Ít ai biết giữa sự phồn hoa, hào nhoáng ngồn ngộn những quán xá đông đúc của phố thị, trong một con hẻm khá tĩnh lặng đặc trưng của Hà Nội xưa vẫn còn sót lại một nhân chứng sống của lịch sử Việt Nam và Trung Hoa. Bà Hồ Mộ La đã sống qua hai thế kỷ, chứng kiến nhiều đổi thay và thăng trầm của dòng chảy lịch sử…

Dưới đây là một góc khuất lịch sử được bà Hồ Mộ La (nhân vật tôi) ghi chép lại trong “Hồi tưởng về cha tôi – Hồ Học Lãm”, cuốn hồi ký về chí sỹ yêu nước Hồ Học Lãm, người theo lời kêu gọi của cụ Phan Bội Châu trong phong trào Đông Du những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX.

***

Khi có lời kêu gọi xuất dương “Đông du” cứu nước của cụ Phan Bội Châu, bà nội tôi, Trần Thị Trâm, tục gọi là bà Lụa, hưởng ứng ngay. Đích thân bà đưa con trai thứ rất đỗi yêu quý cùng một số thanh niên khác (bà đã làm việc đó nhiều đợt) đến biên giới Việt – Trung để vượt biên sang Trung Quốc chờ dịp đi Nhật.

Trước khi đưa con trai đi, bà nội tôi đi xem bói. Thầy bói phán rằng: “Chuyến đi buôn xa của con trai bà e rằng có đi không về… Hai mẹ con bà có khi không gặp mặt nhau nữa…”. Bà nội tôi trăn trở nhiều đêm không ngủ. Nhưng cuối cùng bà tặc lưỡi nói với cha tôi: “Lời phán của thầy bói lăng nhăng tin làm chi… mà con trai quẩn bên váy mệ biết khi mô nên người!… Thôi, đi đi con ạ, mệ sẽ sống khỏe mạnh đợi con trở về, mong rằng khi đó con cầm quân đuổi Pháp khỏi nước mình, mệ tin con làm được, con là đứa con can đảm có chí của mệ”.

Đó là một đêm mưa phùn gió bấc năm 1906, trời lạnh lẽo, lòng người tê tái trước cuộc chia tay sinh ly tử biệt. Hai mẹ con nắm chặt tay nhau không nói nên lời, tuy không khóc ra tiếng, nhưng đều nước mắt đầm đìa. Cuối cùng chiếc thuyền đánh cá ghé vào bến giục giã, cha tôi cùng hai người bạn xuống thuyền, quay lại nhìn lên bến thấy bóng người mẹ đứng so vai đơn chiếc, cha tôi muốn òa lên khóc vì thương mẹ nhiều nỗi. Nhưng nghĩ đến ông nội tôi bị giặc giết, bà nội can trường lặn lội đó đây hoạt động cứu nước, nghĩ đến ăn mày chết đói rải xác trên đường quốc lộ từ Bắc vào Nam… cha tôi cắn răng nén tiếng thổn thức…

Sau này có lúc cha tôi kể với mẹ tôi: “Khéo lời phán của ông thầy bói là đúng, nay mình đã sắp ngũ tuần, chưa thấy loé lên tia hy vọng nào về sự nghiệp cứu nước. Bản thân mình sức hèn, tài mọn, chẳng làm nên trò trống gì… lắm khi lòng nóng như lửa thiêu…”.

Ảnh minh họa: Unsplash

Con thuyền đánh cá chở ba thanh niên Việt Nam đi suốt đêm, đến chiều hôm sau, khi sắp cập vào một cửa khẩu ở Quảng Đông, thì có tin báo lính tuần đang lục soát các thuyền đánh cá, ba người phải ôm bọc quần áo nhảy vội xuống nước, nấp dưới đuôi thuyền. May là khi đó trời đã tối mịt, chờ khi bọn lính tuần đi khỏi, cả ba mới lặng lẽ bơi vào bờ… Giữa mùa đông Trung Hoa băng giá, do ngâm lâu dưới nước, cha tôi nhiễm lạnh đến sưng phổi. Ở Quảng Đông, ông phải làm bốc vác kiếm cơm từng bữa, nói gì đến dành tiền mua thuốc. Dần dà, cha tôi bị hen phế quản, sau cùng biến chứng thành bệnh tim to…

Trong thời gian chờ đợi, cha tôi và hai người bạn làm phu bốc vác và học tiếng Trung Quốc. Khi cụ Phan Bội Châu lo đủ kinh phí và số lượng thanh niên Đông du, cụ đích thân dẫn đoàn sang Nhật. Đến Tokyo, nhờ sự giúp đỡ của hoàng thân Nguyễn Cường Để, đoàn lưu học sinh được sắp xếp vào học trường võ bị Chấn Vũ.

Mùa xuân năm 1907, thời gian đầu lưu học sinh Việt Nam học tiếng Nhật cấp tốc trong ba tháng, sau đó vừa học tiếng, vừa học lý thuyết cơ bản, thao tác quân sự, cách sử dụng súng trường, súng lục, v.v. Nói chung lưu học sinh Việt Nam hăng hái học tập, nhưng một số ít do không chịu đựng nổi cuộc sống kham khổ của người lính, đã bỏ về nước. Học quân sự vừa được một năm, do sự gây sức ép của người Pháp, chính phủ Nhật ra lệnh trục xuất toàn bộ lưu học sinh quân sự ra khỏi nước Nhật (trừ một số ít học chuyên ngữ tại trường Thanh Hoa Tokyo như Trần Thức Canh, sau này lấy tên là Trần Trọng Khắc, được cụ Phan gửi sang Đức học về y)… Cuộc “Đông du” của cụ Phan Bội Châu coi như thất bại.

Khoảng mùa xuân 1908, Tưởng Giới Thạch cũng vào học trường Chấn Vũ vì cùng chí hướng phản đế, phản phong, quen thân một số lưu học sinh Việt Nam, trong đó đặc biệt chơi thân với cha tôi. Trong một bữa ăn ở Tam Sơn Lý, cha tôi kể chuyện: “Tưởng Giới Thạch khôi ngô, tuấn tú, thông minh… Có lần, anh ta nhờ mình viết luận văn trả bài thi. Không hiểu hắn bận gì thường xuyên vắng mặt ở lớp… Thực ra anh ta là thân tín của Trần Kỳ Mỹ, một trong những lãnh tụ của Đồng minh Hội của Tôn Trung Sơn… Mình học có giỏi giang gì đâu, chẳng qua dân xứ Nghệ quen học gạo, cho nên kết quả học tập trội hơn một tý…”.

Một số lưu học sinh Việt Nam trong phong trào Đông Du (1905-1909) (ảnh tư liệu, GS Chương Thâu sưu tầm)

Một người Việt Nam sống trong nhà tôi lúc đó hỏi: “Thế cụ có viết luận văn hộ cho Tưởng không?”, “Có, luận văn quân sự mang tính chiến thuật không có gì khó. Mặt khác mình nghĩ, đi học nước ngoài quen thân nhiều bạn bè nước ngoài càng tốt chứ sao? Hơn nữa, anh ta có tư tưởng tiến bộ, chống phong kiến, đế quốc, các kiến giải của anh ta khi đó khá tiến bộ”.

Năm 1908, trước tình hình chính phủ Nhật trục xuất lưu học sinh Việt Nam, có nhiều thanh niên nhân dịp đó xin trở về nước, bởi vì cuộc sống lưu học ở nước ngoài quá ư thiếu thốn, gian khổ. Một số học sinh xứ Nghệ – Tĩnh và xứ Bắc vốn quen cuộc sống kham khổ, đã cương quyết theo cụ Phan sang Trung Quốc. Nhờ sự giới thiệu của Tưởng Giới Thạch, đặc biệt nhờ sự giúp đỡ của nhóm nhân sĩ tiến bộ đứng đầu là Khang Hữu Vi, cụ Phan được trường quân sự của Mãn Thanh “Thông quốc lục quân tốc thành học đường”, tiền thân của trường sĩ quan lục quân Bảo Định, nhận đào tạo quân sự cho một số thanh niên Việt Nam, trong đó có cha tôi.

Cha tôi học tại đấy khoảng ba năm, chơi thân với các bạn đồng học như Bạch Sùng Hy, Lý Tế Thâm và nhiều người khác nữa, họ là những thanh niên yêu nước Trung Quốc. Theo mẹ tôi kể, nhiều bạn đồng học Trung Quốc rất quý cha tôi vì tính khoan hòa, khiêm tốn, hiếu học, đối nhân xử thế trung thực, nhân hậu. Sau này, Bạch Sùng Hy, Lý Tế Thâm đều là tướng lĩnh cao cấp của quân đội Quốc Dân đảng Trung Quốc. Một số khác là đại tá, thiếu tướng cùng làm việc trong bộ Tổng tham mưu tại Nam Kinh cùng cha tôi, nghĩa là giữa cha tôi với một số bạn học vừa là đồng môn, đồng ngũ, và đồng liêu nữa.

Xuân hè năm 1911, trong thời gian đang học ở trường sĩ quan lục quân Bảo Định, cha tôi tiếp cận và chơi thân với một số bạn đồng học có tư tưởng chống đế quốc, chống phong kiến và truyền tay nhau đọc “Tam dân chủ nghĩa” của Tôn Trung Sơn. Qua câu chuyện mẹ tôi kể, cha tôi chơi khá thân với Tưởng Giới Thạch, thỉnh thoảng giữa họ có thư tín với nhau.

Từ năm 1913, cha tôi mất liên lạc với cụ Phan Bội Châu. Vẫn biết vị thầy, vị lãnh tụ của mình vì sự nghiệp cứu nước, bất chấp mọi gian khổ, nguy hiểm bươn chải đây đó, không chịu ngồi yên một chỗ. Song bao năm trời giữa hai người vẫn giữ mối liên hệ thường xuyên với nhau, nay bỗng bặt tin. Sau khi về Hàng Châu ổn định công việc, cha tôi ra sức tìm kiếm, cuối cùng được biết đô đốc tỉnh Quảng Đông Long Tế Quang cầm tù cụ Phan khoảng hai năm chưa thả.

Bia tưởng niệm phong trào Đông Du. (Ảnh: Wikipedia)

Ông liền đến gặp Lư Vĩnh Tường trình bày mọi sự tình, đề nghị ông ta viết thư tay để cha tôi cầm đi gặp Long Tế Quang. Đô đốc Hàng Châu vốn biết cha tôi là người Việt Nam yêu nước, là bạn học của Tưởng Giới Thạch. Hơn nữa ông ta là người trọng nghĩa khí nhận lời ngay, và cho cha tôi nghỉ phép để đi Quảng Châu. Đến đó, cha tôi đưa thư cho Long và đề nghị thả cụ Phan ra. Giữa Lư và Long vốn là chỗ quen biết, cuối cùng Long chịu thả cụ Phan.

Bị giam cầm hơn hai năm, cụ Phan hầu như không nắm được tình hình thời cuộc. Vừa được thả, cụ đòi đi Nam Ninh Quảng Tây ngay để bắt liên lạc với trong nước. Sau khi phân tích tình hình nội chiến giữa quân cách mạng với quân phiệt Bắc Dương, tình hình chính trị nhiều phe cánh ở Trung Quốc và tình hình thế giới, việc đi lại dễ gặp những sự bất trắc, cha tôi khuyên cụ Phan hãy về Hàng Châu nghỉ dưỡng sức một vài tháng, vì cụ mới ra tù, rồi sẽ tìm cơ hội. Khi đó, cụ mới chịu theo cha tôi về Hàng Châu.

Mẹ tôi rất quý trọng cụ Phan, thường kể rằng cụ Phan có phong độ đạo mạo, nhưng cũng rất hóm hỉnh và rất tinh nghịch. Tâm cụ luôn sục sôi vì sự nghiệp cứu nước. Văn chương cụ nồng nhiệt, hào sảng. Hễ lóe ra một tia hy vọng nào đó, cụ quên cả tuổi tác, sức khỏe và bất chấp hiểm nguy vội vàng đi ngay. Con người cụ chân thành và cả tin, đôi lúc hơi nông nổi.

Cha tôi làm việc trong bộ máy nhà nước của Trung Hoa Quốc Dân đảng, lại tương đối quảng giao, nên nắm được nhiều thông tin và tình hình chính trị. Vì sợ cụ Phan bị sa bẫy, nên giữa hai thầy trò có giao kèo với nhau: Hễ cụ Phan muốn đi đâu, nhất thiết phải trao đổi với cha tôi, để nếu có thể, cha tôi sẽ đi cùng để bảo vệ cụ, hoặc để cụ đi một mình, nhưng nếu có việc gì xảy ra, cha tôi còn biết đường mà tìm.

Ở Hàng Châu có cụ Nguyễn Thượng Hiền cũng là người xuất dương tìm đường cứu nước. Sau này thấy thời cuộc phức tạp, sự nghiệp cứu nước còn mù mịt, cụ chán nản bỏ đi tu. Ngoài ra còn có Phan Bá Ngọc, con trai cụ Phan Đình Phùng, cũng thuộc thế hệ Đông du, sau vì không chịu nổi cuộc sống gian khổ, cuối cùng làm mật thám cho Pháp. Ông ta không ở hẳn Hàng Châu, không rõ nghề nghiệp, thỉnh thoảng gửi bài đăng ở “Binh sự tạp chí”, hay đi Quảng Châu và Thượng Hải và vẫn đi lại với gia đình tôi.

Về Hàng Châu, cha tôi giới thiệu cụ Phan với Tổng giám đốc nhà in “Binh sự tạp chí” – ông Lâm Lương Sinh. Ông Lâm vốn có thiện cảm với cách mạng Việt Nam, vừa hay đang cần thêm một biên tập viên, cho nên ông nhận ngay cụ Phan vào làm việc. Như vậy, trong ban biên tập ngoài hai người Trung Quốc còn có hai người Việt Nam, đó là Trần Trọng Khắc và cụ Phan.

Để nội dung tạp chí phong phú, Ban biên tập nhận các bài luận văn quân sự hoặc chính trị của cha tôi nữa. Như vậy mấy thầy trò cụ Phan và Trần Trọng Khắc, Hồ Học Lãm, v.v… thường xuyên gặp mặt nhau khi đi vãn cảnh Tây Hồ Hàng Châu, lúc đi ăn liên hoan ở nhà hàng với nhau, bàn luận thời cuộc v.v… Cuộc sống cụ Phan nay tạm ổn.

Tây Hồ Hàng Châu, một thắng cảnh rất nổi tiếng. (Ảnh: Wikipedia)

Một hôm cụ Phan nói chuyện với cha tôi: “Năm nay anh cũng băm ba, băm tư tuổi rồi đấy nhỉ. Sự nghiệp cứu nước xem ra còn lâu dài, anh cũng nên tính chuyện lấy vợ đi chứ”. Cha tôi khẽ cười, thưa: “Biết lấy ai bây giờ. Đành ở vậy thôi”. Cụ Phan cho biết có con gái cụ Ngô Quảng, nguyên phó lãnh binh của cụ Phan Đình Phùng, tên là Ngô Khôn Duy. Vốn là học sinh cưng của cụ Đặng Thúc Hứa bên Xiêm, Khôn Duy hiện theo học “Trường Đức Hoa nữ tử cao đẳng tiểu học” ở Khúc Giang, Quảng Đông, mùa hè năm ấy sẽ tốt nghiệp.

Cuối hè năm 1918, cha mẹ tôi thành hôn thú. Theo giấy giá thú, cụ Phan đứng chủ hôn. Năm đó cha tôi ba mươi tư tuổi, còn mẹ tôi hai mươi lăm tuổi.

Tháng 3 năm 1920 mẹ tôi sinh con gái đầu lòng là Hồ Diệc Lan ở thành phố Hàng Châu. Sau đó mẹ tôi sinh nở bốn, năm bận trai có, gái có. Vì khung xương chậu mẹ tôi nhỏ, trình độ y học thời đó còn kém, cho nên các anh chị khác của tôi, người chết ngay trên bàn đẻ, người chỉ sống được một vài tháng. Mỗi bận sinh nở, vì mẹ tôi đẻ khó, phải dùng thuốc mê.

Điều này đã để lại chấn thương cả về tinh thần lẫn sức khỏe cho mẹ tôi. Còn tôi, suýt nữa đã không được ra đời. Vì khi có mang tôi, hai ông bà bàn nhau sẽ bỏ tôi đi và bà đã uống thuốc đả thai… Nhưng tôi cứng cổ quá, cứ ở lỳ trong bụng mẹ, và được sinh ra cuối tháng 8 năm 1930. Khi đó mẹ tôi ba mươi bảy tuổi, cha tôi bốn mươi sáu tuổi, và gia đình đã về ở Nam Kinh.

… 

(Trích hồi ký “Hồi tưởng về cha tôi – Hồ Học Lãm” – Hồ Mộ La)