Cho đến nay, nhân loại chứng kiến nhiều cách trị nước, như Đế thuật, Vương thuật và Pháp thuật. Nhưng rốt cuộc đâu mới là biện pháp điều hành thiên hạ hiệu quả nhất?
Đế thuật là con đường trị nước của những người tu luyện như Quỷ Cốc Tử. Đó là Đạo. Ông biết hết nhưng không màng một chút Danh, Lợi, Tình như con người thế gian. Đại diện cho “Vương thuật” muốn thiết lập con đường đức trị là trường phái Nho Gia. Ở đây là những lời ngay chính, Nhân Nghĩa của Mạnh Tử.
Pháp Gia là tầng thấp nhất muốn bình ổn và giữ cho nhân quần bớt hỗn loạn. Nó bắt con người nghe theo chứ không thuyết phục từ gốc rễ phải tự giác thuận với Đạo và Đức. Dùng quyền lực thì phải quyền biến, đa mưu túc sự. Nó là cái hữu lý của cõi người vốn mê và phi lý.
Thương Ưởng thuyết phục vua Tần
Có một nhân vật rất nổi tiếng trong lịch sử Trung Hoa từ cái thời loạn lạc, cái thời các liệt quốc “quần ngư tranh thực” và Nhà Chu chỉ còn là hư vị để mọi người lấy cớ hại nhau, là người khởi xướng ra Pháp thuật, được mô tả trong “Sử Ký” của Tư Mã Thiên và sinh động nhất là trong cuốn “Đông Chu Liệt Quốc” của Phùng Mộng Long. Đó là Thương Ưởng.
Trong số Thất Hùng đời Chiến Quốc, so với các nước chư hầu ở Trung Nguyên thì nước Tần còn tương đối lạc hậu cả về chính trị kinh tế, văn hóa. Nước láng giềng sát cạnh là nước Ngụy mạnh hơn nước Tần, đã chiếm mất của Tần một khoảng đất lớn ở vùng Hà Tây.
Lịch sử Trung Quốc năm 361 trước Công nguyên, quốc quân mới của Tần là Tần Hiếu Công lên ngôi. Ông quyết tâm phấn đấu xây dựng đất nước giàu mạnh, trước hết chiêu tập nhân tài, và hạ lệnh: “Không kể là người nước Tần hay người từ nước ngoài tới, hễ ai nghĩ được biện pháp làm cho nước Tần giàu mạnh lên thì sẽ phong làm quan”.
Lời kêu gọi đó của Tần Hiếu Công đã thu hút được nhiều nhân tài. Một người ở nước Vệ là quý tộc Công Tôn Ưởng (tức là Thương Ưởng sau này) không được trọng dụng ở nước Ngụy, liền chạy sang Tần, nhờ người tiến cử, được Tần Hiếu Công tiếp kiến. “Sử Ký” trong “Thương Quân liệt truyện “(史记 – 商君列传) chép gọn:
“Thương Quân là con người hầu của một quý tộc nước Vệ, tên là Ưởng, họ Công Tôn, tổ tiên vốn là họ Cơ. Ưởng lúc nhỏ thích học Hình Danh, thờ tể tướng nước Ngụy là Công Thúc Toa. Biết Ưởng hiền, nhưng Toa chưa có dịp tiến cử. Khi Toa mắc bệnh, Ngụy Huệ Vương thân hành đến thăm bệnh hỏi: “Nếu bệnh của Công Thúc đưa đến việc chẳng may thì ai lo việc nước nhà?”.
Công Thúc Toa nói: “Trung thứ tử của Toa là Công Tôn Ưởng, tuy trẻ tuổi, nhưng có tài cao xin nhà vua giao phó việc nước cho ông ta”. Nhà vua im lặng. Vua sắp đi. Toa đuổi mọi người ra, rồi nói: “Nếu nhà vua không nghe tôi, không dùng Ưởng thì phải giết y đi chớ để cho y ra khỏi biên giới”. Nhà vua nhận lời.
Công Thúc Toa gọi Ưởng đến từ tạ nói: “Hôm nay, nhà vua hỏi tôi, ai có thể làm tể tướng, tôi nói anh. Sắc mặt nhà vua có vẻ không tin lời tôi. Tôi trước tiên phải lo đến vua sau mới nghĩ đến bầy tôi, cho nên tôi nói với nhà vua: Nếu nhà vua không dùng Ưởng thì phải giết anh ta đi. Nhà vua đã hứa. Vậy anh phải mau mau trốn đi, nếu không sẽ bị bắt đấy”.
Ưởng nói: “Nhà vua đã chẳng nghe lời của ông cho tôi làm tể tướng, lẽ nào có thể nghe lời nói của ông mà giết tôi”? Rốt cục Ưởng không đi. Sau khi rời giường bệnh, Huệ vương nói với các quan hầu: “Công Thúc bệnh nặng, thực đáng thương! Ông ta muốn quả nhân nghe theo Công Tôn Ưởng để trị nước, há chẳng quá sai lầm sao?”.
Sau, Công Tôn Ưởng nghe tin Tần Hiếu Công ra lệnh trong nước tìm người hiền để nối nghiệp Tần Mục Công nhằm đem quân sang hướng đông lấy lại đất đai bị cướp, thì Ưởng bèn đi sang hướng tây vào đất Tần. Ưởng nhờ một người tôi yêu của Hiếu Công là Cảnh Giám để xin yết kiến Hiếu Công”.
Câu chuyện Ưởng và nhà vua đối đáp trong “Đông Chu liệt quốc” cho thấy anh ta rất tinh ranh, ma quái, biết chùng biết căng, biết nhà vua muốn gì và mình sẽ đạt mục đích gì thông qua một kịch bản lớp lang thật chu đáo:
“Cảnh Giám cùng với Vệ Uởng thương nghị việc nước, biết Vệ Uởng là người có tài, liền vào tâu với Tần Hiếu Công. Hiếu Công cho triệu vào, hỏi về đạo trị nước. Vệ Ưởng viện dẫn các đời vua như Hi, Nông, Nghiêu, Thuấn để trả lời. Vệ Uởng nói chưa hết lời thì Hiếu Công đã ngủ mất rồi.
Sáng hôm sau, Cảnh Giám vào yết kiến, Hiếu Công trách mắng rằng: Vệ Uởng là một người gàn! Hắn nói toàn những chuyện viển vông, không thể dùng được, sao nhà ngươi lại tiến dẫn cho ta? Cảnh Giám lui về bảo Vệ Uởng rằng: Tôi đưa tiên sinh vào yết kiến Chúa công, sao tiên sinh lại nói toàn những chuyện viển vông, không thể dùng được, khiến Chúa công chán mà không muốn nghe?
Vệ Uởng nói: “Tôi đem Đế Đạo nói với Chúa công, nhưng Chúa công không hiểu, vậy ông hãy xin cho tôi vào yết kiến một lần nữa”. Cảnh Giám nói: “Chúa công đã có ý không bằng lòng, tất phải để chậm độ năm ngày nữa thì mới nói được”.
Quá năm ngày, Cảnh Giám lại vào tâu với Hiếu Công rằng: “Vệ Uởng chưa nói được hết lời, xin chúa công hãy cho vào yết kiến một lần nữa”.
Tần Hiếu Công lại triệu Vệ Uởng vào. Vệ Uởng giãi bày những công việc của Hạ Vũ và vua Thang, vua Vũ thuở xưa, Hiếu Công vừa vẫy tay bảo lui ra, vừa nói rằng: “Nhà ngươi thật là một người học rộng nhớ nhiều, nhưng cổ kim mỗi lúc một khác, nhà ngươi nói như thế thì dùng nhà ngươi làm sao được”!
Cảnh Giám đứng chờ ngoài cửa, trông thấy Vệ Uởng ở trong cung đi ra, đón mà hỏi rằng: “Ngày hôm nay thế nào?”. “Tôi đem Vương Đạo nói với Chúa công, Chúa công còn chưa bằng lòng”. Cảnh Giám nói: “Ông vua dùng người khác nào kẻ đi săn dùng cái cung, chỉ mong sao cho sớm tối có lợi ngay. Nay tiên sinh bỏ cái lợi trước mắt mà đi nói những chuyện Đế Vương thì hợp ý Chúa công thế nào được”!
Vệ Uởng nói: “Lúc trước, chưa hiểu ý chúa công thế nào, tôi sợ chúa công có chí cao mà tôi lại nói thấp chăng, vậy nên phải nói như thế để dò ý. Nay đã dò được ý rồi, giả sử tôi được yết kiến chúa công một lần nữa, thì lo gì mà không hợp”. Cảnh Giám nói: “Tiên sinh hai lần vào yết kiến, mà đều nói trái ý chúa công tôi cả, khi nào tôi lại còn dám nói nữa khiến chúa công tôi nổi giận”.
Sáng hôm sau, Cảnh Giám vào triều tạ tội, không dám nói đến Vệ Uởng nữa. Khi Cảnh Giám về nhà Vệ Uởng lại hỏi rằng: “Ông có tâu với chúa công, xin cho tôi vào yết kiến nữa hay không”? Cảnh Giám nói: “Tôi không tâu”. Vệ Uởng nói: “Tiếc thay, chúa công có lệnh cầu hiền mà lại không biết dùng người hiền. Thôi, tôi cũng xin cáo từ thôi!”.
Cảnh Giám nói: “Tiên sinh định đi đâu?”. Vệ Uởng nói: “Chư hầu còn sáu nước lớn nữa, há lại không có một ông vua nào hiếu hiền hơn vua nước Tần sao? Mà há lại không biết được một người nào chịu hết lòng để tiến hiền hơn ông nữa hay sao? Tôi sẽ đi tìm một nơi như thế”. Cảnh Giám nói: “Tiên sinh hãy thư thả, đợi trong năm ngày nữa, rồi tôi sẽ lại tâu”.
Quá năm ngày nữa, Cảnh Giám đứng hầu Hiếu Công. Hiếu Công đang uống rượu, bỗng thấy chim hồng bay qua, liền dừng chén rượu mà thở dài. Cảnh Giám tâu rằng: “Chúa công trông thấy chim hồng bay qua mà thở dài là ý làm sao?”.
Hiếu công nói: “Ngày xưa Tề Hoàn công có nói: Ta được Quản Trọng, khác nào như chim hồng có lông cánh. Nay ta hạ lệnh cầu hiền, đã mấy tháng rồi, mà không được một người tài giỏi nào đến, khác nào như chim hồng có chí bay nhảy mà không được lông cánh giúp cho, bởi vậy mà ta buồn rầu”.
Cảnh Giám tâu rằng: “Vệ Uởng có ba thuật là “Đế”, “Vương”, “Bá” khi trước vào yết kiến chúa công, đã nói thuật làm “Đế” và thuật làm “Vương”, nay còn thuật làm “Bá” muốn xin nói nốt, chúa công thử bớt thì giờ nghe xem ra làm sao”.
Hiếu công nghe nói đến thuật làm “Bá” thấy thích hợp với sở nguyện của mình, liền sai Cảnh Giám đi triệu Vệ Uởng. Vệ Uởng vào. Hiếu công hỏi rằng: “Nhà ngươi có ba thuật sao không nói trước cho ta nghe?”.
Vệ Uởng nói: Không phải là tôi không muốn nói, nhưng Bá thuật dùng với Đế thuật và Vương thuật khác nhau: Đế thuật, Vương thuật thì cốt thuận dân tình mà Bá thuật thì tất phải trái dân tình mới được.
Hiếu công bỗng biến sắc, rồi chống thanh kiếm mà nói rằng: “Bá thuật, cứ gì phải trái dân tình mới làm được?”.
Vệ Uởng nói: “Đàn cầm, đàn sắt không được êm ái, thì tất phải thay dây mà gióng lại. Chính trị cũng thế, không gióng lại thì không được. Tiểu dân chỉ cần yên trong một lúc, mà không nghĩ gì đến cái lợi trăm năm cho nên không muốn tranh cãi. Ngày xưa Quản Trọng giúp Tề Hoàn Công, đặt ra phép nội chính và phép quân lệnh, chia nước Tề làm hai mươi nhăm hướng, đổi hết pháp luật cũ nước Tề, đâu có phải bọn tiểu dân vui lòng mà theo, đến khi nước cường thịnh, thì dân mới biết Quản Trọng là một bậc đại tài trong thiên hạ”.
Hiếu công nói: “Nếu nhà ngươi thật có cái thuật như Quản Trọng, thì ta dám đâu không giao hết quyền chính cho nhà ngươi, nhưng chẳng hay cái thuật ấy như thế nào?”.
Vệ Uởng nói: “Nước có giàu thì mới dùng binh được, binh có mạnh thì mới phá giặc được. Nay muốn cho nước giàu thì không gì bằng ra sức cày ruộng, muốn cho binh mạnh thì không gì bằng luyện tập chiến trận; lấy trọng thưởng mà dụ dân thì mới biết theo, lấy trọng phạt mà trị thì dân mới biết sợ; thưởng phạt phải cho đúng, chính lệnh phải được mọi người tuân hành. Như thế mà nước không giàu, binh không mạnh thì còn có lẽ nào nữa!”.
Tần Hiếu công nói: “Nếu vậy thì hay lắm! Cái thuật ấy ta có thể theo được”. Vệ Uởng nói: “Cái thuật giàu mạnh này, nếu không có người giỏi thì cũng không làm được. Đã được người giỏi, nhưng nếu mình không biết chuyên tâm để dùng người ta mà còn nghe người này người khác nói, đổi ý luôn luôn, thì cũng không làm được”.
Hiếu công lại nói: “Hay lắm!”. Vệ Uởng xin lui ra. Hiếu công nói: “Ta đang muốn nghe cho hết cái thuật của nhà ngươi, sao nhà ngươi lại vội cáo từ làm vậy?”. Vệ Uởng nói: “Hãy xin chúa công nghĩ kỹ trong ba ngày xem nên chăng thế nào, bấy giờ tôi sẽ xin nói hết”.
Khi Vệ Uởng lui về, Cảnh Giám lại trách rằng: “Chúa công đã hai ba lần khen phải, sao tiên sinh không nhân dịp ấy mà giãi bày cho cặn kẽ, lại còn muốn cho chúa công nghĩ kỹ trong ba ngày rồi mới chịu nói, thế chẳng hoá ra mình bắt bí chúa công hay sao?”.
Vệ Uởng nói: “Tôi xem ý chúa công chưa nhất định, nếu không làm như vậy thì e rồi lại đổi ý mà thôi!”. Đến sáng hôm sau, Tần Hiếu Công sai người đến triệu Vệ Uởng, Vệ Uởng từ chối rằng: “Hôm qua tôi đã tâu với chúa công rồi, chưa được ba ngày thì tôi không dám vào yết kiến!”.
Cảnh Giám lại khuyên Vệ Uởng chớ từ chối. Vệ Uởng nói: “Tôi vừa đính ước với chúa công mà nay đã thất tín ngay, thế thì sau này tôi còn thủ tín sao được?”.
Bấy giờ Cảnh Giám mới chịu phục. Đến ngày thứ ba Hiếu Công sai người đem xe đến đón. Vệ Uởng lại vào yết kiến, Hiếu Công mời ngồi và xin lời chỉ giáo, xem ra ý tứ rất là khẩn thiết. Vệ Uởng mới kể hết những công việc nên thay đổi về chính trị nước Tần.
Hai bên nói chuyện với nhau suốt trong ba ngày ba đêm, mà Hiếu Công không chút mỏi mệt, liền cho Vệ Uởng làm chức tả thứ trưởng và thưởng cho năm trăm nén vàng”.
Người viết tin rằng, Ưởng biết tất cả những phép trị nước mà trước đó những bậc kỳ tài đã đề xướng và áp dụng. Ưởng biết “biến Pháp” để vận dụng tùy thời và tùy hoàn cảnh một cách hoàn hảo. Bởi anh ta thích nổi Danh nên không lạ là đã nghiên cứu và phát triển lý thuyết của Pháp Gia. Anh ta biết các triều đại đã thành công nhưng giữa Đế trị Vương trị và Bá trị thì Ưởng đã nghiên cứu rất sâu nền cai trị thứ 3. Nó dễ làm, dễ được vua noi theo, bởi nó xuất phát từ cái Lợi.
Có nhận xét rất hữu lý: “Lần đầu, Công Tôn Ưởng thuyết Tần Hiếu Công về Đế thuật. Ông vua nuôi mộng bá chủ này vừa nghe vừa ngủ gật. Miếng mồi ĐẠO nghe chán ngắt. Lần kế, Ưởng thuyết về Vương thuật. Vua nghe rất lơ là, vào tai này ra tai kia. Miếng mồi ĐỨC nghe đỡ hơn nhưng cũng không hợp ý. Lần chót, Ưởng thuyết về Bá thuật. Vua nghe rất hào hứng. Miếng mồi QUYỀN hấp dẫn quá”.
Để thực hiện được những chính sách của mình, Ưởng đã nghị luận với các quan. Anh ta yêu cầu nhà vua giao cho mình quyền uy tuyệt đối, kẻ khen người chê đều phải chịu tội; đều phải chịu nhục hình và đi đày.
Sự ra mắt của nền Pháp trị độc đáo
“Sợ dân không tin theo, chưa dám thi hành, mới nghĩ ra một kế, đem một cây gỗ dài ba trượng, để ở cửa nam chợ Hàm Dương, rồi hạ lệnh rằng: “Ai vác được cây gỗ này sang cửa bắc thì thưởng cho mười nén vàng”. Người xem rất đông, mà ai cũng nghi ngờ không hiểu ra làm sao, không ai dám vác cây gỗ ấy cả. Vệ Ưởng nói: Không ai chịu nhận vác, hoặc còn chê ít tiền chăng?
Nói xong, liền cải lệnh, thêm tiền thưởng thành năm mươi nén vàng. Nhân dân lại càng nghi ngờ lắm. Sau có một người đứng ra mà nói rằng: “Nước Tần ta xưa nay không có trọng thưởng như thế bao giờ, nay bỗng có cái lệnh ấy thì tất có kế nghị chi đây, nhưng dẫu không được cả năm mươi nén vàng nữa thì tất cũng phải được ít nhiều”.
Người ấy nói xong, liền vác cây gỗ đem dựng ở cửa bắc. Khi người ấy vác cây gỗ đi thì trăm họ theo xem, đông như kiến cỏ. Người thị lại chạy vào nói với Vệ Uởng. Vệ Uởng gọi người vác gỗ vào mà khen rằng: “Nhà ngươi thật là một người lương dân, biết theo lệnh ta”. Liền đem năm mươi nén vàng thưởng cho người ấy và bảo rằng: “Ta quyết không bao giờ thất tín với dân trong nước”.
Mọi người thấy vậy, đều bảo nhau: Quan tả thứ trưởng đã hạ lệnh gì thì quyết thi hành cho được, chứ không hề thất tín.”
Nội dung của “biến pháp” mà Ưởng ban hành là một hệ thống chặt chẽ (định đô, chia huyện quản lý, mở đất, định thuế, trọng giàu, khuyến khích lấy đầu giặc được thưởng…).
Đặc biệt là chính sách: CẤM GIAN. Theo đó, cứ năm nhà gọi là bảo, mười nhà gọi là liên. Một nhà có lỗi thì chín nhà phải tố cáo, nếu không tố cáo thì mười nhà cùng phải tội chết chém ngang lưng. Ai biết cáo tỏ sự gian thì cũng coi như là đánh được quân giặc, cũng được trọng thưởng: cáo tỏ một đứa gian thì được một cấp. Các nhà hàng cơm cho người ngủ trọ, người trọ đều phải có giấy khám xét, nếu không thì không được cho trọ. Phàm dân, hễ một người có tội thì cửa nhà đều phải tịch biên sung công.
Ưởng bắt mỗi người đều phải có một cái thẻ, tên chữ là “Bằng cứ”, dùng để kiểm soát nhất cử nhất động của từng người dân trong nước. Không ai được tự ý dời chỗ ở, ai chứa chấp người không có thẻ Hộ khẩu (mặc định bị quy là kẻ gian) cũng bị tội chém ngang lưng.
Như vậy, Ưởng đã đóng đinh mọi người vào một tọa độ vị trí địa lý bất biến. Người ta phải sinh sống ở một nơi, không được xê dịch chỗ ở của mình. Ai rời nơi cư trú và không trình thẻ “Bằng cứ” khi đến chỗ khác thì người đến lẫn người cho ở đều bị chặt ngang lưng!
Những chính sách hà khắc của Ưởng khiến mọi người khen chê, Ưởng cho bắt tất cả đi đày. Thế tử sẽ kế vị vua tỏ phản ứng Ưởng cho bức hại hai người thầy: kẻ thì xẻo mũi, người thì thích chữ vào mặt.
Ưởng đã tạo ra một nền thái bình chứa đựng nhiều sóng ngầm. Người ta không dám ăn cắp, không dám nói chuyện… Bởi tất cả đều có sẵn hình phạt. Nền kinh tế phát triển trên cơ sở bức hại, mệnh lệnh. Người ta sợ mà chấp hành chứ không tự nguyện. Sử ký chép:
“Vệ Uởng thường thân hành đến bến sông Vị, tra xét tù phạm trong một ngày mà giết hơn bảy trăm người, máu chảy đỏ cả nước sông Vị, tiếng khóc vang trời. Trăm họ ai cũng kinh sợ, đêm nằm ngủ thường giật mình, từ bấy giờ của bỏ rơi ở đường cái, cũng chẳng ai dám nhặt; trong nước không có trộm cướp; dân chỉ hăng hái về việc đánh giặc cho nước mà không ai dám tranh nhau về việc tư. Nước Tần giàu mạnh hơn các nước, bấy giờ đem quân đánh Sở, chiếm lấy đất Thương Ư. Lại mở được hơn sáu trăm dặm đất ở ngoài cửa Vũ Quan. Vua Hiển Vương nhà Chu sai sứ phong cho Tần làm phương bá. Các nước đều đến chúc mừng”.
Hành động gây tranh cãi nhất của Ưởng là đem quân đi đánh nước Ngụy. Ông ta đã lợi dụng tình bằng hữu với Thái Tử Ngang lừa bạn, bắt bạn vào xe tù rồi đánh lén để giành chiến thắng một cách không mấy đàng hoàng. Ông ta lấy được đất Ngụy, để được cấp đất Thương nên có cái tên Thương Ưởng.
Ai cũng nịnh bợ Ưởng nhưng vẫn có một nhân cách sáng ngời. “Sử Ký” chép:
“Thương Quân làm tể tướng nước Tần mười năm, tôn thất và gia đình quyền quí nhiều người oán. Triệu Lương ra mắt Thương Quân. Thương Quân hỏi: Ưởng được gặp ông là nhờ Mạnh Lan Cao tiến cử, nay Ưởng muốn được kết bạn với ông có được không?
Triệu Lương nói: Tôi không dám mong được thế. Khổng Khâu có nói: “Nếu tiến cử người hiền thì những người yên dân tự tiến cử mình; nếu tụ họp bọn bất tiếu thì những người theo vương đạo tự rút lui”. Tôi là kẻ bất tiếu, cho nên không dám vâng mệnh. Tôi nghe nói: “Không phải địa vị của mình mà lại giữ lấy là tham địa vị; không phải cái Danh tiếng của mình mà cứ chiếm lấy là tham Danh”. Tôi nếu chịu cái ơn của ngài, sợ là tham địa vị, tham danh, cho nên không dám vâng mệnh.
Thương Quân nói: Người không vừa ý về việc ta cai trị nước Tần sao?
Triệu Lương nói: Tự nghe mình là Thông, nhìn vào mình là Minh, thắng được mình là Cường. Vua Thuấn có nói: “Kẻ tự cho mình là thấp thì đáng tôn quý vậy”, ngài có lẽ nên làm như vua Thuấn, không nên hỏi tôi.
Thương Ưởng nói: Trước kia tập tục ở Tần bắt chước theo bọn Nhung, Địch; cha con không phân biệt, cùng ở chung một nhà. Nay ta thay đổi cách dạy dỗ làm cho con trai con gái phân biệt, xây dựng cung điện to lớn cũng như ở nước Lỗ, nước Vệ. Người xem ta cai trị nước Tần với Ngũ Cổ đại phu thì ai giỏi hơn?
Triệu Lương nói: Một nghìn tấm da dê không quý bằng cái nách của một con cáo, một nghìn người vâng dạ, không bằng một người nói thẳng. Vua Vũ nhờ bầy tôi nói thẳng nên thịnh vương, vua Trụ nhà Ân vì bầy tôi a dua nên mất. Nếu ngài không cho Vũ Vương là không phải, thì tôi xin nói thẳng suốt ngày mà ngài đừng trị tội tôi. Như thế có được không?
Thương Quân nói: Tục ngữ có câu: “Lời nói trau chuốt là phù hoa, lời nói ngay là thành thật, nói khó nghe là thuốc, nói ngọt là bệnh tật”. Nếu ông quả thực chịu suốt ngày nói điều thẳng, thì đó là thuốc cho Ưởng này, Ưởng phải thờ ông làm thầy, lẽ nào ông lại chối từ?
Triệu Lương nói: Ngũ Cổ đại phu là người nhà quê ở đất Kinh, nghe tin Tần Mục công hiền, muốn được yết kiến, đi không có tiền, tự bán mình cho người khách ở Tần, mặc áo cộc chăn dê. Được chẵn một năm, Tần Mục công biết đến, cất nhắc từ dưới miệng trâu mà đặt trên đầu trăm họ, nước Tần không ai dám oán trách. Làm tể tướng nhà Tần sáu bảy năm, phía đông đánh Trịnh, ba lần lập vua nước Tấn, một lần cứu họa nước Sở, thi hành giáo hóa ở trong bờ cõi, làm cho người đất Ba đến nộp đồ cống, Đức ban ra các chư hầu và các rợ Nhung đều theo phục.
Do Dư nghe vậy, đến cửa thuyết xin yết kiến. Ngũ Cổ đại phu làm tể tướng nước Tần, lúc mệt không ngồi xe, lúc nắng không che lọng, đi ở trong nước không có xe tùy tùng, không có người mang giáo mác hộ vệ, công lao ghi vào sử sách, Đức hạnh lưu lại đời sau. Khi Ngũ Cổ đại phu chết, trai gái nước Tần chảy nước mắt, trẻ con không ca hát, người giã gạo không hò, Đức của Ngũ Cổ đại phu là như thế.
Nay ngài yết kiến vua Tần nhờ người tôi yêu là Cảnh Giám tiến cử, đó không phải là cách để có danh dự. Ngài làm tể tướng không lo đến trăm họ mà lại ra sức xây cung khuyết, không phải là cách lập công. Về mặt hình phạt thì chạm vào mặt sư phó của thái tử, dùng hình phạt nặng nề để tàn hại nhân dân, như vậy là cách nuôi oán chất họa. Tự mình tu Đức để giáo hóa dân, thì sâu hơn mệnh lệnh, dân bắt chước người trên, thì nhanh hơn pháp luật.
Nay ngài lập uy quyền một cách trái, biến pháp một cách sai đã tám năm nay; ngài lại giết Chúc Hoan và chạm vào mặt Công Tôn Giả. Kinh Thi nói: “Ai được nhân tâm thì hưng thịnh, ai mất nhân tâm thì tan vỡ”. Mấy việc trên đây không phải là việc thu được nhân tâm. Khi ngài đi ra xe tùy tùng có hàng chục xe đi theo mang áo giáp, người khỏe mạnh xương sườn liền nhau cùng ngồi tham thặng, kẻ cầm giáo mác chạy hộ vệ bên xe. Nếu thiếu một trong những điều này là ngài không đi.
Kinh Thư nói: “Ai cậy vào Đức thì sẽ hưng thịnh, ai cậy vào sức thì sẽ mất”. Ngài đang nguy như hạt móc buổi sáng, thế mà lại còn muốn sống lâu sao được? Tại sao ngài không trả lại mười lăm ấp, vui làm vườn ở nơi xa, khuyên vua Tần cất nhắc kẻ sĩ ở ẩn trong núi sâu, nuôi người già, hỏi thăm người cô. Kính bậc cha anh, sắp xếp những người có công, tôn những người có Đức, như thế may ra có thể an được chút ít. Nếu ngài còn tham cái giàu có ở ấp Thượng, ấp Ư, chất chứa điều oán giận của trăm họ thì một khi vua Tần rời bỏ tân khách mà không ra triều, người nước Tần bắt ngài là sự hiển nhiên, điều nguy vong có thể đứng nhón chân mà đợi!
Thương Quân không nghe theo”.
Quả báo của Thương Ưởng và bài học cho hậu thế
Và quả báo không đợi hậu kiếp. Chỉ 5 tháng sau khi nghe những lời khẳng khái của Triệu Lương, ông ta đã phải trả giá. Vua mới lên thay, nhớ oán xưa, quan lại bất bình; nhân dân âm ỉ… Vậy mà Ưởng vẫn ngông nghênh như những ngày còn hữu dụng.
“Bấy giờ nhân dân ai nấy đều oán Thương Quân, nghe tin Công Tôn Giả mang quân đuổi bắt, nô nức chạy theo có hàng mấy nghìn người, Thương Uởng đi xe ra khỏi thành đã hơn trăm dặm, bỗng nghe mặt sau có quân đuổi theo, thì sợ quá, biết là tân quân có lòng căm ghét, e không khỏi hoạ, vội trút bỏ mũ áo xuống xe, giả trang làm tên lính mà đi trốn; chạy đến Hàm Quan, trời sắp tối, vào nhà hàng xin ngủ trọ, chủ hàng hỏi có giấy chiếu thân không. Thương Uởng nói không có, chủ hàng nói:
– Phép của Thương Quân, không cho chứa những người không có giấy chiếu thân, ai phạm pháp đều phải chém, tôi không dám cho trọ.
Thương Uởng than rằng: Ta đặt ra phép ấy, lại tự hại thân ta!
Rồi đi luôn cả đêm, lẻn ra ngoài cửa quan chạy sang nước Ngụy, Nguỵ Huệ vương giận Vệ Uởng lừa bắt công tử Ngang và cắt mất đất Tây Hà, nên muốn bắt Vệ Uởng để dâng Tần. Uởng sợ quá, lại trốn về Thương Ô, mưu khởi binh đánh Tần, bị Công Tử Giả bắt trói giải về. Huệ Văn công kể từng tội, sai trói Ưởng đem ra chợ, dùng năm con trâu phân thây, trăm họ xúm lại tranh nhau ăn thịt, chỉ một lúc là hết. Huệ Văn công lại giết cả họ Thương Uởng.
Đáng thương cho Thương Uởng đổi lập phép mới, làm cho nước Tần trở nên giàu mạnh, kết quả lại bị họa phân thây, há chẳng phải là một cái quả báo đối với sự nghiêm khắc quá mức đó ru! sau khi Thương Uởng chết rồi, trăm họ đều vui mừng hát múa ở đường, sáu nước nghe tin cũng đều mừng rỡ”.
Nước Tần giết Ưởng nhưng không hủy chính sách của ông ta. Khi Tần Thủy Hoàng lên ngôi, ông ta tăng cường thêm những chính sách hà khắc của phái Pháp Gia. Thủ lĩnh thâm sâu và có hệ thống của nó là Hàn Phi Tử. Chính ông ta bị bạn mình là Lý Tư đưa vào ngục và sát hại. Rồi cũng chính người giết bạn ấy lại bị tên quan hoạn Triệu Cao bức tử. Lý Tư và con trai phải chịu phạt cực hình gọi là “ngũ hình” và ba họ cùng bị giết, bêu đầu tại cổng thành. Ông bị tử hình vào năm 208 TCN, lúc đó khoảng hơn 60 tuổi.
Thời đại hôm nay người ta sùng bái pháp luật. Coi như đó là tiêu chí tất nhiên của một quốc gia văn minh, phát triển. Người ta công kích hết lời về cái lạc hậu của nền chính trị dùng Đức và quy cho nó phong kiến. Thực ra, nhìn hành trình của Pháp Gia đi, thấy nhân quả báo ứng đáng sợ. Càng Pháp trị, con người càng thâm hiểm, gian manh và tàn bạo…
Ông Ngô Nguyên Phi trong “Khảo luận về thời đại Xuân Thu và Chiến Quốc” có viết: “Ai coi việc nước là việc nhà, thì coi dân chúng là người nhà, luật pháp sẽ được tuân hành một cách tự nhiên như đã thấm nhuần, đôi khi có chút lệch lạc nhưng không khí vẫn vui tươi đầm ấm”.
Nếu đọc Đông Chu Liệt Quốc liên tục từ hồi 87, 88, 89 thì sẽ thấy cùng thời điểm có rất nhiều nhân vật nổi tiếng trong văn hóa Trung Hoa xuất hiện.
Chính Mạnh Tử khẳng khái nói mình sẽ truyền lý thuyết nhân nghĩa. Ông cho rằng dân là quý nhất thì vua Ngụy, vua Tần cho là nhảm nhí. Thế nhưng, vua Tề không phải là quốc gia mạnh lại vững vàng sử dụng Tôn Tẫn và Mạnh Tử. Vua biết dùng lời khuyên và lấy cả người đàn bà có lẽ xấu nhất nhân loại là Chung Vô Diệm chỉ nhờ cô ta không sợ chết nói cho vua những thói hư tật xấu của mình.
Trên tất cả, là hai người bạn tao nhân. Đó là Quỷ Cốc Tử tu Tiên muốn tìm đồ đệ. Tất cả các anh tài đều được Ông dạy bảo và hình như với công năng Túc Mệnh Thông ông nói chuẩn xác con đường tương lai của họ. Nhưng các đệ tử của ông đã bỏ Sư phụ mà xuống núi tìm kiếm danh lợi. Ông chỉ còn chơi với Mặc Địch. Nhân vật này đã từng khóc khi nhìn những tấm vải ban đầu trắng như tuyết. Sau khi nhuộm đã đủ màu xanh đỏ. Người ta cũng kể: Một lần, trên đường sang nước Tề, Mặc Tử ghé qua nhà người bạn cũ chơi. Trong lúc đối ẩm, người bạn nói với ông rằng: “Bây giờ thiên hạ chẳng ai còn thiết đến việc nghĩa. Một mình ông khổ thân làm việc nghĩa thì có thấm vào đâu? Chẳng thà thôi đi có hơn không?”.
Mặc Tử thủng thẳng đáp: “Một nhà có mười đứa con, một đứa cày, chín đứa ngồi ăn không. Vậy thì đứa cày chẳng phải càng nên chăm chỉ hơn lên ư? Tại sao thế? Tại đứa ăn không ngồi rồi nhiều, còn đứa đi cày ít. Bây giờ thiên hạ chẳng ai chịu làm việc nghĩa thì ông phải biết khuyên tôi càng siêng làm mới phải, có đâu lại ngăn tôi như thế!”.
Nhà tư tưởng vĩ đại này với thuyết “Kiêm Ái” ngỡ như lạc lõng giữa thời đại máu sông xương núi.
Trong Văn hóa Trung Hoa xưa, người ta thường kể về thời thượng cố nhất, cũng là thời kỳ lý tưởng nhất.
Đó là thời Tam Hoàng Ngũ Đế (chữ Hán: 三皇五帝) , thời kỳ lịch sử đầu tiên của Trung Quốc. Sau Tam Hoàng gồm: Phục Hi, Nữ Oa,Thần Nông thì theo Sử ký Tư Mã Thiên, Ngũ Đế bao gồm: Hoàng Đế (黃帝). Chuyên Húc (顓頊). Đế Cốc (帝嚳). Đế Nghiêu (帝堯). Đế Thuấn (帝舜). Đây được coi là các vị vua kiểu mẫu và là các tấm gương đạo đức mà người xưa mơ ước.
Cái phần này này người đời coi là huyền hoặc không chú ý. Nhưng nếu như cõi Tiên là có thật? Đạo Gia chẳng phải có con số người tu hành khổng lồ trong lịch sử Trung Hoa? (Hiện nay, Đạo giáo có khoảng 400 triệu tín đồ tập trung tại các nước Trung Quốc, Singapore, Malaysia, Đài Loan và cộng đồng người Hoa hải ngoại). “Phản bổn quy chân” dù thời nào cũng có ý nghĩa.
Vì thế, có thể hình dung: “Đế thuật” là con đường trị nước của những người tu luyện như Quỷ Cốc Tử. Đó là Đạo. Ông biết hết nhưng không màng một chút Danh, Lợi, Tình như con người thế gian. Cụ thể là những đệ tử của ông đầy tài năng nhưng nhiều hiểm ác trong thế giới Mê lầm từ chối thầy mình xuống núi. Họ vì miếng đỉnh chung mà làm cho cục diện thế giới càng thêm loạn.
Đại diện cho “Vương thuật” muốn thiết lập con đường ĐỨC trị là trường phái Nho Gia. Ở đây là những lời ngay chính, Nhân Nghĩa của Mạnh Tử.
Pháp Gia là tầng thấp nhất muốn bình ổn và giữ cho nhân quần bớt hỗn loạn. Nó bắt con người nghe theo chứ không thuyết phục từ gốc rễ phải tự giác thuận với Đạo và Đức. Dùng QUYỀN lực thì phải quyền biến, đa mưu túc sự. Nó là cái hữu lý của cõi người vốn Mê và phi lý.
Thế giới hôm nay tôn sùng những gì mà Pháp gia đề xướng. Pháp luật bị Quyền lực tha hóa thì thật đáng sợ. Nó tước bỏ quyền sống và mưu cầu hạnh phúc của con người. Ở một số nước, Pháp luật không bị Quyền chi phối mà được Đạo và Đức chi phối. Người ta tin có Thượng Đế là có Đạo. Người ta hành xử quân tử, quý tộc là có Đức. Nói đúng ra, Đạo, Đức và Quyền nương dựa vào nhau biện chứng là con đường khá hợp lý hiện nay của nhân loại. Mặc Tử nhìn những tấm vải nhuộm xanh đỏ mà khóc. Quỷ Cốc Tử muốn tìm một đệ tử chân truyền mà bất lực. Mạnh Tử đối lập chữ NGHĨA và LỢI như Quân Tử với Tiểu Nhân. Vậy Thương Ưởng là quân tử hay tiểu nhân? Hãy nghe sử gia Tư Mã Thiên nhận định về ông:
“Thương Quân là người thiên tư khắc bạc (hà khắc và bạc tình bạc nghĩa với mọi người). Xét việc y muốn nói thuật làm Đế Vương với Hiếu Công, đem lý thuyết viển vông ra nói không phải là thực tâm của ông ta. Ông ta nhờ người tôi tớ vua yêu mà được tiến cử, rồi khi được dùng, lại trị Công tử Kiền, lừa tướng Nguỵ là Ngang, không nghe theo lời Triệu Lương, như thế cũng đủ thấy Thương Quân ít làm ân đức. Tôi thường đọc sách nói về việc mở mang bờ cõi, cày ruộng, đánh trận của Thương Quân, thấy giống như việc ông làm. Cuối cùng ông ta mang cái tiếng xấu ở Tần cũng là đáng lắm!”.
Mấy ngàn năm rồi, ông vẫn làm cho người ta nhìn con sông nào cũng đỏ máu như nước sông Vị.
Ôi! Con sông này đã cho Khương Tử Nha 80 tuổi rồi, đại Nhẫn phi thường, ngày ngày buông cần với lưỡi câu thẳng. Để rồi Cơ Xương (Chu Văn Vương) nghe được tin đồn và sự giới thiệu của tôi thần nên có lòng ngưỡng mộ đã xa giá đến sông Vị được diện kiến thánh nhân gây dựng sự nghiệp kinh bang tế thế với triều Chu và được phong Thần.
Lã Vọng được phong Hầu ở đất Tề tức Tề Thái Công. Nước Tề thời chiến quốc sau này dù nhỏ yếu nhưng nghe lời Nhân Nghĩa của Mạnh Tử giữ Đức; trọng dụng Tôn Tẫn dù đã bị bạn chặt chân để vọng Đạo.
Lã Vọng không sát sinh một con cá mà trừ được Trụ Vương, cớ sao Thương Ưởng lại nhuộm tanh nước sông bằng máu đỏ dân đen?
Tề Mạnh