Bước đi giữa con phố ồn ào huyên náo, nhìn dòng người tấp nập ngược xuôi, đâu đâu ta cũng thấy những bông hoa cẩm chướng rạng rỡ dưới ánh mặt trời… Tất cả những điều này như đang nhắn nhủ với ta rằng: Ngày của mẹ sắp tới!
Ngày lễ bắt nguồn từ phương Tây này xuất hiện sớm nhất tại Hy Lạp cổ đại. Vào ngày này, người Hy Lạp gửi sự thành kính cho Nữ thần Cybele, mẹ của các chúng thần Hy Lạp. Đến giữa thế kỷ 17, ngày lễ này được lưu truyền sang Anh, và những người con xa quê sẽ trở về nhà, tặng cho mẹ mình một món quà ý nghĩa.
Nhưng ngày của mẹ mà chúng ta biết hiện nay là bắt nguồn từ Mỹ, được tổ chức vào Chủ Nhật tuần thứ hai của tháng 5. Và trong ngày lễ thiêng liêng này, hoa cẩm chướng được coi là loài hoa dành cho mẹ.
Ngày của mẹ tại Mỹ được khởi xướng bởi Anna Jarvis (1864-1948), người đã dành trọn cả cuộc đời để chăm sóc mẹ của mình. Mẹ của Anna Jarvis là một phụ nữ có tấm lòng lương thiện, rất dễ đồng cảm, từng đề xuất lập ra ngày kỷ niệm để tưởng nhớ những người mẹ đã âm thầm cống hiến cả cuộc đời mình, nhưng nguyện vọng vẫn chưa được thực hiện thì bà qua đời.
Con gái bà là Anna Jarvis đã hoàn thành tâm nguyện ấy, và ngày của mẹ chính thức được bắt đầu tại West Virginia và Pennsylvania vào ngày 10/5/1908. Trong đó, hoa cẩm chướng là loài hoa mà mẹ của Anna Jarvis yêu thích nhất khi bà còn sống cũng trở thành biểu tượng cho ngày lễ của mẹ tại Mỹ.
Kể từ đó đến nay, phong tục này vẫn được tiếp nối không ngừng nghỉ. Vì ngợi ca tình mẹ và tôn kính người cao tuổi, ngày lễ đã thể hiện nét tinh hoa của cái Thiện trong bản tính nhân loại, đồng thời cũng kết nối với đạo Hiếu trong văn hóa Thần truyền của người phương Đông. Chữ “Thân” trong “Thiên địa quân thân sư” trong văn hóa Thần truyền chính là sự coi trọng gia đình, thuận theo luân lý của gia đình. “Trăm cái thiện chữ Hiếu làm đầu” – đó là tiêu chuẩn làm người mà Thần đã truyền lại cho nhân loại.
Mẹ vất vả ngậm đắng nuốt cay dưỡng dục con cái trưởng thành, tình mẹ vô tư không đòi hỏi báo đáp. Do đó, là con cái thì việc hiếu kính cha mẹ là điều không cần phải bàn cãi.
Nhớ về mẹ, chúng ta lại trào lên niềm thương nhớ bất tận và niềm cảm ơn vô hạn. Trước kia vào ngày lễ của mẹ, tôi thường mời cha mẹ đi ăn một bữa thịnh soạn. Mẹ tôi từng là giáo sư khoa nhi của trường đại học Y, vốn thuộc tuýp người khá chất phác, không chú trọng tới lớp vỏ bên ngoài, vậy nên bà không muốn nhận những món quà hoa mỹ.
Nhìn những bông hoa sặc sỡ khoe sắc đang tỏa hương thơm ngát bên ngoài khung cửa sổ, hương sắc mùa xuân tràn ngập trong khóe mắt, tôi bất giác cảm thán trước sự từ bi của tạo hoá. Trong những ngày tạ ơn mẹ này, niềm cảm ơn vô hạn lại tuôn trào trong tim tôi, hóa thành những cuốn tranh trải dài bất tận, thi nhau tỏa sáng, lung linh đầy sắc màu…
Trong sinh mệnh của mỗi người có rất nhiều những cuộc gặp gỡ, mà đôi khi chỉ một gợi ý nho nhỏ của họ cũng được lưu giữ mãi trong tim chúng ta, mở ra cả một thế giới bao la bát ngát, triển hiện rất nhiều những thông điệp chân thực, đặc sắc cho con người.
Chúng ta thường nghe nói tới chữ “Ân”, hay “Ơn”: Ơn thầy cô, ơn cha mẹ, ơn vợ chồng, ơn tri ngộ và Phật ân hạo đãng tràn đầy sự từ bi và khí thế hồng đại.
Khi để tư tưởng “lội ngược dòng” trở về với nền văn hoá xa xưa, thám hiểm những phong thái thanh cao trang nhã của sinh mệnh, chúng ta mới thấy được chữ “Ân” hàm chứa rất nhiều thông điệp sâu xa về sinh mệnh. Chữ Ân 恩 là một chữ Hán được cấu thành từ chữ Tâm 心, Khẩu 口, Đại 大, hàng trăm nghìn năm nay chữ Ân này vẫn đang truyền tải một thông điệp quan trọng, là nơi ký thác, là mảnh đất hạnh phúc trong tâm, là tấm lòng của con người.
Tấm lòng con người phóng khoáng bao nhiêu thì biểu thị sự bao dung lớn bấy nhiêu. Còn chữ Đại 大 nói cho mọi người biết rằng phải coi khả năng chứa đựng tiếp nhận là thứ lớn, là thứ quan trọng hàng đầu; một người có thể không ngừng dung nạp người khác, vậy thì bản tính lương thiện của họ có thể mở ra vô hạn, mãi cho tới nơi xa không bờ bến.
Cho nên chữ “Ân” đã được người đời sau khắc ghi hết thế hệ này tới thế hệ khác. Người đời sau phải nhớ tới cái ơn của thế hệ trước, nhớ tới cái ơn tổ tiên đã tích lũy biết bao đời, nên càng về sau này thì sức nặng của nó càng lớn hơn, lĩnh vực mà nó bao hàm càng rộng hơn, dân tộc mà nó chứa đựng cũng ngày càng nhiều hơn. Cho nên trong văn hóa cổ xưa có khái niệm “Ân giả, nhân dã”, “Ân giả, huệ dã” (Người biết ơn là người nhân, Người biết ơn là người có trí huệ).
Con người sống trên đời phải biết cảm ơn cha mẹ dưỡng dục, cảm ơn thầy cô nhà trường dạy dỗ, cảm ơn anh em bạn bè đùm bọc nâng đỡ… Trong tâm có lòng biết ơn thì người ấy sẽ không ngừng dung nạp, không ngừng mở rộng lòng mình, không ngừng bao dung, không ngừng buông bỏ ân oán xưa cũ, không ngừng mở rộng các lĩnh vực trong tim mình, cũng không ngừng tích đức hành thiện, làm lợi cho mình và làm lợi cho nhiều người khác.
Chỉ một chữ “Ân” đơn giản nhưng lại như một bức tranh trải dài mãi, khi được mở ra từng chút một chúng ta sẽ nhìn thấy điều kỳ diệu ẩn chứa trong đó. Mà điều kỳ diệu này thì hàng trăm hàng nghìn năm nay vẫn không ngừng làm phong phú hơn tấm lòng của đời đời tiên tổ, giúp cho sinh mệnh thăng hoa, nên mới có thể thăng hoa lên cảnh giới “Chịu ơn một giọt, báo ơn cả dòng”. Sức chứa cự đại của dòng suối phun trào có thể mang tới hạnh phúc, ân trạch cho những vùng đất xa hơn, rộng hơn, cho cả những nơi thân quen và cả những nơi xa lạ.
Bởi vì Ân có chứa đựng chí nguyện và tấm lòng, hòa quyện trong phôi thai của văn hóa truyền thống, mang theo sức chứa bao la như biển cả sâu đậm sâu của dân tộc Á Đông, nên từ nhỏ các bậc tiền bối đã giáo dục con em mình “Ân dục báo, oán dục vọng, báo oán đoản, báo ân trường” (Ân nhớ báo, oán nhớ quên, báo oán thì nhanh, báo ân thì dài), nghĩa là: khi người khác có ơn với mình thì phải khắc cốt ghi tâm và mong ngày báo đáp, khi người khác có oán với mình thì phải quên đi thật nhanh, ít nghĩ tới khuyết điểm mà nghĩ nhiều hơn tới ơn nghĩa của họ.
Ngày tết của mẹ, ngày tết cảm ơn đấng sinh thành này khiến tôi không khỏi xúc động bồi hồi. Cha mẹ dưỡng dục chúng ta, Sáng Thế Chủ ban cho chúng ta sinh mệnh chân chính và tâm hồn, đặc tính và sức sống của từng sinh mệnh. Trong quá khứ lịch sử đã từng sáng tạo ra biết bao huy hoàng cho nhân loại, trong đời này chúng ta cũng đang viết ra những bài văn hoàn mỹ cuối cùng ngợi ca những người mẹ, ngợi ca Sáng Thế Chủ của vạn vật muôn loài. Chúng ta dành tặng mẹ những bông cẩm chướng thật đẹp, vậy thì chúng ta tặng cho bậc Thánh Chủ vô thượng thứ gì đây? Chính là một cái tâm không ngừng hướng thiện, niềm tin kiên định vào chân lý của vũ trụ, một tấm lòng kiên định vững như bàn thạch, thành kính dâng lên trước ngai vàng của đức Thánh chủ.
Lịch sử của nhân loại đã trải qua hàng ức vạn năm dài đằng đẵng, ân nghĩa dung chứa muôn vàn sinh mệnh lắng đọng đó đối với con người ngày nay mà nói thì người cần cảm ơn nhiều nhất chính là vị Thần vô thượng, cảm ơn Ngài đã ban tặng cho chúng ta thời gian và cơ duyên đến với cuộc đời này, để chúng ta cảm nhận được ý nghĩa thiêng liêng của tình mẫu tử, trân quý cơ duyên vạn cổ được làm người, và để ta hiểu rằng vinh hạnh lớn nhất của đời người là làm nhiều việc thiện hơn, mang tới phúc lành cho nhiều người hơn nữa…
(Trích từ bài biết của tác giả Tĩnh Tâm)
Chú thích:
- Cẩm chướng thường được gọi với tên tiếng Anh là Carnation. Danh pháp của hoa là Dianthus Caryophyllus. Chính cái tên Latinh này lại ẩn chứa nhiều huyền thoại thú vị và mang nhiều tranh luận cho đến ngày nay. Tương truyền, Dianthus được tạo nên Dios (Chúa) và Anthos (hoa), có nghĩa là hoa của Chúa hay một loài hoa thiêng liêng. Sở dĩ tên hoa được chiết tự như thế là khởi nguồn từ một truyền thuyết trong Kinh Thánh. Chuyện kể rằng, khi nhìn thấy chúa Giêsu bị đóng đinh trên thập tự giá, đau đớn và xót thương, Đức Mẹ Maria đã không kìm được nước mắt. Từ chỗ nước mắt bà rơi xuống mọc lên những bông hoa màu hồng với vẻ đẹp kiêu hãnh, thanh tao nhưng cánh hoa lại mang dáng hình đau đớn, phảng phất một nỗi buồn như vừa bị một con dao cắt ngang. Đó chính là cẩm chướng – loài hoa tượng trưng cho tình mẹ bao la, vĩ đại.
- Trong những năm nội chiến của Mỹ 1870, Julia Ward Howe – tác giả bài hát “Battle Hymn of the Republic” đã khởi xướng ý tưởng về Ngày của Mẹ. Trong thời gian đó, cô đã đề nghị lập ra một ngày lễ để tôn vinh các bà mẹ cũng như thúc đẩy hòa bình cho đất nước này. Thế nhưng, phong trào này bị dập tắt không lâu sau đó. Đến năm 1900, ý tưởng về Ngày của Mẹ của bà đã được Anna Jarvis ủng hộ và phát triển. Anna Jarvis là con gái của bà Anna Marie Reeves Jarvis, người phụ nữ đã tận tụy và cống hiến cả đời với nghề giáo và các hoạt động xã hội ở West Virginia. Năm 1905, khi bà Javis qua đời, Anna đã hứa rằng sẽ thực hiện di nguyện của bà đó là chọn một ngày trong năm để tôn vinh tất cả những bà mẹ, dù còn sống hay đã mất.
Theo Chánh Kiến
Hiểu Liên biên dịch
Mẹ già rồi, xin đừng bao giờ nói những lời này với mẹ