Sẽ có một ngày chúng ta không cần dùng khoá cửa để đề phòng người khác, cũng không cần phải khoá chặt bản thân mình…
Khu chung cư chúng tôi mới có quy định: Muốn ra vào thì cần phải quẹt thẻ, hễ có khách khứa đến thăm thì cần phải đăng ký với ban quản lý toà nhà. Nhờ có công tác quản lý như vậy nên người ngoài rất khó thâm nhập vào bên trong, vậy nên việc trị an của khu chung cư khá tốt. Nhưng chuyện gì cũng đều có hai mặt của nó!
Hôm ấy tôi có việc gấp phải ra ngoài. Ở cửa sảnh yêu cầu phải quẹt thẻ ra vào, nhưng tôi tìm tới tìm lui mà không thấy chiếc thẻ đâu cả. Trước giờ tôi vẫn luôn để nó trong túi xách, sao lúc này lại không thấy đâu nữa? Nhớ lại, thì ra là mấy hôm trước bạn bè đến chơi, chồng tôi đã dùng thẻ để đi đón bạn, sau đó có lẽ anh đã tiện tay cất vào ví của mình.
Tôi đứng trước cửa muốn ra mà không thể ra được, đột nhiên nhận thấy một cảnh tượng rất nực cười: Người ở bên ngoài muốn vào mà không vào được, còn người ở trong muốn ra lại không đi ra được. Bộ hệ thống an ninh này bảo vệ sự an toàn của chúng ta, nhưng lại đồng thời hạn chế tự do của chúng ta, một khi không có thẻ trong tay thì không thể ra vào. Nguyên là muốn giữ chân người ngoài không cho phép họ đi vào, nhưng trái lại cũng cầm chân của chính mình.
Tôi chợt nhớ đến những mẩu chuyện xưa đã từng đọc trong sách: Có những thời kỳ khi đạo đức rất cao, người ta đêm ngủ mà không cần đóng cửa, đi đường chẳng thấy nhặt của rơi. Bây giờ, chúng ta lại phải nâng cấp hệ thống bảo vệ an ninh các loại thì mới có thể ngủ ngon giấc. Truy xét đến cùng, chung quy vẫn là đạo đức đã bại hoại, lòng người đã đổi thay. Bởi có người không còn yên lòng với tình trạng hiện tại của bản thân, lại có kẻ muốn xâm chiếm lợi ích của người khác, vậy nên các thiết bị an ninh mới không ngừng cho ra những dòng sản phẩm mới, ngăn không cho người ngoài có thể hoành hành, bảo vệ an toàn cho những cư dân sống bên trong.
Nghĩ đến đây, tôi không khỏi cảm thấy đáng buồn: Mượn nhờ ngoại lực để duy trì trật tự giữa người với người, ở một trình độ nhất định thì có hiệu quả, nhưng bên cạnh đó thiếu sót cũng dễ dàng nhận thấy. Dùng phương thức thế nào để đối đãi người khác thì người ta cũng sẽ dùng phương thức như vậy để đối đãi lại với mình. Giống như ổ khoá trước mắt tôi vậy, giữ được chân người ngoài, nhưng cũng khoá chắc bản thân mình bên trong.
Thiết nghĩ nếu một ngày nào đó trong tương lai hết thảy đều sẽ cải biến, chúng ta không cần phải dùng loại khoá cửa tân tiến để duy trì trị an, mà sẽ dựa vào chính bản thân mỗi người ước thúc nội tâm của chính mình. Giữa người với người không cần thiết phải đề phòng lẫn nhau, mà là gặp nhau đều cảm thấy thân quen, mỗi lần gặp nhau đều để lại thiện cảm. Khi đó, chúng ta không cần dùng khoá cửa để khoá người khác, cũng không cần phải khoá chặt bản thân mình. Như thế không chỉ là “cởi trói” cho người khác, mà cũng chính là cởi trói cho chính mình…
Thuận An
Theo epochtimes.com
Bạn đang đọc bài viết: “Giữ chân người khác cũng chính là khoá chặt chính mình” tại chuyên mục Văn hóa của Đại Kỷ Nguyên. Để cập nhật thêm nhiều bài viết hay, quý độc giả vui lòng truy cập Fanpage chính thức của chúng tôi: facebook.com/DaiKyNguyenVanhoa/. Mọi ý kiến phản hồi và tin bài cộng tác xin gửi về hòm thư: [email protected]. Xin chân thành cảm ơn! |