Thời kỳ Tam Quốc, ba nước Ngụy – Thục – Ngô đều sở hữu những đơn vị quân sự đặc chủng, chẳng hạn như Tiên Đăng Doanh của Viên Thuật, Hãm Trận Doanh của Lã Bố, rồi Bạch Nhĩ tinh binh của Lưu Bị… Trong đó lực lượng đặc nhiệm được đánh giá hùng mạnh nhất thuộc quân đội của Tào ngụy có tên Hổ Báo Kỵ.
Không xuất hiện trong “Tam quốc diễn nghĩa”, cũng không được ghi chép nhiều trong chính sử, thế nhưng Hổ Báo Kỵ có thể nói là đội quân đặc chủng vào loại tinh nhuệ nhất thời Tam Quốc dưới trướng của Tào Tháo. Tào Tháo chia Hổ Báo Kỵ thành: Hổ Kỵ Doanh và Báo Kỵ Doanh. Chức trưởng quan chỉ huy 2 doanh được định đoạt thông qua thi đấu võ nghệ, mưu trí, chiến lược chiến thuật… Các chức vụ chỉ huy cao nhất của Hổ Báo Kỵ chưa từng lọt khỏi tay gia tộc Tào thị.
Hổ báo kỵ, đội quân tinh nhuệ của Tào Tháo. (Ảnh: baike)
Trong đó, quân trung ương là đội quân quan trọng nhất, chia thành nội – ngoại quân. Trung quân còn gọi là Vũ Vệ Doanh, tương đương với “Cấm vệ quân” bảo vệ Hoàng thành, trực thuộc Tào Tháo chỉ huy, quân số vào khoảng 10 vạn lính. Hổ Báo Kỵ là đơn vị “cốt lõi” của trung quân, chịu trách nhiệm bảo vệ Tào Tháo, Bá phủ và Hoàng cung. Tinh thần cơ bản chỉ đạo của La Quán Trung trong tiểu thuyết “Tam Quốc Diễn Nghĩa” là “ủng Lưu, phản Tào”, do đó lực lượng Hổ Báo Kỵ hầu như không được nhắc tới, mặc dù nó rất mạnh, chỉ loáng thoáng qua một vài tình tiết là có thể được biết đến.
Sách “Tam quốc chí” phần “Ngụy Thư” có đoạn chép: “Hổ Báo Kỵ do (Tào) Thuần chỉ huy, là lực lượng tinh nhuệ trong thiên hạ, trăm người mới tuyển được một”. Chính nhờ có sự giúp sức của đội Hổ Báo Kỵ lừng danh này, Tào Tháo mới có thể chém Viên Đàm, đánh bại Lưu Bị cho tới diệt được đội thiết kỵ Tây Lương khét tiếng của Mã Siêu…
Diệt Viên Đàm
Viên Đàm là con trai của Viên Thiệu. Sau trận Quan Độ nổi tiếng, Viên Thiệu đại bại, suy sụp ốm nặng rồi qua đời. Anh em Viên Đàm và Viên Thượng tranh ngôi thừa kế. Hai anh em bất hòa nhưng vẫn liên minh chống Tào Tháo khi họ Tào khởi đại binh đánh Hà Bắc. Viên Đàm đóng ở Lê Dương, Viên Thượng giữ Nghiệp Thành.
Năm 203, Tào Tháo sau nhiều tháng đánh Ký châu không được, nên theo kế của Quách Gia rút quân về nam để anh em họ Viên tiếp tục đánh nhau, ngầm hẹn ước với Viên Đàm làm thông gia, định cho cưới con gái ông cho con trai mình là Tào Chỉnh. Đó chính là mưu kế, thấy kẻ địch mạnh phải ly gián, và “viễn giao cận công”, chia nhỏ ra để tiêu diệt từng bước một. Viên Đàm mắc mưu, đưa con gái sang chỗ Tào Tháo, Tháo không còn lo Viên Đàm nữa bèn thúc quân đánh bật Viên Thượng, chiếm Nghiệp Thành.
Tào Tháo thấy họ Viên đã suy sụp, bèn gửi thư trách Viên Đàm rồi tuyên bố cắt đứt giao ước thông gia, gửi trả con gái Viên Đàm về với ông. Sau đó mang đại quân tới đánh Bình Nguyên.
Vào năm Kiến An thứ 9 trong cuộc chiến Nam Bì với quân Viên Đàm, đây là lần đầu tiên đội Hổ Báo Kỵ của Tào Tháo xuất hiện trong sử sách. Cuộc chiến Nam Bì với Viên Đàm thực chất là cực kỳ gian khổ. Tào Tháo từng có ý định bỏ cuộc, tuy nhiên, Tào Thuần kiên quyết muốn tấn công, dùng Hổ Báo Kỵ để giành chiến thắng.
Tào Thuần thống lĩnh đội Hổ Báo Kỵ bao vây Nam Bì. Đội Hổ Báo Kỵ tấn công quyết liệt, quân Đàm bại trận bị đội quân của Thuần chém đầu. Đó chính là lần lập công đầu tiên của đội quân trứ danh này, bắt đầu có những kinh nghiệm trận mạc quan trọng để sau này tiếp tục sứ mệnh của mình. Tiếp đó, vào năm Kiến An thứ 12 khi quân Tào ngược lên phía bắc chinh phạt các bộ tộc Ô Hoàn của Hung Nô. Trong cuộc chiến này, chính đội Hổ Báo Kỵ do Tào Thuần thống lĩnh đã chém đầu thiền vu của Ô Hoàn là Thạp Đốn ngay trên chiến trường.
Đuổi Lưu Bị
Năm 208, chiến tranh thời Tam Quốc rẽ sang một trang mới. Tào Tháo đã tiêu diệt xong các thế lực quân phiệt phương bắc mà trong đó lớn nhất là Viên Thiệu, hoàn toàn làm chủ phương bắc. Thất bại cay đắng trước Gia Cát Lượng với 2 lần hoả thiêu quân Tào và vị trí chiến lược đắc địa của Kinh Châu, nơi mà “ai cũng muốn có”.
Khi Kinh Châu hiện đang nằm trong tay Lưu Biểu, vị châu mục đã 66 tuổi, không còn khả năng để chống lại những kẻ thù mạnh như Tào Tháo hay Tôn Quyền nữa, và ai nhanh tay sẽ có được vùng đất này. Diệt Kinh Châu cũng đồng nghĩa với việc cùng lúc diệt 2 họ Lưu, làm bàn đạp để Tào Tháo tấn công sang Giang Đông – vùng đất hiểm trở của họ Tôn, lực lượng đáng kể nhất trong các chư hầu còn lại. Vì vậy Tào Tháo quyết định khởi 20 vạn quân từ Nghiệp Thành tấn công xuống phía nam, Tào Thuần cũng theo Tào Tháo đi chinh phạt Kinh Châu.
Tháng 8 năm 208, Lưu Biểu qua đời giữa lúc quân Tào đang áp sát Kinh châu. Con út Lưu Biểu là Lưu Tông được lập lên kế vị làm Châu mục Kinh châu. Theo lời khuyên của Sái Mạo, Khoái Việt và Phó Huấn, Lưu Tông quyết định đầu hàng Tào Tháo, nhưng không dám báo ý định này cho Lưu Bị biết. Tào Tháo tiếp nhận thư hàng của Lưu Tông, liền thúc quân tiến vào Uyển Thành thuộc quận Nam Dương. Lúc đó Lưu Tông mới sai Tống Trung sang Phàn Thành báo cho Lưu Bị biết.
Nghe lệnh của Lưu Tông bắt mình phải cùng hàng Tào Tháo, Lưu Bị kinh ngạc và tức giận, quát đuổi Tống Trung. Biết mình không thể lấy lực lượng nhỏ ở Phàn Thành để chống đại quân Tào, Lưu Bị cùng Gia Cát Lượng, Từ Thứ dẫn các tướng sĩ bỏ chạy về phía nam. Quân Lưu Bị chia làm 2 đường: Thuỷ, do Quan Vân Trường chỉ huy 1 vạn quân rút về Giang Hạ để hợp binh với Lưu Kỳ (cũng có 1 vạn quân) đang trấn thủ tại đây. Bộ, do Lưu Bị đi cùng Gia Cát Lượng, Từ Thứ, Triệu Vân, Trương Phi và đại bộ phận các tướng văn võ, qua Tương Hà định đi tới chỗ hiểm yếu Giang Lăng là nơi chứa lương thực và vũ khí của Kinh châu. Hơn 10 vạn dân Kinh Châu không muốn hàng Tào Tháo cũng đi theo đoàn quân bộ của Lưu Bị, mỗi ngày đoàn quân của ông chỉ đi được hơn 10 dặm. Phía trước còn 300 dặm đường mới tới Giang Lăng, tức là mất 1 tháng nữa, vô cùng chậm.
Biết vậy, nghe theo kế của Tuân Úc, Tào Tháo mang quân khinh kỵ, bỏ hết trang bị nặng, tiến thẳng tới thủ phủ Tương Dương để tiếp nhận Lưu Tông đầu hàng nhằm nhanh chóng thâu tóm Kinh châu. Trung tuần tháng 9, Tào Tháo tiến đến Tương Dương, lại nghe tin Lưu Bị đã đi Giang Lăng, sợ họ Lưu sẽ tranh mất nơi chứa lương thảo và vũ khí, nên ông vội lấy 5000 quân tinh nhuệ, sai em họ là Tào Thuần cùng hàng tướng Văn Sính chỉ huy cùng đi, cấp tốc đuổi theo, mỗi ngày đêm đi được 300 dặm.
Lưu Bị đã không ngờ rằng Tào Tháo lại có thể đuổi kịp mình nhanh đến như vậy.
Đội quân 5000 kỵ binh truy đuổi Lưu Bị được mô tả trong “Tam quốc diễn nghĩa” chính là đội Hổ Báo Kỵ lừng danh. Tuy nhiên, do “Tam quốc diễn nghĩa” là cuốn tiểu thuyết “ủng Lưu, phản Tào” như đã nói ở trên, nên ngay cả tên của đội quân này cũng không được nhắc đến. Khi truy kích Lưu Bị ở dốc Trường Bản đội Hổ Báo Kỵ phải truy kích đối phương một quãng đường rất dài “một đêm vượt 300 dặm”. Đủ thấy tính cơ động và khả năng chiến đâu của đội quân này mạnh mẽ tới mức nào.
Trong cuộc chiến này, quân Kinh Châu đại bại, Tào Thuần cùng đội Hổ Báo Kỵ của mình truy đuổi Lưu Bị ở dốc Trường Bản bắt được gia quyến Lưu Bị, trong đó có 2 phu nhân. Nhưng ngay sau đó trong quá trình quân áp giải chưa về tới trại Tào thì Triệu Vân, một trong những chiến tướng xuất sắc nhất thời bấy giờ đã đột kích vòng vây đánh tới nơi, giết hơn 50 tướng Tào, và cũng vì do Tào Tháo rất thích Triệu Vân nên không cho cung thủ bắn lén, chỉ được bắt sống mà Cam phu nhân và A Đẩu mới được Triệu Vân giải cứu, đưa thoát ra ngoài, trở về với Lưu Bị. Nếu không thì thật khó để Triệu Vân có thể thoát khỏi đội quân tinh nhuệ này một cách bình yên trở về.
Phá Mã Siêu
Mã Siêu là vị võ tướng, một chiến binh Tây Lương dũng mãnh nổi danh trong lịch sử thời Tam Quốc. Mã Siêu từng hùng cứ tại Tây Lương sau đó đã khởi binh chống lại triều đình nhà Hán và nhiều lần đánh bại Tào Tháo trong chiến dịch Đồng Quan khiến Tào Tháo mấy lần suýt mất mạng, phải cắt râu bỏ áo mà chạy. May nhờ Tào Hồng đoạn hậu Mã Siêu nếu không thì lịch sử đã đổi khác rồi. Chẳng vậy mà Tháo phải thốt lên: “Mã Siêu còn sống thì ta chết không có đất chôn thây“.
Quân Quan Tây của Mã Siêu có đội kỵ binh gọi là “Tây Lương thiết kỵ” nổi tiếng. Theo sử liệu Trung Quốc, Mã Siêu “dùng sức một châu đối đầu với toàn bộ Tào Ngụy tất cả dựa vào ‘Tây Lương thiết kỵ’”, đủ thấy sức mạnh của lực lượng này. Tuy nhiên, Tây Lương thiết kỵ vẫn không địch lại sức mạnh khủng khiếp của đội Hổ Báo Kỵ của họ Tào.
Mã Siêu kinh ngạc khi tận mắt nhìn thấy đội quân hổ báo kỵ tấn công.
Sử chép, “ban đầu, (Tào Tháo) dùng khinh binh khiêu chiến. Sau một thời gian khi cuộc chiến đã kéo dài, (Tào Tháo) dùng đội Hổ Báo Kỵ tấn công chớp nhoáng, phá quân của Mã Siêu”. Ngoài ra, có người nói rằng vào năm Kiến An thứ 23, Tào Hồng, Tào Hưu đánh bại Trương Phi và Ngô Lan tại Hạ Biện cũng là nhờ Hổ Báo Kỵ. Mặc dù sử liệu không nói thật rõ ràng Tào Hưu đã dùng đội Hổ Báo Kỵ để tấn công, song từ việc Tào Hưu là một trong những thống lĩnh của đội quân này có thể suy đoán nhiều khả năng đội Hổ Báo Kỵ tham gia cuộc chiến này.
Từ những chiến tích trên đây, có thể thấy rằng, gần như trong mỗi chiến dịch trọng yếu của Tào Tháo, hoặc khi Ngụy quân rơi vào tình thế nguy cấp, Hổ Báo Kỵ mới được điều động tham chiến để “nghịch chuyển càn khôn”, “chuyển bại thành thắng”, mang tính chất rất quyết định.
Thêm vào đó, những cuộc chiến mà đội Hổ Báo Kỵ tham dự đều là những cuộc chiến khó khăn nhất. Có thể ví Hổ Báo Kỵ với đội đặc nhiệm Navy SEAL của hải quân Mỹ, một đội phản ứng nhanh phù hợp với mọi lĩnh vực của chiến tranh đặc biệt, có thể nhận các mệnh lệnh tức thì khi các cuộc khủng hoảng bùng phát trên thế giới. Đội Navy SEAL Từng lập nhiều kỳ tích như: cứu thành công thuyền trưởng Richard Phillips (53 tuổi) bị hải tặc Somali bắt giữ, tiêu diệt trùm khủng bố Osama Binladen… Chỉ có 2 sự khác biệt giữa Hổ Báo Kỵ và SEAL là quân số hai bên rất khác nhau, và họ sinh ra ở hai thời điểm khác nhau của lịch sử.
Hổ báo kỵ và Navy Seal.
Sau khi vị tư lệnh cuối cùng của Hổ Báo Kỵ là Tào Thuần qua đời, Tào Tháo đã trực tiếp thống lĩnh đội quân Hổ Báo Kỵ tinh nhuệ này cho đến cuối đời. Một đội quân hùng mạnh mà bất cứ một minh chúa nào cũng muốn có được, nhưng chỉ duy nhất Tào Tháo là may mắn nhất, âu đó cũng là an bài của lịch sử.
Ánh Trăng tổng hợp
Xem thêm: