Trong “Luận Ngữ”, Khổng Tử viết: “Ngô đạo nhất dĩ quán chi” (Tạm dịch: Đạo của ta chỉ một gốc mà xuyên suốt). Tăng Tử cũng viết: “Phu tử chi đạo trung thứ nhi dĩ hĩ” (Tạm dịch: Đạo của Khổng Tử dạy trung và thứ).
Người xưa chú trọng vào tu thân dưỡng tính, lúc nào cũng chú trọng kiểm tra lại bản thân mình, đồng thời có thể dùng lòng khoan dung mà lượng thứ cho khuyết điểm của người khác. Điều đó không chỉ khiến cho đức hạnh của bản thân mình có thể nâng cao lên mà còn có thể cảm hóa, thiện hóa người khác.
Học trò của Khổng Tử là Tử Cống từng hỏi ông rằng: “Thưa thầy! Có hay không có một chữ mà có thể làm nguyên tắc khiến con người cả đời làm theo?”
Khổng Tử nói: “Chính là chữ “Thứ”. Chữ “Thứ” này chính là mang ý nghĩa khoan dung, độ lượng”
Một vị học trò khác của Khổng Tử là Nhan Hồi cũng từng nói: “Nhân thiện ngã, ngã diệc thiện chi, nhân bất thiện ngã, ngã diệc thiện chi.” (Tạm dịch: Người đối tốt với ta, ta cũng đối tốt với người. Người không đối tốt với ta, ta vẫn đối tốt với người.)
Từ bi hóa giải ác duyên
Xưa kia, có một vị hòa thượng đi đến một gia đình giàu có hóa duyên vào lúc trời đang mưa tầm tã. Vị hòa thượng cũng xin được ngủ lại nhà vị phú hộ này một đêm. Nhưng chủ nhà lại một mực không cho hòa thượng vào ngủ nhờ, vì vậy, hòa thượng đành nằm ngủ ngoài hiên cổng, nhẫn chịu đói và chịu lạnh.
Sáng sớm ngày hôm sau, người quản gia của gia đình đó ra mở cổng, nhìn thấy hòa thượng đã toàn thân ướt hết, đang run lên vì lạnh. Vị hòa thượng hỏi tên họ của người chủ nhà rồi vội vã rời đi.
Nhiều năm sau, vị hòa thượng ấy trở thành sư trụ trì trong ngôi chùa lớn. Người vợ của vị phú hộ kia muốn đến chùa bái lễ. Vừa tiến đến cổng chùa, bà nhìn thấy rõ tên chồng mình được khắc trên tấm bảng treo trên một cây cột đặt nơi ra vào. Người vợ của phú hộ kia thấy vô cùng kỳ lạ, bèn tiến đến hỏi một vị hòa thượng nguyên do.
Hòa thượng nói: “Bởi vì chủ nhà này từng không chịu bố thí tăng nhân, nên sư trụ trì chùa chúng tôi mới ghi lại tên của ông ấy.”
Người vợ phú hộ kia giận dữ nói: “Sao sư trụ trì của chùa các ông lại có lòng dạ nhỏ mọn, hẹp hòi như vậy?”
Vị hòa thượng nói: “Cũng không phải như thí chủ nghĩ! Sư trụ trì chùa chúng tôi cho rằng, gia chủ không bố thí tăng nhân, nhất định là còn có ác duyên chưa dứt bỏ từ tiền kiếp, vì vậy, sư trụ trì mới ghi lại tên của gia chủ vào tấm bảng kia. Mỗi ngày, khi tụng kinh niệm Phật, ngài đều cầu nguyện cho gia đình họ bình an, may mắn, nhằm hóa giải ác duyên kia.”
Sau khi nghe xong những lời này, người vợ phú hộ cảm động mãi không thôi, lập tức trở về nhà kể lại cho chồng bà nghe hết thảy mọi chuyện.
Vị phú hộ sau khi nghe xong, trong lòng vô cùng hối hận, liền tự mình đến chùa dâng hương, đáp tạ sư trụ trì. Cũng từ đó, gia đình phú hộ tình nguyện cung cấp lương thực, nuôi dưỡng toàn bộ tăng nhân và tu sửa chùa.
Câu chuyện cho chúng ta thấy rằng, thiện có thể hóa giải oán duyên. Oan oan tương báo đến khi nào mới thôi? Chi bằng hãy dùng tâm từ bi, lòng khoan dung mà thiện giải!
Khoan dung không kết thù cũng giúp giải oán hận
Trong cuốn “Duyệt vi thảo đường bút ký” có ghi chép lại, vị ngự sử Hồ Mục Đình, triều đại nhà Thanh từng kể rằng:
Quê hương ông có một gia đình nhà nọ nuôi một con lợn. Điều đặc biệt là con lợn này mỗi lần nhìn thấy người hàng xóm tên là Vương thì đều nhảy lên, điên cuồng hò hét, chỉ muốn xông ra đuổi cắn ông ta. Nhưng gặp bất kể người nào khác trong làng thì nó đều rất bình thường.
Ông Vương lúc đầu thấy vậy liền vô cùng phẫn nộ, vì thế ông liền muốn mua con lợn đó về giết thịt cho hả giận. Không lâu sau, ông Vương lại nghĩ: “Liệu đây có phải là do kết duyên oán thù từ kiếp trước giống như bên nhà Phật thường hay giảng không? Trên thế gian này, không có thù oán nào là không thể giải được!”
Nghĩ vậy, ông Vương liền mua con lợn ấy về nhà và nuôi dưỡng đến lúc con lợn mất đi theo tự nhiên. Nhưng điều đặc biệt là, từ ngày ông Vương nuôi dưỡng con lợn ấy, nó không hề thể hiện thái độ hung hãn như trước đây nữa.
Lòng khoan dung thực sự có sức mạnh cảm hóa vô cùng mãnh liệt. Nó giúp người xấu trở nên tốt, giúp người ác trở nên lương thiện, giúp người với người gắn kết với nhau hơn, xích lại gần nhau hơn và xã hội trở nên bình yên, tốt đẹp hơn!
Theo Secretchina
Mai Trà biên dịch
Xem thêm:
- Cho lão ăn mày đồng xu cuối cùng, chàng trai nghèo nhận được sự giúp đỡ ‘không tưởng’
- Vì sao Pháp Luân Đại Pháp có thể biến đổi tâm tính con người thành tốt đẹp?
- Pháp Luân Công tốt cho sức khỏe nhưng sao lại bị đàn áp ở Trung Quốc?