“Văn dĩ tải Đạo”, người xưa viết văn là để gửi vào đó những đạo lý cao thâm. Tây Du Ký kể về quá trình tu luyện của một người trên con đường viên mãn đắc Đạo, do đó cũng mang tầng tầng ý nghĩa, lớp lớp nội hàm. Thậm chí một cái tên, một địa danh, hay một tình tiết nhỏ trong truyện đều là ngụ ý của tác giả. Về nội hàm và ý nghĩa của “Tây Du Ký” luôn có nhiều cách nói khác nhau, không đồng nhất. Vậy nên trong loạt bài viết này, người viết chỉ mạn phép đưa ra một số lý giải về Tây Du Ký từ góc độ tu luyện, mong được cùng độc giả góp ý, thảo luận.
Trong cả trường thiên 100 hồi của Tây Du Ký, phần hấp dẫn độc giả nhất chính là bảy hồi đầu – kể về sự ra đời của Tôn Ngộ Không và cuộc đại náo thiên cung. Đáng chú ý là câu chuyện Tôn Ngộ Không thác sinh từ tảng đá trên Hoa Quả Sơn. Đằng sau câu chuyện này là những ngụ ý sâu xa…
- Trọn bộ Cảm Ngộ Tây Du
Tôn Ngộ Không thác sinh từ tảng đá
Mở đầu Tây Du Ký là bài thơ rằng:
Thuở hoang sơ đất trời chưa tỏ.
Chốn mênh mông nào có bóng người.
Từ khi Bàn Cổ ra đời.
Đục trong phân biệt, khác thời hỗn mang.
Che chở khắp nhờ ơn trời đất.
Phát minh ra muôn vật tốt thay.
Muốn hay tạo hóa công dày,
“Tây du” truyện ấy đọc ngay đi nào.
Hầu hết chúng ta đều tập trung vào hai câu thơ cuối cùng mà cho rằng tác giả đang hứa hẹn, rằng có rất nhiều thiên cơ được gửi gắm trong tác phẩm này. Điều này không sai, nhưng dường như chúng ta đang quên mất đây thực chất là lời giới thiệu về khởi nguồn của vũ trụ. Thật vậy, ngay từ đầu Tây Du Ký đã đưa chúng ta đến một không gian cao xa và rộng lớn vô tỉ: Đó chính là câu chuyện của vũ trụ, là pháp lý của vũ trụ rộng lớn, chứ không phải chỉ là thần thoại về một con khỉ đá chốn nhân gian. Tất cả những gì được bàn đến sau này, từ chuyện Tôn Ngộ Không tầm sư học đạo, cho đến lúc phò giá Đường Tăng sang Tây Thiên, kỳ thực, chỉ là mượn hành trình thỉnh kinh để bàn luận về các pháp lý tu hành, cũng là các nguyên lý bên ngoài cõi thế gian.
Theo đó, đoạn mô tả ngay bên dưới bài thơ đã giảng giải về khởi nguồn của vũ trụ. Vì phần này khá dài, ở đây chỉ lược trích một đoạn nhỏ. Bắt đầu từ vũ trụ hỗn nguyên tới khi thành hình:
“Đến đây, trời bắt đầu có rễ. Lại trải qua năm nghìn bốn trăm năm, đúng vào hội Tý, những thứ nhẹ trong bay lên, có mặt trời, mặt trăng, tinh tú. Mặt trời, mặt trăng tinh tú gọi là tứ tượng. Cho nên nói rằng: Trời mở ở Tý. (…) Lại trải qua bốn nghìn năm trăm năm, đúng vào hội Sửu, những thứ nặng đục ngưng xuống. Có nước, có lửa, có núi, có đá, có đất. Nước, lửa, núi, đá, đất gọi là ngũ hành. Cho nên nói rằng: Đất mở ở Sửu. (…) Đến đây trời, đất sáng sủa, âm dương giao hòa, Lại trải qua năm nghìn bốn trăm năm, đúng vào hội Dần, sinh người, sinh thú, sinh chim, gọi là tam tài, gồm Thiên, Địa, Nhân định vị. Cho nên nói rằng: Người sinh ra ở Dần”.[1]
Kết thúc bằng kết cấu của vũ trụ – gồm có tứ đại bộ châu: (1) Đông Thắng Thần Châu, (2) Tây Ngưu Hạ Châu, (3) Nam Thiệm Bộ Châu, (4) Bắc Câu Lư Châu. Kết cấu và tên gọi các đại bộ châu này cũng giống với những gì được giảng trong tôn giáo, chỗ này hiển nhiên không phải là một sự trùng hợp vô tình.
Tiếp đó, Tây Du Ký chuyển sang kể về tảng đá tiên trên Hoa Quả Sơn, từ đó sinh ra một con khỉ đá.
“Có lẽ từ khi sinh ra, tảng đá cảm thụ linh hoa của trời đất, của mặt trời, mặt trăng nên mới linh thông được. Trong tấm đá lại có một tiên thai. Một hôm tấm đá nứt đôi, sinh ra một trứng đá, to bằng quả cầu lớn, gặp gió hoá ra con khỉ đá, đủ mặt, mũi, chân, tay. Con khỉ đá liền học cào, học chạy, vái lạy bốn phương, hai mắt có hào quang sáng rực lên tận trời, làm kinh động đến Ngọc Hoàng Thượng Đế lúc ấy đang ngự ở điện Linh Tiêu cùng các vị tiên”.
Thạch hầu có lai lịch không hề tầm thường, cũng tức là được Thiên Địa hoá dục mà thành, sinh ra đã mang sẵn tinh hoa của đất trời.
Ngô Thừa Ân đang say sưa mô tả về vũ trụ, về “con người sinh ra ở Dần”, vì sao lại chuyển sang kể về sự ra đời của Tôn Ngộ Không? Bề mặt thì như đang chuyển chủ đề, kỳ thực ở đây ẩn chứa một Pháp lý được giảng trong Phật gia: Từ khi trời đất mới phân chia, vũ trụ mới thành hình, thì con người cũng là một lạp tử trong vũ trụ, cùng với vũ trụ mà xuất sinh. Bản mệnh chân chính của con người chính là sinh ra trong không gian vũ trụ, cũng tức là tinh hoa của vũ trụ kết thành.
Lại nói, thạch hầu mới sinh ra đã có hào quang sáng rực tới trời xanh, nhưng chỉ cần rửa mắt bằng nước của thế gian này thì hào quang sẽ biến mất. Điều ấy nói nên rằng, con người sinh ra ai ai cũng có thiên tính, ai ai cũng mang theo đặc tính vũ trụ là thuần thiện, thuần nhẫn, thuần chân. Nhưng hễ bước chân vào xã hội, trải qua năm tháng ngụp lặn giữa dòng đời, cái thuần khiết ban sơ sẽ bị che lấp bởi “ganh ghét”, “đua chen”, “giả dối”, “phỉnh lừa”, “giận dữ”, “xấu xa”… Chính những thói hư tật xấu nơi thế tục đã ngăn cản cặp mắt của con người, không cho chúng ta nhìn thấy được thiên giới. Cũng tức là, con người đã bị nhuộm đen trong dòng chảy lớn của xã hội người thường, vĩnh viễn không thể trở về thiên quốc chân chính của mình.
Thấu hiểu lẽ Bồ Đề, vân du đi tìm Đạo
Trong Tây Du Ký, mỗi khi chứng kiến cái vô thường của kiếp người và cái phù du của kiếp nhân sinh, thì Tôn Ngộ Không lại xuất tâm tu luyện. Khi còn làm Hầu vương ở Hoa Quả Sơn, Tôn Ngộ Không vì thấu hiểu quy luật sinh-tử mà quyết tâm “đi khắp góc biển chân trời, tìm cho được ba đấng ấy (Phật, tiên, thần thánh), học lấy phép sống mãi không già”. Một lần khác là sau khi náo loạn Thiên cung, bị đè dưới núi Ngũ Hành, dầm sương dãi nắng, 500 năm tuế nguyệt phong ba, Ngộ Không cuối cùng đã quy chính thân tâm, phò tá Đường Tăng sang Tây Thiên thỉnh kinh. Đó cũng chính là điều mà cả Phật gia và Đạo gia vẫn giảng xưa nay: Khi con người rơi rớt đến cõi mê này, lầm lạc trong xã hội người thường thì con đường duy nhất để quay trở về chính là tu luyện.
Bình thường, bất cứ ai sống một cuộc sống thoải mái cũng không nghĩ đến tu luyện. Con người mê đắm trong những thú vui hưởng lạc của thế gian trần tục: Này thì giàu sang phú quý, này thì quyền lực công danh, này thì tình yêu lãng mạn, này thì gia đình ấm êm… Trên đời này có bao nhiêu cái phúc, hưởng còn chưa hết, dại gì mà nhọc thân đi tu làm chi? Ấy là người thường nghĩ như vậy. Cho nên Phật gia mới cho rằng xã hội nhân loại là “cõi mê”, khiến người ta say đắm trong mộng ảo mà quên mất bản nguyện chân chính của mình là tu luyện trở về thiên quốc.
Tuy nhiên, thạch hầu lại có một căn cơ rất tốt. Dẫu làm vương của bầy khỉ trên Hoa Quả Sơn, “sung sướng ở nơi phúc địa non tiên, thần châu cổ động, không chịu kỳ lân cai trị, không chịu phượng hoàng quản lý, lại chẳng bị vua chúa nhân gian câu thúc, tự do tự tại, thực là vô cùng hạnh phúc”, nó lại tự biết sinh mệnh vô thường mà quyết tâm cầu đạo – Điều này càng tỏ rõ ngộ tính rất cao. Câu nói của một con vượn trong bầy: “Đại vương biết lo xa như thế, vậy là Đạo tâm đã khai phát rồi đấy!” chính là ám chỉ điều này.
Câu chuyện Hầu vương tầm sư học Đạo cũng là điều đáng để bàn luận. Trong truyện kể rằng, Mỹ hầu vương từ Đông Thắng Thần Châu, đi qua Nam Thiệm Bộ Châu, cuối cùng tìm được Tu Bồ Đề Tổ Sư ở Tây Ngưu Hạ Châu. Con đường xa xôi thế này dù sao cũng là quá trình một người cầu Đạo trải qua. Nói Bồ Đề Tổ Sư ở Tây Ngưu Hạ Châu, vậy rốt cuộc đó là chốn nào? Như trên đã nói, tứ đại bộ châu nằm trong kết cấu của vũ trụ, vậy có phải Ngộ Không đang vòng quanh “vũ trụ” để tìm thầy hay không?
Đạo gia giảng rằng, “thân thể người là một tiểu vũ trụ”. Vậy thì, Ngộ Không đang tìm thầy ở vũ trụ bên ngoài hay là ở vũ trụ bên trong thân thể của chính mình? Trong truyện viết là, Tổ sư ngụ ở núi Linh Đài Phương Thốn, động Tà Nguyệt Tam Tinh. “Linh đài” là cách gọi của đạo Lão về chữ Tâm; còn “Tà Nguyệt Tam Tinh” (trăng khuyết và ba vì sao), chẳng phải chính là ba nét chấm và một nét móc nằm ngang của chữ “Tâm” (心) đó sao?
Câu nói này rất phù hợp với cách nói của Phật gia là: “Phật tại tâm trung”, ý là nói phải hướng nội mà tu, hướng vào trong tâm của mình mà tu, thì mới tu thành Phật được. Tu Phật là tu ở tâm, Ngộ Không phải đi khắp bốn biển cùng non, trải qua bao mưa gió, cuối cùng hướng vào tâm mình mới ngộ được chân Pháp chân Đạo.
Vậy sư phụ Bồ Đề Tổ Sư của Tôn Ngộ không là ai? Ông lẽ nào lại có thể ở trong tim của Hầu vương? Kỳ thực, “Bồ đề” là dịch âm từ tiếng Phạn, viết là Bodhi, nghĩa là “tỉnh thức”, “giác ngộ”. Trong kinh Kim Cương cũng nhắc đến “tâm Bồ Đề” với nghĩa chỉ bản tính tiên thiên thuần khiết của con người, cho nên quá trình Ngộ Không đi tìm vị Tổ Sư này chẳng phải chính là quá trình tu tâm, quá trình tìm về bản tính chân thật của mình hay sao?
Loạt bài “Cảm ngộ Tây Du” kỳ 1 xin khép lại tại đây.
Thanh Phong – Hồng Liên
Chú thích:
[1] Theo bản dịch Tây Du Ký của dịch giả Như Sơn, Mai Xuân Hải, và Phương Oanh, NXB Văn Học Hà Nội. Trong một số bản dịch tiếng Việt khác, đáng tiếc là phần này đã bị lược bỏ.