Cao Tổ nghe xong không khỏi giận dữ, trước mặt Kiến Thành và Nguyên Cát mà trách mắng Thái Tông: “Lòng ham muốn ngồi lên ngôi vị đế vương của con cấp thiết như vậy sao?”…

Vào năm Đại Nghiệp thứ 13 (năm 617), Thái Tông mưu lược, Lý Uyên khởi binh. Lý Uyên từng nói với Thái Tông: “Sự nghiệp thành công, thiên hạ này đều là con lấy về, do đó nên lập con làm thái tử”. Thế nhưng Thái Tông lại bái tạ chối từ. 

Cao Tổ đăng cơ, ông muốn lập Thái Tông làm thái tử. Thái Tông kiên quyết từ chối nói: “Trưởng ấu có thứ tự, quốc gia lập trưởng, lý xưa nay không thay đổi. Có huynh ở trên, Thế Dân không dám! Nhường huynh trưởng lập Đông cung”. Cao Tổ liền theo ý của Thái Tông, lập con trưởng là Lý Kiến Thành làm Thái tử, con trai thứ Lý Thế Dân làm Tần vương, con thứ Lý Nguyên Cát làm Tề vương. Thái Tông còn được phong tước vị tới vị trí không thể cao hơn được nữa. Cao Tổ định ra chức vị chưa từng có từ trước tới nay là “Thiên sách Thượng tướng” rồi ban cho Thái Tông, vị trí đứng trên hàng vương, nắm toàn bộ binh quyền. 

“Thiên hạ mà Cao Tổ có được, đều nhờ công lao của Thái Tông” (Tư trị thông giám). Ngày mà công lao sự nghiệp của Thế Dân đạt được hưng thịnh, Cao Tổ đã tự hứa rằng sẽ lập Thế Dân làm Thái tử, Kiến Thành biết được bí mật này nên đã cùng Tề vương Lý Nguyên Cát âm mưu làm loạn” (‘Cựu Đường Thư ‧ Cao Tổ nhị thập nhị tử truyện’).

Vương Song Khoan vẽ Đường Thái Tông Lý Thế Dân trong bộ tranh “Bảng trăm vị anh hùng” (Ảnh: Được phép của Vương Song Khoan)

Nguyên Cát và Kiến Thành

Nguyên Cát là một người có tướng mạo xấu xí, tính tình tàn độc. Lúc mới chào đời, Thái Mục Hoàng hậu không ưa dung mạo của y nên không muốn nuôi dưỡng. Lúc đó người hầu là Trần Thiện Ý đã một mình nuôi nấng, Nguyên Cát mới tránh bị chết non. Khi trưởng thành, Nguyên Cát trở thành người hung ác tàn bạo, xa hoa dâm đãng. Cậu thường đem nô bộc và thê thiếp cùng binh lính mặc áo giáp giao chiến với nhau để tiêu khiển, đánh đấm qua lại đến nỗi bị thương, thậm chí đến chết.

Có lần Nguyên Cát bị đâm trọng thương, Trần Thiện Ý ngăn lại, y liền tức giận lệnh cho tráng sĩ đem ân nhân cứu mạng này ra giết chết. Vào năm Võ Đức thứ 2 (năm 619), Lưu Vũ Chu tiến sát Tịnh Châu. “Nguyên Cát vô cùng sợ hãi, lừa gạt Tư Mã Lưu Đức Uy, y nói: ‘Khanh dùng những binh lính già yếu để thủ thành, ta đưa binh lính khỏe mạnh ứng chiến’. Bởi vì xuất binh vào ban đêm, y bỏ lại binh sĩ, mang theo vợ và thê thiếp chạy về kinh thành, Tịnh Châu lập tức bị vây hãm”(Cựu Đường Thư ‧ Cao Tổ nhị thập nhị tử truyện).

Còn Kiến Thành là người có công không thể không kể, lười biếng lại đa nghi, tham luyến tửu sắc. Vương Khuê và Ngụy Trưng từng nói với Kiến Thành như thế này: “Điện hạ lấy địa vị con trưởng mà chà đạp người lương thiện, công trạng đã chẳng đáng nói, thanh âm nhân đức cũng không nghe thấy. Còn Tần Vương lại lập được công lao to lớn, uy chấn tứ hải, lòng dân hướng về, điện hạ sao lại tự bằng lòng như thế?” (Cựu Đường Thư – Ẩn Thái tử Kiến Thành truyện).

Kiến Thành và Nguyên Cát hối lộ phi tử của Cao Tổ, cũng có tư thông với một số phi tử được sủng ái. Thái Tông bình định Đông Đô xong, có phi tử muốn xin vàng bạc châu báu trong cung nhà Tuỳ từ Thái Tông, hơn nữa còn vì họ hàng thân thích mà mua chức quan, tuy nhiên đều bị Thái Tông cự tuyệt. Thái Tông nói: “Bảo vật đều được ghi vào danh sách, đã thượng tấu rồi, còn chức quan chỉ ban cho người hiền có công”. Nhóm phi tử được sủng ái của Cao Tổ đều oán hận Thái Tông. Họ thường ở trước mặt Cao Tổ nói lời tốt cho Thái Tử và Nguyên Cát, còn đối với Thái Tông lại buông lời công kích. 

Ham muốn ác độc sinh ra từ lòng đố kỵ 

Lòng đố kỵ ghen ghét của Kiến Thành và Nguyên Cát nặng tới mức không nhịn được, họ đã dùng trăm phương ngàn kế mong muốn diệt trừ Thái Tông. 

Một là lên kế hoạch ám sát. Một lần, Thái Tông theo Cao Tổ đi đến trước phủ của Nguyên Cát, Nguyên Cát đã lệnh cho tướng hộ vệ là Vũ Văn Bảo mai phục trong phòng, tùy thời mà hành thích Tần vương. Tuy nhiên, Kiến Thành lại thấy chuyến đi đó có phụ hoàng đi cùng nên sự việc khó có thể thành, do vậy đã ngăn Nguyên Cát lại. 

Hai là tự chiêu binh mãi mã. Đô đốc Dương Văn Can của Khánh Châu đã bị Kiến Thành mua chuộc, lén chiêu mộ và huấn luyện dũng sĩ. Kiến Thành sai Sử Lang tướng Nhĩ Thất Hoán cùng Hiệu úy Kiều Công Sơn trợ giúp Dương Văn Can khởi binh. Hai người này vô cùng sợ hãi đã tố giác Thái tử tội mưu phản. Cao Tổ vô cùng tức giận đã giáng Kiến Thành xuống làm Thục vương. Nguyên Cát cùng các phi tần đã đứng ra cầu xin, Kiến Thành mới theo đó mà trở về kinh. 

Ba là âm mưu hạ độc. Vào một đêm nọ, Kiến Thành sửa soạn yến tiệc mời Thái Tông, chuẩn bị sẵn rượu độc. Sau khi uống vài chén, Thái Tông thấy đau bụng, lại thổ huyết. Hoài An Vương Lý Thần Thông liền mau chóng đỡ Thái Tông đưa về Tây Cung. Đại nạn lần này Thái Tông may mắn không chết.

Lý Kiến Thành sửa soạn yến tiệc dùng rượu độc hại Lý Thế Dân. (Ảnh: Tào Túy Mộng /Epoch Times)

Bốn là ngăn Thái Tông đi tránh nạn. Khi Thái Tông bị thổ huyết, Cao Tổ muốn cho Thái Tông tránh xa tới Lạc Dương, ông nói rằng: “Thủ lĩnh thiết lập đại mưu, bình định thiên hạ, đều là công lao của con. Cha có mong muốn riêng là lập con làm thái tử nhưng con kiên quyết từ chối. Kiến Thành cũng lớn tuổi, lại được lập làm thái tử từ lâu, cha không đành lòng tước đoạt. Xem ra huynh đệ các con không thể hòa hợp, nếu cùng ở kinh thành thì sẽ nảy sinh tranh chấp. Nay cha phái con trở về Hành Đài, sống ở Lạc Dương, làm Vương tại vùng phía đông đất Thiểm”. Kiến Thành cùng Nguyên Cát đã bí mật bàn bạc với nhau: “Nếu như Tần Vương đến Lạc Dương, có đất có quân binh, không thể phục chế, chi bằng để sống tại Trường An, như vậy ắt có thể trừ khử y dễ dàng hơn”. Sau đó Cao Tổ đã thay đổi chủ ý. Thái Tông bị bức bách không có cách nào, cuối cùng chuyến đi lại không thành. 

Năm là tặng cho con ngựa hung dữ. Cao Tổ dự tính đi săn ở phía nam kinh thành, lệnh cho 3 con trai thực hiện thi đấu võ phân thắng bại. Kiến Thành có một con ngựa Hồ, béo mập to khỏe, thích đá hậu, đem cho Thái Tông. Y nói: “Nhị đệ giỏi về cưỡi ngựa, cưỡi thử nó một lần xem”. Lúc đi săn, Thái Tông đang trên đà rượt đuổi con hươu hoang, ngựa Hồ bỗng nhiên đá hậu khiến Thái Tông tung người lên, nhảy xuống đất xoay mấy bước mới đứng vững. Ngựa hồ đứng lại, Thái Tông lại cưỡi lên lần nữa tiếp tục đi săn, liên tục 3 lần như vậy. Thái Tông nói: “Ý định của Kiến Thành là muốn mượn con ngựa Hồ này để hại ta, nhưng mà con người sống chết có số, chỉ dựa vào chúng thì có thể hại chết ta sao?” 

Sáu là xui khiến phi tần. Lý Kiến Thành xúi giục phi tần của Cao Tổ vu khống hãm hại: “Tần vương tự xưng, ta đây nhận thiên mệnh, chính là muốn ta làm chúa tể thiên hạ”. Cao Tổ nghe xong không khỏi giận dữ, trước mặt Kiến Thành và Nguyên Cát mà trách mắng Thái Tông: “Lòng ham muốn ngồi lên ngôi vị đế vương của con cấp thiết như vậy sao?”. Thái Tông bèn hạ mũ miện xuống, khấu đầu tại chỗ, thỉnh đem bản thân giao cho quan phủ chấp pháp điều tra làm rõ. Nhưng lúc đó, Thích Phùng dâng tấu báo quân Đột Quyết tới, Cao Tổ liền gác lại chuyện này và bắt đầu bàn bạc với Thái Tông để tìm biện pháp đối phó. 

Bảy là mưu đồ bắt cóc. Cao Tổ đến cung Thái Hòa nghỉ mát, Thái Tông và Nguyên Cát cũng đi cùng. Nguyên Cát nói với Kiến Thành: “Đợi ta đến cung Thái Hòa, sẽ phái người tay chân nhanh nhẹn bắt y, đem y nhốt vào hầm, chỉ mở một lỗ để đưa đồ ăn”. 

Vương Song Khoan vẽ bức chân dung Tần Thúc Bảo trong “Bảng trăm vị anh hùng” (Ảnh: Được phép của Vương Song Khoan)

Tám là đoạt binh tướng. Quân Đột Quyết tiến vào chiếm giữ bờ nam sông Hoàng Hà, vây công thành Ô. Kiến Thành tiến cử Nguyên Cát thay Thái Tông dẫn quân Bắc phạt, lệnh cho mãnh tướng Tần Thúc Bảo, Uất Trì Kính Đức, Trình Tri Tiết, Đoàn Chí Huyền cùng những tướng khác của phủ Tần vương quy về Nguyên Cát thống lĩnh, chọn những binh lính tinh nhuệ của phủ Tần vương chuyển đến phủ Tề vương. Người có mưu trí và tài thao lược của phủ Tần vương là Phòng Huyền Linh cùng Đỗ Như Hối, bị Kiến Thành cùng Nguyên Cát vu khống hãm hại đuổi đi.

Vương Song Khoan vẽ chân dung Đoàn Chí Huyền trong bộ “Bảng trăm vị anh hùng”. (Ảnh: Được phép của Vương Song Khoan)

Võ tướng Uất Trì Cung là người dũng mãnh nhất, Kiến Thành đưa tặng một xe vàng bạc nhưng bị từ chối. Nguyên Cát lại sai người hành thích nhưng thích khách cũng không dám hành động. Sau đó y lại vu khống hãm hại với Cao Tổ, chuẩn bị giết chết Uất Trì Cung. Thái Tông liền lấy tính mạng của mình ra bảo đảm, Uất Trì Cung mới may mắn thoát chết.

Nguyên Cát dùng vàng bạc tơ lụa dụ dỗ Hữu Nhị Hộ Quân – Đoàn Chí Huyền, nhưng Đoàn không chịu theo. Sau đó Nguyên Cát còn vu khống hãm hại tổng quản Tả Nhất Mã Quân – Trình Trí Tiết, nhưng Cao Tổ đã đưa Trình Trí Tiết đi làm Thứ sử ở Khang Châu. Quan nhân trong phủ Tần vương đều tỏ ra lo sợ.

Phòng Huyền Linh đã thương lượng với Trưởng Tôn Vô Kỵ: “Hận thù đã hình thành, một khi phát họa, phủ Tần vương không thể cứu vãn, tồn vong xã tắc cũng là vấn đề. Khuyên bảo Tần vương áp dụng sách lược bình định quản thúc của Chu Công, hành động giống với Thái thúc, giúp yên ổn hoàng thất và thiên hạ. Tình thế vô cùng nguy cấp, đây là thời khắc trọng yếu quyết định tồn vong!” 

Thẩm Nguyên đời nhà Thanh vẽ bức ảnh về Trưởng Tôn Vô Kỵ trong Mặc diệu chu lâm, hiện được lưu giữ tại Bảo tàng cố cung Đài Bắc. (Ảnh: Phạm vi công cộng)

Chín là mong muốn cắt bỏ và trừ khử. Nguyên Cát thỉnh cầu Cao Tổ diệt trừ Thái Tông, Cao Tổ nói: “Tần vương có công lao vô cùng to lớn trong việc bình định thiên hạ, hành vi phạm tội còn chưa có hiển lộ rõ ràng, lấy gì làm lý do?” Nguyên Cát nói: “Tần vương thường xuyên chống lại chiếu lệnh, lúc vừa mới bình định Lạc Dương đã ngang ngược ngạo mạn đắc ý, không muốn tranh thủ thời gian quay trở về kinh, phân thưởng tài vật, tạo dựng ân đức cá nhân. Vi phạm chống đối đã đến mức như vậy, chẳng lẽ vẫn chưa phải tội phản nghịch? Chỉ quản giết chết một cách nhanh chóng, không lo lý do”. Cao Tổ nghe xong thì im lặng không nói gì. 

Mười là thiết lập tử địa. Kiến Thành nói với Nguyên Cát: “Đã đoạt hết binh lính tinh nhuệ của Tần vương, đệ đã thống lĩnh mấy vạn quân rồi. Khi ta cùng Tần vương đến hồ Côn Minh, nhân lúc thiết đãi yến tiệc tiễn biệt đệ, mệnh lệnh dũng sĩ bắt y thiệt mạng rồi nói rằng vì bạo bệnh mà chết, ta đoán rằng phụ hoàng sẽ không thể không tin”.

Thời khắc soán vị sắp đến, Kiến Thành nói với Nguyên Cát: “Ta lại phái đệ khuyên bảo Phụ hoàng, muốn ông ấy đem việc triều chính giao hết cho ta. Sau khi đăng cơ, lập tức phong đệ làm Hoàng Thái đệ. Và đám người Uất Trì Kính Đức đã rơi vào tay đệ, đến lúc đó chôn sống chúng”. Thế nhưng tự thân Nguyên Cát cũng có những toan tính thâm sâu hơn: “Chỉ cần diệt trừ được Tần vương, việc đoạt lấy ngôi vị Thái tử sẽ dễ như trở bàn tay”.

Suất Canh Thừa Vương Chí nghe được âm mưu này liền mật báo với Thái Tông, giúp Thái Tông tránh được độc thủ lần này.

(Còn tiếp…)

Theo Epoch Times
San San biên dịch