Võ thuật truyền thống là gì, nó khác với võ thuật hiện đại như thế nào? Và đâu là những giá trị tinh hoa của các môn phái truyền thống? Bài viết dưới đây sẽ cho bạn câu trả lời.
Thế nào là võ thuật truyền thống?
Trước hết cần hiểu truyền thống là gì. Truyền thống thì “truyền” là quan trọng nhất. Truyền là truyền đạo thụ nghiệp, do sư phụ truyền thụ học vấn và đạo đức cho học trò, đệ tử, do đó cần phải có sư phụ dạy. Truyền cũng có ý nghĩa truyền từ đời này qua đời khác kéo dài trong lịch sử. Chữ “thống” ở đây có nghĩa là hệ thống.
Như vậy, võ thuật truyền thống bao gồm võ thuật và võ đức được truyền dạy và kế thừa một cách có hệ thống, do sư phụ dạy cho học trò và được truyền từ đời này sang đời khác trong lịch sử.
Võ thuật hiện đại không phải là thứ truyền từ đời này sang đời khác, sư phụ của môn võ này cũng không phải chuyên luyện những thứ đó. Võ thuật hiện đại còn gọi là võ thuật tự chọn, tức là có thể tự chọn một số trong các môn các phái, tự luyện, thêm vào, và có thể tuỳ ý thay đổi. Võ thuật hiện đại không chú trọng cách dùng, không chú trọng dưỡng sinh và nội công, mà giống thể thao, giống vũ đạo.
Võ thuật là tầng thấp nhất của công phu, trong khi võ đức là mục đích tu luyện của người luyện võ, còn võ Đạo là cảnh giới cao nhất vượt lên trên công phu, tức là người tu luyện Đạo, lấy mục đích đắc Đạo là tối hậu, các loại công phu, thần thông chỉ được coi là tiểu thuật. Khi đó họ không cầu công phu tuyệt kỹ, không cầu thần thông, mà các tuyệt kỹ, thần thông tự xuất hiện. Cái cảnh giới mà giới võ thuật gọi là “vô chiêu thắng hữu chiêu” là như vậy.
Mọi người đều biết, văn hóa truyền thống Á Đông là lấy Nho, Thích, Đạo làm nguồn chảy chính truyền thừa, trong đó Lão Tử sáng tạo ra lý luận Đạo gia có nguồn gốc từ Quảng Thành Tử và Hoàng Đế cách đây 5000 năm. Lão Tử bằng thực tiễn và thể ngộ của mình đã viết Đạo Đức Kinh, làm nền móng cho lý luận Đạo gia. Khổng Tử sáng lập ra Nho gia, Phật gia có nguồn gốc từ Ấn Độ, đã lưu truyền ở các nước Á Đông trên 2000 năm, trở thành văn hóa truyền thống Á Đông, lấy đạo đức làm gốc. Lão Tử nói: “Mất Đạo mới có Đức, mất Đức mới có Nhân, mất Nhân mới có Nghĩa, mất Nghĩa mới có Lễ”, và: “Đạo sinh ra vạn vật, đức chứa đựng vạn vật, vật chất khiến vạn vật thành hình, hoàn cảnh khiến vạn vật thành vật. Vì thế muôn vật đều phải tôn Đạo mà quý Đức”.
Đạo Đức Kinh của Lão tử hình thành học thuyết và phương pháp tu luyện Đạo gia. Lão Tử nói: “Đạo” là quy luật vũ trụ, mà “Đức” là hành sự theo quy luật vũ trụ. Tất cả văn minh nhân loại đều đo “Đạo đức” mà ra, là mọi người vứt bỏ dục vọng và chấp trước của bản thân, toàn thân và tâm thể ngộ quy luật của tự nhiên và vũ trụ, mà cảm thụ và thể ngộ ra nhận thức của bản thân. Những người này, thể ngộ của họ đã vượt xa, siêu xuất người bình thường, có thể nói là người siêu thường. Cổ nhân gọi họ là “Thánh nhân”, tức là “Giác giả thần thánh”. Người đời sau nếu không đạt được đến cảnh giới của họ, thì phải học tập họ, được họ truyền thụ, còn phải khắc khổ, nỗ lực mới có thể trở thành người kế thừa. Văn hóa được lưu truyền như thế gọi là văn hóa truyền thống, cũng gọi là văn hóa thần truyền.
Người sáng lập ra môn phái võ thuật cũng giống như các Thánh hiền sáng tạo ra học thuyết của họ, chỉ là tầng thứ khác nhau mà thôi. Người sáng lập ra môn phái võ, thể ngộ ra kỹ thuật và lý luận võ thuật cao tầng, siêu xuất vượt khỏi người thường, người đời sau chỉ có thể cầu học xin được dạy. Nếu sư phụ thử thách, thấy có thể dạy được, nhận làm đồ đệ, thì đồ đệ còn phải tu đức chịu khổ, chăm chỉ học, khổ luyện, và cũng phải có ngộ tính, đặc biệt là không được kiêu ngạo. Thông thường học được chút bề ngoài, do chưa được trải nghiệm nhiều, nên cảm thấy đã là ghê gớm lắm, có thể như thế này, như thế kia, thì sẽ không vượt được quan, thì khó mà hình thành “truyền thống”. Đồ đệ này sau khi đã hiểu rõ ra rồi, cảm thấy rất ân hận. Thực ra người thực sự buồn là sư phụ, ông có cảm nhận cô đơn tịch mịnh “trên cao lạnh lẽo quá”. Nếu đồ đệ mới học được chút bên ngoài đó mà thành “sư phụ” thì là hỏng rồi.
Võ thuật truyền thống được truyền thừa gian nan như vậy đó. Nói ví dụ, Trương Tam Phong sáng tạo ra Thái Cực quyền, người đời sau không đạt được cảnh giới của Trương Tam Phong, họ không đạt được nên phải thay đổi. Do đó các môn các phái Thái Cực quyền sinh ra rất nhiều, lưu truyền lâu đời, nhưng so với ban đầu, thì những cao thủ chân truyền cũng càng ngày càng kém xa. Thậm chí có người vì cái danh của mình còn không thừa nhận cả người sáng lập. Lý luận Thái Cực từ đâu ra? Chẳng phải học thuyết âm dương của Đạo gia đó sao? Đạo lý cũng như vậy, các môn phái võ khác nếu không đạt được hoặc vượt qua tầng thứ của người sáng lập thì đừng thay đổi. Nếu có người đức và khổ tu khổ luyện đạt được cảnh giới cao hơn tiền nhân, một hôm thể ngộ ra một loại học thuyết và võ nghệ nào đó, thì sẽ hình thành một học thuyết và môn phái mới, thì cũng trở thành văn hóa truyền thống truyền thừa cho các đời sau. Điều này rất khó, có thể rất nhiều năm mới có một người. Nếu tùy tiện coi mình là người như thế này, thế có nghĩa là cuồng vọng.
Để hiểu rõ thêm về võ thuật truyền thống, chúng ta xem xét sự ra đời và phát triển của hai phái võ truyền thống lâu đời và lớn mạnh nhất, tiêu biểu cho võ thuật truyền thống của nhân loại nói chung. Đó là Thiếu Lâm, tiêu biểu cho Thiền phái, và cũng là một trong võ phái ra đời khá sớm, phát triển nhanh, mạnh và rộng rãi nhất; và Võ Đang, tiêu biểu cho Đạo gia, có nhiều nét rất đặc sắc độc đáo, hầu như khác hẳn với tất cả các võ phái khác trong thiên hạ.
Võ thuật truyền thống Thiếu Lâm: Công phu thiền phái – Võ đức
Trong dân gian có câu “Thiên hạ võ công xuất Thiếu Lâm” (Võ công trong thiên hạ có nguồn gốc từ Thiếu Lâm), tuy có hơi khoa trương nhưng đại thể là như vậy. Thiếu Lâm là cội nguồn của nhiều môn võ khác, hơn nữa còn được tôn xưng là Ngôi Sao Bắc Đẩu trong nền võ học. Ngoài những đường quyền, ngọn cước và sử dụng đủ loại binh khí (thập bát ban võ nghệ), Thiếu Lâm còn có những phương pháp rèn luyện công phu đặc dị, như luyện nội công, luyện ngoại công, khinh công, ngạch công, nhuyễn công, điểm huyệt và giải huyệt, y dược trị thương.
Năm Thái Hòa thứ 19 đời Bắc Ngụy (năm 495), vua Hiếu Văn Đế xây dựng chùa Thiếu Lâm, ban tặng cho vị cao tăng nước Thiên Trúc (Ấn Độ) tên là Bạt Đà, dùng để cư trú mà hành đạo, người đến học Phật lên đến hàng vạn người. Để tăng cường sức khỏe, rèn luyện ý chí và tự vệ, Ngài có truyền thụ võ công cho các đệ tử. Bạt Đà chính là bậc tông sư đầu tiên của Thiếu Lâm.
Nhưng phải đến khi Bồ Đề Đạt Ma đến Thiếu Lâm Tự thì võ thuật Thiếu Lâm mới thực sự vang danh thiên hạ. Bồ Đề Đạt Ma là con trai thứ ba của vua Nam Thiên Trúc, ngày đi tu và được Tổ Bát Nhã Đa La, đời thứ 27 của Phật giáo Thiên Trúc truyền y bát làm Tổ đời 28. Năm 518 Ngài vượt biển sang Trung Hoa, tới Quảng Châu. Vua Lương Võ Đế hay tin liền mời Ngài về Kim Lăng để hội kiến, nhưng vì ý không hợp nhau nên chia tay. Sau khi Đạt Ma Tổ Sư bỏ đi, Lương Võ Đế vô cùng hối hận, sai người đuổi theo. Đạt Ma Tổ Sư đến bờ sông Trường Giang, không có thuyền, lại thấy nhóm người ngựa đang đuổi theo sau lưng, bèn bứt một cọng lau ném xuống sông, rồi đứng trên đó mà vượt Trường Giang. Tích “Nhất vĩ độ giang” có nguồn gốc từ đó. Hiện nay ở Thiếu Lâm Tự núi Tung Sơn còn có lập một tượng đá, tạc cảnh Ngài đạp cọng lau qua sông.
Công phu Đạt Ma Sư Tổ phi phàm, “Nhất vỹ độ giang” đủ nói rõ công phu khinh công của Ngài. Sau khi qua sông, Ngài lên núi Tung Sơn “Diện bích cửu niên” (ngồi đả tọa quay mặt vào vách đá 9 năm liền), cho thấy định lực phi phàm thế nào. Sau đó Ngài bắt đầu nhận đồ đệ, truyền bá Pháp môn Thiền. Hậu thế coi Đạt Ma là Tổ sư của Thiền phái, người đến theo học rất đông. Ngài thấy nhiều đệ tử thể trạng yếu ớt, không chịu được thời tiết khắc nghiệt trong núi, nhiều người hay ngủ gật khi tham thiền, nên Ngài đã truyền thụ cho đệ tử một chút chiêu thức để tăng cường sức khỏe, ý chí và tinh thần.
Tương truyền Nhị tổ Huệ Khả có được hai bộ kinh là “Dịch cân kinh” và “Tẩy tủy kinh” từ Đạt Ma Sư Tổ, Ngài đem hai bộ kinh này truyền ra cho đồ đệ, võ công Thiếu Lâm thực thụ mới bắt đầu từ đây. “Dịch cân kinh” và “Tẩy tủy kinh” rèn luyện khí công, khiến sức khỏe tăng tiến, cơ thể mạnh mẽ mà tinh thần càng phấn chấn, trầm tĩnh, có thể chống lại khí hậu lạnh của núi rừng, bệnh tật, mệt mỏi sau khi ngồi thiền và có thể dũng cảm vượt qua những khó khăn nguy hiểm trong lúc đi hành đạo. Võ công Thiếu Lâm dần dần vang danh thiên hạ, Thiếu Lâm cũng được mệnh danh là “Thiên hạ đệ nhất tự”.
Hiện nay lưu truyền 72 tuyệt kỹ võ công Thiếu Lâm, trong đó có các tuyệt kỹ rất ít người luyện được như Nhất dương chỉ (nhất chỉ thiền), Phi thiềm tẩu bích, Kim chung tráo, Thiết bố sam… nhưng không ai đạt được “Nhất vỹ độ giang” như Đạt Ma Sư Tổ. Có lẽ ngài Đạt Ma không lấy truyền thụ võ công làm mục đích nên chỉ dạy một số chiêu thức và để lại hai bộ kinh rèn luyện khí công tầng thấp, giúp các tăng nhân tăng cường sức khỏe, tinh thần và định lực để tinh tiến trong tu Phật, thiền định mà thôi. Hơn nữa Ngài cũng không hiển lộ các tuyệt học võ thuật của mình, mà chỉ sử dụng một lần duy nhất “Nhất vỹ độ giang” khi vào tình thế bất đắc dĩ. Các đại sư phái Thiếu Lâm xưa nay cũng coi võ là phụ giúp cho tham thiền, chỉ truyền thụ võ thuật cho các đệ tử đức độ. Mãi cho đến đời nhà Thanh, công phu Thiếu Lâm mới được truyền xuất ra dân gian.
Có thể thấy Đạt Ma Sư Tổ chỉ truyền võ thuật cho người tu luyện có đức cao để giúp đệ tử tinh tấn trong tu luyện, nghĩa là truyền ở tầng võ đức mà thôi. Hai bộ kinh “Dịch cân kinh” và “Tẩy tủy kinh” cũng chỉ là tương truyền chứ chưa thấy sử sách nào ghi chép là do Đạt Ma Sư Tổ để lại. Trên thực tế nó cũng chỉ là phương pháp luyện khí công trừ bệnh khỏe người, hỗ trợ cho tu luyện, tham thiền để đạt đến ngộ Đạo. Các thiền sư Thiếu Lâm truyền võ công cho môn đệ, và đến đời Thanh truyền ra dân gian cũng chỉ truyền thụ cho người có đức, tức là dừng lại ở võ đức.
Nhưng càng về sau, đạo đức càng sa sút, nhiều người luyện võ đã không coi trọng đức nữa, coi công phu là bản sự để mưu cầu danh tiếng, phát tài, nên họ chỉ coi trọng võ thuật. Nhất là thời hiện đại, người luyện võ còn rất ít người coi trọng võ đức, mà coi là nghề nghiệp để có chỗ đứng trong xã hội. Thậm chí còn có nhiều người còn coi nó như môn thể thao rèn luyện sức khỏe, là môn thi đấu, biểu diễn kiếm tiền. Điều đó cho thấy võ thuật hiện đại đã tụt dốc ghê gớm như thế nào.
Võ thuật truyền thống Võ Đang: công phu Đạo gia – Võ Đạo
Truyền thống tu hành của Đạo giáo, đại đa số là nội ngoại kiêm tu, tập hợp tu thân dưỡng tính, phục khí đạo dẫn, thái dược luyện đan thành nhất thể, vốn đã hiển lộ những huyền diệu và thần bí khắp nơi. Nhưng Chân nhân Trương Tam Phong bước đến Võ Đang, không chỉ hồng dương đạo phái Võ Đang, mà còn sáng lập ra võ thuật nội gia Võ Đang có bản sắc độc đáo riêng biệt. Ông và những truyền nhân của mình, dựa vào công phu Võ Đang, đã để lại những kỳ tích võ lâm lấy nhu khắc cương, chiến nhi bất thắng. Công phu có nguồn gốc từ núi sâu lấy tên là “Thái Cực” kinh điển nhất của Đạo gia, đã cuốn hút càng ngày càng nhiều người vào núi sâu, tìm về trí huệ của Thánh hiền.
Tử Tiêu Cung ở núi Võ Đang hiện còn lưu lại một bức bích họa sống động như thật, trong tranh vẽ một đạo sỹ đang quan sát cảnh chú chim hỷ thước giao tranh với một con rắn. Tương truyền, Trương Tam Phong đã từ cuộc đấu trí công thủ, nhanh chậm, trên dưới này mà tham ngộ được huyền bí của quyền nội gia, đã để lại “Thái Cực thập tam thức” (13 chiêu thức Thái Cực).
Nói về nguồn gốc Thái Cực quyền, còn có một phiên bản thiêng liêng hơn. Theo ghi chép quyền nội gia Võ Đang sớm nhất “Bài minh bia mộ Vương Chinh Nam” có chép: “Đêm mơ được Huyền Vũ truyền thụ quyền pháp, sáng hôm sau một mình giết trên trăm tên cướp”. Đây lại là cội nguồn thần kỳ của Trương Tam Phong và Võ Đang. Đạo sỹ ở tuổi cổ lai hy, khi tu Đạo, trong mộng gặp Huyền Vũ Đại Đế hiển thánh, luyện được quyền pháp nội gia thượng thừa. Ngay ngày hôm sau, một mình ông đối mặt với trên trăm kẻ địch mạnh, với một địch trăm, thi triển uy lực thần quyền.
Đối với thân thể người mà nói, có động có tĩnh, tự có âm dương, tự nhiên giống như là Thái Cực, đây có lẽ chính là cơ sở để người tu tập Thái Cực quyền có thể hiển hiện rất nhiều kỳ tích. “Nhất âm nhất dương gọi là Đạo”, luyện quyền tức là tu Đạo, là một phương pháp tu luyện bác đại tinh thâm siêu vượt trên cái lẽ người thường. Do đó Trương Tam Phong cũng nói: “Học Thái Cực quyền, là nền tảng để nhập Đạo, nhập Đạo để dưỡng tâm định tính, tụ khí thu thần là chính”.
Loại võ thuật không giống võ thuật này, động tĩnh lên xuống đều là hình tròn, phảng phất chính là một tầng hình thái của Thái Cực đồ. Hơn 300 năm trước, nhà tư tưởng Hoàng Tông Hy vào giao thời Minh Thanh đã viết bài minh bia mộ cho người bạn thân của ông – quyền sư phái Võ Đang Vương Chinh Nam, có đề cập đến: “Thiếu Lâm nổi danh thiên hạ bởi quyền dũng, nhưng chủ yếu là đánh người ta, người ta cũng đánh lại. Có quyền được gọi là nội gia, lấy tĩnh chế động, đòn đánh tới thì thuận tay hóa giải, do đó khác biệt với Thiếu Lâm là ngoại gia”. Quyền nội gia đặc biệt là một gia độc nhất, phân tích ra có thể nói là tinh thâm.
Con trai Hoàng Tông Hy, truyền nhân duy nhất của Vương Chinh Nam là Hoàng Bách Gia đã nói ra sở trường của võ thuật nội gia trong Nội gia quyền pháp là: “Từ ngoại gia cho đến Thiếu Lâm, quyền thuật của họ rất tinh thâm. Trương Tam Phong rất tinh thông Thiếu Lâm, rồi từ đó lật ngược, do đó gọi là nội gia, đắc được 1, 2 phần của ông cũng đủ thắng Thiếu Lâm”. Trương Tam Phong tinh thông Đạo pháp và võ học thiên hạ, đem tu Đạo và luyện võ dung hợp quán thông, do đó mới sáng tạo ra quyền nội gia Võ Đang độc nhất thiên hạ.
Tống Sử có chép, Lã Động Tân đời Đường tinh thông kiếm thuật, trên trăm tuổi mà dung mạo như hài đồng, bước đi nhanh vun vút, trong nháy mắt đã đi được mấy trăm dặm, người đời gọi là “Kiếm tiên”. Bút ký Xuân Chử ký văn có chép, Trần Đoàn thời Ngũ Đại giỏi thuật phi kiếm, có thể từ trong ống tay áo phóng ra đoản kiếm, cắt thân cây làm hai khúc. Đạo viên học cổ lục đời Nguyên có chép, đạo sỹ cuối đời Tống là Hồ Đức Huyền gặp dị nhân trên đỉnh Võ Đang, khi trời băng tuyết phủ kín, dị nhân vẫn ngồi cả ngày đả tọa thanh tu, trong nhà lại ấm áp như mùa xuân.
Chuyện của Trương Tùng Khê được thu thập ghi chép lại trong Ninh Ba phủ chí, khác với các hiệp khách tung hoành thiên hạ trong ấn tượng của mọi người, Trương Tùng Khê khiêm cung như Nho sinh, người yếu như không khoác nổi cái áo. Mỗi khi có người tìm ông tỷ võ, ông luôn luôn nhẫn nhượng từ chối, đến khi không thể né tránh được, mới đành phải ứng chiến. Một lần, Trương Tùng Khê khoanh tay ngồi xuống, hòa thượng Thiếu Lâm phi cước đá, ông chỉ nghiêng người giơ tay, đẩy hòa thượng ra, hòa thượng Thiếu Lâm liền như đạn bay sao rơi, rụng sầm xuống đất, thở hắt ra. Khi Trương Tùng Khê 70 tuổi, một chưởng đánh xuống, đập vỡ đồng thời 3 tảng đá lớn mấy trăm cân.
Còn có một vị sau đó không lâu chính là Vương Chinh Nam, cuộc đời ông có thể thấy ở bài minh trên bia mộ ông. Ông thuở trẻ tòng quân, sau khi bị quân địch bắt bèn lập kế trốn thoát, mấy chục lính gác vội vàng đuổi theo, nhưng bị một sức mạnh vô hình đánh ngã, bò lăn bò càng không thể đứng lên được. Còn có một lần, Vương Chinh Nam bị 7, 8 đại đội lính bắt đi làm lao dịch, ông khổ sở cầu xin mà không được tha, đành phải bỏ những vật nặng đang cõng trên lưng xuống ở trên cầu. Quân lính trông thấy liền vung đao chém, Vương Chinh Nam tay không giơ lên đỡ, quân lính từng tên từng tên tự ngã nhào, binh đao cũng leng keng rơi xuống đất.
Thái Cực quyền truyền đến thế hệ Vương Chinh Nam, cả đời ông thu nhận đồ đệ cũng rất nghiêm ngặt, chỉ truyền công pháp cho Hoàng Bách Gia – con trai Hoàng Tông Hy. Mà Hoàng Bách Gia cho đến cuối đời cũng không tìm được người thích hợp kế thừa y bát. Thế là, ông đành phải đau buồn lạy ân sư khóc trong “Vương Chinh Nam tiên sinh truyện”: “Con đã phụ ơn tri ngộ của tiên sinh, thuật này đã trở thành khúc Quảng Lăng Tán rồi (Không người thừa kế), con thà nhẫn chịu thôi!”. Thì ra, đã rất lâu ngày từ thời Minh Thanh, tâm pháp Thái Cực quyền đã thất truyền, đã phong kín lại trong ký ức lịch sử cùng với các bậc tiên hiền rồi.
Còn Thái Cực quyền hiện hay đã phát triển thành hàng trăm môn phái và truyền ra khắp thế giới, nhưng cũng như Thiếu Lâm, nó chỉ dừng lại ở tầng võ đức và võ thuật mà thôi.
Phục hưng võ thuật truyền thống
Võ thuật truyền thống chú trọng võ đức. Võ đức là ngăn chặn cái ác, hoằng dương cái thiện. Nhưng võ đức không phải là toàn bộ võ thuật, còn phải có kỹ thuật, phương pháp, lý luận và tầng thứ. Tầng thứ là nói anh ta có cảnh giới khá cao. Cảnh giới khá cao thì sẽ tin nhân quả, rõ thiện ác, tôn đạo trọng đức. Sau đó chuyên cần học khổ công luyện mới có thể nâng cao kỹ thuật, hoặc ngộ ra thứ cao siêu, đạt được tầng thứ cao hơn. Chỉ có như vậy mới có thể phục hưng võ thuật truyền thống.
Người thấy thiện thì khinh, thấy ác thì sợ; Kẻ học vài năm, tự xưng không có đối thủ; Người chấp trước danh lợi, bỏ quên võ đức; Kẻ học chút bề ngoài, coi thường tiền bối; Người trong mắt không có ai, duy có môn phái của mình là nhất; Hoặc kẻ đi vào đường tà. Tất cả đều là biểu hiện của việc không tu võ đức. Võ đức là linh hồn của võ thuật. Kỹ thuật là hình thể của võ thuật, hai cái này đều không thể thiếu. Một người đức cao thì ngộ tính sẽ cao, nếu anh ta thích luyện võ thuật, lại có minh sư chỉ dạy, cộng thêm cá nhân này dày công khổ luyện và thể nghiệm, suy nghĩ, thì có thể có ngày anh ta sẽ ngộ ra điều gì, có thể vượt qua thầy của mình. Đó chính là siêu việt, là sáng tạo. Tình huống này thực ra là đã tiến nhập vào giai đoạn tu luyện cơ sở, hoặc là được người tu luyện chỉ bảo. Do đó phân biệt rõ thiện ác, tin nhân quả, trọng đạo đức là tối quan trọng. Nếu càng nhiều người đồng đạo trong giới võ thuật truyền thống, cùng nhau nỗ lực, thì phục hưng văn hóa đạo đức truyền thống, phục hưng võ thuật truyền thống, ắt sẽ thành công.
Như vậy, người luyện võ chú trọng tu đức thì sẽ khôi phục được võ đức, tức võ thuật truyền thống. Sau đó, những người có căn cơ tốt, ngộ tính tốt tiếp tục đề cao lên, tu Đạo, tu nội, tu tâm tính, vượt thoát ra khỏi cái tâm tranh đấu, so công phu cao thấp, so bản sự lớn nhỏ, vượt lên qua tầng võ đức, coi luyện võ là tiểu thuật, dồn tâm sức sang tu nội, thì có thể bước vào tầng võ Đạo, như những bậc thầy thời kỳ đầu khai sáng công phu nội gia Võ Đang: Trương Tam Phong, Trương Tùng Khê, Vương Chinh Nam vậy.
Nam Phương