Khổng Minh Gia Cát Lượng là một nhà quân sự kiệt xuất thời Tam Quốc. Cả đời ông cúc cung tận tụy, dốc hết sức mình phò tá Lưu Bị khôi phục giang sơn nhà Hán. Cuộc đời và sự nghiệp của Gia Cát Lượng đã trở thành thiên cổ truyền kỳ, không chỉ ghi chép trong sử sách, mà còn được khắc họa qua thơ ca và các tác phẩm văn học.
Phần 1: “Tam cố mao lư” – Lưu Bị 3 lần đến lều tranh cầu hiền
Trong “Tam Quốc diễn nghĩa”, Lưu Bị là bậc hiền sỹ luôn trọng dụng và cầu khát hiền tài. Từ Thứ vì trân trọng tấm lòng của Lưu Bị nên đã tiến cử Gia Cát Lượng cho ông. Từ Thứ nói:
– Trong vùng này có một bậc kỳ tài ở tại Long Trung, cách Tương Dương hai mươi dặm. Nếu được người đó, không khác gì nhà Chu được Lã Vọng nhà Hán được Trương Lương.
Lưu Bị hỏi:
– Tài đức người đó so với tiên sinh thế nào?
Từ Thứ đáp:
– Tôi mà so với người đó, khác nào ngựa hèn sánh với kỳ lân, quạ đen sánh với phượng hoàng. Người đó thường ví mình với Quản Trọng, Nhạc Nghị. Cứ như ý tôi, Quản, Nhạc còn kém xa. Người đó có tài ngang trời dọc đất, thiên hạ chắc chỉ có một không hai.
“Bậc kỳ tài” mà Từ Thứ nhắc đến chính là Khổng Minh Gia Cát Lượng, từng được Tư Mã Huy ca ngợi là “có thể sánh ngang với Khương Tử Nha làm nên cơ nghiệp 800 năm của nhà Chu và Trương Tử Phòng làm nên cơ nghiệp 400 năm của nhà Hán”.
Thời ấy, các bậc danh sĩ ở Kinh Châu lan truyền một câu nói: “Ngọa Long (ý chỉ Gia Cát Lượng) và Phượng Sồ (ý chỉ Bàng Thống), ai có được một trong hai người ấy sẽ có cả thiên hạ!”. Và quả thật, Lưu Bị nhờ có Gia Cát Lượng mà có thể tay trắng gây dựng sơn hà, nhưng đó là chuyện sau này. Còn hôm nay, sau lời tiến cử của Từ Thứ, Lưu Bị vì muốn thuyết phục Gia Cát Lượng mà không ngần ngại ba lần tới lều tranh cầu kiến, trở thành điển cố “tam cố mao lư” nổi tiếng sau này.
Ba lần thăm lều tranh
Lần đầu đến Long Trung tìm gặp Gia Cát Lượng, Lưu Bị đã được nghe những người nông phu hát:
Giời xanh như tán lọng tròn
Đất kia chằn chặn như bàn cờ vuông
Người đời đen trắng đôi phường
Kẻ đi người lại tranh đường nhục vinh
Kẻ vinh chỉ biết mình sung sướng
Người nhục kia vất vưởng vất vơ…
Nam Dương có bậc ẩn cư
Nằm co ngủ kỹ thờ ơ việc đời.
Đây là bài thơ của Gia Cát Lượng có tên “Thương thiên như viên cái” (Trời xanh như cái lọng tròn). Lời thơ đã thể hiện tâm thái của một người tu Đạo ẩn cư, hiểu rõ thế sự thời cuộc nhưng lại tránh xa chốn hồng trần ô trọc, không màng vinh nhục, không cầu công danh.
Lần thứ nhất, Lưu Bị tìm đến mời Gia Cát Lượng thì ông lại đi vắng, đành buồn bã trở về.
Lần thứ hai, Lưu Bị cho người đi hỏi thăm, biết Gia Cát Lượng đang ở nhà ông liền vội vàng lên ngựa, Quan Vũ, Trương Phi cũng đi theo tùy tùng. Bấy giờ, đang thời tiết mùa đông, khí trời rét buốt, mây xám nghịt trời. Ba người đi chưa được vài dặm, bỗng nhiên trời nổi cơn gió bấc, tuyết bay phơi phới, núi tựa ngọc gieo, rừng như bạc rắc.
Trương Phi nói:
– Giời rét, đất đóng băng, đánh nhau còn chẳng được, lại phải lận đận đi cầu người vô ích làm chi! Không bằng trở về Tân Dã, tội gì mà dầm mưa dãi tuyết thế này!
Lưu Bị nói:
– Chính ta muốn làm cho Khổng Minh biết đến lòng nhiệt thành của ta. Các em có sợ rét thì hãy về trước.
Nhưng đến nơi chỉ gặp Gia Cát Quân, là em của Gia Cát Lượng. Lưu Bị bèn viết một phong thư như sau:
“Bị tôi lâu nay hâm mộ cao danh, đã hai lần đến yết kiến đều không được gặp phải trở về, ân hận vô cùng.
Tôi trộm nghĩ mình là dòng dõi nhà Hán, lạm hưởng danh tước, mà nay trông thấy triều đình suy sụp, kỷ cương rối ren, gian hùng loạn nước, giúp dân, nhưng kém tài kinh luân, cho nên mong ngóng tiên sinh mở lòng nhân từ trung nghĩa, đứng ra trổ hết tài lớn của Lã Vọng, thi thố hết kế lạ của Tử Phòng, thì thiên hạ may lắm! Xã tắc may lắm!
Nay trước có mấy lời bày tỏ với tiên sinh, Bị xin về tắm gội ăn chay, đến bái tôn nhan một lần nữa, để giãi lòng quê kệch, xin tiên sinh soi xét cho”.
Lần thứ ba là tới mùa xuân năm sau, Lưu Bị cho người chọn ngày lành tháng tốt, trai giới tắm rửa, xông hương 3 ngày, rồi lên đường yết kiến Khổng Minh. Đến nơi, thấy Khổng Minh đang nằm ngủ trên chiếc chõng ngoài hiên, Lưu Bị không dám kinh động đánh thức, chỉ chắp tay đứng chực dưới thềm chờ đợi.
Một lúc lâu, Gia Cát Lượng tỉnh dậy, ngâm nga mấy câu thơ:
Mơ màng ai tỉnh trước,
Bình sinh ta biết ta.
Thềm tranh giấc xuân đẫy,
Ngoài song bóng xế tà.
Đây là bài thơ “Vô đề” của Gia Cát Lượng. Lời thơ như muốn nhắn nhủ thế nhân rằng, hồng trần là cõi mê, khiến con người chìm đắm trong dục vọng mà tranh giành công danh lợi lộc. Chỉ có bậc tu Đạo mới tỉnh khỏi cơn mê, biết rõ rằng ta vốn là ta.
Khi hay tin Lưu Bị đang chờ bên ngoài, Gia Cát Lượng vội mặc áo đội khăn chỉnh tề ra đón. Lưu Bị thấy trước mắt là một người mình cao tám thước, mặt đẹp như ngọc, hình dáng thanh thoát như tiên nhân.
Lưu Bị nghe Gia Cát Lượng nói về kế sách định quốc an bang thì trong lòng vô cùng kính phục, muốn mời Gia Cát Lượng xuống núi mưu tính đại sự. Gia Cát Lượng thấy Lưu Bị thật lòng tha thiết nên đã hiến kế thiên hạ chia ba cho ông, lại sai tiểu động lấy địa đồ ra rồi nói:
– Đây là địa đồ năm mươi bốn châu ở Tây Xuyên. Tướng quân muốn thành nghiệp bá, thì phải nhường thiên thời cho Tào Tháo ở phía bắc, nhường địa lợi cho Tôn Quyền ở phía nam, còn tướng quân thì nắm vững lấy nhân hoà. Trước hãy chiếm Kinh Châu làm nơi căn bản, sau lấy đến Tây Xuyên để dựng cơ đồ, hình thành cái thế chân vạc, rồi sau mới tính đến Trung Nguyên được.
Chỉ qua cuộc đàm luận này cũng đủ thấy Khổng Minh đã biết trước tình thế thiên hạ sẽ chia ba. Người sau có thơ khen rằng:
Dự Châu đang oán bước đường cùng
Nay tới Nam Dương gặp Ngọa Long,
Muốn biết sau này chia thế vạc,
Địa đồ cười trỏ, đứng mà trông!
Gia Cát Lượng chỉ ở trong lều tranh mà có thể thấu tỏ tương lai, quả là bậc kỳ tài hiếm có. Mặc dù là một bậc ẩn sỹ, nhưng vì cảm phục tấm lòng thành của Lưu Bị mà ông đã nguyện dốc lòng làm quân sư cho Lưu Bị. Năm ấy, Gia Cát Khổng Minh mới tròn 27 tuổi.
Sau này, sự kiện Lưu Bị tam cố mao lư cầu hiền được một danh sỹ thời Tây Sơn là Ngô Thì Nhậm khắc họa trong bài thơ “Tam cố thảo lư” rằng:
Hán tặc phân minh trí chẩm biên,
Đường đường chi trụ thảo lư tiền.
Thùy tri khoảnh khắc đàm tâm xứ,
Mưu đắc giang sơn ngũ thập niên?
Bản dịch của Kiều Văn:
Trên gối, biết ai vua, ai giặc
Bỗng trang hoàng tộc viếng lều con
Ai hay chỉ một giờ tâm sự
Được giang sơn năm chục năm tròn
Ngô Thì Nhậm ca ngợi tài năng xuất chúng của Gia Cát Lượng, tuy là ẩn sỹ chốn núi rừng mà biết rõ thiên hạ kẻ thua người thắng, biết rõ thiên hạ chia ba. Và người tu Đạo ẩn cư chốn núi rừng, cũng chỉ “khoảnh khắc đàm tâm” (đàm đạo tâm sự trong khoảnh khắc) đã “cúc cung tận tụy” giúp Lưu Bị “được giang sơn năm chục năm tròn”.
(Còn tiếp)
Nam Phương