“Phong Thần diễn nghĩa” là bộ tiểu thuyết chương hồi mang đậm tính huyền sử của Trung Quốc, thường được giới học giả so sánh với trường ca Iliad của Hy Lạp. Bộ truyện lấy bối cảnh chiến tranh Thương – Chu, lồng vào rất nhiều yếu tố của Phật, Đạo, Thần, người, ma, chuyện quái dị, thơ, từ, ca, phú… được người đời tán thưởng không thôi. 

Từ khi “Phong Thần diễn nghĩa” ra đời vào triều Minh đến nay, nhà nhà đều biết, người người đều hay. Loạt bài “Giải mã Phong Thần” này muốn thêm một lần nữa phân tích, giải mã bộ tiểu thuyết đồ sộ này, hy vọng độc giả sẽ có được một sự tiếp nhận thẩm mỹ mới mẻ hơn, đồng thời nhận rõ được yếu tố văn hoá Thần truyền vĩ đại ẩn chứa bên trong đó. 

Xem thêm: Phần 1,  Phần 2

1. Ân Giao, Ân Hồng, lựa chọn lưỡng nan 

Đế vương cổ đại lấy nước làm nhà, khắp nơi thiên hạ, nơi nào cũng đất vua, người trên đất đó, ai ai cũng là thần dân của vua. Vương công quý tộc, con cháu dòng họ Ân Thành Thang, gặp phen nước nhà đại biến, họ đã lựa chọn ra sao? Anh em họ Ân sớm phải chứng kiến cảnh mẹ chết thảm, cha là vua Trụ chém giết con ruột, đành phải lưu lạc. Ân Giao, Ân Hồng chịu ơn cứu mạng của Đạo gia Côn Luân, được truyền võ nghệ ở danh sơn, lẽ ra nên thuận lẽ trời mà diệt ác, vậy mà giữa vua cha phú quý và thiên lý thiên mệnh, họ lại chọn vế trước.

Trung với vua cha, không có nghĩa là trung với tông miếu Thành Thang. Anh em Ân Giao, Ân Hồng vứt bỏ đại trung mà chọn tiểu trung, lập lời thề độc mà lại dám phản bội, cuối cùng một kẻ hóa thành tro, một kẻ bị cày cuốc bổ xéo cho đến chết. Chuyện này đã ứng nghiệm rằng luật nhân quả không phải là giả, rằng sự lựa chọn đứng về bên nào giữa chính và tà, thiện lương và tội ác sẽ quyết định trực tiếp tới số phận người ta. 

Núi Côn Luân, nơi đạo gia tu luyện (Ảnh dẫn theo huaniaohua.pctwo.net)

2. Các bậc nữ nhi chứng thực tiết tháo 

Khương hoàng hậu là chính cung hoàng hậu của Trụ vương, bị kẻ gian hãm hại nên bị móc mắt nướng tay, chỉ cần nhận tội như lời vu vạ, thì không phải chịu cực hình. Nhưng Khương Thị, một nữ nhi yếu đuối lại nói: “Bình sinh thông hiểu lễ giáo, sao có thể nhận cái việc đại nghịch như thế này, gây tủi nhục cho cha mẹ, đắc tội tổ tiên xã tắc, bại hoại phu thê cương thường, sỉ nhục bại hoại gia môn, đẩy cha vào chỗ bất trung bất nghĩa, đẩy thái tử vào cảnh không yên ở vị trí kế vị vua. Cho dù vạn dao ngàn búa, thì đó là đời trước gây tội ác, đời này quả báo, sao có thể trái với đại nghĩa?“. 

Những lời này có thể cho thấy được đức hạnh của họ Khương, là bậc mẫu nghi thiên hạ, biết thuận theo nhân quả, tôn kính tổ tiên, thủ giữ luân thường, có lòng yêu thương con, lòng hiếu thuận, chịu muôn ngàn khổ cực vẫn quyết lấy cái chết để chứng minh sự trong trắng. 

Những bậc nữ trung hào kiệt như thế trong Phong Thần có rất nhiều. Giả Thị là vợ của Hoàng Phi Hổ Vũ Thành Vương, bị Đát Kỷ lừa, Trụ vương háo sắc có ý bỡn cợt. Giả Thị nổi giận ngút trời, chửi rủa hôn quân, nhảy xuống dưới lầu, thịt nát xương tan, vì Hoàng tướng quân giữ trọn danh tiết. 

Mã Thị là người vợ kết tóc xe duyên của Khương Tử Nha. Khương Tử Nha muốn đi Tây Kỳ Vị Thủy chờ đợi bậc quân vương, để Mã Thị cùng đi. Mã Thị thoái thác nói phụ nữ Triều Ca không nên đi nơi hoang dã, có ý thích giàu sang ghét nghèo khó. Khương Tử Nha diệt Thương vào Triều Ca, địa vị tột bậc quần thần. Mã Thị xấu hổ thắt cổ mà chết, sau khi chết bị phong làm Cùng Thần (thần nghèo khó). 

Có chính có phản, có sang có hèn, mấy nữ nhi chẳng chịu kém kẻ nam tử, dùng sống chết giàu sang để chứng minh nghĩa phu thê. 

3. Hoàng Phi Hổ: Cha con do dự 

Gia tộc họ Hoàng 7 đời trung lương, cha làm Tổng binh Giới Bài quan, con Hoàng Phi Hổ được phong làm Võ Thành Vương, em gái là Hoàng phi, cả gia tộc đã lập nhiều chiến công vì giang sơn Thành Thang. Kết quả vợ và em gái bị bức tử thê thảm, Hoàng Phi Hổ nổi giận chống lại Triều Ca, bỏ trốn ra Tây Kỳ bảo vệ Thánh chủ. 

Trong ơn vua, có danh, có lợi, có tình. Kẻ tiểu nhân lý giải ân nghĩa, mắt nhìn vào lợi ích vinh hoa, bậc quân tử lý giải ân nghĩa, mắt nhìn vào thiên lý đạo đức. Cha con Hoàng Phi Hổ ghi nhớ đức hạnh và ân nghĩa của Thành Thang, trước sự đan xen quyến luyến của địa vị, danh dự, tiền bạc, tình cảm, đã do dự trong chốc lát.

Nhưng, Trụ vương hoang dâm tửu sắc, tàn hại trung lương, nghịch lễ ngược luân, giết vợ diệt nghĩa, Hoàng Phi Hổ qua cơn đau nghĩ lại nỗi đau, mới quyết định giữ đại nghĩa, bỏ tiểu nghĩa, vì dân hỏi tội.

Tiểu nghĩa là vinh hoa phú quý và ơn xưa tổ tiên do quân vương ban cho, đại nghĩa là vì muôn dân và vong hồn các bậc trung lương, dấy binh hỏi tội, giữa cái giữ và bỏ đều thể hiện ra nhân tính. Võ Thành Vương nổi giận chống lại Trụ vương, trên đường tiến đánh Trụ, một nhà hổ tướng, chiến trường quên thân.

Lựa chọn của Võ Thành Vương đã thiết lập công bằng cho hậu thế, đã tỏ rõ chính nghĩa cho các bậc trung lương, là mẫu mực cho các vương hầu. Có thể thấy vinh hoa phú quý không thể mê hoặc nổi bậc chân nhân hào kiệt. 

4. Phật gia, Đạo gia, Kỳ môn

Đạo gia không phải là Đạo giáo, Phật gia không phải là Phật giáo, Kỳ môn cũng là tu hành. Những nội hàm này được thể hiện đặc sắc phong phú trong bộ tiểu thuyết này. Trong “Phong thần diễn nghĩa”, Lão Tử nhất khí hóa Tam thanh (Một cái linh khí của Lão Tử hóa thành Tam thanh – 3 phái của Đạo gia), là vị thần của Đạo gia. “Phong thần diễn nghĩa” viết là vị thần trên trời, Lão Tử 800 năm sau hạ thế lưu lại 5.000 chữ “Đạo đức kinh” là vị thần lấy thân hình con người để đến với nhân gian.

Lão Tử – vị Thần của Đạo gia (Ảnh dẫn theo tumblr.cuongdc.co)

Truyền thừa Đạo gia có nguồn gốc lâu đời, Nữ Oa nương nương là vị thần tạo ra nhân loại của mảnh đất Thần Châu, Tam hoàng Ngũ đế khai sáng nền văn minh tiền sử, Phục Hy vẽ bát quái, Thần Nông nếm thử trăm loại cây cỏ (để làm thuốc), Thương Hiệt tạo ra chữ viết, Hoàng Đế và các bề tôi bay giữa ban ngày, Đại Vũ trị thủy, các nhân vật này trong “Phong thần diễn nghĩa” đều là các thần của Đạo gia, đã diễn giải một nội hàm là Đạo gia không phải là Đạo giáo thời hậu thế.

Phật gia cũng không phải là Phật giáo. Tiếp Dẫn Đạo Nhân và Chuẩn Đề Đạo Nhân đều là Phật gia. Từ Hàng Đạo Nhân trong Xiển giáo sau này là Quán Thế Âm Bồ Tát, Văn Thù Quảng Pháp Thiên Tôn sau này là Văn Thù Bồ Tát, Phổ Hiền Chân Nhân sau này là Phổ Hiền Bồ Tát, Nhiên Đăng Đạo Nhân sau này là Nhiên Đăng Cổ Phật. 

Kỳ môn độc lập với Đạo Gia và Phật gia, sau khi tu thành là các Tản tiên không chịu câu thúc, cố định. Lục Áp trong “Phong thần diễn nghĩa” đã mở đầu rằng: Không ở trong tam giáo, không ở cõi Cực Lạc, không do vua nhân gian quản, không ở trong địa phủ. Tiêu dao tự tại ngao du, Tản thánh tiên nhởn nhơ tự tại. 

Rất rõ ràng, Phong thần diễn nghĩa đã cho biết, ngoài Phật gia, Đạo gia còn có Kỳ Môn Tản Tiên. Giới tu luyện có rất nhiều bí mật, người đời không thể truy tìm tường tận, nhưng có thể qua một bộ tiểu thuyết để cho người đời được biết. 

5. Văn Vương bị giam giữ mà diễn giải Chu Dịch

“Kinh Dịch” đứng đầu các kinh, tinh khiết tinh tế, huyền diệu thâm sâu, là đầu nguồn quan trọng của văn hóa Trung Hoa. “Tiên thiên Bát Quái” là do vua Phục Hy trong Tam Hoàng Ngũ Đế sáng tạo ra, tương truyền có Hạ dịch, Thương dịch. Văn Vương lấy Bát Quái suy diễn thành 8×8=64 quẻ, đây chính là Chu Dịch mà người đời sau đều biết.

Chân dung Chu Văn Vương Tây Bá Hầu (Ảnh dẫn theo phongthuykhoahoc.com)

Văn Vương và các quần thần can gián Trụ vương không có kết quả, bị tội suýt mất mạng, do dùng thuật số suy diễn ứng nghiệm nên được tha chết, bị tù giam ở Dữu Lý. Bậc Thánh nhân thuận theo Trời mà biết rõ về mệnh, vui vẻ sống ở Dữu Lý, quân và dân dắt dê gánh rượu chen chật đường quỳ đón. Thánh nhân chiếu sáng nhật nguyệt, gia ân một phương, đại hành giáo hóa, quân dân lạc nghiệp. Tây Bá Hầu không oán vua không trách người, nhàn nhã vô sự, suy diễn 8×8=64 quẻ, chia 384 hào tượng, thành tựu giai thoại thiên thu. 

Văn Vương truyền thừa thần số của tiên hoàng, cho vua tôi thấy được kỹ thuật thần kỳ, giáo hóa người Trung Nguyên kết nhân duyên nơi Dữu Lý (Nay là Dịch Âm, Hà Nam), vui vẻ vô ưu, yên với bổn phận, không phải đạo đức bậc thánh nhân thì không thể được như vậy.

6. Trường Nhĩ Định Quang Tiên tỉnh táo

Trường Nhĩ Định Quang Tiên là đệ tử của Thông Thiên Giáo Chủ Triệt giáo, được Thông Thiên Giáo Chủ căn dặn cuối cùng vẫy cờ Lục hồn phiên. Định Quang Tiên thấy thân thể Tiếp Dẫn Đạo Nhân trong hoa sen trắng, xá lợi phát quang, 12 đời đệ tử cũng có kỳ quang dị tượng, không muốn vẫy cờ Lục hồn phiên, nấp vào dưới mái lều ẩn trốn. 

Sau đó ông đến khấu đầu trước Nguyên Thủy Thiên Tôn, nhận tội nói: “Đệ tử thấy sư bá đạo chính lý minh. Thầy tôi nghe theo nghịch lý, tạo tội nghiệt này, đệ tử không nỡ sử dụng”. Mấy lời này có thể thấy được khí chất và sự tỉnh táo của Định Quang Tiên.

Định Quang Tiên đứng trước đại kiếp số, vẫn có thể giữ được tỉnh táo trong cuộc đại chiến, có thể hiểu được đạo chính lý minh, có thể thực sự khác quan, lý tính, rõ ràng dùng chân tính suy nghĩ, cuối cùng mới tránh cho đệ tử Triệt giáo khỏi kiếp nạn khó tránh khỏi, kết mối nhân duyên với Thích giáo, mở ra tương lai và cuộc đời mới cho chính mình.

7. Khương Tử Nha, thần về nơi nào? 

Bảng Phong Thần để lại cho mọi người đời sau nhiều hoài niệm. Trong bảng Phong Thần, mỗi Thần có một danh hiệu, vậy Khương Thượng, công thần lớn nhất giúp Chu diệt Thương kết cục nên như thế nào, sau khi trăm tuổi thì thần trở về nơi đâu?

Khương Tử Nha và bảng phong Thần (Ảnh dẫn theo KhongKhong.Com)

Khương Tử Nha vào núi tu đạo, căn cơ còn kém, không thể chứng ngộ đại đạo, tu thành chính quả, phụng mệnh Nguyên Thủy Thiên Tôn đi phong Thần, hưởng phú quý, địa vị tột đỉnh quần thần, có nhiều chỗ tương tự như Văn Thái Sư phụ chính 2 đời Thương Trụ.

Khương Tử Nha để lại biết bao nhiêu giai thoại: Ngồi câu sông Vị Thủy, khai sáng học cho bách gia, viết sách “Lục thao”, được người đời sau liệt vào danh sách 7 bộ kinh thư về quân sự, lại viết “Càn khôn vạn niên ca” khởi đầu cho loại sách về tiên đoán, trở thành thủy tổ của Bách gia: Binh gia, Nho gia, Pháp gia, Tung hoành gia, Chiêm tính bói toán… 

Ông được Võ Vương phong vua đất Tề, gọi là Tề Thái công, “gieo cái nhân cho phong tục, đơn giản lễ nghi, khai thông nghề thủ công và buôn bán, tạo thuận lợi phát triển nghề muối và ngư nghiệp”, khai sáng nền văn hóa Tề – Lỗ có ảnh hưởng sâu sắc, lâu dài. 

Theo lệnh Chu Thành Vương (tức con Chu Vũ Vương), Tề Thái công mang quân chinh phạt các nơi. Sau 3 năm, nhà Chu dẹp được các cuộc phản loạn của con vua Trụ là Vũ Canh. Tề Thái công cũng mở rộng cương thổ, nước Tề trở thành nước lớn.

Sau này không rõ Khương Tử Nha mất năm nào. “Sử ký” chép rằng ông thọ hơn 100 tuổi. Tính từ khi gặp Cơ Xương năm 80 tuổi tới khi qua đời, Khương Tử Nha hoạt động trong khoảng hơn 20 năm cuối thời nhà Thương, đầu thời nhà Chu.

Tính riêng từ khi ông phục vụ dưới quyền Chu Vũ Vương (1134 TCN) đến khi nhà Chu dẹp xong loạn Vũ Canh (1113 TCN) là 21 năm, khi tham gia dẹp loạn thì Khương Tử Nha đã ngoài 100 tuổi.

Theo NTDTV
Nam Phương biên dịch

Xem thêm: