Trong bộ ba cát tường Phúc – Lộc – Thọ, hình tượng Ông Thọ nổi bật với râu tóc bạc phơ, trán hói, dài và dô cao, tay cầm quả đào, bên cạnh thường có thêm con chim hạc, trên gậy buộc chiếc hồ lô. Đằng sau chiếc trán dô của Ông Thọ là những câu chuyện thật thú vị!
Trước khi giải thích về chiếc trán của Thọ Tinh, người viết xin được kể cho quý vị độc giả nghe một câu chuyện cổ liên quan đến vầng trán của con người như sau.
Lưu Hoằng Kính hành đại thiện, cảm động lòng Trời
Trong cuốn “Thái Bình Quảng Ký” thời nhà Tống có ghi chép một câu chuyện về Lưu Hoằng Kính nhờ tích đại âm đức mà đắc phúc báo: Lưu Hoằng Kính là người Bành Thành thời nhà Đường, tự là Nguyên Phổ. Gia đình ông sống nhiều thế hệ ở khu vực sông Hoài, Phì Thủy, tài sản hàng trăm vạn lạng. Ông thường tu âm đức mà không khoe khoang, cho nên mọi người đều không hay biết về những việc làm tốt của ông. Mặc dù ông giàu có nhưng không làm người khác buồn phiền hay oán hận, thường hay dùng tiền để giúp đỡ người khác, bố thí cho người khác mà chưa bao giờ mong được hồi đáp.
Những năm đầu Trường Khánh thời Đường Mục Tông, có một thuật sĩ giỏi xem tướng trên đường đến Thọ Xuân trông thấy Lưu Nguyên Phổ, ông nói: “Xin quân tử hãy dừng chân, tôi có lời muốn nói”. Lưu Nguyên Phổ liền mời ông vào quán xá và hỏi chuyện.
Người này nói: “Ngài có rất nhiều của cải nhưng chỉ 2, 3 năm nữa thôi đại nạn sẽ đến, làm thế nào đây?” Lưu Nguyên Phổ rơi lệ nói: “Tuổi thọ của con người là thiên mệnh, tiên sinh có thể giúp gì được cho tôi?” Thuật sĩ nói: “Tướng mạo không bằng phẩm đức, phẩm đức không bằng độ lượng. Mặc dù thọ mệnh của ngài không cao nhưng đức lại dày, ngài cũng là người rất độ lượng, phóng khoáng. Tôi sẽ nói cho ngài biết những việc về sau, trong vòng hai năm tới ngài phải nỗ lực tu mỹ đức, hy vọng có thể kéo dài thọ mệnh. Một việc đức có thể tiêu trăm điều họa, còn được hưởng chức tước, bổng lộc, huống hồ là trường thọ. Cứ nỗ lực như vậy, ba năm nữa tôi sẽ lại đến gặp ngài”. Nói rồi bèn cáo từ, Lưu Nguyên Phổ rơi lệ tiễn biệt.
Từ đó ông bắt đầu chuẩn bị hậu sự. Ông có một cô con gái sắp kết hôn đến Dương Châu muốn xin mấy cô hầu gái đi cùng, ông dùng 80 vạn quan tiền mua bốn cô hầu gái, trong đó một cô tên là Phương Lan Tôn rất xinh đẹp và có phong thái đoan trang, không giống như người sinh ra trong gia đình nghèo khó. Lưu Nguyên Phổ hỏi han sự tình, cô trầm ngâm rất lâu rồi mới trả lời: “Tiện nữ mang tử tội, vốn không dám nhắc đến nữa. Chủ nhân đã hỏi kỹ thì mới dám tiết lộ. Gia đình tôi đời đời là danh tộc, quê ở Hà Lạc. Tiên phụ làm quan ở Hoài Tây, không may gặp giặc Ngô phản loạn hung bạo. Vì thấy họ của ông giống với họ của cường đạo, nên triều đình nghi ngờ là người thân của bọn phản tặc, do vậy cha tôi bị triều đình giết, cả gia đình bị tịch thu tài sản. Từ đó tôi rơi vào cảnh hèn mạt, không có nơi nào để kêu oan. Sau khi giặc Ngô bị dẹp, toàn bộ những người thân khác trong gia đình tôi bị quan quân bắt làm tù binh, cũng không biết lưu lạc ở đâu. Bản thân tiện nữ đã bị đổi hai chủ, giờ mới vào đây”.
Lưu Nguyên Phổ cảm thán hồi lâu rồi nói: “Giày dẫu có mới cũng không thể đội lên đầu, mũ dẫu có cũ cũng không thể dẫm dưới chân. Dù gia đình cô chết oan, nhưng cô vẫn là con nhà quan lại, mà nỗi oan của cô ai nghe cũng phải phẫn nộ, huống hồ ta là bậc nam tử. Hôm nay nếu ta không thể rửa được oan cho cô thì sẽ bị Thần trừng phạt”. Ông bèn hỏi người nhà cô, được biết ông ngoại cô họ Lưu, bèn đem đốt văn tự bán mình của cô, nhận cô làm cháu ngoại. Dùng 50 vạn quan tiền gả con gái mình, sau đó tìm mối tốt gả Phương Lan Tôn.
Một ngày mùa xuân tháng ba năm Tân Mão năm thứ hai Trường Khánh, Phương Lan Tôn đã xuất giá, Lưu Nguyên Phổ nằm mơ thấy một người mặc áo màu xanh, tay cầm thẻ ngà, hướng xuống trần mà bái lạy. Lưu Nguyên Phổ lại gần, ông ấy đột nhiên rơi nước mắt nói: “Tôi chính là phụ thân của Phương Lan Tôn, ân đức của ngài, tôi nhất định sẽ báo đáp! Tôi nghe nói âm đức có thể cảm động đến trời xanh. Đến nay thọ mệnh của ngài đã hết, tôi vừa báo cáo lên Thiên đế để cầu xin cho ngài”. Nói rồi đi mất.
Ba ngày sau, Lưu Nguyên Phổ lại nằm mơ thấy phụ thân của Phương Lan Tôn đứng trước tiền đình, mặc áo bào màu tím, thị vệ đứng uy nghiêm xung quanh, ông cảm tạ Lưu Nguyên Phổ, nói: “Kẻ bất tài như tôi may mắn được thỉnh Thiên đế, Thiên đế đã đồng ý kéo dài thọ mệnh cho ngài thêm 25 năm nữa, phúc hưởng ba đời, con cháu không gặp tai ương. Những người đã tàn sát gia đình tôi đều bị xét xử, hiện giờ tai họa khắp thân. Người đã chết thì con cháu phải chịu họa. Thiên đế còn thương xót cho oan tình của tôi, cho khôi phục chức vụ, cai quản vùng sông núi Hoài Hải”. Rồi ông nghẹn ngào bái biệt.
Trời sáng, Lưu Nguyên Phổ vẫn nhớ rõ cảnh tượng giấc mơ những vẫn không tin. Ba năm sau, vị thuật sĩ xem tướng quả nhiên lại đến, vừa gặp đã chúc mừng Lưu Nguyên Phổ: “Thọ mệnh của ngài đã được kéo dài rồi. Để tôi xem khoảng cách giữa lông mày và tóc của ngài nào”.
Lưu Nguyên Phổ bỏ mũ lộ ra vầng trán, thuật sĩ nói: “Ôi, đây đúng là bằng chứng nhờ âm đức mà cảm động đến Thiên đế. Từ nay về sau 25 năm nữa, phúc hưởng ba đời”. Lúc này, Lưu Nguyên Phổ mới kể cho ông ấy nghe chuyện về phụ thân của Phương Lan Tôn. Thuật sĩ nói: “Hàn Quyết nước Tấn thời Xuân thu âm thầm bảo vệ Triệu Thị, Tư Mã Thiên cho rằng mười đời nhà Triệu Thị đều làm đến vương hầu, chính vì có âm đức. Huống hồ gia đình Phương Lan Tôn đã không có người nối dõi, bản thân Phương Lan Tôn chỉ là nô tì. Vậy mà ngài không những không tiếc tiền tài lại không bị mê mẩn bởi nhan sắc xinh đẹp của cô ấy, ngài đã thương cảm giúp đỡ cho cô gái mồ côi, đây đều là âm đức dày của ngài”.
Bàn về câu chuyện trên, tác giả Sơ Trung viết trên Chánh Kiến Net như sau: “Lưu Hoằng Kính nhờ tích được âm đức lớn nên không chỉ thay đổi được thọ mệnh của mình, mà con cháu ba đời còn được hưởng phúc, không phải chịu tai họa, ở nhân gian mà nhìn thì đây chẳng phải là việc đại hảo sự có cầu cũng không được hay sao? Ông Trời sẽ không vô tình làm rơi nhân bánh, phúc phận đều là nhờ tích đức hành thiện mà có được”.
Bí quyết của trường thọ
Quay trở lại câu chuyện về tướng mạo của Ông Thọ: vầng trán hói, dài, dô cao của ông chính là một biểu hiện của sự trường thọ. Vị thầy tướng số trong câu chuyện trên cũng thông qua xem trán của Lưu Hoằng Kính mà biết được thọ mệnh của ông. Nói như vậy, nếu chúng ta không có được cái trán như trán Ông Thọ thì sẽ buồn rầu, thậm chí đi… phẫu thuật thẩm mỹ để kéo dài tuổi thọ chăng? Dĩ nhiên, đây chỉ là một ý nghĩ bông đùa mà thôi!
Người xưa nói: “Tướng tuỳ tâm sinh”, hay “Tâm sinh tướng”. Tướng mạo của một người là phản ánh của tâm địa người đó, cũng là kết quả của hết thảy những việc làm thiện – ác trong quá khứ. Siêng năng hành thiện, tích đức, thì cái tâm sẽ càng ngày càng thiện, cuối cùng cải thiện cả tướng mạo như câu chuyện của Lưu Hoằng Kính. Nói rằng tướng mạo ứng với số phận, chẳng qua tướng mạo chỉ là biểu hiện bên ngoài của cái Tâm, cái Tâm mới là cội nguồn của phúc họa đời người.
Đọc đến đây, quý vị có thể tò mò muốn biết, cái Tâm của Thọ Tinh ra sao mà được hưởng thọ miên trường? Trong Tây du ký, ở Ngũ Trang quán, Tôn Ngộ Không sau khi nóng giận quật đổ cây nhân sâm quý thì phải bay khắp ba đảo tìm thuốc chữa cây. Hành Giả cậy nhờ các vị Thần Tiên, trong đó có ba vị Tiên là Phúc Lộc Thọ. Hồi thứ 26 “Khắp ba đảo, Ngộ Không tìm thuốc; Nước cam lồ, Bồ Tát chữa cây” miêu tả về ba vị Tiên ấy như sau:
Đầy trời ấm áp mây lành hiện,
Ngào ngạt hương đưa khắp mọi miền.
Khí đẹp nghìn tia quanh áo lụa,
Mây bồng một áng đỡ chân tiên.
Loan vờn phượng múa sao dìu dặt,
Tay áo gió lùa đất thoảng hương.
Gậy đỡ rồng đưa cười hớn hở,
Chòm râu trước ngực nhẹ bay vờn.
Mặt hoa rạng rỡ không phiền não,
Khỏe mạnh oai nghiêm lắm phúc duyên.
Sao nắm gác xây nơi biển rộng,
Hồ lô, vòng nhạc dắt bên sườn.
Lâu đài phúc thọ muôn ngàn kiếp,
Ba đảo mười châu thỏa kiếp tiên.
Thường giúp nhân gian nhiều phúc đức,
Vẫn theo người thiện tạo lương duyên.
Vẻ vang phúc lộc trong trời đất,
Phúc thọ tràn trề hưởng vạn niên.
Ba vị cưỡi mây thăm bạn cũ,
Khí hòa ấm áp khắp nhà tiên.
Tâm cảnh của ba vị Tiên ông có thể tạm tóm lược qua mấy cụm từ sau: Cười hớn hở, không phiền não, thường giúp nhân gian, khí hoà ấm áp. Theo thiển ý của người viết, bí quyết trường sinh bất lão cũng nằm trong đó cả. Coi nhẹ được mất chốn nhân gian thì sẽ không phiền não, luôn vui cười; không tranh với đời, lấy giúp người làm vui thì tự nhiên tâm hoà ý tịnh.
Bí quyết này cũng trùng khớp với câu trả lời của ông tổ Thái Cực Quyền – Trương Tam Phong dành cho Vĩnh Lạc hoàng đế Chu Đệ. Hoàng đế nhà Minh đã có đủ mọi vinh hoa phú quý ở nhân gian, điều ông cầu mong nhất chỉ là được trường sinh bất lão. Nhiều lần Chu Đệ phái người tìm kiếm mà không có duyên được gặp Trương chân nhân, sau đó ông ra lệnh cho thị độc học sĩ Hồ Quảng đi tìm và đem theo một lá thư vô cùng thành khẩn. Trương Tam Phong nhận được thư của Chu Đệ, đáp lại bằng một bài thơ, nhờ đệ tử Tôn Bích Vân giao lại cho Hoàng đế. Câu cuối thư viết rằng: “Trừng tâm quả dục thị trường sinh” (Tâm trong sạch, dục vọng ít tức là trường sinh).
Nhiều người thờ cúng Tam Đa Phúc – Lộc – Thọ, mong được hưởng phúc dồi dào; hoặc tìm kiếm những phương thức kéo dài tuổi thọ trong y học, khoa học hiện đại. Trong khi đó, bí quyết đơn giản nhất, gần gũi nhất lại nằm chính trong tâm mỗi người.
Thanh Ngọc