Có một sự phó xuất, gọi là phó xuất theo công thức của người Á Đông, tức là hy sinh hết mình vì người khác. Trong các mối quan hệ gia đình, chúng ta có thể bắt gặp vô vàn trường hợp như vậy. Đó là những người phụ nữ đánh mất bản thân mình, hoàn toàn sống chỉ vì người khác hoặc vì con cái. Họ vừa phải chịu áp lực lại vừa phải nhẫn nhịn, cho nên câu cửa miệng của họ là: “Chẳng phải tôi luôn vì mọi người hay sao?”

Phó xuất theo kiểu hy sinh sẽ không mang tới hạnh phúc cho bất kỳ ai

Hy sinh bản thân để thành tựu người khác, nếu không xuất phát từ sự vô tư và vị tha, thì chỉ khiến đối phương phải mang theo gánh nặng mà họ không thể chịu đựng được, ngay cả khi họ là bạn đời, là cha mẹ hay là con cái của bạn.

Hy sinh đồng nghĩa với đau thương, đồng nghĩa với sự bất công, chỉ cần có đau thương và bất công thì sẽ hy vọng được đền đáp và bù đắp. Một khi muốn được đền đáp và bù đắp thì sẽ phá hoại mối quan hệ của hai người, thậm chí là phá hoại hạnh phúc của cả một gia đình.

Có nên hy sinh quá mức vì đứa con thân yêu của mình?

Hy sinh quá mức không phải là yêu, mà ẩn đằng sau đó là khát vọng được yêu thương, được đền đáp tương xứng từ người khác. Chắc hẳn chúng ta ít nhiều cũng từng nghe mẹ mình oán trách như thế này:

“Mẹ thì chẳng dám ăn, chẳng dám mặc. Thứ gì ngon ngọt, tốt lành mẹ cũng dành hết cho các con. Mẹ thức khuya dậy sớm, làm lụng đêm hôm vất vả cũng chỉ vì các con, vì cái nhà này. Thế mà con lại không hiểu gì cả, con khiến mẹ đau lòng quá!”

Có nhiều người quan niệm rằng cha mẹ cống hiến hết mình cho con cái là điều đương nhiên như mặt trời mọc đằng Đông. Người mẹ sẽ yêu thương và bao bọc cho con mình, yêu mến, bảo vệ, một mực chịu thương chịu khó vì gia đình mình, không ngừng cho đi hết thảy. Nhưng sau một thời gian dài, chính những người phụ nữ ấy sẽ cảm thấy ấm ức, thương thay cho số phận hẩm hiu của mình. Họ cũng khiến những người xung quanh cảm thấy xẩu hổ và áp lực.

Con dù lớn vẫn là con của mẹ, đi suốt đời lòng mẹ vẫn theo con, có nên vậy không? Ảnh dẫn theo parents.com

Kết cục buồn của một người mẹ hy sinh quá mức vì con cái, lại vô tình hại chính con mình

Nhiều năm trước có một bà mẹ đơn thân luôn sát cánh bên con, từ khi cậu con trai bước vào trung học cho tới sau này thi vào đại học. Hai lần cậu thi đại học thì trượt cả hai. Vì mẹ cậu mong mỏi con mình thành đạt, có thể mở mặt mở mày với họ hàng làng xóm nên cậu vẫn muốn thi tiếp. Nhưng do quá áp lực và lo lắng trước sự kỳ vọng của mẹ, cậu đã mắc chứng trầm cảm nghiêm trọng và không còn cơ hội thi tiếp nữa.

Nghe nói người mẹ này vốn tính tình vui vẻ, khoáng đạt. Chỉ vì muốn cho con học trường chuyên lớp chọn trên thành phố, cô từ chối tái hôn và quyết định bán nhà để hai mẹ con lên sống nơi đô thành náo nhiệt. Cô đã dồn mọi hy vọng, đặt cả sinh mệnh của mình lên đôi vai cậu con trai bé nhỏ.

Nhưng trái với mong ước của cô, cậu con trai không đỗ đại học, sau này lại vì sự kỳ vọng của mẹ mà trở thành một người trầm cảm, ngẩn ngơ cả phần đời còn lại. Cô đã vì con trai mình mà hy sinh bản thân quá mức. Cô dồn toàn bộ tâm tư lên người con, sẵn sàng từ bỏ lý tưởng của mình. Nhưng đổi lại, cuộc sống của cô chỉ tràn ngập sự mệt mỏi và thất vọng. Cô còn vô tình làm hại cả chính cậu con trai yêu mến của mình.

Con cái mượn tinh cha, huyết mẹ để tới thế gian này, nhưng chúng không thuộc về bạn

Trong một cuốn sách, tác giả Kahlil Gibran từng viết: “Con cái chỉ là mượn tinh cha, huyết mẹ mà tới cõi thế gian này, nhưng không phải là tới từ chỗ các bạn. Mặc dù chúng cùng chung sống với bạn nhưng lại không thuộc về bạn. Bạn có thể mang tới cho chúng tình yêu thương ấm áp, nhưng không thể áp đặt tư tưởng của mình lên chúng. Bạn có thể che lấp thân thể, nhưng không thể che lấp tâm hồn của chúng. Con cái cũng có sự lựa chọn và con đường đời cần tự mình bước đi, chúng cũng có sự tự do và tư tưởng của mình”.

“Nhiều ông bố bà mẹ muốn khống chế con mình, dùng việc hy sinh bản thân làm điều kiện để đổi lấy sự thành công của con cái. Nhưng rất có thể họ sẽ vô tình hy sinh cả đứa con của mình. Cũng có những ông bố bà mẹ cho phép con mình được trưởng thành trong một không gian tự do. Họ cũng không vứt bỏ giấc mơ của mình, mà vẫn nỗ lực vì chính bản thân mình. Những ông bố bà mẹ này lại trở thành tấm gương tốt cho con trưởng thành một cách mạnh khỏe và hạnh phúc”.

Người vợ từng yêu thương và hy sinh hết thảy cho chồng lại thấy cô quạnh và oán trách chính người bạn đời ấy

Rất nhiều phụ nữ hy sinh bản thân quá mức vì con cái, khi đối diện với người bạn đời họ cũng thường hy sinh không tiếc thân mình.

Người phụ nữ hy sinh bản thân quá mức cho người thân yêu liệu có phải là thương yêu thật sự?. Ảnh dẫn theo shutterstock.com

Tôi có một anh bạn, gần đây mặt mày ủ dột và luôn đau khổ, ngột ngạt với vợ mình. Cô ấy rất dễ nổi giận và luôn sẵn sàng xổ ra một tràng chỉ trích chồng thế nọ thế kia.

Mặt mày ủ dột, anh thở dài: “Mở miệng ra là cô ấy nói: ‘Em vì anh mà thế nọ thế kia’. Câu kết thường là: ‘Nhưng anh nhìn xem, em chẳng được gì cả. Anh lại còn đối xử với em như vậy. Anh thật là nhẫn tâm’. Rồi cô ấy khóc lóc nỉ non, tớ thực không sao chịu đựng cô ấy thêm được nữa”.

Năm ấy họ sống ở một thành phố nhỏ. Vì muốn phát triển sự nghiệp của mình, vợ cậu đã nghỉ việc, hai người đưa nhau tới thành phố lớn mong một ngày công thành danh toại.

Sau khi đến nơi thành phố ồn ào náo nhiệt, hai người đều tìm được công việc mới cho mình. Nhưng công việc của cậu ấy lại vô cùng bận rộn. Vì muốn chăm sóc cho chồng, vợ cậu đã nghỉ việc để toàn tâm toàn ý lo cho cậu từng miếng ăn giấc ngủ… Hai người đã từng được sống những tháng ngày hạnh phúc bên nhau.

Nhưng hạnh phúc chẳng được bền lâu. Khi sự nghiệp của chồng phát triển và đạt được những thành tựu nho nhỏ, thì giữa họ cũng bắt đầu lời qua tiếng lại, tiếng bấc tiếng chì. Cô gái dồn tất cả tâm tư lên người chồng của mình, nên ở nơi thành phố mới cô không có mấy bạn bè. Công việc ngày một bận rộn và cậu không thể thường xuyên bầu bạn với vợ mình được nữa. Anh bắt đầu về muộn trong cơn say mềm người hoặc bận rộn với những chuyến công tác ngắn ngày. Cô ấy bắt đầu cảm thấy cô đơn khi phải ở một mình nhiều hơn.

Sự nghiệp của cậu ngày càng phát triển thì vợ cậu lại ngày càng mất đi sự tự tin và trở nên đa nghi, ghen bóng ghen gió. Cô thường kiểm tra điện thoại di động và dò hỏi tung tích của chồng, nghi ngờ chồng phải lòng người phụ nữ khác. Cô luôn cảm thấy thật bất công. Mình đã bỏ nhà bỏ cửa, bỏ cả sự nghiệp để đi theo chồng tới nơi đất khách quê người, vậy mà đổi lại chỉ là sự cô đơn, lạnh lẽo này thôi sao? Càng nghĩ cô càng thấy ấm ức, thấy chồng thật bất công với mình.

Điều này khiến cô đau khổ suốt một thời gian dài và cũng mang lại phiền phức không nhỏ cho chồng mình.

Nghe xong câu chuyện, tôi bèn đề xuất với cậu bạn của mình rằng: “Cậu nên tìm một người giúp việc chăm sóc việc ăn uống, ngủ nghỉ của 2 người, để cô ấy không phải hy sinh quá mức vì cậu. Hãy động viên cô ấy tìm công việc mà mình thích và ra ngoài giao lưu nhiều hơn, tìm cho mình những người bạn sẵn lòng bầu bạn và lắng nghe cô ấy trút bầu tâm sự. Như vậy cô ấy sẽ không có thời gian để cãi nhau với cậu, mà lại tìm được giá trị của bản thân mình.”

Hy sinh quá mức không chỉ gây trở ngại cho tình thân mà còn là sát thủ giấu mặt trong mối quan hệ hôn nhân

Ảnh minh họa pinterest.com

Rất nhiều cô gái nhận thức một cách sai lầm rằng: Khi mình bỏ ra càng nhiều tâm huyết, cống hiến bản thân càng nhiều vì gia đình này thì càng được mọi người và chồng yêu thương nhiều hơn.

Nhưng chúng tôi phát hiện ra rằng, thực tế lại hoàn toàn ngược lại. Những người phụ nữ càng biết yêu bản thân (đương nhiên yêu bản thân ở đây không phải là tự tư tự lợi, mà là biết kiến lập bản sắc riêng của mình), lại càng dễ có được một người bạn đời yêu thương mình và một cuộc hôn nhân hạnh phúc tròn đầy.

Những người phụ nữ cống hiến, hy sinh hết thảy cho cha mẹ, gia đình, bạn đời, bố mẹ chồng, con cái, thì ngược lại, lại phải đối mặt với nhiều sự ức chế và chỉ trích. Cuộc sống của họ không hề hạnh phúc như mong mỏi.

Dẫu cho cả hai vợ chồng đều được hạnh phúc nhờ sự hy sinh quá mức của vợ thì mối quan hệ ấy cũng sẽ không ổn định dài lâu, hạnh phúc cũng không thể bền vững, sớm muộn gì giữa họ cũng sẽ xảy ra vấn đề.

Vì sao lại như vậy?

Nguyên nhân rất đơn giản, hy sinh đồng nghĩa với đau thương, đồng nghĩa với bất công. Chỉ cần có đau thương và bất công thì sẽ hy vọng được đền đáp và bù đắp. Một khi muốn được đền đáp và bù đắp thì sẽ phá hoại mối quan hệ của hai người.

Trong thâm tâm những cô gái luôn sẵn sàng hy sinh này, kỳ thực không phải là can tâm tình nguyện phó xuất một cách vô tư. Họ hy sinh là vì muốn có được nhiều hơn. Nhưng được bao nhiêu mới được coi là công bằng và thỏa mãn đây?

Người đàn ông được thừa hưởng sự hy sinh sẽ sinh ra rất nhiều cảm giác tội lỗi

Ban đầu anh ấy sẽ cảm ơn và trân trọng sự phó xuất của cô gái. Nhưng sau một thời gian dài khi sự yêu thương và trân trọng dần nhạt phai, họ bắt đầu cảm thấy áp lực vì không muốn có cảm giác tội lỗi và dằn vặt, họ sẽ bắt đầu trốn tránh bạn.

Được thừa hưởng sự hy sinh sẽ sinh ra rất nhiều cảm giác tội lỗi cho đối phương vì đã không đáp ứng lại được như vậy. Ảnh dẫn theo pinterest.com

Vì muốn trốn tránh cảm giác tội lỗi trong tâm, ngược lại họ còn cho rằng sự phó xuất và hy sinh của người phụ nữ là điều đương nhiên. Thậm chí đó còn là biểu hiện của việc bản thân không có năng lực, vậy nên có người còn quay ra xem thường và chỉ trích vợ mình.

Điều này sẽ rơi vào một vòng tuần hoàn ác tính và khiến mối quan hệ rạn vỡ. Chúng tôi đã nhìn thấy rất nhiều phụ nữ hy sinh cho người bạn đời của mình, nhưng cuối cùng không nhận được tình yêu của anh ấy mà còn khiến chồng ngày càng rời xa mình.

Trong xã hội hiện đại có những cô gái đã ký thác hết thảy hy vọng của đời mình cho con cái và người bạn đời

Họ cho rằng mình thuộc về con mình, thuộc về chồng mình, cho rằng con cái có tương lai thì mình cũng có tương lai. Chồng mình thành công trong sự nghiệp thì cũng là thành công của mình.

Kỳ thực đó chỉ là một cảm giác sai lầm. Mỗi người đều là một cá thể độc lập. Nhân duyên và số phận của mỗi người đều đã được an bài, chúng sẽ không thay đổi theo mong muốn hay nguyện vọng của chúng ta.

Bạn đời và con cái hoàn toàn không thể thay thế cho việc bạn sáng tạo nên giá trị của mình. Một người biết tìm kiếm và kiến lập giá trị bản thân thì mới có thể khám phá những điều kỳ diệu trong sinh mệnh của mình.

Cũng có những cô gái hy sinh một vài quyền lợi hay nhu cầu nào có để đạt được tình yêu của chồng. Kỳ thực kiểu người này hoàn toàn không thực sự biết cách yêu thương bản thân mình, chắc chắn cũng không biết cách yêu người khác, mà chỉ muốn dùng hết cách này tới cách khác để khống chế đối phương mà thôi.

Câu cửa miệng của họ thường là: “Đấy anh xem, em hy sinh tất cả vì anh, thế mà anh lại chẳng làm được gì cho em cả.” “Em đối xử với anh tốt như vậy mà sao anh cứ làm em tổn thương mãi thế….” Kỳ thực hàm ý sâu xa mà họ muốn biểu đạt là:

“Em đã hy sinh tất cả bản thân vì anh, nhưng anh lại không đền đáp em tương xứng như vậy”.

Nói cho cùng thì những điều này không phải là tình yêu, cũng không phải là phó xuất một cách can tâm tình nguyện, mà là đòi hỏi dưới danh nghĩa của tình yêu, là sự yêu cầu vô hình, là sự trao đổi cân bằng giữa vật chất và tình cảm. Đây gọi là coi việc đòi hỏi tình yêu của bản thân mình thành tình yêu với người khác.

Khi không được đền đáp xứng đáng thì lại trở thành người phụ nữ hay oán trách, phàn nàn và coi mình là người bị hại. Ảnh dẫn theo wikipedia.org

Do đó, họ sẽ ghi nhớ từng ly từng tý những gì mình đã phó xuất cho người bạn đời, và cũng đo lọ nước mắm đếm củ dưa hành như vậy với bạn. Rõ ràng là họ đang đòi hỏi tình yêu một cách ích kỷ nhưng lại cứ luôn cảm thấy mình đang hy sinh cho người khác. Cho nên khi không được đền đáp xứng đáng thì lại trở thành người phụ nữ hay oán trách, phàn nàn và coi mình là người bị hại.

Đừng hy sinh bản thân quá mức, hãy làm mình hạnh phúc thì bạn mới biết cách khiến người khác thực sự hạnh phúc

Tôi luôn cho rằng phụ nữ không nên hy sinh bản thân mình, mà phải kiến lập giá trị của mình.

Là một phụ nữ, trước khi xét tới những tố chất khác trong vai trò là người vợ hay một người mẹ, thì điều đầu tiên là bạn hãy sống một cách độc lập.

Nếu bạn muốn kiến lập giá trị bản thân dựa vào chồng và con cái mình, thì bản thân bạn vừa không hạnh phúc, mà còn khiến chồng và con mình phải gánh một gánh nặng trách nhiệm về cuộc đời bạn.

Mỗi người đều là một cá thể độc lập, đều cần tự bước đi trên đường đời bằng chính đôi chân mình. Con đường này sẽ khác với người khác. Dù là đối diện với con cái hay đối diện với bạn đời, phụ nữ cũng cần học cách yêu bản thân, tránh hy sinh quá mức sự tự do, tự lập và hạnh phúc của mình.

Trên thực tế chúng ta cần phải nhận thức được rằng: Hạnh phúc hoàn toàn không phải là sự trao gửi từ bên ngoài, mà được nuôi dưỡng từ nơi sâu thẳm trong tâm hồn mình.

Chúng ta có năng lực khiến bản thân mình đạt được hạnh phúc, không nhất thiết phải giành lấy hạnh phúc bằng cách hy sinh hết thảy sinh mệnh của mình.

Đừng đợi người khác tới rót đầy ly nước của mình, cũng đừng một mực cống hiến hết thảy những gì mình có. Nếu chúng ta có thể tự đong đầy chiếc cốc hạnh phúc của mình, thì tự nhiên ly nước hạnh phúc lai láng ấy lại được san cho những người xung quanh. Bạn cũng có thể vui vẻ đón nhận những gì người khác trao cho mình.

Người biết yêu bản thân mình mới biết cách yêu người khác và nhận được tình yêu từ họ. Ảnh dẫn theo wikipedia.org

Bắt đầu từ bây giờ hãy ngừng cống hiến quá mức, hãy từ chối việc hy sinh hết thảy, hãy học cách yêu thương bản thân, khám phá sinh mệnh của chính mình và chừa lại không gian tự do cho những người thân yêu. Bởi lẽ, người biết yêu bản thân mình mới biết cách yêu người khác và nhận được tình yêu từ họ.

Theo Trần Văn Vận/Soundhope
Hiểu Liên biên dịch

Xem thêm:

 

Từ Khóa: