Đằng sau cái ung dung của tuổi già là biết bao giông bão thời son trẻ. Từ lão nông bần hàn cho tới tỷ phú triệu đô, ai ai rồi cũng sẽ già đi. Dẫu có trải qua bao thăng trầm, dẫu có nếm đủ mọi phú quý vinh hoa, thì khi về già, con người ta chẳng còn gì ngoài một lựa chọn duy nhất: Ta sẽ đối mặt với tuổi già thế nào đây?
Khi còn thơ bé, tôi thường có một vài suy nghĩ kỳ quái, ví dụ như tôi không bao giờ tin rằng mình sẽ già đi. Mặc dù các bậc trưởng bối trong nhà thường nói với tôi rằng: Thời gian là vàng bạc, tuổi trẻ không chăm chỉ thì khi về già sẽ vô cùng bi thương, đã có rất nhiều bài học giáo huấn về điều này, v.v… Tôi nghe quen tới mức đã thuộc lòng.
Nhưng tôi lại không nghĩ rằng mình sẽ lão hoá, nói một cách chính xác thì tôi thậm chí còn không cho rằng mình sẽ già, không chỉ riêng tôi, mà tất cả mọi người cũng đều như vậy. Trong ấn tượng của tôi, bà nội điều gì cũng biết, cha thì trẻ trung vạm vỡ, mẹ thì gọn gàng đâu ra đấy, dáng vẻ của mọi người đã định hình trong tâm trí tôi, thậm chí tôi còn cho rằng mọi người sinh ra đã vậy và sau này cũng sẽ không có gì thay đổi.
Sau này bà nội qua đời, buổi tối hôm đó cha tôi ở lỳ trong phòng bếp, ông ngồi một mình lặng lẽ. Tôi mở hé cửa nhìn cha, cha đang ngồi quay lưng về phía tôi, ông đang uống rượu, cứ uống một hớp rồi dừng lại rất lâu, rồi lại một hớp nữa. Tôi không nghe thấy bất cứ âm thanh nào khác, nhưng tôi nhìn thấy cha liên tục gạt nước mắt.
Có một thời gian tôi đi làm xa, tới kỳ nghỉ tôi trở về nhà thì phát hiện tự lúc nào cha luôn phải nghỉ giữa chừng mỗi khi leo cầu thang. Cứ lên được hai tầng cha lại nghỉ một lần, đôi khi thấy phiền toái, ông bèn dùng di động soạn tin nhắn. Mỗi lần nghỉ giữa chừng cha lại viết vài chữ, sau đó lại bước tiếp, rồi lại nghỉ, lại viết vài chữ, đợi khi lên tới tầng mái thì ông cũng viết xong tin nhắn. Cha nói rằng leo cầu thang như vậy sẽ không cảm thấy mình bất lực. Có lần, trong một cuộc gọi điện, cha còn truyền lại kinh nghiệm này cho anh trai, bác trai của tôi một cách nghiêm túc. Tôi biết rằng: Cha thực sự đã già!
Mẹ tôi vốn là người phụ nữ có đầu óc tinh tường, vậy mà giờ đây cũng bắt đầu quên quên nhớ nhớ. Ví dụ như mẹ bật điều hòa nhưng lại quên đóng cửa sổ…, ban đầu tôi thường phải nhắc nhở bà. Đôi khi tôi còn nghĩ rằng, trước kia mẹ làm việc rất tươm tất là thế, vậy mà bây giờ lại quên quên nhớ nhớ đến vậy. Cứ như thế, một lần, hai lần, ba lần, kẻ ngốc nghếch là tôi đây cũng phải hiểu ra rằng: Hóa ra mẹ đã già rồi!
Tôi từng không muốn tin rằng mình sẽ già đi, nhưng vì các bậc trưởng bối trong nhà đều đã luống tuổi, còn tôi lại ngày càng “quen thuộc” hơn với tuổi già. Một lần ông cậu tôi từ quê ra, ông là một người khá bảo thủ, đã tung hoành ngang dọc cả một đời, vậy mà giờ đây cũng thành bậc lão niên. Nhưng ông lại giải thích “già” như thế này, ông nói: “Già chính là mê tiền bạc cộng thêm sợ chết, khi cảm thấy mình vừa mê tiền lại vừa sợ chết chính là lúc đã già”.
Tôi nghe xong cũng phải phì cười, cười ông ngoan cố khó sửa, nhưng ngẫm lại thấy không khỏi có đôi chút xót xa. Mê tiền? Quả đúng là như vậy. Già đi thì lại càng có cảm giác nhiều nguy cơ hơn, có cảm giác cô độc, cho nên phải có một chút tích lũy mới thấy yên lòng. Kỳ thực tiền tiết kiệm tổng cộng cũng chẳng được mấy đồng, nhưng lại quý như vàng vậy, bên này phòng cho con trai, bên kia phòng cho con gái, thậm chí là sợ chết, đây đều là lời chân thực.
Tôi nhớ khi còn trẻ, ông hừng hực khí thế, thích thể hiện tài năng, thường hay mang khí khái “đời người từ xưa đến nay ai có thể không chết?”. Tới khi già đi, cuối cùng ông cũng cảm thấy chết vinh còn hơn sống nhục, dù cho phải chết thì cũng ngẩng cao đầu mà rời cõi thế gian.
Những ngày tháng lão niên khiến ông không khỏi cảm thán, mặc dù vậy tôi vẫn không muốn tin mình sẽ già đi. Cũng bởi nguyên nhân này mà thời gian làm việc và nghỉ ngơi của tôi đều tùy theo sở thích cá nhân, tôi rất ít liên tưởng tới việc “già” đi. Ví như tôi có thể đọc sách thâu đêm suốt sáng mà không để tâm xem liệu sáng hôm sau mắt có bị sưng húp lên hay không, hoặc suốt nhiều năm liền tôi đều ngồi trước máy tính mười mấy tiếng đồng hồ mà không lo lắng về tia khúc xạ hoặc bị gù lưng.
Có độ răng của tôi hơi đau, thế là tôi nấu rau thật nhừ, có độ tóc của tôi rụng khá nhiều, tôi bèn cắt cho ngắn lại. Đối với tuổi già tôi lại càng muốn đối mặt với nó bằng một thái độ nước nổi bèo trôi, muốn đến thì đến, muốn đi thì đi. Nhưng, đối mặt với những năm tháng “gần đất xa trời” tôi không thể không cảm thấy thương cảm, mặc dù chuyện đó dường như chẳng liên quan gì tới mình.
Mỗi người rồi cũng phải già đi, nhưng đối với thế gian này lại vô tình như cảnh mặt trời mọc mặt trời lại lặn vậy. Hàng ngày đều có người đang già và già đi, từ xưa tới nay vẫn không ngừng nghỉ như vậy. Đôi khi, đọc được một vài câu chuyện cổ tôi lại phát hiện thấy cách người xưa đối đãi với “tuổi già” khác biệt rất lớn so với người hiện đại chúng ta.
Người già lúc đó cũng ra dáng của người già: Từ bi, an hòa, chính trực, công bằng, hiểu rộng biết nhiều. Cũng chính vì vậy mà địa vị của người già thông thường khá cao, được gia tộc và làng xóm rất tôn trọng. Họ được coi là bậc lão niên đức dày, nguyên lão hai triều, tam công trọng thần, cũng được coi là rường cột của quốc gia, mở miệng ra ắt phải là những lời lão luyện thận trọng, quyết sách ắt phải là những phương sách cho thiên thu vạn kiếp. Đối với vua chúa Thiên tử mà nói, có những bậc trưởng bối như Tứ Hạo [1] hầu cận bên mình cũng giống như phượng hoàng bay lượn, kỳ lân xuất động, là tiêu chí để đánh giá một bậc vua anh minh.
Còn có một kiểu già đi siêu xuất khỏi vạn vật khác, nằm tọa tại núi xuân mà uống ráng chiều, bầu bạn cùng cây tùng mà ngạo nghễ nghe tiếng hạc kêu vượn hót, hái thuốc luyện đan, đắc đạo thành tiên – đây đại khái là cảnh giới cao nhất của tuổi già. Ví như Trương Tam Phong, đắc đạo vào tuổi 70, lại làm một vị thần tiên trên thế gian hơn 100 năm, quả thực ông đã khiến con người phải ngưỡng mộ.
Cổ nhân vẫn thường nhắc tới cảnh giới “Bất tri lão chi tương chí” (không biết rằng tuổi già sắp đến) của Khổng Tử, đây được coi là đạo an lạc của người xưa. Khổng Tử là bậc đại tài đại đức, tài đức của ông lớn tới mức chỉ có thể xưng là Tố Vương chứ không thể bái làm khanh làm tướng; dẫu có làm khanh tướng công thần thì ông vẫn giống như người trị vì thiên hạ, lập ra quy tắc, lễ pháp cho muôn vạn đời sau. Với trí huệ và đạo đức của Khổng Tử, hễ minh bạch lý này thì cả ngày ông đều vùi đầu đọc sách, dạy dỗ môn đồ, chỉ lo thời gian không quay trở lại, chứ đâu có tâm trạng mà tiếc thương xuân hạ thu đông nối nhau lần nữa.
Những câu chuyện trên đây khiến tôi gấp sách lại mà không khỏi cảm thán. Nếu “già” mà có thể hiên ngang giữa sự đời đến vậy, thì con người đều có thể nhảy thoát khỏi ánh tà dương đẹp vô hạn ấy. Trong cuộc sống, tôi quả thực cũng từng gặp được những người già siêu phàm như vậy.
Đó là vào một buổi chiều trước năm 1999, tôi nhìn thấy một vài người cao tuổi trong công viên, bác trẻ nhất cũng gần 60 tuổi, họ đang ngồi đó đọc sách. Những bậc lão niên ấy nói rằng họ đang tu luyện Phật Pháp, đang chia sẻ về việc tu tâm hướng thiện. Có người nói sức khỏe mình tốt như thế nào, nên đã không trở thành gánh nặng cho con cái. Có người nói lòng dạ mình cũng trở nên rộng rãi hơn, ở với con dâu mà hòa hợp như với con gái vậy.
Có người nói Phật Pháp tốt như vậy nên đã giới thiệu cho bạn bè và họ hàng cùng tới học. Lần đầu tiên nghe những lời này, tôi hơi có đôi chút khó hiểu, nhưng tôi hiểu một điều rằng họ chỉ đơn thuần là đang theo đuổi chân lý, dùng tấm lòng thành kính của mình để thực hành đạo đức trong cuộc sống thực tế. Những người già coi vô tư vô ngã là lý tưởng tối cao ấy chính là những bậc trưởng bối hữu đạo mà tôi chỉ gặp trong những câu chuyện cổ, họ đã khơi dậy niềm tôn kính trong tôi.
Buổi chiều hôm đó, ánh tà dương thật rực rỡ, những bậc cao niên ấy vẫn ngồi tại đó, tỏa ra ánh sáng của đạo đức lấp lánh, như thứ ánh sáng huy hoàng chiếu rọi xuyên thấu tầng mây. “Già” như vậy không có cảm giác cô đơn lạc lõng như cảnh chiều tà nơi nương dâu bãi bể, không có vẻ buồn thương của mỹ nhân trước cảnh hoàng hôn, không có sự bi ai cảm thán của bậc anh hùng đang thấy mình già đi.
Tôi vẫn không tin rằng mình sẽ già, mà họ lại đang diễn giải một truyền thuyết trường sinh bất lão rất chân thực. Tôi cũng mong rằng tất cả những người già trong thiên hạ, những người già giống như cha mẹ tôi đều có được tuổi vãn niên tràn ngập niềm cảm ân và hạnh phúc, không phụ dòng chảy tháng năm hợp tan dưới ánh tà dương này.
Tác giả: Tống Tử Phượng
Hiểu Liên biên dịch
Chú thích:
[1] Tứ Hạo chỉ 4 vị lão niên chưa lưu về ở ẩn là Đông Nguyên Công, Lộc Lý, Ỷ Lý Quý, Hạ Hoàng Công.
Xem thêm: