Liên quan đến Sự biến Huyền Vũ môn, hậu nhân có nhiều cách nói. Đường Thái Tông thực sự nghĩ gì, vì mục đích gì mà tham gia Sự biến Huyền Vũ môn? Chúng ta hãy cùng “phủi sạch phong trần” bằng tấm lòng kính uý lịch sử

Vì đại nghĩa, thuận theo Thiên ý

Nếu như Thái Tông quả thật có ý nghĩ muốn đoạt lấy ngôi vị thì có thời khắc nào mà ông không thể ra tay đây? Lúc sinh mệnh đối diện với sống chết, Thái Tông thở dài nói: “Cốt nhục tương tàn là việc đại ác từ xưa tới nay! Ta thực sự biết rõ mối họa này sớm muộn cũng đến, mong cho nó phát tác, rồi mới dùng đại nghĩa để dẹp loạn, cũng không có cách nào khác khả dĩ hơn? Nếu còn có con đường khác thì ta nhất định không chọn cách này”.

Thấy Thái Tông do dự, người trong phủ đã cùng nhau đưa ra ý kiến: “Tề vương vốn không cam lòng đứng sau Thái tử, mưu loạn còn chưa thành công thì y đã có tâm muốn diệt Thái tử. Lòng tham của Tề vương quả là không đáy, tâm địa ác độc, ra tay tàn bạo, không việc ác gì là không dám làm. Nếu như hai người họ được đắc chí, sợ rằng thiên hạ này không còn của Đại Đường nữa!” 

Muốn “An xã tắc” thì cần phải: 

  • Kiến Thành và Nguyên Cát không cho phép ngay cả việc Thái Tông muốn tránh về Lạc Dương, vĩnh viễn không tranh giành, chúng muốn đẩy Thái Tông vào chỗ chết rồi mới yên tâm.
  • Nếu như Thái Tông thực sự bị chúng hại chết, Nguyên Cát nhất định sẽ giết Kiến Thành để tự lên ngôi.
  • Nguyên Cát là một kẻ tiểu nhân, vô đức vô năng, hơn nữa lại đố kỵ với người tài, như thế thì chính sự quốc gia ắt sẽ loạn.
  • Chư hầu các nơi ắt sẽ chinh chiến liên miên, đất nước khó khăn, đời sống người dân cơ cực, ngoại tộc nhìn vào một cách thèm thuồng.
  • Vừa hay mấy vạn kỵ binh Đột Quyết đang đóng doanh trại tại phía Nam sông Hoàng Hà, bao vây thành Ô giống như trong triều không người, triều Đường lâm vào thế nguy hại chỉ trong sớm tối.
  • Khói lửa chiến tranh lại nổi lên khắp nơi, vạn dân oán thán. Võ có thể định quốc, khai sáng thiên triều thịnh thế, ngoài Thái Tông thì còn có ai nữa? 

Các tướng lĩnh đều khích lệ Thái Tông hỏi: “Đại vương, Ngu Thuấn là người như thế nào?” 

Thái Tông trả lời: “Trí tuệ thâm thúy, tài hoa hơn người, ôn hòa khiêm cung, công chính thành thật, là một người con hiếu thuận, là bậc quân chủ thánh minh”.

Tướng lĩnh lại hỏi: “Nếu như lúc khơi thông giếng nước, Thuấn Đế không tránh thoát khỏi hành động độc ác lấp giếng chôn Thuấn của cha và em trai thì ông cũng đã biến thành bùn đất trong giếng rồi. Nếu như lúc còn ở trong kho thóc, ông không tránh được hành động ra tay phóng hỏa đốt kho thóc của cha và em trai thì ông cũng trở thành tro tàn cùng với kho lúa rồi. Làm sao còn có thể trở thành bậc thánh quân sau này, hơn nữa còn để ân trạch của mình ban rộng khắp thiên hạ, lưu truyền những chuẩn tắc cho hậu thế? Lúc bị cha cầm roi đánh thì Thuấn Đế cố gắng chịu đựng, nhưng khi bị đánh bằng gậy lớn thì ông liền tránh đi, là vì điều mà trong lòng Thuấn Đế suy nghĩ đến chính là đại sự!”

Trời dành cho mà không lấy, ngược lại sẽ phải nhận sự trừng phạt. Thời cơ đến mà không thuận theo thì ngược lại sẽ chịu nhận tai ương. Đã trải qua nhiều lần nhường nhịn, đến lúc này không thể tiếp tục nhịn thêm nữa, Thái Tông quyết định thuận theo Thiên Ý mà hành động, ra tay tỏ rõ uy nghiêm, không khoanh tay chịu chết. Đây là vì đại nghĩa. 

Trừ nghiệt tặc tại Huyền Vũ môn

Ngày Đinh Tỵ mùng 1 tháng 6 năm Võ Đức thứ 9 (ngày 29 tháng 6 năm 626), sao Thái Bạch xuất hiện ở hướng chính Nam vào giờ Ngọ. Ngày mùng 3 tháng 6 (ngày 1 tháng 7 năm 626), sao Thái Bạch lại xuất hiện lần nữa cũng ở hướng chính Nam vào đúng giờ Ngọ. Người xưa biết rõ sự việc này là điềm báo “Thay đổi quyền lực hoàng gia”. Phó Dịch mật tấu với Cao Tổ: “Thái Bạch ở vị trí thuộc địa phận của Tần vương, như vậy Tần vương sẽ có được thiên hạ”. Cao Tổ liền đem mật tấu cho Thái Tông xem. Thái Tông báo cáo về việc Kiến Thành và Nguyên Cát dâm loạn hậu cung, hơn nữa còn nói thêm: “Thần chưa từng phụ huynh đệ của mình, nay vì họ có dục vọng muốn giết thần, coi thần như địch nhân mà báo thù. Thần nay nếu chết thì sẽ uổng cái mạng này, hồn xuống âm phủ sẽ hổ thẹn khi gặp bọn gian tặc”. Phi tử Trương Tiệp Dư của Cao Tổ nghe lén biết được ý của Thái Tông, bèn nhanh chóng truyền tin cho Kiến Thành. Kiến Thành gọi Nguyên Cát tới để bàn mưu tính kế. Nguyên Cát nói: “Cần phải ghìm dữ quân binh ở trong cung và phủ, mượn cớ ốm không đi, để xem tình thế như thế nào”. Kiến Thành nói: “Binh đã được bố trí xong, đợi đệ cùng tham gia, tự hỏi tin tức”. (Trích trong quyển thứ 191, Tư trị thông giám)

Chân dung Uất Trì Cung do Vương Song Khoan vẽ trong “Bảng về Trăm vị anh hùng” (Ảnh do Vương Song Khoan cung cấp)
Chân dung Tần Thúc Bảo do Vương Song Khoan vẽ trong “Bảng về Trăm vị anh hùng”. (Ảnh do Vương Song Khoan cung cấp)

Vào sáng sớm ngày Canh Thân, mùng 4 tháng 6 năm Võ Đức thứ 9 triều đại nhà Đường (ngày 2 tháng 7 năm 626), Kiến Thành và Nguyên Cát phái bốn, năm trăm binh sĩ mai phục tại Huyền Vũ môn. Thái Tông gọi Trưởng Tôn Vô Kỵ và Uất Trì Cung đến, mang theo một đội tinh binh đi cùng. Đoàn người Thái Tông đi vào, Nguyên Cát giương tên bắt Thái Tông trước, nhưng bị trượt. Kiến Thành và Nguyên Cát lại tiếp tục giương cung bắn tiếp 3 mũi tên về hướng của Thái Tông. Nhưng Thái Tông đã có sự chuẩn bị từ trước, mặc theo áo giáp mà đến nên khi tên bắn tới cũng không bị thương. Trong hỗn loạn, Tần Quỳnh bắn một mũi tên khiến Kiến Thành mất mạng. Nguyên Cát thấy vậy liền bỏ trốn nhưng vẫn bị một mũi tên của Uất Trì Kính Đức bắn tới mà chết. Đây là ‘Sự biến Huyền Vũ môn’ nổi danh trong lịch sử. 

Sau khi bình định được kịch chiến tại Huyền Vũ môn, Tể tướng Tiêu Vũ và những người khác nói với Cao Tổ: “Kiến Thành và Nguyên Cát không có công lao gì, hai người họ đố kỵ với Tần vương, đã sử dụng gian kế. Hiện tại Tần vương đã tiêu diệt được họ, đây là việc tốt. Bệ hạ có thể đem việc quốc gia đại sự giao cho Tần vương rồi”. Cao Tổ nói: “Đây chính là tâm nguyện xưa nay của ta”. Nghe xong, Thái Tông đã gục đầu vào lòng Cao Tổ khóc lớn thật lâu. 

Sách sử ghi lại

“Hoàng thái tử Kiến Thành, thân tại vị trí con trưởng, ở ngôi thứ 2, xử sự không ngay chính, tham vọng muốn gánh vác. Thích gần kẻ tiểu nhân, nghe lời tà độc, vứt bỏ người thân, ngăn cách cốt nhục, mưu đồ phản nghịch, là kẻ độc ác bất hiếu. Tư đồ Tề vương Nguyên Cát, thân mang trách nhiệm nặng nề nhưng lại thiếu suy nghĩ, hưởng bổng lộc dày, chức vị không nhỏ. Nhưng y đã làm trái thiên kinh, hợp tác với tên đầu sỏ, trợ giúp Kiến Thành hành ác, tương trợ kích động, tâm địa đại nghịch vô đạo đã hiển lộ rõ ràng. Hai bọn họ hành ác, tội ác tày trời không đếm hết, gây họa không ngưng, đạt tới mức giết người hàng loạt”. (Trích trong Chiếu xá việc tiêu diệt Kiến Thành, Nguyên Cát – quyển 1 bộ thứ nhất Toàn Đường văn)

“Vua Thuấn không thể nhân từ với kẻ phạm bốn tội ác, Vua Nghiêu không thể nghe theo Đan Chu, cũng là cái chí của tiền nhân. Năm mà Vua Nghiêu tại vị, trong những ngày tháng kiến lập công trạng, nếu không diệt trừ mầm họa, khó tránh khỏi diệt vong, trong cuộc biến cố, tình thế ngàn cân treo sợi tóc, chỉ sợ họa “phá gia”, lo chi lời đàm tiếu “Xích bố” – huynh đệ tương tàn. (Trích trong “Cựu Đường Thư – Thái Tông bổn kỷ – Tán”)

“Cơ Xương, Cơ Phát mở nước, một nhà có 3 vị Thánh. Đặt văn ở vị trí cao, nơi nơi đều được tốt đẹp. Diệt nghịch tặc Quản Thúc Tiên và Thái Thúc Độ mà thời Thành vương và Khang vương của nhà Chu có được chính đạo. Trinh Quán thịnh thế còn được ca ngợi tới hôm nay”. (Trích “Cựu Đường Thư – Thái Tông bổn kỷ – Tán”)

“Kiến Thành tàn nhẫn, há có tài làm chủ thiên hạ; Nguyên Cát hung ác điên cuồng, có hành động của kẻ trộm cướp. Nếu không có Thế Dân hành đạo trừ ác, công cao đức dày, Đại Đường làm sao có được 300 năm hưng thịnh về sau, sao có được hai mươi hoàng đế kế vị? Nếu câu nệ tiểu tiết, ắt sẽ gây tổn thất to lớn, so với Tần Nhị Thế và Tùy Dạng Đế cũng không sao bì được”. (Trích “Cựu Đường Thư – Cao Tổ nhị thập nhị tử truyện”)

Kiến Thành, Nguyên Cát, quả thực là hai kẻ tàn ác. Cấu kết trong ngoài, người và Thần đều không thể dung thứ. Trong cái mịt mù mà thấy sáng tỏ, khi vô vọng lại là lúc mở đường cho thánh nhân tới. Thời thế thuộc về Văn Hoàng (hoàng đế hiểu biết văn chương), công thành giữ chính đạo, thiện ác phân minh, xã tắc sẽ an định”. (Trích “Cựu Đường Thư – Cao Tổ nhị thập nhị tử truyện”)

“Cổ Công không lập con trưởng Thái Bá mà lập Quý Lịch làm thái tử; Văn Vương không lập con trưởng Bá Ấp Khảo mà lập Võ Vương làm thái tử. Như vậy có chính đáng không? Kỳ thực cũng giống như lựa chọn người hiền đức mà dùng vậy. Người đại hiền cũng giống như Thái Tông, có đại công đại đức, hợp với trời đất, không phải nhờ vào sự sáng suốt như Cổ Công và Văn Vương, người dù ngốc đến mấy cũng nhìn thấy rõ Thái Tông nên có được thiên hạ. Cao Tổ có nghi ngờ về mối họa trong vương tộc nhưng không xem xét kỹ càng, giống như người già đãng trí, ngôn từ có thể hơi quá! Vì thế mà dẫn đến sự việc Kiến Thành và Nguyên Cát mưu hại Thái Tông. Thật sự nếu như Thái Tông bị giết chết, đây có khác nào việc thiên hạ diệt vong. Nếu so việc Thái Tông diệt Kiến Thành và Nguyên Cát với việc nghĩa Chu Công diệt Quản Thúc Tiên, Thái Thúc Độ, thật sự cũng chẳng có gì khác”. (Trích “Thiệu thị văn kiến lục – Tống Thiệu Bá Ôn”)

Sáng Thế Chủ đã an bài Đại Đường thịnh thế trở thành đỉnh cao của 5000 năm văn hóa Trung Hoa, tất nhiên cũng sẽ sắp xếp những nhân tố trợ giúp trấn tà diệt loạn để an định thiên hạ.

Chân dung Phòng Huyền Linh. (Ảnh: Tài sản công)

“Viết đúng sự thật”

Năm Trinh Quán thứ 14, Thái Tông nói với Phòng Huyền Linh rằng: “Không biết vì sao mà từ xưa, lịch sử đương đại được viết ra lại không cho Hoàng đế đích thân xem qua?” 

Phòng Huyền Linh trả lời rằng: “Chuyện trong lịch sử được ghi chép khách quan là có thiện có ác, thực tế thì có mấy bậc quân vương làm được không vi phạm phép tắc. Họ vì sợ những việc làm sai trái của mình được truyền lại cho đời sau mà muốn dùng quyền lực ép xóa đi, do đó họ không được xem”. 

Lý Thế Dân nói: “Ý của Trẫm khác với cổ nhân. Nay muốn tự mình xem lịch sử quốc gia, nếu là việc thiện thì không cần phải bàn luận gì nữa. Nhưng nếu có việc không thiện, cũng muốn xem xem một chút để lấy đó làm bài học giáo huấn mà răn đe bản thân, tu sửa bản thân. Khanh cứ giữ bổn phận viết đúng sự thật lịch sử của mình”. 

Thái Tông nhìn thấy Sự biến Huyền Vũ môn ngày 4 tháng 6, thấy nói nhiều mà viết ít, thế là ông bảo với Phòng Huyền Linh: “Xưa kia Chu Công diệt Quản Thúc Tiên, Sái Thúc Độ mà giúp cho nhà Chu được an ổn, Quý Hữu dùng rượu độc giết chết Thúc Nha mà giúp nước Lỗ được an toàn. Nay những việc Trẫm đã làm, cũng là nghĩa cử đó, giúp cho thiên hạ xã tắc an ổn, làm lợi cho vạn dân mà thôi. Việc Sử quan chấp bút, có gì viết nấy không cần giấu giếm? Nên loại bỏ những gì không đúng sự thật, hãy viết đúng sự thật”. 

Thị vệ đi theo là Trung Ngụy Trưng tấu rằng: “Thần nghe nói rằng người ở vị trí tôn quý vô cùng sẽ không cần lo sợ điều gì. Chỉ có sử sách là viết lại những chuyện trừng phạt cái ác tuyên dương cái thiện, nếu viết sử sách không trung thực thì người đời sau xem gì? Nay Bệ hạ bảo Sử quan chỉnh sửa lại đúng trách nhiệm, thật hợp với công đạo vậy”. (Trích “Trinh Quán chính yếu – Quyển 7  – Luận văn sử”)

“Sự biến Huyền Vũ môn” vốn là một việc tốt soi sáng thiên thu vạn đại, “an xã tắc, lợi vạn dân”, Thái Tông nói như vậy, vô cùng có tình có nghĩa, lời nói tràn đầy chính khí, sử quan chấp bút, đường đường chính chính, có gì viết nấy. 

(Còn tiếp…)

Theo Epoch Times
San San biên dịch