Sau gần 10 năm vi vu bên trời Tây, tôi mới quyết định về thăm nhà lần đầu tiên. Một cảm giác bồi hồi và xao xuyến khó tả xen lẫn những lo âu thấp thoáng trong lòng, tôi trầm mặc nhớ về 10 năm trước…
Ngày ấy, vì muốn thực hiện giấc mơ làm hoạ sĩ mà tôi đã quyết định bỏ lại tấm bằng kinh tế loại ưu để ghi danh vào một trường nghệ thuật ở Paris. Đó là ước mơ mà tôi luôn ấp ủ từ nhỏ, vậy nên tôi đã kiên quyết rời xa vòng tay bao bọc của cha mẹ để đến một nơi hoàn toàn xa lạ.
Những trải nghiệm trên đất Pháp có rất nhiều điều đáng nói, nhưng đó lại là một câu chuyện khác. Ngày hôm nay, trở về nhà sau gần 10 năm xa cách, tôi thấy choáng ngợp trước quê hương có quá nhiều thay đổi.
Những con đường lát gạch ngày xưa nay đã đổ bê tông bóng láng; rặng tre xung quanh làng nay đã nhường chỗ cho những toà nhà mọc lên chen chúc. Làng tôi xưa kia chỉ là một thôn trang nhỏ, có ruộng vườn, có cánh đồng lúa xanh, vậy mà giờ đây cũng trở thành khu phố mới với nhà chung cư, chuỗi siêu thị, và các toà cao ốc chọc trời…
Nhưng thay đổi lớn nhất không phải là đường xá, không phải là nhà cửa, cũng không phải là cảnh vật, mà với tôi, đó chính là Mẹ. Trong ấn tượng của tôi, mẹ vẫn là một phụ nữ nhanh nhẹn và dẻo dai.
Ngày tiễn tôi lên đường du học, buổi sáng mẹ vẫn tranh thủ quảy đủ hai gánh nước về nhà, bước chân nhanh thoăn thoắt dường như không biết nặng là gì. Thế mà hôm nay, tôi nhìn mẹ tập tễnh từng bước mà lòng như thắt lại. Người ta vẫn thường nói thấp khớp là bệnh của “người già” – mới gần 10 năm trôi qua, mẹ đã thành “người già” rồi sao?
Cũng lâu lắm rồi tôi mới được tựa đầu vào vai mẹ, nũng nịu một chút giống như cô con gái nhỏ lúc mẹ vừa đi chợ về. Tôi ngắm thật kỹ khuôn mặt mà suốt 10 năm qua tôi chỉ có thể nhìn qua webcam hay những bức ảnh gia đình vẫn gửi. Lần này, tận mắt nhìn thấy vết chân chim nơi khoé mắt, rồi những đốm tàn nhang và mái đầu lấm tấm sợi bạc, tôi chỉ biết lén lau đi những giọt nước mắt…
10 năm… quãng thời gian quá ngắn để tuổi trẻ vẫy vùng, nhưng lại là quá dài để một người trung niên thấy mình trở nên “già cỗi”. Tôi đã mải mê thực hiện giấc mơ mà tôi cho là cả cuộc đời, nhưng lại quên mất rằng thời gian đang lấy đi rất nhiều điều của mẹ.
Có những thứ mất đi chúng ta vẫn làm lại được, lại có những thứ mà một khi đã vuột khỏi tầm tay ta sẽ không bao giờ tìm lại được nữa.
Cũng như tôi, rất nhiều người trẻ đều tự coi mình là “tỷ phú thời gian” lại để mặc tất cả trôi qua trong hờ hững. Nhưng nếu bạn nhận ra rằng ta không thể làm chủ thời gian, cũng không thể níu giữ lại thời gian, mà chỉ được phép tận dụng mọi thứ tốt nhất có thể, thì bạn sẽ biết nâng niu từng khoảnh khắc.
Và có lẽ chúng ta đang lầm tưởng rằng cha mẹ cũng giống như ta, luôn tràn trề sức lực, đong đầy nhiệt huyết, tâm trí đầy rẫy những kế hoạch và những dự định lớn lao. Chúng ta đón chào thời gian bằng cái hừng hực của tuổi trẻ đi chinh phục những đỉnh cao mới. Nhưng ta lại quên rằng: Với cha mẹ, thời gian là hao mòn sức lực, là tay yếu mắt mờ – cũng đồng nghĩa, thời gian là “già đi”.
Ai đó nói rằng chỉ cần cha mẹ còn thì mọi việc báo hiếu vẫn là chưa muộn. Khoảng một tháng cuối cùng trước khi quay lại Pháp, tôi đã hối hả làm tất cả mọi cách để phụng dưỡng mẹ nhiều hơn. Tôi mua chiếc máy giặt để mẹ không còn phải cóng tay giặt giũ những ngày đông giá, để rồi bật khóc khi thấy mẹ cứ loay hoay trước các nút điều khiển tiếng Tây, tiếng Ta lẫn lộn.
Tôi cố ngồi lại cả buổi chiều hướng dẫn mẹ cách vào Internet, để mẹ có thể chuyện trò với con gái mà không cần nhờ đến cháu ngoại, cháu nội nữa; nhưng dù luyện tập nhiều đến đâu mẹ vẫn thấy lạ lẫm với các thao tác vi tính hiện đại này. Và cho dù tôi có cung cấp nhiều tiện nghi hơn nữa, cũng không thể sánh được với việc ở bên cạnh mẹ mỗi ngày.
Vậy là sau 10 năm mải miết bên trời Tây, đến hôm nay tôi mới nhận ra rằng: Dẫu có trong tay cả biển vàng núi bạc, cả sự nghiệp huy hoàng, cũng không giá trị bằng những tháng ngày được thấy cha mẹ sống khoẻ mạnh và bình an.
Mong sao mỗi chúng ta có thể trân quý khi còn mẹ cha bên cạnh mình, có thể làm tròn đạo Hiếu trước khi cát bụi phủ mờ thời gian…
Bình Nhi
Xem thêm: