Ngày 15 tháng 1 năm 1967, cả nhà Mã Tư Thông, “nghệ sĩ vĩ cầm đệ nhất” của Trung Quốc, chạy trốn sang Mỹ, trở thành một tin tức chấn động thế giới. Lãnh đạo cao tầng ĐCSTQ điên tiết, một cuộc bức hại đẫm máu đối với những người thân của ông bắt đầu…..
Chào mừng các bạn đến với Trăm năm chân tướng!
Trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa, nhạc sĩ nổi tiếng Trung Quốc Mã Tư Thông và toàn gia đình đã chạy trốn sang Mỹ, điều này đã trở thành một tin tức chấn động thế giới. Mã Tư Thông vì sao phải đào thoát? Ông đào thoát như thế nào? Kết quả là gì?
Hôm nay, chúng tôi dựa trên cuốn sách “Mã Tư Thông truyền” của Diệp Vĩnh Liệt và những tư liệu khác, trò chuyện với các bạn về câu chuyện quá khứ này.
Cả nhà chạy trốn trong đêm
Đêm khuya ngày 15 tháng 1 năm 1967, Mã Tư Thông, với giá 50.000 đô la Hồng Kông, cùng với vợ là Vương Mộ Lý, con trai Mã Như Long và con gái thứ Mã Thụy Tuyết lên chiếc tàu kéo điện động hiệu “002” ở Tân Châu, Quảng Đông, lăng lẽ trốn khỏi đại lục trong bóng đêm.
Sáng 16/1, tàu kéo cập cảng đảo Đại Dữ Sơn (Lantau), Hồng Kông. Sau khi lên bờ, Mã Tư Thông cởi huy hiệu Mao Trạch Đông treo trên ngực ném xuống biển, sau đó cả gia đình trốn trong hang trong một ngày. Đêm đó, ông tạm trú tại nhà một người họ hàng ở Cửu Long.
Vì báo chí Hồng Kông đăng ảnh tàu kéo hiệu “002” bị bỏ rơi trên đảo Đại Dữ Sơn, Mã Tư Thông cảm thấy Hồng Kông không an toàn. Ông lo lắng mình sẽ bị dẫn độ về đại lục, sau nhiều lần suy nghĩ, ông quyết định sang Mỹ để đoàn tụ với người anh thứ chín Mã Tư Hoành.
Khi đó, Trung Quốc và Mỹ chưa thiết lập quan hệ ngoại giao và đang ở trong tình thế thù địch về chính trị, Mã Tư Thông không mang theo bất kỳ giấy tớ nào nên phải thông qua một người bạn để liên hệ với Lãnh sự quán Mỹ tại Hồng Kông. Sau khi Lãnh sự quán Mỹ tại Hồng Kông xác nhận thân phận của Mã Tư Thông xong, họ đã ngay lập tức đàm phán với chính phủ Hồng Kông thuộc Anh, với hy vọng dẫn độ Mã Tư Thông về Mỹ càng sớm càng tốt.
Trong khi Mỹ và Anh đang có những cuộc tham vấn bí mật, thì có ai đó đã tiết lộ tin tức này. Vào ngày 19 tháng 1 năm 1967, hàng chục tờ báo tiếng Trung và tiếng Anh ở Hồng Kông đã đăng những dòng tiêu đề đậm nét trên trang nhất: “Nhạc sĩ nổi tiếng Trung Quốc Mã Tư Thông đã trốn sang Hồng Kông”. Hầu như tờ báo nào cũng liệt kê các chức danh của Mã Tư Thông: “Phó chủ tịch Liên đoàn Văn học Nghệ thuật Trung Quốc, phó chủ tịch Hiệp hội Nhạc sĩ Trung Quốc, Đại biểu Quốc hội, viện trưởng Nhạc viện Trung ương”.
Tin tức lập tức bùng nổ. Lãnh sự Mỹ tại Hồng Kông ngay lập tức gọi cho Tổng đốc Hồng Kông, hỏi ông ấy đã đọc báo chí trong ngày chưa, cũng nói rằng nếu để Mã Tư Thông tiếp tục lưu lại Cửu Long thì không cách nào đảm bảo sự an toàn của ông ấy, Mã tiên sinh phải lập tức rời Hồng Kông sang Mỹ. Tổng đốc Hồng Kông không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đồng ý.
Ngay sau đó, Lãnh sự quán Mỹ tại Hồng Kông đã phái một người chuyên trách đưa Mã Tư Thông và gia đình đến tòa nhà Windsor (lãnh sự quán Mỹ tại HK). Sau khi gặp gia đình Mã Tư Thông, trưởng lãnh sự nhiệt tình nói: “Mã tiên sinh, Mã phu nhân, đã chuẩn bị chút rượu nhạt để các bạn gột rửa bụi trần và xoa dịu nỗi kinh hoàng. Sau bữa trưa, chúng ta sẽ cùng nhau ra sân bay.”
“Lên sân bay? Bay đi đâu?” Mã Tư Thông vội vàng hỏi. Lãnh sự Mỹ nói chậm lại, đưa từng chữ rõ ràng vào tai Mã Tư Thông: “Bay đến Washington!”
Chiều ngày 19 tháng 1 năm 1967, cùng với trưởng Lãnh sự Mỹ tại Hồng Kông, Mã Tư Thông và gia đình bốn người lên máy bay đến Washington.
Vào ngày 12 tháng 4 năm 1967, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo đối ngoại, rằng Mã Tư Thông, viện trưởng Nhạc viện Trung ương Bắc Kinh, đã trốn khỏi Trung Quốc đại lục và đến tị nạn ở Mỹ. Ông Mã, vợ và hai con đã được phê chuẩn tị nạn. Sau đó, Mã Tư Thông tổ chức một cuộc họp báo ở New York và có bài phát biểu có tựa đề “Tại sao tôi chạy trốn khỏi Trung Quốc”.
Tại sao phải chạy trốn khỏi Trung Quốc?
Mã Tư Thông cho biết: “Tôi là một nhạc sĩ. Tôi trân trọng cuộc sống yên tĩnh, hòa bình và cần một môi trường làm việc thích hợp. Là một người Trung Quốc, tôi vô cùng yêu quý và kính trọng tổ quốc và nhân dân của tôi. Mặc dù hết thảy những bất hạnh mà cá nhân tôi đã phải gánh chịu không là gì khi so sánh với tấn bi kịch đang xảy ra ở Trung Quốc, tuy nhiên, Đại Cách mạng Văn hóa đang hủy diệt phần tử trí thức Trung Quốc. Những biến cố diễn ra từ mùa hè và mùa thu năm ngoái đã khiến tôi hoàn toàn tuyệt vọng, bức bách tôi và gia đình bất đắc dĩ phải trở thành những người đào vong.”
Sau đó, Mã Tư Thông kể về những tủi nhục khác nhau mà ông phải chịu đựng trong Cách mạng Văn hóa.
Ngày 16/5/1966, cuộc “Cách mạng văn hóa” nổ ra. Vào cuối tháng 5, các sinh viên tại Nhạc viện Trung ương đăng những tấm áp phích chữ lớn đả kích hiệu trưởng Mã Tư Thông của họ. Chỉ qua một đêm, Mã Tư Thông đã trở thành “quyền uy phản động giai cấp tư sản”, “phần tử chủ nghĩa xét lại”, “nhân vật tiêu biểu cho hắc tuyến văn nghệ”, bị lôi ra phê đấu.
Vào giữa tháng 6, Mã Tư Thông và hơn 500 nhân sĩ trứ danh khác trong giới văn nghệ được gửi đến “Học viện Xã hội chủ nghĩa” ở ngoại ô Bắc Kinh để tập huấn, dưới sự giám sát của những nhân viên quân quản, học tập văn kiện, chuyển biến tư tưởng, viết tài liệu tự phê phán bản thân và vạch trần người khác “ngôn hành phản đảng”.
Sáng 3/8, hơn 10 kẻ được gọi là “phần tử hắc bang” của Nhạc viện Trung ương, trong đó có Mã Tư Thông, bị áp giải về học viện để tiếp thụ phê đấu. Vừa xuống xe, một thùng hồ đã được đổ lên đầu Mã Tư Thông, sau đó họ dán lên người ông một tấm áp phích chữ lớn, chụp lên đầu một chiếc mũ giấy cao có viết chữ lớn “Ngưu quỷ xà thần”, cổ treo hai tấm bảng, mặt trước có dòng chữ “Quyền uy âm nhạc giai cấp tư sản – Mã Tư Thông”, mặt sau có dòng chữ “Quỷ hút máu”. Một hồng vệ binh nhét vào tay ông một chiếc chậu tráng men vỡ và một cây gậy gỗ, bắt ông phải vừa đi vừa gõ chậu.
Sau đó, họ bị nhốt trong một dãy phòng piano của trường đại học để “cách ly thẩm tra”. Mỗi buổi sáng và buổi tối, họ bị buộc phải hát “hào ca”, lời bài hát như sau: “Tôi là ngưu quỷ xà thần, tôi có tội, tôi có tội. Nhân dân đối tôi chuyên chính, tôi phải thành thật. Nếu tôi không thành thật, hãy đập tôi nát thành mảnh vụn!”
Những hồng vệ binh đó bất cứ khi nào vui hay không vui, họ đều sẽ gặp tai họa, từ bị mắng mỏ đến bị đánh đập nặng nề. Một ngày nọ, Mã Tư Thông được cử đi nhổ cỏ. Một hồng vệ binh mắng ông: “Mày chỉ đáng đi nhổ cỏ! Mày chỉ là con ngựa, chỉ có thể ăn cỏ!” Nói xong, anh ta thực sự đã cưỡng bức ông ăn cỏ ngay tại chỗ. Một lần khác, một số hồng vệ binh uy hiếp ông bằng dao nhọn và nói: “Mày phải khai ra vấn đề một cách trung thực! Nếu không, tao sẽ dùng dao đâm mày!”
Tối ngày 14 tháng 8, phái tạo phản xông vào nhà Mã Tư Thông và dán những tấm áp phích chữ lớn, ngày hôm sau chúng lôi vợ ông ra phê đấu. Trong tình huống đó, vợ và con gái của ông, với sự giúp đỡ của đầu bếp của gia đình ông, đã hoảng sợ rời khỏi Bắc Kinh, đầu tiên chạy trốn đến Nam Kinh, sau đó đến Thượng Hải, rồi đến Quảng Châu. Lo sợ tính mạng của gia đình sẽ gặp nguy hiểm, vợ của Mã Tư Thông quyết định toàn gia đình trốn sang Hồng Kông.
Tháng 11 năm 1966, bệnh gan của Mã Tư Thông tái phát và ông được phép trở về nhà. Vào cuối tháng 11, con gái Mã Thụy Tuyết đã bí mật trở về Bắc Kinh từ Quảng Đông để bàn bạc với cha về việc trốn sang Hồng Kông. Mã Tư Thông ban đầu không đồng ý, nhưng con gái ông đã cố gắng thuyết phục ông hơn hai giờ, cuối cùng ông đồng ý vào nam dưỡng bệnh trước, sau đó mới có thể tìm kiếm cơ hội hành động. Sau đó, Mã Tư Thông và con gái, với sự giúp đỡ của đầu bếp Cổ Tuấn Sơn và bác sĩ châm cứu Nghê Cảnh Sơn, đã cải trang rồi rời Bắc Kinh đến Quảng Châu.
Trung Quốc khi đó, từ Bắc Kinh đến toàn quốc, bao gồm Quảng Châu, đến đâu cũng loạn. Mã Tư Thông lo lắng nếu tiếp tục lưu lại Trung Quốc đại lục, khả năng tính mạng khó bảo toàn, vì vậy mà có cảnh ông và toàn gia đình chạy trốn sang Hồng Kông.
“Phản quốc đầu hàng kẻ thù” và những người bị liên lụy
Thông tin Mã Tư Thông và gia đình trốn sang Mỹ đã kinh động giới cao tầng của ĐCSTQ, vụ việc được liệt vào hàng đại án.
Vào tháng 5 năm 1967, theo lệnh của Khương Sinh, cố vấn của tiểu Tổ Cách mạng Văn hóa Trung ương và Tạ Phú Trạch, Bộ trưởng Bộ Công an đương thời, Bộ Công an và Cục Công an thành phố Bắc Kinh đã thành lập “Tổ chuyên án Mã Tư Thông”. Sau tám tháng thẩm tra, việc bỏ trốn của Mã Tư Thông bị định tính là “phản quốc đầu hàng kẻ thù”.
Hàng chục người thân của Mã Tư Thông ở Bắc Kinh, Thượng Hải, Nam Kinh và Quảng Châu bị liên lụy. Năm trong số sáu thành viên trong gia đình anh cả Mã Tư Tề của ông bị buộc tội “phản cách mạng hiện hành”. Vợ chồng Mã Tư Tề bị kết án quản chế, con gái lớn Mã Địch Hoa chết thảm trong trại tạm giam của Cục Công an Thượng Hải, con trai thứ của họ là Mã Vũ Lượng bị kết án 12 năm tù, và con trai út Mã Vũ Minh bị kết án tám năm tù. Người anh thứ hai của Mã Tư Thông, Mã Tư Võ, giáo sư Pháp ngữ tại Viện Ngoại ngữ học Thượng Hải, bị phê đấu tàn khốc, cuối cùng bị bức đến mức phải nhảy lầu tự sát.
Khi tin tức truyền đến Mỹ, Mã Tư Thông đã viết trong nhật ký của mình với sự bi phẫn cùng cực: “Nhân dân Trung Quốc có lỗi gì mà phải chịu đựng đại kiếp này? Gia đình tôi có tội gì mà cũng không tránh khỏi gia tán nhân vong.” Chị cả của ông, Mã Tư Tôn, giáo sư piano tại Nhạc viện Thượng Hải, bị giam dưới tầng hầm của trường đại học hơn một năm, để tự thú, phản tỉnh.
Không ai trong số các anh em của vợ Mã Tư Thông, Vương Mộ Lý, thoát khỏi cuộc bức hại. Anh cả của bà là Vương Hằng bị bỏ tù 8 năm, còn anh trai thứ ba của bà là Vương Hữu Cương và vợ Hà Quỳnh Quân đều bị kết án 5 năm. Bác sĩ châm cứu Nghê Cảnh Sơn của Mã Tư Thông bị kết án 8 năm tù, còn đầu bếp Cổ Tuấn Sơn của ông bị bỏ tù 4 năm và bị tra tấn đến thương tật.
Một thế hệ những người khổng lồ âm nhạc
Mã Tư Thông, bậc thầy âm nhạc của một thế hệ, bị bức hại phải trốn sang Mỹ, người thân và bạn bè của ông cũng bị liên lụy. Đây là tấn bi kịch của gia tộc, cũng là mất mát to lớn đối với nền âm nhạc Trung Quốc.
Mã Tư Thông, người huyện Hải Phong, Quảng Đông, thời trẻ đã du học hai lần ở Pháp, là nhà soạn nhạc, nghệ sĩ violin và nhà giáo dục âm nhạc xuất sắc ở Trung Quốc trong thế kỷ 20. Ông được mệnh danh là “nghệ sĩ violin đệ nhất Trung Quốc”. “Khúc nhớ quê” do ông sáng tác năm 1937 được coi là một trong những tác phẩm kinh điển của âm nhạc thế kỷ 20 của Trung Quốc.
Nhìn lại cuộc đời của Mã Tư Thông, ông đã lập nên nhiều thành tựu sáng tạo, trong đó có 18 bản độc tấu violin và đệm piano, 2 bản concerto cho violin, 2 vở ballet, 1 opera, 7 bản piano, 7 bản hòa tấu, 4 bản hợp xướng, 2 bản solo. Sở dĩ ông có thể liên tục sáng tác nhiều kiệt tác âm nhạc không thể tách rời khỏi hạnh vận đào thoát khỏi Trung Quốc đại lục trong “Cách mạng Văn hóa”.
Trong cuộc “Cách mạng Văn hóa”, cuộc bức hại phần tử trí thức của ĐCSTQ cực kỳ tàn bạo, hãy lấy giới âm nhạc Thượng Hải làm ví dụ: ngày 6 tháng 9 năm 1966, giáo sư Dương Gia Nhân, chủ nhiệm Khoa Chỉ huy của Nhạc viện Thượng Hải, và vợ ông, phó hiệu trưởng Học viện Âm nhạc Thượng Hải Trình Trác Như bị bức đến mức đã bật khí ga tự sát, cả hai đều chết trong căn hộ của mình; vào ngày 9 tháng 9, giáo sư Lý Thúy Trinh, chủ nhiệm khoa piano của Nhạc viện Thượng Hải, cũng tự sát bằng cách bật khí ga và chết trong căn hộ của mình.
Vào ngày 31 tháng 1 năm 1967, Cố Thánh Anh, một nữ nghệ sĩ piano nổi tiếng mới 30 tuổi đã giành chiến thắng trong nhiều cuộc thi quốc tế, cùng người mẹ 54 tuổi và em trai 28 tuổi của cô để lại một bức thư tuyệt mệnh có chữ ký của ba người, rồi bật khí ga tự sát. Năm 1968, giáo sư Trần Hựu Tân, chủ nhiệm khoa Dàn nhạc của Nhạc viện Thượng Hải, và giáo sư Thẩm Trí Bạch, chủ nhiệm khoa Lý thuyết Âm nhạc Dân tộc, cũng tự sát trong tức giận, dùng cái chết để phản kháng…
Nếu Mã Tư Thông không trốn khỏi đại lục vào năm 1967 thì kết cục của ông sẽ ra sao? Chúng ta không cách nào tưởng tượng lạc quan.
Sau khi Mã Tư Thông tị nạn ở Mỹ, đầu tiên ông sống ở Maryland, sau đó, con gái ông Mã Thụy Tuyết kết hôn rồi chuyển đến Philadelphia, hai vợ chồng cũng chuyển đến Philadelphia, ở cách nhà con gái ông không xa. Ở Philadelphia, Mã Tư Thông đã trải qua khoảng thời gian an tĩnh, hòa bình và ấm áp trong cuộc đời, ngoài việc sáng tác âm nhạc, ông còn thích chơi đùa cùng các cháu, du sơn ngoạn thủy.
Vào ngày 20 tháng 5 năm 1987, Mã Tư Thông qua đời vì viêm phổi tại bệnh viện Philadelphia ở tuổi 75.
Sau khi bị bức phải chạy trốn vào năm 1967, mặc dù sau đó ĐCSTQ đã bình phản cho ông và liên tục mời ông về nước, nhưng Mã Tư Thông vĩnh viễn không bao giờ đặt chân lên tổ quốc nữa.
- Trọn bộ Trăm năm chân tướng
Theo Epoch Times,
Mộc Lan biên dịch