Cứ đến mùa Giáng sinh, hầu hết mọi đứa trẻ đều đặt ra câu hỏi: Liệu ông già Noel có thật hay không? Hơn một trăm năm trước, cô bé Virginia O’Hanlon, 8 tuổi ở Manhattan, Hoa Kỳ cũng từng có câu hỏi tương tự với bố mình.
Thay vì trả lời con gái, bố Virginia đã gợi ý con gửi thư cho tờ ‘The Sun’, một tờ báo nổi tiếng ở New York vào thời điểm đó. Trong bức thư của mình, cô bé viết:
“Kính gửi ban biên tập!
Con năm nay 8 tuổi. Một vài người bạn của con nói rằng trên thế giới không có ông già Noel. Cha con từng bảo nên hỏi tạp chí The Sun. Xin các cô chú nãy nói cho con biết thực sự trên thế giới này có ông già Noel không?”
(Virginia – Kyung Long; 115 West 95th Street).
Và thế là Biên tập viên Francis Pharcellus Church đã thay mặt tòa soạn ‘The Sun’ viết một bức thư trả lời cô bé, đồng thời cho đăng câu chuyện này lên số báo ngày 21/9/1897 trong một bài xã luận với tựa đề: ‘Yes, Virginia, there is a Santa Claus’ – Có, Virginia, Santa Claus là có thật.
Không ngờ bức thư phúc đáp của Church đã trở nên nổi tiếng hơn 100 năm qua, và liên tục được kể lại trong mỗi mùa Giáng sinh.
Nội dung bức thư phúc đáp có ghi:
“Virginia, các bạn cháu nói không đúng. Những người như họ luôn hoài nghi mọi thứ. Họ chỉ tin vào những gì họ tận mắt nhìn thấy và hiểu được, mặc dù trí óc của họ nhỏ bé biết bao. Virginia à, trí tuệ của con người, dù là người lớn hay trẻ em, tất cả đều nhỏ bé. Trong vũ trụ vĩ đại mà chúng ta đang sống, nếu ta hình dung chân lý rộng lớn như là một không gian bao la thì kiến thức của con người chỉ nhỏ nhoi bằng một con kiến mà thôi.
Đúng thế, Virginia, ông già Noel có thực. Ông có thực cũng như tình yêu và lòng quảng đại luôn hiện diện quanh ta, nhờ đó mà cuộc sống của chúng ta được vui tươi và hạnh phúc. Nếu không có ông già Noel thì thế giới của chúng ta ảm đạm biết bao. Nếu không có những em bé như cháu thì thế giới của chúng ta sẽ như thế nào? Khi đó cuộc sống sẽ chẳng có những tâm hồn trẻ thơ, chẳng có thi ca, chẳng có lãng mạn. Con người chỉ là những cỗ máy khô khan. Ánh sáng niềm tin và hy vọng của trẻ em trên khắp thế giới cũng sẽ tiêu tan.
Nếu không tin có ông già Noel, cháu cũng sẽ chẳng tin vào những chuyện thần tiên. Cháu có thể nói với bố nhờ người canh cửa trong đêm Giáng sinh để bắt gặp bằng được ông già Noel, nhưng ngay cả nếu như không gặp được ông đi chăng nữa thì cũng đâu chứng minh được điều gì? Chưa ai tận mắt gặp ông già Noel bằng xương bằng thịt cả nhưng điều đó không có nghĩa là ông già Noel không có thực. Những điều chân thực nhất trong thế giới chúng ta là những điều mà trẻ em và người lớn đều không thể thấy được. Cháu có bao giờ nhìn thấy các nàng tiên nhảy múa trên thảm cỏ chưa? Dĩ nhiên có thể là chưa nhưng đó đâu phải là bằng chứng để cho rằng không có chuyện đó.
Không ai có thể hiểu và tưởng tượng được những điều kỳ diệu mà họ chưa từng thấy và không thể thấy được trong thế giới của chúng ta. Cháu có thể dễ dàng đập vỡ một cái lúc lắc để tìm xem cái gì kêu lách cách bên trong, nhưng trên đời này có một thế giới kỳ diệu được bao phủ bởi một bức màn kiên cố mà không một sức mạnh nào của thế gian có thể xuyên qua được. Chỉ có bằng niềm tin và tình yêu chúng ta mới vén được bức màn và cảm nhận được vẻ đẹp lộng lẫy huy hoàng bên trong. Những chuyện đó có thực không? Virginia à, đó là điều chân thực nhất trên thế gian này.
Ông già Noel không có thực ư? Nhờ Chúa, ông vẫn sống và sẽ sống mãi. Hàng nghìn năm sau Virginia à, mà không phải, hàng trăm nghìn năm sau, ông vẫn sẽ tiếp tục mang đến niềm vui và hạnh phúc cho những tâm hồn trẻ thơ trên khắp hành tinh này. Chúc cháu Giáng sinh hạnh phúc”.
Những thông điệp từ bức thư đã làm rung động hàng triệu con tim người đọc bởi giá trị nhân văn của nó. Hơn một thế kỷ sau, lời hồi đáp mà Biên tập viên Francis Pharcellus Church từng gửi cho cô bé Virginia vẫn được giữ nguyên văn và được đăng tải trên nhiều tạp chí, sách vở, các tác phẩm điện ảnh, tem thư, áp phích… và được dịch ra hàng chục ngôn ngữ khác nhau.
Biên tập viên Francis Pharcellus Church là một cây bút bình luận kỳ cựu của tòa báo The Sun. Ông viết bức thư phúc đáp này khi 57 tuổi và qua đời năm 1906, ở tuổi 66.
Còn cô bé 8 tuổi Virginia O’Hanlon – người từng đưa ra câu hỏi về sự tồn tại của ông già Noel năm nào, sau này đã trở thành một nhà giáo nổi tiếng, có nhiều cống hiến cho sự nghiệp giáo dục và công tác từ thiện hỗ trợ các trẻ em tật nguyền trên khắp nước Mỹ. Virginia vẫn không quên truyền rộng thông điệp kỳ diệu về ông già Noel mà nhà báo Francis đã gửi cho bà qua bức thư và bài xã luận tới khắp mọi người. Cũng bởi lẽ đó, trong suốt cuộc đời mình, Virginia O’Hanlon đã không ngừng nhận được những lá thư của nhiều đứa trẻ hỏi về sự tồn tại thực sự của ông già Noel. Mỗi lần nhận được thư và hồi đáp lại cho bọn trẻ, bà đều gửi thêm cho chúng bài xã luận có ảnh hưởng tới cả cuộc đời mình khi xưa, kèm theo vài dòng nhắn nhủ:
“Trên thế giới này thực sự có ông già Noel không? Các bạn nhỏ của ngày hôm qua và ngày hôm nay yêu quý, khi tôi là cô bé cùng độ tuổi các bạn, tôi cũng đã đặt câu hỏi này và luôn muốn tìm thấy câu trả lời. Sau khi trưởng thành, trở thành một giáo viên, tôi luôn hy vọng các bạn nhỏ sẽ như tôi khi đều có thể tin rằng ông già Noel là có thực trên thế giới này. Bởi tôi hiểu được niềm tin vào sự tồn tại của ông già Noel và những câu chuyện cổ tích, niềm tin vào những điều vui vẻ huyền diệu trong các câu chuyện cổ tích thực sự quan trọng tới mức nào”.
Vào năm Virginia 80 tuổi, bà phải nhập viện vì căn bệnh tim quái ác. Trong viện có một người thợ sửa chữa tên gọi John Harms, sau khi biết được bà chính là cô bé đã viết thư cho tờ The Sun năm nào, John Harms đã cải trang thành ông già Noel và tới phòng bệnh thăm bà trong đêm Giáng sinh diệu kỳ.
Khi được ‘ông già Noel’ John Harms tặng quà và hôn lên má, Virginia đã vô cùng xúc động. Bà nghẹn ngào nói:
– Tôi vẫn tin rằng trên thế giới này thực sự có ông già Noel.
Virginia O’Hanlon mất năm 1971, ở tuổi 81. Bà đã mang theo lá thư phúc đáp của nhà báo Francis Pharcellus Church trong suốt cuộc đời mình.
Đường Trung Nguyên