Tại một ngôi nhà nhỏ gần khu phố đèn đỏ Bahnhofsviertel của thành phố Frankfurt, nước Đức, có một người vợ vẫn ngày ngày vò võ đợi chồng trở về. Trên cánh cửa nhỏ hướng ra con phố náo nhiệt, một dải ruy băng ánh lên sắc vàng dưới cái nắng mặt trời.

400 năm trước…

Trong cuộc nội chiến Anh vào thế kỷ 17, rất nhiều người lính trẻ phải từ biệt vợ để lên đường nhập ngũ. Họ lao mình vào nơi chiến trường đầy máu và khói lửa, giữa ranh giới sinh – tử, họ tự hỏi liệu người vợ quê nhà còn kiên nhẫn chờ đợi mình hay không?

Đáp lại nỗi trăn trở của chồng, người vợ không nói, nàng chỉ đeo lên cổ dải ruy băng màu vàng.

***

Round her neck she wears a yeller ribbon,
She wears it in winter and the summer so they say,
If you ask her “Why the decoration?”
She’ll say “It’s fur my lover who is fur, fur away.[1]

Trên cổ nàng đeo dải ruy băng vàng
Nàng đeo nó từ mùa đông sang hạ
Nếu bạn hỏi: “Cớ chi làm đẹp vậy?”
Nàng sẽ nói: “Dành cho người tôi yêu, ở nơi xa, rất xa…”

***

Đợi đến khi người lính trở về, anh sẽ nhìn thấy dải ruy băng và hiểu ra tất cả. Bởi vì, sợi ruy băng vàng không chỉ mang ý nghĩa chờ đợi, mà còn là HY VỌNG: Hy vọng một người chồng sẽ vinh quang thắng trận trở về.

Một dải ruy băng màu vàng tượng trưng cho sự chờ đơi, hy vọng. (Ảnh: tamtay.vn)

40 năm trước…

Tại một thị trấn nhỏ vô danh ở Mỹ, khung cảnh thanh bình, không có cuộc nội chiến nào cả, nhưng vẫn có một người chồng phải tạm xa vợ. Sau khi bản án 3 năm tù kết thúc, cuối cùng anh cũng được trở về. Nhưng lúc này, trong lòng chàng trai là biết bao mối ngổn ngang, anh không biết nàng còn chấp nhận mình hay không.

***

If you still want me, still want me
Whoa, tie a yellow ribbon ’round the ole oak tree
It’s been three long years
Do ya still want me? (still want me)

Nếu em vẫn cần anh, vẫn cần anh… Chà, vậy thì hãy buộc một dải ruy băng vàng quanh cây sồi già. Đã ba năm dài đằng đẵng, liệu em có còn cần anh, còn cần anh nữa không?

***

Ba năm trước đó, trên chuyến xe chở các tù nhân, anh đã viết cho vợ một phong thư, dặn rằng nếu cô tha thứ cho anh thì hãy buộc một sợi ruy băng lên cây sồi già. Đến khi mãn hạn trở về, nếu anh không thấy chiếc ruy băng nào quanh cây sồi già, anh sẽ hiểu, sẽ quên hết mọi kỷ niệm buồn vui giữa hai người, và sẽ không bao giờ trở về quấy rầy cô nữa.

Nhưng suốt 3 năm đằng đẵng ấy, tin tức về nàng vẫn bặt vô âm tín, anh không dám mong rằng nàng sẽ chào đón anh trở về.

Ngày ra tù, chàng trai hồi hộp bước lên chuyến xe buýt về quê, ngang qua cây sồi già như lời hẹn ước. Nhưng anh vẫn không có đủ dũng khí để nhìn cây sồi già, tìm kiếm một màu vàng trong hy vọng.

Hãy buộc dải ruy băng lên cây sồi già, bởi vì sự tha thứ, mong chờ và hy vọng luôn hiện hữu. (Ảnh: Youtube)

***

Bus driver, please look for me
’cause I couldn’t bear to see what I might see
I’m really still in prison
And my love, she holds the key

Bác lái xe ơi, xin hãy xem giúp tôi, bởi tôi không đủ can đảm để nhìn những gì mà tôi có thể thấy. Trái tim tôi vẫn nằm trong ngục tù, và tình yêu của tôi, nàng mới là người cầm chìa khóa.

***

Anh nhắm mắt, trái tim đập thình thịch, anh không dám tin nàng sẽ chấp nhận một kẻ tội đồ vướng vào vòng lao lý như anh.

Một phút, hai phút, rồi ba phút trôi qua, thời gian như dừng lại cả ngàn thế kỷ. Và rồi, cả chuyến xe bỗng hò reo lên mừng rỡ: Hàng trăm dải ruy băng vàng phấp phới trên cây sồi già.

Kể từ đó, sợi ruy băng vàng không chỉ mang ý nghĩa chờ đợi, mà còn là TÌNH YÊU: Tình yêu sẽ đến với những người chồng biết hối cải trở về.

Cảm xúc như vỡ òa vì hạnh phúc khi nhìn thấy dải ruy băng trên cây sồi. (Ảnh: TEARS Animal Rescue)

4 năm trước…

Nếu như hai câu chuyện trên đã trở thành huyền thoại trong thi ca, thì câu chuyện dưới đây chỉ là ước vọng của một người vợ trẻ vô danh.

Tại một khu phố nhỏ thuộc thành phố Frankfurt, nước Đức, cuộc sống thanh bình, không hề có các cuộc binh biến, cũng không còn những vụ trọng án khiến vợ chồng phải chia ly. Ấy vậy mà hằng ngày, mỗi khi tiễn chồng ra khỏi cổng, người vợ lại treo lên cánh cửa một sợi ruy băng vàng.

Dải ruy băng vàng tung bay trong gió, từ sáng đến trưa, từ trưa đến tối, và từ tối cho tới tận đêm khuya. Cơn gió bay qua, nhìn thấy sợi ruy băng gió chỉ khúc khích cười. Mặt trời lên cao, nhìn thấy sợi ruy băng nắng chỉ khúc khích cười. Màn đêm buông xuống, những vì sao trên trời nhìn thấy sợi ruy băng cũng chỉ khúc khích cười.

Bởi vì, đã biết bao nhiêu lần chồng cô bước chân ra khỏi nhà nhưng lại chẳng mấy khi trở về trước đêm khuya. Có rất nhiều cám dỗ ngoài kia, níu kéo bước chân chồng trở về ăn với vợ một bữa cơm tối, sum vầy với vợ con bên chiếc bàn trà. Nhất là, kể từ khi khu phố đèn đỏ Bahnhofsviertel mở cửa công khai tại Frankfurt, các cô gái làng chơi được hành nghề hợp pháp, thì các đức ông chồng không còn mặn mà về nhà với vợ, và những người vợ như cô chỉ có thể miễn cưỡng chấp nhận sự vắng mặt của chồng.

Cho nên, mỗi khi tiễn chồng ra khỏi cổng, cô lại treo lên cánh cửa một dải ruy băng. Để đến khi chiếc xe của người khách lãng tử chuẩn bị tiến vào khu phố đèn đỏ Bahnhofsviertel, thì dải ruy băng vàng thầm kín và ý nhị sẽ nhắc anh nhớ rằng, có một người vợ vẫn đang thao thức đợi anh trở về.

Bởi vì, sợi ruy băng vàng không chỉ mang ý nghĩa chờ đợi, mà còn là BAO DUNG: Chỉ cần anh biết giữ mình trước mọi cám dỗ, thì vẫn có một người vợ đang chào đón anh về.

khu phố đèn đỏ Bahnhofsviertel tại Đức, nơi những người vợ không muốn chồng một lần ghé đến. (Ảnh: faz.net)

Khi những khu phố đèn đỏ nhan nhản mọc ra khắp nơi, việc tìm đến khách làng chơi trở thành “hợp pháp”, thì những người vợ đằng sau cánh cửa sẽ chỉ còn hai lựa chọn: Hoặc là để gia đình tan vỡ, hoặc là chọn cách sống bao dung.

Hy vọng rằng, bi kịch ấy sẽ chỉ dừng lại sau cánh cửa trong ngôi nhà nhỏ ở thành phố Frankfurt, để những người vợ trên khắp thế gian được hưởng trọn vẹn niềm hạnh phúc gia đình.

Hồng Liên

  • [1]: Trích bài thơ “Round Her Neck She Wears a Yeller Ribbon” của George A. Norton
  • [2]: Trích Bài hát “Tie a Yellow Ribbon Round the Ole Oak Tree” của I. Levine và R. Brown