Phật gia giảng: “Nhân thân nan đắc”, được làm người quả là không dễ dàng. Trong lục đạo, thọ mệnh của con người thật ngắn ngủi, vậy mà cơ hội đắc được thân người lại vô cùng khó khăn và là kết quả của nhiều kiếp tu hành.

Trong lục đạo luân hồi, ngoài cõi người ra thì các cõi còn lại đều có thọ mệnh rất lâu dài. Do vậy, Phật Đà thường giảng rằng đắc được thân người vô cùng khó khăn. Tại sao lại như vậy? Bởi vì khi ở trong lục đạo, một sinh mệnh nếu muốn được nghe Pháp, ngộ Pháp, thì cõi người là thuận lợi nhất.

Trong cõi Trời, chúng sinh hưởng thụ nhiều, chịu khổ ít, cuộc sống phú quý khiến họ lơ là quên đi việc tu tập giải thoát khỏi sinh tử. Do vậy, phúc báo tích được từ các kiếp trước dần dần ít đi, đến khi hết thọ mệnh họ sẽ phải tái sinh vào những cõi thấp hơn.

Trong cõi A-tu-la, chúng sinh là những người đã từng làm việc thiện, tích nhiều phúc báo, nhưng lại có bản tính hiếu thắng và đố kỵ, tâm sân hận mạnh mẽ.

Trong 3 cõi còn lại (súc sinh, ngạ quỷ, địa ngục), chúng sinh phải hoàn trả nghiệp chướng do bản thân gây ra, nên họ mãi sống trong đau khổ. Nói tóm lại, việc tu luyện trong 5 cõi nói trên là điều không thể.

Đức Phật giảng rằng, một sinh mệnh đắc được thân người cũng khó như việc con rùa mù chui đầu vào khúc gỗ mục. Chuyện là, giữa biển khơi có một cây gỗ, trên thân có lỗ hổng to bằng đầu rùa, trôi lênh đênh trên mặt biển bao la không biết tự bao giờ. Con rùa mù nằm dưới đáy biển, sau mỗi 100 năm nó mới có cơ hội nổi lên một lần, để tìm cách chui đầu vào cái lỗ trên thân cây trôi lênh đênh ấy. Vậy mà rùa mù, bằng ngộ giác của mình dõi theo cây gỗ, phải chờ đến đúng thời điểm hữu duyên tương ngộ sau mỗi 100 năm, khi rùa nổi lên và thân cây trôi đến vừa kịp lúc để nó chui đầu được vào trong lỗ hổng của cây. Hãy thử nghĩ xem, xác suất ấy hi hữu đến chừng nào? Vậy mà sinh mệnh muốn đắc được thân người lại khó khăn như chuyện con rùa chui đầu vào lỗ cây ấy. Thế mới hay, để có được thân người thật là quá khó khăn!

Sinh mệnh muốn đắc được thân người thật là quá khó khăn! (Ảnh minh họa: himgaws.pw)

Vậy mà, có được thân người rồi, biết bao sinh mệnh lại không biết Phật Pháp, không hiểu luật nhân quả, truy cầu dục vọng viển vông mà không biết bản thân đã tạo bao nhiêu tội nghiệp… Biết bao người đã lãng phí thời gian để kiếp sống này qua đi, rồi vì nghiệp chướng nặng nề mà bị hạ nhập vào các cõi súc sinh, ngạ quỷ, địa ngục…  Họ lại phải trả hết nợ nghiệp đã mắc trong nhiều đời, nhiều kiếp rồi mới có được một lần nữa cơ hội chuyển sinh làm người…

Phật gia cũng giảng “Phật Pháp nan văn”. Tại sao lại nói khó gặp được Phật Pháp? Trong Kinh Tứ Thập Nhị Chương, chương 36 có viết: “Kẻ rời bỏ ác đạo được làm người là khó. Làm người rồi mà tránh được thân nữ, đắc thân nam là khó. Có được thân nam rồi mà 6 giác quan đầy đủ là khó. 6 giác quan đủ rồi mà được sinh sống ở nơi văn minh là khó. Sinh sống ở nơi văn minh rồi mà được gặp Phật ở đời là khó. Đã gặp thời Phật rồi mà đắc Phật Pháp là khó. Đắc được Phật Pháp rồi mà khởi được tín tâm là khó. Khởi được tín tâm rồi mà phát tâm Bồ Đề là khó. Phát tâm Bồ Đề rồi mà đạt đến chỗ vô tu vô chứng là khó”.

Kinh Đại Bát Niết Bàn – Phẩm Thọ Mệnh cũng có ghi chép: “Khó gặp Phật xuất thế, cũng như hoa Ưu Đàm khai nở rất khó gặp. Gặp Phật rồi khởi lên tín tâm, lại càng khó hơn. Đến khi Phật sắp nhập niết bàn, được cúng dường Phật bữa cơm cuối cùng, nhân đó có được đầy đủ hạnh bố thí, việc ấy lại càng khó”.

Đức Phật tại thế vốn như Ưu Đàm hoa khai nở, thật may mắn khi được sống trong thời Phật Pháp khai truyền tại thế gian, vượt qua ngàn vạn kiếp nạn để đời này lại được làm người và có thể tiến nhập Phật Pháp, tiến nhập Phật môn.  

Đức Phật tại thế vốn như Ưu Đàm hoa khai nở, thật may mắn khi được sống trong thời Phật Pháp khai truyền tại thế gian. (Ảnh: wallimpex.com)

Xưa kia, đã bao đời khi Đức Phật tại thế mà ta lại trầm luân trong bể khổ mê mờ, lầm đường lạc lối. Đến khi ta được chuyển sinh tới cõi người thì Đức Phật lại không còn tại thế. Và cũng có khi ta được chuyển sinh đến cùng quốc gia với Phật Đà thì vì nghiệp chướng đầy thân mà không biết đến Ngài, hoặc biết đến Ngài nhưng lại không tin theo thuyết Pháp của Ngài.

Nhưng nhờ phúc báo của bao nhiêu kiếp tu luyện, nay chúng ta lại được đắc thân người. Đó là nhờ thiện căn của bao nhiêu kiếp gieo mầm trồng cây uy đức mà nay chúng ta mới có duyên được nghe Phật Pháp…

Theo GreatDaily
Tâm Kính biên dịch