Dường như đã có những hiểu lầm, trách móc, lập luận rằng câu chuyện cổ tích Tấm Cám là phản giáo dục, rằng tại sao một người tốt đẹp thiện lương như cô Tấm lại bỗng chốc trở nên độc ác như vậy, chúng ta nên lý giải kết cục này ra sao?
Từ thủa bé thơ, qua lời kể rành rọt của ông bà cha mẹ, câu chuyện cổ tích Tấm và Cám đã in dấu ấn vào tầng tầng lớp lớp thế hệ người Việt từ đời này qua đời khác. Cùng với những câu chuyện cổ tích như ‘Thạch Sanh chém trăn tinh’, ‘Sơn Tinh, Thủy Tinh’, ‘Cây khế’…, nó đã trở thành một kinh điển giáo dục; được trẻ thơ tiếp nhận một cách trong sáng, thông qua câu chuyện này để biết yêu biết ghét, biết phân biệt Tốt – Xấu, Thiện – Ác. Nhưng, tư tưởng của con người giờ đây đã trở nên ngày càng phức tạp – trẻ thơ cũng vì đó mà bị ảnh hưởng, vì vậy mà đã có những hiểu lầm, trách móc không đáng có, lập luận rằng câu chuyện cổ tích Tấm Cám là phản giáo dục, rằng tại sao một người tốt đẹp thiện lương như cô Tấm lại bỗng chốc trở nên độc ác như vậy ở đoạn kết? Có sự hiểu lầm đó, chính là vì con người hiện đại, bị ảnh hưởng bởi giáo dục vô thần luận, rời xa cái gốc pháp lý Phật Đạo lưỡng gia, nên chỉ thấy được những gì ở bề mặt, mà không thấy được nội hàm sâu sắc và đạo lý làm người ẩn trong những câu chuyện cổ tích. Hôm nay, từ giác độ của một người tu luyện, tôi xin mạn phép đưa ra luận điểm của bản thân về nội hàm của câu chuyện, và qua đó tìm hiểu xem cổ nhân muốn nhắn nhủ điều gì với chúng ta thông qua câu chuyện này?
Trước hết hãy nói về cái tên Tấm và Cám, chúng có nội hàm gì? Tấm là lõi của hạt gạo, Cám là lớp vỏ của hạt gạo. Như vậy Tấm và Cám chẳng phải là cùng một hạt gạo, một nhân vật sao? Tấm đại biểu cho phần tiên thiên thuần tịnh của sinh mệnh được sinh ra trong vũ trụ và đồng hóa với đặc tính Chân Thiện Nhẫn của vũ trụ – chính là phần “Nhân chi sơ, tính bản thiện”; còn Cám đại biểu cho lớp bụi hồng trần mà sinh mệnh trải qua bao đời bao kiếp nhân sinh đã bị nhuốm vật chất bất thuần, những dục vọng và chấp trước, những quan niệm hậu thiên… Vậy nên chi tiết Tấm và Cám là chị em cùng cha khác mẹ cũng là có ẩn ý, vì sinh mệnh tốt đẹp được sinh ra từ tiên thiên ấy là không cùng ‘mẹ’ với quan niệm hậu thiên bại hoại (Cám), dù chúng cùng tồn tại trong một chỉnh thể. Đạo gia thuyết rằng, Âm Dương là hai mặt đối lập tồn tại song hành trong Thái cực, tượng trưng cho chỉnh thể sinh mệnh; Thiện và Ác cũng như Tấm và Cám, chính là hai nhân cách đối lập tồn tại trong một con người: Tấm hiền lành, chân thật, nhẫn chịu và thiện lương bao nhiêu, thì Cám giả dối, ích kỷ, đố kị, tham lam bấy nhiêu, và cái Ác thì luôn tìm mọi cách hãm hại và tiêu diệt cái Thiện. Trong nội tâm của mỗi chúng ta, dù ít dù nhiều, giữa hai vật chất Thiện và Ác này dường như cũng luôn có sự giao tranh như vậy.
Xuyên suốt câu chuyện, chúng ta có thể thấy Cám, chỉ vì tham lam, đố kị, mà hết lần này đến lần khác luôn tìm cách lừa gạt, hãm hại, thậm chí đã nhiều lần hạ độc thủ sát hại Tấm, nhưng kết quả là dẫu có chiếm được bao nhiêu thì lòng tham của cô ta cũng không bao giờ thỏa mãn; trái lại Cám luôn sống trong lo sợ, bất an, việc ác này dẫn đến việc ác kia, không ngừng lại được; tích đủ việc ác thì kết cục Cám bị tiêu diệt. Trái lại Tấm thuần thiện càng chịu khổ nhục thì càng được phúc báo, và bên nàng luôn là những con người và con vật tốt bụng luôn sẵn sàng giúp đỡ, được nhà vua yêu thương, và được Thần Phật che chở; dù bị Cám sát hại bao nhiêu lần thì Tấm lại được phục sinh bấy nhiêu lần, mỗi lần qua kiếp nạn nàng càng mạnh mẽ và trí huệ hơn; vượt qua đủ kiếp nạn, nàng đã được hưởng hạnh phúc trọn vẹn. Câu chuyện thể hiện cái Ác luôn muốn tiêu diệt cái Thiện, nhưng dẫu qua bao trầm luân, thì cái Ác không thể diệt được cái Thiện, cái Ác không thể thắng được cái Thiện; và quy luật Thiện hữu Thiện báo, Ác hữu Ác báo luôn tồn tại, bởi đó là Thiên lý.
Nhưng cái kết của câu chuyện, khi Tấm ra tay trừng phạt Cám đã khiến nhiều người kinh sợ, cho rằng Tấm hành xử như vậy còn ác hơn Cám, rằng Tấm kết cục không còn thiện nữa, mà đã hành ác rồi. Kỳ thực, Tấm, với sự từ bi, dù bị hại chết bao nhiêu lần, thì vẫn cho Cám thêm cơ hội; nhưng hết lần này đến lần khác, Cám vẫn tiếp tục hành ác, thì ắt đến lúc bị tiêu diệt. Thần Phật cũng như vậy, luôn luôn để cho con người có cơ hội tu sửa mình, nhưng cái gì cũng có giới hạn, hành ác quá nhiều thì không còn có thể thiện giải được nữa.
Câu chuyện hoàn toàn có thể trao cho Cám một cái chết “nhẹ nhàng” hơn, như bị sét đánh, hay bị nhà vua xử hình,… nhưng vì sao cổ nhân lại chọn một cái chết nghiệt ngã như vậy cho mẹ con Cám? Có thể nói đó là một cái kết có một không hai trong các câu chuyện cổ tích. Ở đây, người viết không bàn về việc cô Tấm đúng hay sai, mà muốn nói về hàm ý răn đe rất mạnh mẽ của cổ nhân trong câu chuyện cổ tích này, khiến cho nó được nhớ mãi. Và điều răn này không có gì là quá nếu so sánh với sự trừng phạt nơi Địa ngục mà kẻ hành ác sẽ phải đối mặt. Những ai đã từng nghe về Địa ngục và những hình phạt vô cùng khủng khiếp ở tầng tầng địa ngục cho những sinh mệnh đã hành ác nơi nhân thế, thì mới ngộ ra rằng, trừng phạt và tiêu diệt cái Ác, đó là chính lý của Vũ trụ. Những kẻ hành ác tột độ, nơi trừng phạt họ chính là Địa ngục Vô gián, tầng địa ngục thấp nhất; sinh mệnh hành ác sẽ đối diện hình thần toàn diệt, bị giải thể hoàn toàn, tầng tầng lớp lớp lạp tử cho đến tận cùng, đau đớn thống thiết không ngừng không nghỉ. Bởi nếu cái Ác không bị trừng phạt, thì cái Ác – được sinh ra khi vật chất phát sinh bại hoại, sẽ tiêu diệt cái Thiện, mà cái Thiện trong Chân – Thiện – Nhẫn, theo Phật gia giảng, chính là đặc tính của mọi vật chất trong Vũ trụ, là pháp lý cốt lõi cho sự sinh thành và tồn tại của Vũ trụ.
Trong mỗi con người chúng ta, cũng luôn có sự giao tranh giữa Thiện và Ác, giữa Tấm và Cám. Chúng ta càng dung dưỡng cái Ác, thì cái Ác càng lấn lướt cái Thiện; chúng ta càng nuông chiều dục vọng, chấp trước, lòng tham, sự ích kỷ, giả dối… thì sự chân thành, thiện lương, nhẫn nhịn của chúng ta cũng càng trở nên lép vế. Chúng ta càng thỏa mát cơn khát của dục vọng, càng nghĩ sao cho chiếm hữu được nhiều, nào tranh nào đấu, thì bản tính chân thiện nhẫn của chúng ta càng mất đi, những người bạn tốt bên ta cũng mất đi, cuộc sống càng trở nên mệt mỏi. Vì vậy, đối diện với các Ác trong nhân tâm, điều mà người lương thiện cần làm là dũng cảm loại trừ hết thảy những suy nghĩ bất thiện, bài trừ nó, phủ nhận nó tận gốc rễ, thì những suy nghĩ tốt đẹp thiện lương sẽ tràn ngập trong tâm trí bạn, thăng hoa sinh mệnh của bạn, và phúc báo cũng theo đó mà tới. Còn nếu bạn mềm lòng dung chứa những suy nghĩ bất thiện, thì từ suy nghĩ bất thiện này sẽ kéo theo những suy nghĩ bất thiện khác, cuối cùng khiến bạn nghe theo cái ác, hành ác mà rớt xuống. Đạo gia có câu “Tướng do tâm sinh, cảnh tùy tâm chuyển”, chính là đạo lý đó.
Thông điệp mà cổ nhân để lại cho chúng ta thông qua câu chuyện này rất đáng để mỗi người chúng ta suy ngẫm. Vì bài viết chỉ là nhìn nhận chủ quan có hạn của bản thân, rất mong được các bạn cùng tham gia thảo luận.
Người viết: Hương Thảo