hào “thoát khỏi vòng cương toả của lễ giáo phong kiến”, khiến đạo nghĩa vợ chồng hôm nay ngày một suy vi. Người xưa có vẻ nghiêm khắc, đôi khi bị cho là “hà khắc”, đặc biệt với phụ nữ, nhưng đọc những điều trên trong luật Hồng Đức chúng ta có thể cảm nhận được lòng nhân từ của họ.

Người phụ nữ trong xã hội xưa có “tam tòng, tứ đức”. Nhìn từ một góc độ thì đó là những yêu cầu nghiêm khắc đối với phẩm hạnh và hành vi của nữ giới, nhưng dưới một lăng kính khác thì đây chính là con đường, chỉ dẫn giúp người phụ nữ có được hạnh phúc trong hôn nhân và nhân sinh hài hoà mỹ mãn.

Trong xã hội con người có luật pháp, nhưng cao hơn nữa còn có Thiên Pháp, có Đạo Trời chi phối, bao trùm hết thảy. Dù là nam hay nữ, nếu có thể tuân theo tiêu chuẩn Chân, Thiện, Nhẫn để làm người, thì nhất định sẽ được Trời cao bảo hộ và ban phúc.

Khiêm Từ

videoinfo__||38c3b8e68__