Ác giả ác báo, đó là quy luật muôn đời. Nhưng kẻ ác nếu sớm biết hồi tâm chuyển ý, hành thiện tích phúc thì lại có thể thay đổi được vận mệnh và nghiệp quả của chính mình. Câu chuyện dưới đây minh chứng rõ cho điều đó.
Buông bỏ đồ đao, hưởng phúc báo
Sách “Thái Bình Quảng Ký” có chép một câu chuyện như sau. Nguyễn Cơ là người Hà Nam. Vào năm thứ 7 niên hiệu Kiến Đức Chu Vũ Đế thời Nam Bắc triều, Nguyễn Cơ đi tới phía đông bắc núi Vương Ốc để săn gấu. Anh ta bất chợt trông thấy có một vị đạo sĩ ngồi dưới gốc cây, thần thái dung mạo bất phàm. Nguyễn Cơ bỏ cung tên trên người xuống, quỳ lạy vấn an vị đạo sĩ. Đạo sĩ mời Nguyễn Cơ vào trong đạo quán của ông nghỉ chân trò chuyện.
Lúc này, trong núi có một tiểu đồng đi đến, dẫn Nguyễn Cơ tới trước cửa đạo quán. Nhìn thấy bên trong đạo quán, lầu các điện đường nguy nga, tráng lệ, đều có khảm vàng ngọc, trên mặt đất cũng trải lưu ly xanh biếc, sạch sẽ sáng bóng. Bên đường cây cối xếp thành hàng, kết ra vô số quả chín màu đỏ tươi.
Nguyễn Cơ đứng trước cổng lớn, trong lòng rất chấn động, hành lễ với đồng tử xong liền trở về đến chỗ đạo sĩ. Vị đạo sĩ cười nói: “Có phải ông vẫn còn chưa bước chân vào đạo quán chăng?“. Nguyễn Cơ cười nói: “Tôi là kẻ phàm phu tục tử, không hiểu được cái lẽ huyền diệu của Đạo gia, hôm nay bỗng được tận mắt nhìn thấy cõi trời, thật quá sức vui mừng, không dám mong cầu gì hơn nữa. Khẩn mong tiên sư chỉ điểm bến mê, cho kẻ phàm phu tục tử như tôi có thể được siêu độ“.
Đạo sĩ nói: “Ông tội nghiệp sâu nặng, bởi kiếp trước có duyên với tôi, nên mới có cuộc gặp gỡ hôm nay. Dương thọ của ông sắp kết thúc rồi, ông dự tính thế nào đây?“. Nguyễn Cơ nghe thấy lời này, càng thêm lo sợ, không ngừng dập đầu cầu xin vị đạo sĩ giúp kéo dài thọ mạng. Vị đạo sĩ nói với ông rằng chỉ có bỏ ác theo thiện mới là lối thoát, bắt ông thề phải vứt bỏ cung tên, từ nay trở đi không được giết hại sinh mệnh nữa, rồi thọ giới cho ông, sau đó dọn bữa cơm chay mời ông ăn. Ăn xong rồi, đạo sĩ nói: “Sau khi ông chết rồi, tôi sẽ siêu độ cho ông“.
Cùng mùa đông năm ấy, Nguyễn Cơ mắc phải bệnh nặng, đột nhiên qua đời, nhưng tay trái có một ngón tay vẫn còn ấm. Người nhà không chôn ngay, ba ngày sau ông lại sống lại, rất lâu mới có thể nói chuyện được. Nghe ông kể lại, khi vừa mới chết, có hai vị sứ giả mặc áo vàng, trong tay cầm công văn dẫn ông đi đến một nơi giống như quan phủ, sứ giả dẫn ông vào trong. Nhìn thấy trong đại sảnh loáng thoáng có vị quan nhân, trước bậc thềm có đến mấy chục vị quan, trong tay mỗi người đều cầm cuốn sổ, có cái màu xanh, có cái màu đen. Lúc này, có vị quan viên tay cầm quyển sổ màu đen nói với ông: “Nhà ngươi tội nghiệp sâu dày, đáng bị đánh xuống địa ngục!“.
Ông nghe xong, vô cùng hoảng sợ không biết phải trả lời thế nào, một hồi lâu bất chợt mới nghĩ ngay đến vị đạo sĩ nọ, thầm cầu nguyện trong tâm: “Khi tôi từ biệt tiên sư, ngài đã từng nói sau khi tôi chết rồi sẽ đến siêu độ. Bây giờ tôi đã sắp phải xuống địa ngục rồi, tiên sư hãy mau mau đến cứu tôi với!“.
Quả nhiên một lúc sau, bên trời Tây Bắc có mây lành hiện ra, một cỗ xe mây từ không trung dần dần hạ xuống, dừng lại trước thềm sảnh lớn cách mặt đất hơn một trượng. Chỉ thấy vị tiên sư mà ông gặp dạo trước ngồi ngay ngắn trong xe, chúng quan viên nơi âm tào vội vàng quỳ xuống hành lễ.
Tiên sư nói với các quan viên trong âm phủ rằng: “Tôi có vị đệ tử ở đây, tôi đến đây siêu độ cho y“. Nói xong, cầm lấy một quyển Đạo kinh đưa cho Nguyễn Cơ. Nguyễn Cơ vội quỳ xuống đón lấy. Tiên sư bảo Nguyễn Cơ niệm một lần quyển kinh này, ông liền tụng niệm, chúng quan đều cúi đầu cung kính lắng nghe. Nguyễn Cơ niệm kinh xong, tiên sư nói: “Ông đã có thể đi rồi, không phải lưu lại đây nữa. Sau này phải khắc khổ tu đạo, chúng ta vẫn sẽ còn gặp lại nhau nữa“.
Nói xong, vị tiên sư đột nhiên không thấy đâu nữa, chỉ lưu lại một mùi thơm nồng đậm rất lâu vẫn không tan. Lúc này, có một vị sứ giả áo vàng dẫn Nguyễn Cơ đến trước cửa nhà ông, chỉ nghe thấy người trong nhà đang khóc lóc thảm thiết. Nguyễn Cơ đột nhiên sống lại. Sau khi sống lại, ông ngồi ở đó rất lâu lại nhớ lại quyển kinh đã đọc trong mơ đó, viết ra không sai không sót chữ nào. Từ đó, Nguyễn Cơ ngày ngày ăn chay niệm kinh. Về sau, Nguyễn Cơ từ biệt gia đình, đi vào trong núi Vương Ốc tu Đạo.
Nguyễn Cơ trong câu chuyện sát hại sinh mệnh, tội nghiệp sâu dày, nhưng bởi duyên phận đời trước, đời này gặp được tiên sư, thiện tâm dấy khởi thề không sát sinh nữa và được tiên sư thọ giới. Về sau khi mắc bệnh nặng, nguyên thần rời khỏi thân xác, nơi địa phủ tụng niệm một quyển Đạo kinh, nhờ vậy mà thoát khỏi địa ngục, sống lại từ cõi chết.
Hành thiện giải tội được phúc báo
Khoảng năm 1755, ở châu Đại Phố (tức Cù lao Phố, nay là Biên Hòa, Việt Nam) có một người tên là Thủ Huồng. Ông xuất thân làm thư lại. Trong 20 năm làm việc trong nha môn, ông đã thu được nhiều tiền của. Sau khi vợ mất sớm lại không con, mà tiền bạc thì quá thừa thãi, Thủ Huồng xin thôi việc về nhà.
Thủ Huồng rất yêu vợ, cho nên khi nghe người mách rằng ở chợ Mãnh Ma (Quảng Yên) là chỗ người sống và người chết có thể gặp nhau, ông quyết đi tìm vợ. Gặp nhau, trong lúc trò chuyện, Thủ Huồng ngỏ ý muốn xuống âm phủ chơi. Ở cõi âm, ông tận mắt nhìn thấy những cực hình dành cho những kẻ phạm nhiều tội ác khi còn sống. Ông cũng đã nhìn thấy một cái gông to, mà cai ngục cho biết là để dành cho mình vì tội ăn cắp.
Khi trở lại cõi dương, Thủ Huồng sợ bị đọa vào địa ngục, liền đem toàn bộ tài sản dùng vào việc bố thí, xây dựng những công trình phúc lợi, đặc biệt là làm nhà để giúp dân nghèo tránh nước triều dâng ở ngã ba sông.
Sách Gia Định thành thông chí có ghi:
“Thuở ấy, dân cư còn thưa thớt, ghe đò hẹp nhỏ, hành khách thổi cơm, đun trà rất khổ, vì vậy có người phú hộ ở tổng Tân Chánh tên là Võ Thủ Hoằng kết tre lại làm bè, trên che lợp phòng ốc, sắm đủ bếp núc, gạo, củi, và đồ ăn để dưới bè cho hành khách tùy ý dùng mà không bắt phải trả tiền. Sau đó khách buôn cũng kết bè nổi bán đồ ăn nhiều đến 20, 30 chiếc, nhóm thành chợ trên sông, nên mới gọi xứ ấy là Nhà Bè. Sau này đường thủy, đường bộ lưu thông, dân cư đông đúc, người qua lại đều dùng ghe nhà nên đò dọc phải dẹp bỏ. Vì kỵ húy tên vua Hoằng Lịch (Càn Long) nhà Đại Thanh nên phải đọc trại đi là Võ Thủ Huồng. Chiếc cầu Thủ Huồng giữa Tân Vạn và chợ Đồn (Biên Hòa) tương truyền do Võ Thủ Huồng xây dựng đến nay vẫn còn.
Sau, Thủ Huồng được vợ đưa xuống cõi âm lần nữa, và thấy cái gông ngày cũ đã nhỏ lại rất nhiều. Từ đó, ông tiếp tục làm việc thiện, việc nghĩa cho đến khi mất. Khá lâu sau, có vua nhà Thanh tên là Đạo Quang (1782-1850) lúc mới lên ngôi (1820) có cho sứ sang Việt Nam hỏi lai lịch một người ở Gia Định.
Số là khi mới sinh, trong lòng bàn tay vua đã có mấy chữ “Đại Nam, Gia Định, Thủ Hoằng”. Khi rõ chuyện, nhà vua có gửi cúng chùa Chúc Thọ (chùa Thủ Huồng) ở Biên Hòa một bộ tượng Phật Tam Thế bằng gỗ trầm hương. Do việc này, mà có người bảo rằng: Nhờ thành thật hối lỗi, Thủ Huồng chẳng những làm tiêu tan cái gông đang chờ ông ở cõi âm, mà còn được đi đầu thai làm vua ở Trung Hoa.
Thiện Sinh