“Văn dĩ tải Đạo”, người xưa viết văn là để gửi vào đó những đạo lý cao thâm. Tây Du Ký kể về quá trình tu luyện của một người trên con đường viên mãn đắc Đạo, do đó cũng mang tầng tầng ý nghĩa, lớp lớp nội hàm. Thậm chí một cái tên, một địa danh, hay một tình tiết nhỏ trong truyện đều là ngụ ý của tác giả. Về nội hàm và ý nghĩa của Tây Du Ký luôn có nhiều cách nói khác nhau, không đồng nhất. Vậy nên trong loạt bài cảm ngộ này, người viết chỉ mạn phép đưa ra một số lý giải về Tây Du Ký từ góc độ tu luyện, mong được cùng độc giả gần xa góp ý, thảo luận.

Ở hồi 78 “Nước Tỳ Kheo thương trẻ, khiến âm thần/ Điện Kim Loan biết ma, bàn đạo đức”, thầy trò Đường Tăng đi qua nước Tỳ Kheo. Quốc vương nước này vì tham đắm nữ sắc nên tinh khí suy kiệt, nghe lời quốc trượng moi tim 1111 trẻ em để làm thuốc dẫn cầu trường sinh. Câu chuyện mang màu sắc thần thoại, nhưng ẩn chứa dự ngôn cho thời đại chúng ta.

Rời khỏi thành Sư Đà, đoàn thỉnh kinh đến địa phận nước Tỳ Kheo:

“Hàng ăn quán nước ồn ào,

Quán trà rực rỡ, lầu cao cuốn rèm.

Nghìn nhà vạn hộ xênh xang,

Phố phường chợ búa chật hàng bán buôn.

Chen nhau bán gấm mua vàng,

Tranh lời đoạt lãi vì tiền cả thôi.

Trang nghiêm, lễ độ nơi nơi,

Sóng trong biển lặng chung vui thái bình”.

Trong lời thơ phảng phất nụ cười ẩn ý của tác giả. Vẻ ngoài phồn vinh náo nhiệt, “trang nghiêm lễ độ”, “chung vui thái bình” của vương quốc Tỳ Kheo kỳ thực đang che đậy nhân tâm ích kỷ: “Tranh lời đoạt lãi vì tiền cả thôi”. Chuyện không dừng lại ở đó…

Bí quyết trường sinh không thể tìm thấy ở bên ngoài

“Bốn thầy trò dắt ngựa, gánh hành lý, bước đi trên đường phố một lúc lâu, ngắm cảnh phồn hoa mãi không chán mắt, thấy nhà nào nhà nấy đều treo một cái lồng ngỗng trước cửa”. “Trong mỗi lồng đều có nhốt một đứa trẻ, đứa lớn chưa đầy bảy tuổi, đứa nhỏ độ năm tuổi”, “toàn là trai, không có gái”. Đường Tăng cảm thấy rất kỳ lạ, bèn gặng hỏi viên dịch thừa, mới hay tỏ ngọn ngành.

Thì ra ba năm về trước, một đạo sỹ tiến cống mỹ nữ cho quốc vương, khiến quốc vương quyến luyến mê mệt không rời. Đạo sỹ được phong làm quốc trượng, cô gái làm Mỹ hậu, còn quốc vương thì từ đó tinh thần mệt mỏi, thân thể gầy mòn, giờ đây tính mệnh sắp nguy. Quốc trượng dâng lên phương thuốc bí truyền giúp quốc vương được trường sinh, nhưng phải có 1111 quả tim trẻ con để làm thuốc dẫn. Những đứa trẻ đặt trong lồng đều đã được lựa chọn nuôi nấng dùng làm thuốc.

Bí quyết trường sinh không thể tìm thấy ở bên ngoài
Được biết những đứa trẻ đặt trong lồng đều đã được lựa chọn nuôi nấng dùng làm thuốc, Tam Tạng sợ quá bủn rủn cả người, bất giác hai hàng nước mắt ứa ra lăn xuống má… (Ảnh: youtube.com)

“Tam Tạng sợ quá bủn rủn cả người, bất giác hai hàng nước mắt ứa ra lăn xuống má, rồi buột miệng than thở:

– Đồ hôn quân! Đồ hôn quân! Chỉ vì nhà ngươi quá ham mê sắc đẹp đến nỗi bệnh tật, cớ sao lại giết chết oan uổng tính mạng bao nhiêu đứa trẻ vô tội như vậy? Khổ quá! Khổ quá! Ta đau xót đến chết đi được!

Có bài thơ làm chứng rằng:

Vua ngu tối gian tà bất chính,

Sắc dục say chẳng tỉnh hại thân.

Cầu trường thọ, hại nhi đồng,

Tìm phương thoát nạn, hại dân trăm bề.

Sư thương xót tái tê lòng dạ,

Quan nói ra nhỏ lệ khôn ngăn.

Trước đèn sùi sụt thở than.

Nỗi đau đến thắt ruột gan kẻ thiền!”

Mỗi tình tiết trong Tây Du Ký dường như đều ẩn chứa huyền cơ. Mấy trăm năm sau, trên mảnh đất Thần Châu đại địa, một tội ác tương tự với quy mô lớn hơn nhiều đã thực sự phát sinh. Năm 2009, ông David Kilgour, cựu quốc vụ khanh Canada, và ông David Matas, luật sư nhân quyền, đã xuất bản cuốn sách “Thu hoạch đẫm máu”, tiết lộ nạn mổ cướp nội tạng tại Trung Quốc, mà nạn nhân là những người tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, một pháp môn tu luyện tính mệnh song tu của Phật gia. Tim, thận, võng mạc, v.v. của các nạn nhân đều bị cướp đoạt khi họ còn đang sống. Người khởi xướng cuộc bức hại đẫm máu này là Giang Trạch Dân, cựu Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc, một người vướng nhiều bê bối về tình dục.

Vì sao lão quốc trượng (vốn là yêu tinh biến hoá thành) lại xúi giục quốc vương moi tim trẻ em làm thuốc dẫn trường sinh? Lão ta đã gián tiếp tiết lộ lý do sau khi gặp Đường Tam Tạng:

“Lão hòa thượng ở phương Đông được nhà vua sai đi lấy kinh ấy, tôi thấy lão dáng người thanh cao, dung nhan đoan chính là người đã trải qua mười kiếp tu hành xuất gia từ nhỏ, khí nguyên dương chưa bị tiết ra, còn bổ gấp vạn lần so với lũ trẻ. Nếu lấy được quả tim của lão làm thuốc dẫn, uống lẫn với thuốc tiên của tôi, thì có thể thọ tới vạn năm”.

Bí quyết trường sinh không thể tìm thấy ở bên ngoài
Lão quốc trượng đã thay đổi ý định khi gặp được Tam Tạng. (Ảnh: pinterest.com)

Vì các hài tử nam còn giữ trọn vẹn “khí nguyên dương”, nên yêu quái muốn lợi dụng nhà vua thu nguyên khí ấy. Người tu hành giới cấm tà dâm nên cũng bảo tồn nguyên khí đầy đủ. Trong truyện, tác giả nhiều lần đề cập đến việc bảo tồn “khí nguyên dương”. Ở hồi 55 “Dâm tà bỡn cợt Đường Tam Tạng/ Đứng đắn tu trì chẳng hoại thân”, nữ quái động Tỳ Bà ra sức quyến rũ Đường Tăng:

“Ả kia giọng hứng tình uốn éo,

Người này giữ lòng dạ sắt son.

Ả kia muốn áp má, gác đùi quấn quýt phượng loan,

Người này chỉ tâm niệm, Đạt Ma quay đầu về núi

Nữ quái nói: “Thà rằng chết bên hoa, làm ma tinh phong tình vẫn giữ”.

Đường Tăng nói: “Chân dương là quý nhất, đâu mê phường son phấn trăng hoa”…!”

Dù là Phật gia hay Đạo gia, xưa nay đều chú trọng “thanh tâm quả dục”, giữ gìn tinh khí. Chẳng thế mà về sau, Tôn Đại Thánh đã có lời khuyên quốc vương nước Tỳ Kheo rằng:

“Mong bệ hạ từ nay in ít sắc dục, tích ân đức nhiều nhiều. Phàm mọi việc nên lấy dài bổ ngắn. Được như vậy tự khắc sẽ vô bệnh sống lâu. Đó là lời giáo huấn đấy”.

Minh Thành Tổ Chu Lệ cũng từng vì muốn có được tiên đơn trường sinh bất lão mà thỉnh cầu gặp mặt Trương Tam Phong. Trương Chân Nhân từ chối gặp, chỉ nhắn lại mấy lời rằng: “Dám đem lời mọn phiền Thánh đế, Thanh tâm quả dục phép trường sinh”.

Ngày nay, thế đạo suy đồi, những thứ sắc tình hạ lưu được tung hô hưởng ứng, có người còn dại dột dùng thuốc để tìm kiếm, tăng cường cảm giác nhục dục. Những người này sau đó đều cảm thấy mệt mỏi rã rời, tinh thần suy kiệt, thậm chí mắc bệnh. Họ lãng phí sinh mệnh của mình trong sắc dục, sau đó lại tìm thuốc thang bên ngoài để chữa chạy kéo dài mạng sống. Hành vi ấy có gì khác với quốc vương nước Tỳ Kheo?

Tu luyện là hành trình tu bỏ các tâm chấp trước

Lại nói chuyện lão quốc trượng xúi giục quốc vương moi tim Đường Tam Tạng làm thuốc trường sinh. Tôn Ngộ Không lập mưu cứu thầy, biến thành Đường Tăng giả, ung dung đi vào đại điện.

“Đường Tăng giả cầm dao trong tay, cởi luôn quần áo, ưỡn ngực tay trái xoa bụng, tay phải cầm dao xoẹt một tiếng, rạch đứt đôi da bụng, rồi từ ổ bụng một đống tim tuồn tuột chảy ra, làm cho quan văn tái mặt, tướng võ hoảng hồn. Quốc trượng đứng trong điện thấy vậy nói:

– Hòa thượng này sao lắm tim thế!

Đường Tăng giả cầm số tim máu chảy ròng ròng, bới từng quả cho các quan xem, thấy toàn là những quả tim đỏ, tim trắng, tim vàng, tim tham lam, tim danh lợi, tim đố kỵ, tim mưu mẹo, tim hiếu thắng, tim hãnh tiến, tim khinh mạn, tim sát hại, tim độc ác, tim sợ sệt, tim tà vọng, tim vô danh, tim mờ ám… toàn là các loại tim xấu xa, chẳng thấy có một quả tim đen nào”.

Tu luyện là hành trình tu bỏ các tâm chấp trước
Đường Tăng giả cầm số tim máu chảy ròng ròng, bới từng quả cho các quan xem. (Ảnh: youtube.com)

Những quả tim này tượng trưng cho những tâm chấp trước mà người tu luyện phải tu bỏ trên con đường viên mãn đắc Đạo. Chẳng thế mà ở hồi 19, Ô Sào Thiền Sư truyền thụ cho Đường Tăng “Bát nhã ba la mật đa tâm kinh” (gọi tắt là “Tâm kinh”), lại nói thành là “Đa tâm kinh”. Về sau khi Đường Tăng gặp ma nạn hay có chấp trước trong tâm, mặc dù nói là niệm “Tâm kinh”, nhưng tác giả lại viết thành “Đa tâm kinh”.

Ví dụ trong hồi thứ 20 “Núi Hoàng Phong, Đường Tăng gặp nạn/ Giữa rừng thẳm, Bát Giới lập công”, khi Bát Giới và Ngộ Không đại chiến với yêu tinh hổ, trong truyện có viết: “Tam Tạng ngồi dậy, run rẩy sợ hãi, luôn miệng lẩm bẩm niệm Đa tâm kinh”. Trong lòng nếu còn tâm sợ hãi, tức là tâm thần hỗn loạn, thì niệm ra cũng chỉ có thể là “Đa tâm kinh” thôi. Mãi đến sau này khi đến nước Thiên Trúc, tâm chấp trước của Đường Tăng về cơ bản đã trừ sạch rồi, lúc này tác giả mới viết rằng Đường Tăng niệm chính là “Tâm kinh”.

Trên hành trình đi Tây Trúc thỉnh kinh, thầy trò Đường Tăng đã gặp rất nhiều yêu ma cản đường nghẽn lối. Lúc đầu Đường Tăng đi thỉnh kinh, trên đường qua chùa Pháp Môn có nói: “Tâm sinh, chủng chủng ma sinh; tâm diệt, chủng chủng ma diệt”. Từ đó thấy rằng, yêu ma ấy chính là do các tâm chấp trước của người tu luyện diễn hoá ra. Chỉ cần có nhân tâm, liền sinh ra ma nạn tương ứng. Ví dụ khi Đường Thái Tông ban cho Đường Tăng hai tùy tùng và ngựa, Đường Tăng rất vui mừng. Điều này lộ rõ một loại tâm ỷ lại, do đó, mãi vẫn loay hoay không ra được biên giới quốc gia, hai người tùy tùng kia liền bị bò tinh, gấu tinh, và hổ tinh ăn thịt.

Quá trình trừ yêu diệt quái kinh thiên động địa là vậy, vì thế cũng chỉ là quá trình người tu luyện diệt trừ ma tính, tu bỏ nhân tâm của mình mà thôi. Vậy nên hồi 78 mới có thơ rằng:

“Một niệm nảy sinh đấy vạn ma,

Tu trì vất vả khó khăn là.

Đã đành tắm gội không vương bụi.

Vẫn phải dầy công khổ luyện mà…”   

Người tu luyện tâm không tại thế gian nhưng vẫn cần tế thế cứu người, diệt trừ tà ác

Trong tu luyện Đạo gia giảng “vô”, tức là vô vi, Phật gia giảng “không”, không còn chấp trước truy cầu gì trên thế gian này nữa. Ấy vậy nhưng trên hành trình đi lấy kinh, thầy trò Đường Tăng đã không ít lần “can thiệp” vào “chuyện người khác”: khi thì giải thoát công chúa nước Bảo Tượng khỏi người chồng yêu quái, lúc lại cứu sống quốc vương nước Ô Kê bị chìm dưới đáy giếng đã 3 năm, khi thì diệt 3 đạo sỹ yêu tinh cứu 500 nhà sư nước Xa Trì, giờ đây lại phơi bày bộ mặt thật của quốc trượng yêu tinh, cứu hơn ngàn đứa trẻ.

Người tu luyện tâm không tại thế gian nhưng vẫn cần tế thế cứu người, diệt trừ tà ác
Trên bước đường tu luyện người tu luyện sẽ găp các quan nạn, yêu ma quỷ quái, đây cũng chính là quá trình tu tâm cũng là tạo dựng uy đức và tiến về viên mãn. (Ảnh: youtube.com)

Ấy là bởi trên con đường đi về viên mãn, người tu luyện không chỉ biết mỗi mình mình, mà còn phải tế thế cứu người, diệt trừ tà ác. Trong khi diệt trừ tà ác thì vứt bỏ các tâm con người như sợ hãi, lười biếng…; trong khi cứu người thì gây dựng uy đức cho bản thân. Có người có thể thắc mắc: Giết chết yêu quái có từ bi không?

Ở hồi 57 “Núi Lạc Già Hành Giả thật kể khổ/ Động Thủy Liêm, Hầu Vương giả đọc văn”, kỳ thực đã có câu trả lời rồi. Tôn Ngộ Không giết sạch mấy tên giặc cỏ cướp đường, Đường Tăng vô cùng đau xót, trách Ngộ Không là “cực kỳ độc ác” “bất nhân”, rồi niệm “khẩn cô nhi chú” và một mực đuổi đi. Ngộ Không bèn bay đến núi Lạc Già tìm Quan Thế Âm Bồ Tát, được Bồ Tát khai thị rằng:

“Bọn giặc cỏ ấy tuy là phường bất lương, nhưng rút cục chúng vẫn là con người, không nên đánh chết. Còn so với loài thú dữ chim hung, yêu ma quỷ quái thì lại khác. Đánh chết chúng, thì nhà ngươi có công”.

Trong vũ trụ này, chính – tà đồng thời tồn tại, trong mỗi con người lại cũng có Phật tính và ma tính. Quá trình tu luyện là không ngừng diệt trừ ma tính, nuôi dưỡng Phật tính, để cuối cùng đạt đến Phật tính tròn đầy (“viên mãn”), đắc Thiện quả. Nếu một người tu luyện dung dưỡng cho ma tính, không kiên quyết diệt trừ chúng, thì sẽ tự huỷ hoại bản thân mình. Tương tự, nếu người tu luyện thấy những tội ác như giết người phóng hoả mà vẫn thờ ơ giả câm giả điếc, lại viện cớ là “vô vi”, thì anh ta chẳng những không tích được chút công đức nào, mà còn không đạt tiêu chuẩn người tu luyện. Vậy nên đoạn thơ phía trên mới kết bằng 4 câu là:

“Quét sạch vạn duyên về cõi tịch,

Diệt phăng nghìn quái chẳng buông tha.

Rồi đây thoát khỏi vòng vây hãm,

Viên mãn bay lên cõi Đại La”.

Thanh Ngọc