Những người khốn khổ (Les Misérables) là kiệt tác bất hủ trong lịch sử văn học thế giới của đại thi hào Victo Hugo. Tuy trải qua 150 năm nhưng câu chuyện «Những người khốn khổ» vẫn chưa bao giờ làm trái tim của người dân các dân tộc trên thế giới hết rung động.

Tác giả Victor-Marie Hugo từng nói, tôi dành tặng bộ sách này cho tất cả mọi người. “Phàm là nam giới ngu muội vô tri bị rơi vào tình cảnh tuyệt vọng, phàm là nữ giới vì bánh mì mà phải bán thân, trẻ em cùng khổ vì không có sách học và lửa sưởi ấm, vậy thì «Những người khốn khổ» của tôi sẽ đến gõ cửa và nói: Mở cửa ra, tôi đến với các bạn đây!”

Theo thời đại, cùng với sự thay đổi của xã hội, dù nguyên nhân gây ra những đau khổ của con người ngày nay xem chừng có khác với thời đại «Những người khốn khổ» của Hugo 150 năm trước, nhưng về bản chất vẫn là như nhau. Vì thế mà kiệt tác vượt thời đại «Những người khốn khổ» cho đến nay vẫn còn đánh động trái tim của hàng triệu triệu người trên thế giới.

Trong tác phẩm, Hugo đã khắc họa cuộc đời của nhân vật chính Jean Valjean cùng một hệ thống đa dạng những nhân vật xoay quanh, qua đó lột tả các cách hiểu khác nhau về cuộc đời cũng như về sự lựa chọn giữa thiện và ác.

Chân dung bé Cosette trong nguyên tác năm 1862 của Hugo do Emile Bayard (1837 - 1891) vẽ (Ảnh: Wikipedia)
Chân dung bé Cosette trong nguyên tác năm 1862 của Hugo do Emile Bayard (1837 – 1891) vẽ (Ảnh: Wikipedia)

Mỗi người trên thế giới đều trải qua cuộc đời với những cảnh bất hạnh và may mắn, khi phải đối diện với hoàn cảnh, việc mọi người lựa chọn như thế nào sẽ quyết định số phận tương lai của cá nhân và của loài người.

Nhân vật chính Jean Valjean vừa ra tù đã phải chịu vô số bất công cùng sự ghẻ lạnh của con người, nhưng Giám mục Myriel lại đối xử với ông như một con người bình thường, thậm chí còn nói những đồ bằng bạc mà Jean Valjean ăn cắp là do mình tặng cho, giúp Jean Valjean không phải trở lại nhà tù lần thứ hai. Sống trong hai thái cực là sự ghẻ lạnh của xã hội và sự ân cần giúp đỡ của Giám mục, Jean Valjean đã lựa chọn nghe theo giáo huấn của Giám mục Myriel, nghe theo hơi thở thiện lương của trái tim và quyết định bỏ ác theo thiện.

Khi tâm hồn Jean Valjean được thăng hoa và ông trở thành một con người lương thiện chân chính, cuối cùng ông đã thành công trong sự nghiệp và trở thành Thị trưởng.

Từ một phạm nhân khổ sai rồi lại thành danh trở thành Thị trưởng, Jean Valjean phải tiếp tục đối diện với lựa chọn khác. Để cứu một người lạ bị hàm oan vì tội lỗi của mình gây ra, Jean Valjean đã hy sinh chức vị Thị trưởng và rồi biến thành phạm nhân bị truy nã. Ở đây, Jean Valjean đã không vì tiền bạc và quyền lực mà bị biến chất, ông đã không thay đổi lựa chọn ban đầu mình, mà quyết định trở thành con người chân chính.

Lựa chọn trở thành một người khác, Jean Valjean bị cảnh sát trưởng Javert truy đuổi suốt đời, nhưng Jean Valjean đã vứt bỏ mọi thù hận. Jean Valjean nhận thấy Javert không làm sai, vì trở thành cảnh sát thì truy đuổi phạm nhân là trách nhiệm của anh ta. Hành động này thể hiện tấm lòng khoan dung độ lượng và lương thiện của Jean Valjean.

Trong tác phẩm, vô số nhân vật phải đối diện trước những khúc quanh cuộc đời và phải lựa chọn. Qua việc khắc họa những lựa chọn khác nhau, tác giả vẽ nên bức tranh về thiện ác tốt xấu đa chiều của cuộc đời. Còn nhân vật chính Jean Valjean thì lựa chọn bỏ ác theo thiện, từ địa ngục đi lên thiên đàng.

Trong «Những người khốn khổ» còn có một tầng ý nghĩa khác, đó là quan điểm đối với sự hà khắc của pháp luật. Theo Hugo, “pháp luật hà khắc chỉ làm con người thêm tàn ác, chỉ có đạo đức mới cảm hóa được lòng người”. Thậm chí ông còn cho rằng, “trong tương lai loài người sẽ xem những người phạm tội là người bệnh, sẽ có bác sĩ riêng để điều trị người bệnh này. Bác sĩ sẽ thay thế cho nhà tù”.

Vì nhà tù không thể khiến phạm nhân bỏ ác theo thiện, chỉ có niềm tin chân chính mới có thể điều trị loại bệnh tinh thần của những người bị tà niệm nhiễm phải. Cũng tương tự như hành vi ứng xử của Giám mục Myriel đã giúp cứu được một linh hồn đang đi theo con đường tội ác, đã tạo nên một con người hoàn toàn mới.

Kiệt tác «Những người khốn khổ» của Victor Hugo. (Ảnh: Internet)
Kiệt tác «Những người khốn khổ» của Victor Hugo. (Ảnh: Internet)

Để hoàn thành kiệt tác văn chương «Những người khốn khổ», Victor Hugo phải ấp ủ suốt 40 năm, bao nhiêu bàn luận về tác phẩm trong 150 năm qua cũng không thể sánh được với lời tổng kết “điểm mắt cho rồng” vô cùng sâu sắc ở cuối tác phẩm của tác giả:

“Từ đầu đến cuối, từ chỉnh thể đến chi tiết, tất cả đều là để con người đi từ ác đến thiện, từ phi chính nghĩa đến chính nghĩa, từ giả đến thật, từ đêm đen đến ánh sáng, từ dục vọng đến lương tâm, từ hủy diệt đến sinh tồn, từ thú tính đến trách nhiệm, từ địa ngục đến thiên đàng, từ hư vô đến thượng đế. Khởi điểm là vật chất, kết thúc là linh hồn. Ban đầu là rắn chín đầu, kết cục trở thành thiên sứ.”

Theo Văn Khiêm, Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung
Tinh Vệ biên dịch

Xem thêm: