Có một câu chuyện kể rằng, Khổng Tử có một học trò thường ngày rất thích cùng người khác tranh luận. Một hôm, người học trò này đến hỏi thăm Khổng Tử thì gặp một người mặc quần áo xanh biếc đang đứng ở cổng nhà Khổng Tử.

Người khách này ngăn vị học trò kia lại và nói: “Nghe nói thầy dạy của ngài là Khổng thánh nhân, như vậy thì học vấn của ngài chắc phải cao lắm. Ngài cho ta hỏi một năm có mấy mùa? Nếu ngài trả lời đúng, ta sẽ dập đầu quỳ lạy ngài, còn nếu trả lời sai thì ngài phải bái lạy ta”.

Vị đệ tử kia suy nghĩ một lát rồi nói: “Xuân, Hạ, Thu, Đông, có bốn mùa!”.

Người khách kia cãi lại: “Sai! Có ba mùa!”.

Vị đệ tử bất bình nói: “Rõ ràng là một năm có bốn mùa, sao ngươi lại nói là có ba mùa?”.

Đúng lúc hai người tranh luận mãi không ngớt thì Khổng Tử đi ra. Vị khách kia hỏi: “Thánh nhân! Ngài hãy phân xử xem, một năm rốt cuộc là có mấy mùa?”.

Khổng Tử nhìn vị khách một lượt rồi nói: “Ba mùa!”.

Vị khách vô cùng vui vẻ, đòi học trò của Khổng Tử bái lạy xong rồi mới bước đi. Vị đệ tử này khó hiểu hỏi Khổng Tử: “Thưa thầy! Một năm rõ ràng là có bốn mùa, sao vừa rồi thầy lại nói là có ba mùa?”.

Khổng thánh nhân trả lời: “Con không thấy người kia sao? Đó là một con châu chấu biến hóa mà thành. Một năm, châu chấu chỉ sống có ba mùa, xuân, hạ và thu, nó đâu có biết mùa đông? Con cùng với nó tranh luận chẳng phải là không bao giờ có kết thúc sao?”. Vị đệ tử ấy lúc này mới bừng tỉnh đại ngộ, bái tạ lời dạy bảo của Khổng Tử.

Cảnh giới tư tưởng của mỗi người là không giống nhau, đều có lập trường riêng trong việc đối đãi với sự vật, sự việc. Chính những khác biệt trong tư tưởng ấy thể hiện được bản tính tiểu nhân, phong thái của người quân tử hay cảnh giới của bậc trí giả.

Bậc trí giả chân chính có thể “Không vì người mà hoan hỉ, không vì mình mà bi ai”. Dù cho bên ngoài có biến hóa như thế nào đi nữa, cũng không thể để ảnh hưởng đến tâm tính của bản thân.

Tranh vẽ Khổng Tử dạy học trò (nguồn: Wikipedia).

Mà muốn có được một tâm tính tốt cần phải làm được 4 điểm này.

1. Kính sợ

Trong “Đạo Đức Kinh” có nói: “Cái người ta sợ, ta không thể không sợ. Nhân sinh trên đời, nhất định phải có tâm kính sợ”. Kính sợ không phải là nhu nhược, mà là sự tôn kính và lay động ở sâu trong tâm hồn.

Một triết gia cổ đại từng nói: Có những sự việc càng nghĩ càng khiến cho chúng ta cảm thấy thần kỳ và kính sợ, một là những vì sao trên bầu trời, hai là đạo đức ở trong lòng. Trên đầu ba thước có Thần linh, có lòng kính sợ, làm việc mới có điểm dừng. Trong nội tâm không biết kính sợ, chẳng khác nào không có tiêu chuẩn ước thúc, có thể vì chút lợi nhỏ trước mắt mà chuyện xấu gì cũng có thể làm ra được.

Trong lòng có kính sợ, đối xử với người khác sẽ tôn trọng hơn, làm việc sẽ có chừng mực hơn.

2. Từ bi

Từ bi còn cao hơn cả sự khoan dung. Khoan dung là trong ân oán giữa người với người, mà từ bi là thương xót với toàn bộ chúng sinh trong vũ trụ. Con người thế gian chìm đắm trong danh, lợi, tình hoặc bị tham, sân, si khống chế đến mất cả kiểm soát.

Từ bi là rộng lượng, là không đành lòng, là cảm hóa. Là có thể nâng cả thế giới lên, làm cho chúng sinh được giải thoát.

Lão Tử nói: “Dù là người thiện hay bất thiện chúng ta đều nên đối xử tử tế; dù là người đáng tin hay không đáng tin chúng ta cũng đều có thể tin”. Người từ bi sẽ không có thành kiến, trong mắt họ “thế gian không có người đáng hận, chỉ có người đáng thương”.

Người với người có chỗ khác nhau, cùng lắm chỉ là cảnh ngộ khác nhau, là do tạo hóa trêu ngươi. Cho nên người có tâm từ bi càng lớn, càng dễ nhìn ra được điều này, càng có thể dung chứa được người khác.

3. Cam lòng

Trong “Đạo Đức Kinh” có nói: “Muốn cho vật gì thu rút lại thì tất hãy mở rộng nó ra đã. Muốn cho ai yếu đi thì tất hãy làm cho họ mạnh lên đã. Muốn phế bỏ ai thì tất hãy đề cử họ lên đã. Muốn cướp lấy vật gì thì tất hãy cho đã. Hiểu như vậy là sâu kín mà sáng suốt. Vì nhu nhược thắng được cương cường”.

Cuộc đời chúng ta có vô số ngã rẽ, lựa chọn cái này tức là phải bỏ qua cái kia. Bỏ đi một ít, lại có thêm một ít, không thể cái gì cũng có hết được.

Tinh lực con người là có hạn, chúng ta phải hiểu được chính mình, nỗ lực không ngừng, không được buông thả, không nên hiếu thắng, cũng không đặt mục tiêu quá xa vời. Có như vậy mới có thể bảo trì được một trạng thái tâm tính vững vàng.

4. Phải thiết thực

Trong “Đạo Đức Kinh” nói: “Cây lớn một ôm, khởi sinh từ cái mầm nhỏ; đài cao chín tầng khởi từ một sọt đất, đi xa ngàn dặm bắt đầu từ một bước chân”. Phàm là việc gì cũng phải có sự khởi đầu. cốt lõi là chúng ta làm thế nào để có thể giữ vững ý chí để thành tựu mục tiêu của mình.

Bất kể sự việc gì nếu chỉ nói ra mà không đi làm, thì cũng không có gì cải biến thực tế cả. Bậc trí giả làm việc quý ở thực tiễn và kiên trì. Họ không trục lợi, không vì cái trước mắt, từng bước một, đến đích…

Giữ tính thiết thực, không nên theo đuổi những thứ quá xa tầm với, thành tựu không dành cho người viển vông.

Phong thái của bậc trí giả không tự nhiên mà có được mà nó là thành quả của những năm tháng công phu dưỡng rèn. Người xưa dạy: “Ngọc bất trác bất thành khí, nhân bất học bất tri lý”. Chỉ cần bạn đặt tâm sửa đổi bản thân, biết đâu một ngày bạn lại trở thành một viên ngọc sáng thì sao?

Theo Đoàn Nghệ thuật Hồng Ân

Video: 6 câu nói của cổ nhân giúp bạn thấy rõ lòng người thật giả

videoinfo__video3.dkn.tv||c2ffc7adb__