Triệu Cửu Chương là một nhà khí tượng học, nhà vật lý địa cầu và vật lý không gian kiệt xuất, ông được mệnh danh là “cha đẻ của vệ tinh nhân tạo Trung Quốc”. Ông bị đối xử như con vật trong CMVH, những người thân hiển hách cũng không thoát họa sát thân, trong tuyệt vọng, ông đã uống thuốc an thần tự sát vào tháng 10 năm 1968.
Chào mừng các bạn đến với Trăm năm chân tướng!
Triệu Cửu Chương là một nhà khí tượng học, nhà vật lý địa cầu và vật lý không gian xuất sắc, được mệnh danh là “cha đẻ của Vệ tinh nhân tạo của Trung Quốc”.
Sau khi “Cách mạng Văn hóa” bùng nổ vào ngày 26 tháng 10 năm 1968, nhà khoa học lừng danh trong và ngoài nước này đã uống thuốc an thần tự sát tại nhà riêng ở Trung Quan Thôn, Bắc Kinh, vào lúc nửa đêm, khi mới 61 tuổi.
Hôm nay, dựa trên “Tiểu sử Triệu Cửu Chương” và các tài liệu khác, chúng tôi sẽ cùng các bạn truy lại điều gì đã buộc ông ấy phải đi vào tuyệt lộ.
Sinh viên ưu tú
Triệu Cửu Chương, tổ tịch ở Hồ Châu, Chiết Giang, sinh ngày 15 tháng 10 năm 1907 tại Khai Phong, Hà Nam. Hôm đó tình cờ là Lễ hội Song Cửu nên cha đã đặt tên cho ông là “Cửu Chương”.
Tháng 9 năm 1922, Triệu Cửu Chương được nhận vào lớp dự bị du học Châu Âu và Mỹ tại Hà Nam với thành tích hạng nhất; Năm 1925, vì gia đình khó khăn, ông đến sống với dì Triệu Học Ngạn ở Hàng Châu, không lâu sau thi đỗ vào Khoa Cơ Điện của Trường Cao đẳng Bách khoa Chiết Giang.
Tháng 8 năm 1929, ông lại thi đỗ vào Khoa Vật lý của Đại học Thanh Hoa, đứng thứ tư trong số 174 nam sinh được nhận vào. Tại Thanh Hoa, do thành tích học tập xuất sắc, Triệu Cửu Chương và hai bạn cùng lớp khác được mệnh danh là “Tam kiệt” của khoa vật lý khóa năm, và được giáo sư vật lý Diệp Xí Tôn đánh giá cao. Năm 1934, Diệp Xí Tôn đề nghị ông xin học bổng công để sang Mỹ du học chuyên ngành khí tượng học, nhưng bất kể nguyện vọng du học của ông là sang Mỹ, ông vẫn được cử đi du học tại Đức, nơi khí tượng học tiên tiến hơn, để nghiên cứu sâu.
Năm 1935, Triệu Cửu Chương đến Đại học Berlin ở Đức, nơi ông theo học chuyên ngành khí tượng động lực và khí tượng không gian cao, nhận học vị tiến sĩ năm 1938 với thành tích xuất sắc. Sau khi trở về Trung Quốc cùng năm, Triệu Cửu Chương trước sau đảm nhiệm giáo sư tại Đại học Liên kết Tây Nam, sở trưởng Sở Nghiên cứu Khí tượng, và giáo sư tại Đại học Trung ương.
Sau khi ĐCSTQ kiến chính vào năm 1949, ông trước sau giữ chức vụ sở trưởng Sở Nghiên cứu Vật lý Địa cầu thuộc Học viện Khoa học Trung Quốc, phó tổ trưởng Tổ “581” của Học viện Khoa học Trung Quốc, viện trưởng Viện Nghiên cứu và Thiết kế Vệ tinh của Học viện Khoa học Trung Quốc. Năm 1955, ông được bổ nhiệm làm ủy viên Học viện Khoa học Trung Quốc.
Ba thành tựu lớn
Thành tựu trong cuộc đời Triệu Cửu Chương có rất nhiều, nói khái quát, chủ yếu có ba thành tựu chính:
Đầu tiên, ông là người khai sáng sự nghiệp khoa học khí tượng Trung Quốc
Ông đã biên soạn giảng nghĩa bản “Động lực Khí tượng học” đầu tiên của Trung Quốc, lần đầu tiên đề xuất khái niệm “sự bất ổn định gia áp sóng dài”, thứ đã trở thành một trong những nền tảng lý luận của dự báo thời tiết hiện đại; Ông thành lập Trung tâm dự báo và phân tích Khí hậu liên hợp Trung Quốc và Trung tâm Tư liệu khí hậu liên hợp; Ông đi đầu đề xuất và lãnh đạo nghiên cứu sóng biển, có những cống hiến quan trọng trong nghiên cứu dự báo sóng của Trung Quốc. Ông rất coi trọng tác dụng của máy tính trong dự báo thời tiết, đặt định cơ sở cho sự phát triển của dự báo thời tiết bằng kỹ thuật số ở Trung Quốc.
Thành tựu thứ hai: là người đứng đầu ngành vật lý địa cầu Trung Quốc
Với tư cách là sở trưởng đầu tiên của Sở Vật lý Địa cầu thuộc Viện Khoa học Trung Quốc, ông đã đề xuất phương châm “vật lý hóa, công trình hóa và công nghệ mới hóa”, vạch ra hướng đi rõ ràng cho sự phát triển của vật lý địa cầu Trung Quốc. Ông đã chiêu mời nhiều nhân tài ưu tú và chú trọng bồi dưỡng nhân tài, giúp đề cao nhanh chóng trình độ học thuật của Sở Vật lý Địa cầu, nhanh chóng mở rộng các lĩnh vực khoa học, đưa Sở tấn tốc phát triển thành cái nôi của khoa học khí quyển, vật lý địa cầu và vật lý không gian ở Trung Quốc.
Dưới sự lãnh đạo của Triệu Cửu Chương, Viện Vật lý địa cầu đã liên tiếp đào tạo ra một số viện sĩ và chuyên gia trứ danh của hai học viện, bao gồm Diệp Đốc Chánh, Cố Chấn Triều, Đào Thi Ngôn, Tăng Khánh Tồn, Chu Tú Kí, Sào Kỉ Bình, Nhậm Trận Hải v.v.
Thành tựu thứ ba: là người thiết kế chính vệ tinh nhân tạo đầu tiên của Trung Quốc
Từ năm 1957, Triệu Cửu Chương tích cực xướng nghị việc phát triển vệ tinh nhân tạo của Trung Quốc. Vào tháng 8 năm 1958, Viện Khoa học Trung Quốc đã thành lập tổ nghiên cứu chế tạo vệ tinh địa cầu nhân tạo, ông là người phụ trách chính. Vào mùa thu năm 1964, dựa trên sự phát triển của phương tiện phóng, ông một lần nữa kiến nghị với các lãnh đạo cao nhất của ĐCSTQ về việc phát triển vệ tinh nhân tạo.
Năm 1965, các quan chức cấp cao của ĐCSTQ đã phê duyệt kế hoạch phát triển vệ tinh nhân tạo đầu tiên. Viện Thiết kế 651 của Viện Khoa học Trung Quốc, chịu trách nhiệm thực thi kế hoạch phát triển vệ tinh nhân tạo, được thành lập. Với tư cách là viện trưởng, Triệu Cửu Chương đã xây dựng các quy hoạch và phương án phát triển, đồng thời đóng vai trò trọng yếu trong việc xác định phương án tổng thể và kỹ thuật then chốt nghiên cứu chế tạo vệ tinh Trái đất nhân tạo đầu tiên của Trung Quốc.
Không cửa nào cầu trợ lãnh đạo cao tầng của ĐCSTQ
Ngày 16 tháng 5 năm 1966, ĐCSTQ phát động “Cách mạng Văn hóa”, đây thực chất là cuộc đại trảm mạng văn hóa, là kiếp nạn lớn nhất đối với phần tử trí thức Trung Quốc.
Viện Khoa học Trung Quốc, nơi có nhiều trí thức cấp cao, đương nhiên trở thành khu vực trọng điểm tai họa trong CMVH. Nhiều trí thức cấp cao từ hải ngoại trở về đều bị đả thànhh “ngưu quỷ xà thần”, “đặc vụ Mỹ – Tưởng”, “đặc vụ xét lại Liên Xô” v.v., bị phê đấu, bị tịch thu nhà cửa, diễu phố, bị vũ nhục, lăng mạ và đánh đập v.v…
Vào tháng 1 năm 1967, sau khi Mao Trạch Đông công khai ủng hộ phái tạo phản Thượng Hải đoạt chính quyền từ Thành ủy và chính quyền Thượng Hải, một cơn “phong cuồng đoạt quyền” đã quét qua toàn quốc. Những kẻ “tạo phản phái” của Viện Khoa học Trung Quốc cũng bắt đầu đoạt quyền, Triệu Cửu Chương bị tước bỏ mọi quyền lực. Ông thường bị phái tạo phản bức diễu phố với một tấm biển lớn treo trên cổ có dòng chữ lớn “Quyền uy học thuật phản động Triệu Cửu Chương”, sau khi diễu phố, phải quay trở lại Viện Khoa học Trung Quốc để tiếp thụ phê đấu, đêm đến phải viết biên bản kiểm tra và khai báo.
Mỗi lần bị phê đấu, Triệu Cửu Chương đều bị cưỡng bức phải cúi đầu “nhận tội một cách thành thật”. Khi ông từ chối, hồng vệ binh sẽ dùng đầu điếu thuốc lá đang cháy đốt chân, thắt lưng và miệng của ông cho đến khi tàn thuốc. Ông từng nghĩ sẽ nhẫn nhục chịu đựng, có lẽ sau một thời gian hình thế sẽ khá hơn. Tuy nhiên, thời gian ngày ngày trôi qua, thì phê đấu ngày càng thăng cấp, những ảo tưởng của ông dần tan vỡ, kéo theo đó là sự bối rối, u sầu và đau đớn chưa từng có.
Một ngày nọ, Triệu Cửu Chương đột nhiên nhớ đến một người bạn cũ: Kiều Quan Hoa, thứ trưởng Bộ Ngoại giao. Khi ông từ Đức trở về, người chào đón ông ở Hồng Kông chính là Kiều Quan Hoa. Ông muốn gọi cho Kiều Quan Hoa để hỏi xem chính sách của ĐCSTQ đối với giới trí thức có phải là đã thay đổi rồi không, nhưng ông không tìm thấy số điện thoại. Một lần, Triệu Cửu Chương gặp Đặng Tăng Côn, một nghiên cứu viên đã công tác với ông hơn mười năm, nhờ Đặng giúp tìm số điện thoại của Kiều Quan Hoa càng sớm càng tốt. Sau khi Đặng trở về, đã cố gắng hết sức nhưng không tìm được. Khi Triệu Cửu Chương biết được, ông rất thất vọng.
Đặng Tăng Khôn sau này nhớ lại: “Kể từ đó, Triệu tiên sinh trầm mặc, đêm nào cũng không ngủ được, một mình đứng dậy đi vòng quanh sân. Ông ấy cứ đi đi dừng dừng, dừng dừng rồi lại đi đi, thỉnh thoảng lại nhìn lên các vì sao trên bầu trời rất lâu, bất động. Có một lần, tôi tận mắt nhìn thấy ông ấy vừa khóc vừa nhìn những ngôi sao trên bầu trời.”
Điều Triệu Cửu Chương trằn trọc nhất lúc đó vẫn là việc phát triển vệ tinh nhân tạo. Tuy nhiên, ông không thể tham gia vào tất cả các hội nghị và hoạt động khoa kỹ liên quan; tình huống liên quan đến công tác chế tạo vệ tinh nhân tạo, ông không có quyền hỏi; tất cả những tin tức liên quan đến phát triển vệ tinh nhân tạo đầu tiên đều bị giữ bí mật với ông.
Bị đối xử như động vật
Ngay sau Tết Nguyên đán năm 1968, Triệu Cửu Chương bị áp giải đến đại đội Hồng vệ binh ở ngoại ô Bắc Kinh để cải tạo lao động. Phái tạo phản treo một tấm biển lớn quanh cổ ông với dòng chữ: “Đả đảo quyền uy học thuật phản động tư sản Triệu Cửu Chương!” Trên tên của ông cũng bị xổ một chữ thập lớn màu đen.
Trong quá trình áp giải, vì tấm biển nặng hơn chục kg và sợi dây quanh cổ ông được làm bằng sắt, cổ Triệu Cửu Chương nhanh chóng bị bóp ghẹt và đầy vết máu. Cộng thêm tuổi già đa bệnh, ông đi lại rất khó khăn. Đặng Tăng Khôn sau này kể lại: “Mỗi lần ông Triệu đi lao động, đều bị bọn tạo phản thúc về phía trước như một con vật, thậm chí còn tệ hơn cả một con vật, bởi vì người ta còn biết quý trọng súc vật của mình hơn!”
Trong thời gian cải cách lao động, Triệu Cửu Chương phải làm việc ban ngày dưới nắng, tối lại phải tiếp thụ phê đấu hoặc viết tài liệu thú tội. Phần lưng của ông tổn thương do bị đánh đập, khi làm việc không thể cúi xuống, nên phải ngồi bệt trên mặt đất để làm việc. Ban ngày làm việc được phép tháo biển, nhưng khi xong việc, tấm biển nặng hơn chục ký lại phải đeo vào cổ ông.
Do thể lực hao tổn quá mức, đêm nào Triệu Cửu Chương nằm trên giường cũng đều không thể trở mình, đau đến không cách nào ngủ được, vợ ông đêm nào cũng đắp thuốc ở chân, thắt lưng và lưng, gạt nước mắt trong khi đắp thuốc. Đợi đến rạng sáng, ông lại bị đưa đi cải tạo lao động.
Mặc dù vậy, nỗi đau đáu vệ tinh nhân tạo của Triệu Cửu Chương vẫn bất tử. Tuy nhiên, vào tháng 6 năm 1968, khi biết tin chuyên gia vật liệu tên lửa Diêu Đồng Bân bị đánh đến chết, trái tim đầy sẹo của ông như bị ai đó đâm thêm một nhát nữa. Ông vạn niệm tro tàn, tuyệt vọng đến mức không còn thấy hy vọng gì nữa.
Tối ngày 25 tháng 10 năm 1968, ông đổ hết chục viên thuốc ngủ để dành, từng viên một vào miệng, rồi nằm im trên giường…
Bằng cách này, Triệu Cửu Chương, người khổng lồ khoa học một thời, đã vĩnh viễn rời bỏ thế gian mà không để lại một lời.
Sau khi Triệu Cửu Chương qua đời, không rõ di thể ông được hỏa táng ở đâu và tro cốt đã lưu lạc đi đâu.
Tại sao thụ nạn?
Vì sao Triệu Cửu Chương lại gặp phải đại họa như vậy? Ngoài bối cảnh chung về ý đồ chỉnh trị giới trí thức của Mao Trạch Đông, còn có hai nguyên nhân cụ thể.
Đầu tiên, ông là cháu ngoại của Đái Quý Đào, một nguyên lão của Quốc Dân Đảng.
Em gái thứ ba của mẹ Triệu Cửu Chương là Nữu Hữu Hằng, là vợ cả của Đái Quý Đào. Năm 1927, khi Triệu Cửu Chương đang học khoa Cơ điện trường Cao đẳng Công nghiệp Chiết Giang, ông bị bắt bỏ tù vì tích cực tham gia phong trào sinh viên. Dì của ông, Triệu Học Ngạn, lo lắng có thể xảy ra chuyện nên đã nhờ chú Đái Quý Đào cứu ông. Đái Quý Đào đã bảo lãnh cho ông được tại ngoại.
Sau khi ra tù, Triệu Cửu Chương được Đái Quý Đào giữ làm thư ký vì tài viết chữ đẹp. Triệu Cửu Chương làm việc sau hơn một năm thì ngừng, vì muốn tiếp tục đi học nên đã được nhận vào Đại học Thanh Hoa.
Lý do cụ thể thứ hai khiến Triệu Cửu Chương bị chỉnh là vì ông là “anh họ” của Tưởng Vĩ Quốc, một thành viên quan trọng của Quốc dân đảng. Tưởng Vĩ Quốc là con trai của Đái Quý Đào và một nữ y tá người Nhật. Do bị vợ chính thức phản đối, Đái Quý Đào đã phải giao con trai cho bạn hữu Tưởng Giới Thạch nuôi dưỡng. Bằng cách này, Tưởng Vệ Quốc đã trở thành con nuôi của Tưởng Giới Thạch, chủ tịch Quốc dân đảng. Triệu Cửu Chương sang Đức du học một năm sau, thì Tưởng Vĩ Quốc cũng sang Đức du học. Ở nước ngoài, Tưởng Vĩ Quốc dành không ít sự quan tâm cho “anh họ” Triệu Cửu Chương.
Trong niên đại cực tả điên cuồng của Cách mạng Văn hóa, Quốc dân đảng bị dán nhãn là “phản động”. Triệu Cửu Chương lại có quan hệ họ hàng với “bọn phản động Quốc dân đảng”, theo logic lúc đó thì đương nhiên trở thành “kẻ phản động”. Đặc biệt là, ông còn có quan hệ thân thiết với Tưởng Giới Thạch, “thủ lĩnh” của “phản động Quốc dân đảng”, đây là chuyện lớn, nếu không bị chỉnh đến chết thì cũng sẽ bị ép đến chết. Bi kịch của Triệu Cửu Chương đã chủ định như vậy.
Năm 1999, Triệu Cửu Chương được ĐCSTQ truy tặng danh hiệu “Nguyên huân hai quả bom và một vệ tinh”, nhưng danh hiệu này chẳng qua chỉ là một loại ‘đền bù’, là cái lá vả che đậy cho chính quyền cường bạo.
- Trọn bộ Trăm năm chân tướng
Theo Epoch Times,
Mộc Lan biên dịch