Một vài người, khi có kết quả tốt đẹp thì tranh giành công trạng, cho rằng công lao ấy là thuộc về mình. Nhưng khi có sự tình không hay xảy ra, ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích thiết thân thì họ dùng trăm phương ngàn kế để thoái thác trách nhiệm.

Người như vậy, trong mối quan hệ với người thân, bạn bè và đồng nghiệp sao có thể được lâu dài? Huống chi nói đến việc tu dưỡng bản thân và làm thành được việc lớn?

Bậc hiền nhân tài đức thời xưa đều coi trọng tâm “hổ thẹn”. Họ giảng rằng, con người sống phải biết hổ thẹn với việc mình làm. Kỳ thực, lời dạy ấy cho đến thời nay vẫn vô cùng có đạo lý.

Phạm Thuần Nhân và Tư Mã Quang đều là hai vị đại thần của triều đình nhà Tống. Nhưng về cách xử lý việc chính sự thì họ lại thường có ý kiến trái ngược nhau, không đồng nhất với nhau. Thông thường cứ gặp chuyện chính sự cần bàn bạc là hai người sẽ biện luận với nhau mãi không thôi.

Về sau này, Tư Mã Quang bởi vì đắc tội với Hoàng đế mà bị trị tội. Đồng thời bị trị tội cùng với ông, còn có một số người khác nữa.

Có một người tên là Hàn Duy nguyên ban đầu rất đồng tình với lý niệm của Tư Mã Quang nhưng về sau bởi vì không cùng ý kiến nữa nên đã may mắn thoát khỏi lần trị tội này.

Xét về căn bản thì lý niệm của Phạm Thuần Nhân lần này cũng thuộc loại lý niệm của Tư Mã Quang, cho nên cũng bị trị tội. Có người thấy vậy, liền lấy lý do Hàn Duy may mắn thoát tội, khuyên Phạm Thuần Nhân nên đến gặp Hoàng thượng để giãi bày nỗi lòng của mình, mong được thoát tội.

(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)

Phạm Thuần Nhân nghe xong liền nói: “Ta và Tư Mã Quang chỉ là ở việc xử lý chính sự thì có bất đồng, chứ có gì là tranh, là đấu đâu? Chỉ là phương pháp xử lý không giống nhau chứ không hề có tư thù ân oán cá nhân, sao có thể lấy đó làm lý do để trốn tránh trách nhiệm được. Người khác làm như thế nào thì ta không quản, nhưng ta có nguyên tắc xử thế của chính bản thân mình. Việc mà một người khó làm nhất chính là coi trọng lương tâm của mình. Phải thẳng thắn vô tư thì sống mới được. Ta nếu làm một việc trái với lương tâm của mình thì quả thực sống không bằng chết.”

Phạm Thuần Nhân từng nói với mọi người rằng, trong cả đời ông, bài học sâu sắc nhất mà ông khắc sâu trong tâm chính là hai từ “trung thứ” (trung thành và tha thứ).

Ông thường khuyên bảo con cháu: “Nhân tuy chí ngu, trách nhân tắc minh; tuy hữu thông minh, thứ kỷ biệt hôn. Cẩu dĩ trách nhân chi tâm quý kỷ, thứ kỷ chi tâm thứ nhân, bất hoạn bất chí thánh hiền đích bộ”. Ý tứ là: Con người ta tuy rằng ngu xuẩn đến mức cực điểm, nhưng đối với thói hư tật xấu của người khác thì lại có thể kể ra rất rõ ràng nhưng đối với việc của mình thì lại không rõ. Người thông minh lấy tâm trách người để tự trách mình, lấy tâm tha thứ mình để tha thứ người thì không phải lo bản thân không đạt được địa vị của bậc thánh hiền.

Theo Secretchina
Mai Trà biên dịch

Xem thêm: