Trong sáng tác văn học việc chọn từ ngữ chuẩn xác và thích hợp để thể hiện đúng ý mình, đúng niêm, đúng luật, đúng cách hợp vần, đúng điệu phối thanh… luôn được người viết coi trọng. Nhiều điển hay tích lạ xưa nay kể rằng không ít nhà văn, nhà thơ đã phải lao tâm khổ tứ, vò đầu bứt tóc, thậm chí bạc cả tóc, rụng cả râu… mà vẫn chưa tìm ra từ nào thật ưng ý để biểu tả lòng mình. Mỗi khi nhắc đến việc lựa chọn chữ cho thơ văn, nhiều người yêu thơ đã nhắc tới nhà sư giỏi thơ thời Đường Giả Đảo với tích “Thôi – Xao”.
Giả Đảo (779 – 843), là một nhà thơ Trung Quốc thời Trung Đường. Ông cùng với Mạnh Giao, Lý Hạ được các nhà nghiên cứu văn học liệt vào hạng tiêu biểu của phái thơ “khổ ngâm”. Ông là người Phạm Dương, tỉnh Hà Bắc (nay thuộc ngoại ô Bắc Kinh). Thời trẻ, ông đi thi nhiều lần không đỗ, đi làm tăng tại Lạc Dương, pháp danh là Vô Bản. Sau đến kinh đô Trường An, ngụ tại chùa Thanh Long.
Mình nhớ tới Giả Đảo trong một lần được bạn bè mời vào phòng lạnh uống trà đạo. Mọi người đã vào hết. Mình tất tả đến sau. Cứ nấn ná hoài trước cái cửa kính hiện đại. May có chữ THÔI mà mình đủ can đảm ĐẨY cửa bước vào. Bạn bè khen chê bình phẩm về hương, về vị, về thương hiệu của trà. Còn mình thì lan man nghĩ về sự kỳ công kỳ diệu của văn chương, của những gì sáng tạo từ con người. Có lẽ, chữ “Thôi” đang đưa liên tưởng của mình đến những chân trời xa lắc xa lơ.
Theo “Điển hay tích lạ” của Nguyễn Tử Quang thì câu chuyện Thôi – Xao (trong tiếng Hán, Thôi là Đẩy; Xao là Gõ) gắn với nhà sư giỏi thơ đời Đường Giả Đảo như sau:
Một hôm trăng sáng, Giả Đảo cưỡi lừa thong thả trên con độc đạo, định đến thăm nhà một người bạn. Cảnh vắng, trăng thanh, chim đậu trên cành cây bên bến nước, bóng người chiếu xuống mặt nước đầm, sư thấy lòng thơ lai láng, tức cảnh ngâm:
Điểu túc trì biên thọ.
Tăng thôi (xao) nguyệt hạ môn.
Độc hành đàm để ảnh,
Sác tức thụ biên thân.
Tạm dịch:
Chim đỗ cây bến nước,
Sư đẩy (gõ) cửa dưới trăng.
Mình đi bóng chiếu xuống,
Tựa cây mà thở than.
Giả Đảo ngâm đi ngâm lại, nhận thấy chữ “thôi” trong câu “Tăng thôi nguyệt hạ môn” không được ổn, nên đổi lại “xao”. Nhưng cũng không vừa ý. Ông đọc “thôi” rồi lại “xao”, lại đọc “xao” rồi đọc “thôi”. Rốt cuộc ông phân vân không biết dùng chữ nào cho thích hợp. Ông tức quá, bước xuống lừa, đứng giữa đường đi, đưa tay đẩy (thôi) rồi gõ (xao), gõ rồi đẩy giả như đứng trước nhà bạn vậy. Ông cứ làm như thế mãi mà không thấy phải dùng chữ nào.
Hàn Dũ vì can vua nên bị giáng chức tại triều ra làm thứ sử ở Triều Châu. Buồn cho thân thế, thấy trăng thanh gió mát nên cũng thong thả dạo chơi. Xa xa thấy một nhà sư đứng bên con lừa, tay lúc đưa tới đưa lui, lúc đưa qua đưa lại như thằng điên thì rất lấy làm lạ. Hàn lần bước đến gần lên tiếng, nhà sư mới giật mình ngừng lại. Hàn Dũ hỏi thì Giả Đảo thuật lại sự tình. Hàn bật cười và bàn: “Nên dùng chữ “Xao” (gõ) là đúng hơn”. Giả Đảo đồng ý nên câu “Tăng thôi nguyệt hạ môn” đổi ra “Tăng xao nguyệt hạ môn”.
Sau này, nhắc đến hai tiếng “Thôi Xao”, người ta chủ ý nói đến chuyện văn chương “chọn chữ làm văn thơ”, nhắc người làm thơ, làm văn phải chọn chữ cho xác đáng, thích hợp. Chớ không được dùng từ ngữ “ẩu”!
Nhớ Giả Đảo mình nhớ tới hai câu :
“Quái cầm đề khoáng dã
Lạc nhật khủng hành nhân “
(Chim lạ kêu đồng trống
Nắng tắt hãi người đi)
Âu Dương Tu bình : “Nỗi khổ sở,hãi hùng của người đi chẳng phải hiện ra ngoài lời đó sao ?” – từ cảnh mà đọc ra tình là vậy!
Chính ông đã đưa đến cho Nguyễn Du hai câu Kiều tuyệt mỹ :
3231 – Sư đà hái thuốc phương xa,
3232 – Mây bay hạc lánh biết là tìm đâu ?
Thiên tài họ Nguyễn của chúng ta đã thăng hoa từ bài thơ Tuyệt Cú, tuyệt vời này của Giả Đảo:
Tùng hạ vấn đồng tử,
Ngôn sư thái dược khứ.
Chỉ tại thử sơn trung,
Vân thâm bất tri xứ.
Tạm dịch nghĩa:
Dưới cây tùng hỏi thăm tiểu đồng,
“Thưa rằng: Thầy con đã đi hái thuốc.
Chỉ trong núi này mà thôi,
Mây dày quá nên chẳng biết chỗ nào.”
Mình vẫn thích bản dịch của cụ Tản Đà:
Gốc thông hỏi chú học trò,
Rằng: “Thầy hái thuốc lò mò đi xa.
Ở trong núi ấy đây mà,
Mây che mù mịt biết là nơi nao?”
Bài thơ đã dựng lên một cuộc đối thoại và theo GS. Nguyễn Khắc Phi, thì bài thơ đặc biệt ở chỗ đa phần nó chỉ ghi nội dung lời đáp. Đây là nghệ thuật “chừa chỗ trống” thường thấy trong thơ ca cổ điển và cả trong quốc họa Trung Hoa. Như bài Thạch Hào lại của Đỗ Phủ, người đọc cũng chỉ nghe lời đáp của bà lão mà tuyệt không thấy lời hỏi của tên lại. Người đọc tưởng chú bé đáp “một lèo”, song ngẫm kĩ sẽ thấy có một sự lỏng lẻo, chuệch choạc trong lời đáp ấy: bốn chữ ở câu 2 nghe như đột ngột và bốn chữ đó có thể đủ kết thúc cho việc trả lời. Câu 3 đang mang ngữ khí khẳng định bỗng nhiên chuyển sang ngữ khí phủ định ở câu 4. Chữ “chỉ” ở vị trí “đắc địa” vì tả được cái thần của cuộc đối thoại, vừa phản ảnh được diễn biến tâm tình của người hỏi ẩn sau mỗi lời đáp, từ háo hức (câu 1), thất vọng (câu 2) đến hi vọng (câu 3) rồi lại thẫn thờ buồn tiếc (câu 4). Ngoài ra, qua cuộc đối thoại, còn cho thấy thấp thoáng chân dung của người vắng mặt. Vị ẩn sĩ này đi hái thuốc để tế nhân độ thế hay để mưu sinh thì cũng là nghề cao đẹp, thể hiện một phẩm chất thanh cao. Hình ảnh cây tùng, đám mây không phải xuất hiện ngẫu nhiên: Tán thông xanh đứng thẳng kia giống như tiết tháo của ẩn sĩ; đám mây trắng cuồn cuộn như thư nhàn kia giống như tính tình của ẩn sĩ. Qua vấn đáp mà còn nhân đó đưa được cả cảnh vật và hoàn cảnh vào, cảnh vật lại làm cho nhân vật nổi bật, quả là ý hay tứ lạ.
Để có những hòn ngọc quý không tỳ vết như thế này, phải lao tâm khổ tứ, phải có tâm ở trong Đạo và coi nhẹ chữ TÌNH của thế nhân đầy tục lụy. Trong suốt thời trai trẻ, Giả Đảo là người tu hành. Mãi tới tuổi 50 khi tri thiên mệnh, ông nghe lời Hàn Dũ làm quan. Nhưng cảm hứng trong thơ ông không phải là người hoàn tục. Để hiểu thêm về Ông, xin các bạn hãy xem bài thơ Đề thi hậu dưới đây:
Đề thi hậu
Nhị cú tam niên đắc,
Nhất ngâm song lệ lưu.
Tri âm như bất thưởng,
Quy ngoạ cố sơn thu.
Mình thích nhất là 3 số từ Nhị, Tam, Nhất và chữ SONG ở trong bài. Quả là kỳ công. Ngôn ngữ chi li tính toán của Toán học đã trở thành sở trường trong thơ rất “Thôi Xao”, rất hàm súc của Giả Đảo. Tự dưng lại liên tưởng tới cái công thức rất thần bí và nổi tiếng của Lão Tử: ” Một sinh Hai, Hai sinh Ba, Ba sinh ra Tất cả “. Có phải đây là cách hiểu rất riêng của Giả Đảo về mệnh đề rất quan trọng này của Đạo Gia?
Này nhé:
Một lần ngâm Hai câu thơ, Hai dòng lệ chảy.
Cả Ba năm, tâm thổn thức bồi hồi
Người tri kỷ,chốn xa xôi
Ta về khe suối, ngoảnh cười thế nhân..
Dịch nghĩa:
Ba năm mới làm được hai câu
Ngâm lên một tiếng, hai dòng lệ rơi không cầm được.
Người tri âm nếu không cùng hưởng
Mùa thu sang ta về núi cũ nằm.
Bản dịch của Trần Trọng San:
Hai câu làm mất ba năm,
Một ngâm, lã chã hai hàng lệ rơi.
i âm nếu chẳng đoái hoài,
Trở về núi cũ, nằm dài với thu.
Bản dịch của Hoài Nam Tử:
Ba năm được hai câu,
Ngâm lên giọt lệ trào,
Tri âm bằng chẳng hiểu,
Về ẩn chốn non cao.
Có thể tin được chăng? Lẽ nào sự sáng tạo nghệ thuật lại gian nan đến như vậy? “Hai câu thơ” phải làm trong “Ba năm”, chỉ để ngâm “Một lần”, một phút giây thoáng qua rất ngắn ngủi. Nó là một sát na (thuật ngữ nhà Phật dùng để chỉ đơn vị đo thời gian ngắn nhất) trong cuộc bể dâu kiếp người 100 năm. Cái thời hạn kẻ thì cho là dài, người thì cho nó ngắn :
“Đời người chỉ một gang tay,
Ai hay ngủ ngày ngắn chẳng đầy gang”
Thế nhưng, thời gian để ấp ủ, nâng niu trân quý một ý thơ, một tư tưởng tâm đắc để cho kẻ tri âm cùng Ngộ với mình thì rất dài. Ba năm đủ cho một tư tưởng, một sự tri ngộ được thành hình để vẻn vẹn “Hai câu thơ” ít ỏi. Càng ít hơn khi ngâm lên chỉ “Một lần”.
Cần lưu ý chữ ĐẮC. Những người tu luyện hay dùng từ này. Chẳng hạn, Tu Đạo Đắc Đạo; Thoát Mê Đắc Pháp; Nhất Cử Tứ Đắc… Giả Đảo không nói khoa trương phóng đại đâu. Người ta chẳng đã từng đi tìm chân lý suốt đời đó ư? Gặp Chính Lý, Chính Đạo đâu dễ dàng gì. Ngộ được Pháp của Phật Gia hay Đạo Gia không phải ai cũng có duyên phận. Gặp được tri âm để hiểu nhau và tâm đắc lại cũng là Duyên kỳ ngộ. Chẳng dễ gì. Có nhiều công án của nhà Phật mãi là thách đố với người này, mù mờ với người kia và minh xác với người nọ đó sao. Như thế Nhị Cú ở đây đâu phải là hai câu thơ có vần có điệu, có hình thức là đủ. Người xưa sống chậm, làm thơ chậm. Bởi vì thơ là tư tưởng, là giác ngộ nên mới khó như thế. Quả là những con chữ có Thần. Nó cần để tìm tri âm đồng điệu. Ấy vậy mà trên đời đâu có kẻ Tri Âm hiểu lòng mình?
Câu thứ Tư như là giải pháp thoát khỏi chốn thường nhân ô trọc: Thôi thì giã biệt thế giới của loài người với Danh, Lợi,Tình; hãy về với Thiên Nhiên, hòa vào Thiên Nhiên vĩnh hằng, không tư tâm, không vụ lợi.
Vâng! Theo Giả Đảo, lên rặng núi xưa, đang lúc thu dát vàng Thiên Thai, thu đỏ ối rừng phong, thu rác lá theo dòng khe mát. Quy khứ thôi. Trở về với thiên nhiên thôi. Đây mới là tri kỷ. Câu thơ này cũng nhờ thiên nhiên mà có hồn vía.
Thời nay người ta đánh giá Giả Đảo không cao. Bởi thời Đường quá nhiều những đỉnh cao. Nhưng lý do người ta chê Giả Đảo là quá câu nệ, quá công phu trong sáng tác khiến thơ ông không co duỗi tự nhiên thì e không đúng .
Chỉ cần đọc vài câu thơ của ông, chúng ta thấy đóa Đường Thi này như hoa Quỳnh nở về đêm.
Ai muốn tri kỷ với ông phải chịu khó thức khuya. Nhìn Quỳnh nở, ngửi Quỳnh thơm… Nhưng lờ mờ sương sớm, bông Quỳnh ấy đã không còn khiến ta ngơ ngẩn.
La Vinh
Tiểu mục Văn thơ là bức ký họa thơ ca, tản văn, âm nhạc mà chuyên mục Văn hóa Thời báo Đại Kỷ Nguyên muốn dành tặng cho độc giả, để tìm về với nơi thuần khiết sâu thẳm nhất của chính mình, như một nốt lặng trầm quý giá trong bản nhạc cuộc sống thường nhật ồn ào, sôi động.
Xem thêm: