Có bài thơ rằng: 

“Sông Đằng một dải dài ghê
Sóng hồng cuồn cuộn tuôn về bể Đông
Những người bất nghĩa tiêu vong
Nghìn thu chỉ có anh hùng lưu danh”

(Bạch Đằng Giang Phú – Trương Hán Siêu) 

Lịch sử như dòng sông dài cuốn đi trong lớp sóng của nó bao nhiêu sự tích, chiến công, thành bại của cả một dân tộc. Thế kỷ 21 hiện đại với quá nhiều thú vui và dục vọng, mấy ai còn lưu tâm đến những huy hoàng của quá khứ, những tinh hoa của cổ nhân hay những bài học sâu sắc từ ngàn xưa? 

Việt Nam 4.000 năm văn hiến với nhiều triều đại kiệt xuất thấm đẫm văn hóa Phật Đạo Thần đã đem đến cho dải đất xinh đẹp này biết bao nhiêu kỳ tích và truyền kỳ vẫn còn rọi sáng đến tận hôm nay. Chúng tôi tiến hành loạt bài viết về lịch sử Việt Nam mong muốn đem đến cho quý độc giả một góc nhìn mới về sử Việt, chính là ôn cũ biết mới, ngẫm chuyện xưa nhìn chuyện nay, tự đúc rút cho mình những trải nghiệm riêng. 

Thủy quân Tây Sơn tinh nhuệ, thiện chiến, được đánh giá ngang với các hạm đội phương Tây hùng mạnh lúc bấy giờ. Loạt bài này sẽ cùng bạn đọc khám phá những câu chuyện chưa từng kể xung quanh hạm đội Tây Sơn và Đô đốc Quang Trung Nguyễn Huệ. 

Xem thêm: Phần 1, Phần 2

Bằng tài năng của mình, Nguyễn Huệ đã xây dựng hình ảnh bản thân như 1 vị tướng nhà Trời, hành tung xuất quỷ nhập thần. Như đoạn ghi trong Hoàng Lê Nhất Thống Chí sau:

Nguyễn Huệ là một tay anh hùng lão luyện, dũng mãnh và có tài cầm quân. Xem hắn ra Bắc vào Nam, ẩn hiện như quỉ thần, không ai có thể lường biết. Hắn bắt Hữu Chỉnh như bắt trẻ con, giết Văn Nhậm như giết con lợn, không một người nào dám nhìn thẳng vào mặt hắn. Thấy hắn trỏ tay, đưa mắt, là ai nấy đã phách lạc hồn xiêu, sợ hơn sợ sấm sét. E rằng chẳng mấy lâu nữa, hắn lại trở ra, tổng đốc họ Tôn đem thứ quân nhớ nhà kia mà chống chọi, thì địch sao cho nổi? Họ chẳng qua chỉ là người khách, chuyến này sang cũng cốt xem sự thế khó hay dễ để liệu bề tiến lui mà thôi. Nhưng còn nhà nước của ta thì sao? Thái hậu có thể chạy sang đất Trung Hoa một chuyến nữa chăng?” (Hoàng Lê Nhất Thống Chí hồi 14).

Thực ra những điều trên cũng do người nước ta thời đó chưa hề biết đến khái niệm của một Hạm đội hải quân nước xanh là như thế nào. Họ dùng khái niệm của bộ binh nên dễ dàng thần thánh hóa các chiến công của Nguyễn Huệ. Ngay khi xây dựng quân đội, Nguyễn Huệ đã giải bài toán cơ động của quân đội trong một địa hình chia cắt, dài và nhiều đồi núi mà vẫn đạt được yếu tố bí mật, thần tốc, bất ngờ để dành chiến thắng.

Phối hợp giữa bộ binh và thủy chiến đã làm nên chiến thắng của  Quang Trung (Ảnh: Vietnamfineart)

Chỉ có hải quân viễn chinh mới làm được điều đó. Mà còn phải là một lực lượng hải quân hạng nhất tác chiến kiểu thủy quân lục chiến mới làm tốt yêu cầu đó. Cái tên thủy quân lục chiến đã trở thành kiểu mẫu cho tác chiến biển xa và tấn công đất liền từ biển gắn liền với quân đội Mỹ thế kỷ 20 trở đi. Nhưng ít ai biết rằng để có được chiến thắng hoàn hảo năm 1789, vua Quang Trung đã dùng quân đội của mình theo kiểu.. thủy quân lục chiến kia. Đây là vài điểm nổi bật về chiến thắng đó

Tình báo xuất sắc

Với đội quân hải tặc tinh nhuệ, Nguyễn Huệ đã giăng một cái bẫy vô cùng lớn chờ cho quân Thanh tiến vào và rồi thu lưới mà thôi. Một trong những đặc điểm mạnh nhất của quân hải tặc của Tây Sơn chính là công tác tình báo không có đối thủ. Đó là kỹ năng đảm bảo sự sinh tồn của họ và hình thành do quá nhiều lần giao chiến với quan quân mà rèn nên.

Tôn Sĩ Nghị và đạo quân cồng kềnh quan liêu của ông ta từ lúc nhận lệnh đến lúc chuẩn bị lương thảo bên Trung Quốc cũng mất vài tháng, sau đó đến Thăng Long đóng quân chuẩn bị ăn Tết nghỉ ngơi một thời gian dài. Đó quả là một mục tiêu lộ liễu và rất chậm chạp so với tình báo của hải tặc.

Ngoài ra ông ta cũng mù tịt về quân lực của Tây Sơn, không hề biết rằng Tây Sơn có một đạo hải quân mạnh mẽ làm chủ lực. Quân nhà Thanh chỉ đem vũ khí và trang bị nhằm đối phó với bộ và kỵ binh Tây Sơn mà không hề biết đến sự có mặt của hải quân đánh bộ. Vì thế khi bị tập kích chỉ biết than: “Thật là tướng từ trời rơi xuống, quân từ dưới đất chui lên”. Một đạo quân nặng nề, chậm chạp và còn bị bịt mắt mà phải đối phó với một đám cường đạo khét tiếng thì hậu quả không cần nói chắc ai cũng biết.

Kế hoạch chuẩn bị tinh vi

Quang Trung Nguyễn Huệ là một danh tướng hiếm có trong lịch sử cổ kim tinh thông cả hải lẫn bộ chiến. Và lý do tiên quyết để giành chiến thắng theo phong cách của ông là mọi công tác hậu cần đều phải được chuẩn bị từ trước và hoàn bị về mọi mặt. Trong cuộc chiến 1789, chúng ta như được xem một màn trình diễn mãn nhãn của một loạt 5 cánh quân từ mọi nơi cuồn cuộn đổ về Thăng Long phối hợp nhịp nhàng và phát huy tối đa sức mạnh của mình với đầy đủ lương thực vũ khí và chiến thuật tác chiến.

Sự phối hợp như vậy trong thời đại ngày xưa quả là vô tiền khoáng hậu vì khối lượng hậu cần chuẩn bị cho cuộc chiến đó quả là rất khổng lồ. Từ đó ta có thể thấy rằng từng hành động của Nguyễn Huệ trước khi quân Thanh sang như lập tức quay về Phú Xuân, cướp hết tài nguyên vật chất của miền Bắc đem theo về chẳng phải là đã dự liệu trước cho cuộc chiến sắp tới hay sao? Vì sao ông quay lại Phú Xuân? Chính là cần phối hợp với hải quân để vận chuyển chủ lực thẳng ra Thăng Long và phân phối cũng như tích trữ tài nguyên cho cuộc chiến một cách an toàn vậy.

Quang Trung Nguyễn Huệ là một danh tướng hiếm có trong lịch sử cổ kim tinh thông cả hải lẫn bộ chiến. (Ảnh: Minds.com)

Mô hình thủy quân lục chiến linh hoạt hiệu quả

Các tướng lĩnh Tây Sơn đều là những nhân vật võ công cái thế và người võ công cao cường nhất chính là Nguyễn Huệ. Ông là người đã nâng khả năng chiến đấu của quân đội Tây Sơn lên một tầm cao mới. Quân đội của ông dù là hải quân hay lục quân đều sử dụng vũ khí rất thành thạo và có phương pháp tác chiến rất chuyên nghiệp, hiệu quả.

Lục quân được huấn luyện võ trận cho quen thuộc với phối hợp chiến đấu nhóm theo hiệu lệnh của trống trận Tây Sơn, ngoài đao thương kiếm kích thì còn phải biết dùng Hỏa Hổ (ống phun lửa). Các nhánh quân được hải thuyền vận chuyển rất cơ động, bí mật tiếp cận trận địa, hành quân bí mật hoàn toàn trong đêm tối với đầy đủ vũ khí, bí mật vận động bao vây và tập kích như sấm sét. Vì thế chỉ cần 1 quân số bằng 1/3 so với đối phương mà nhà Tây Sơn có thể giành chiến thắng vang dội trong trận chiến này. Đó là một trận chiến dùng hình thức chiến tranh kiểu mới độc nhất trong lịch sử Việt Nam.

Và những Đại tướng hải tặc đi vào lịch sử

Đạo hải quân cướp biển lừng lẫy của nhà Tây Sơn không thể nào làm nên chiến công nếu không có những tướng quân tài giỏi. Ngoại trừ những đô đốc quá nổi tiếng như Võ Văn Dũng, Ngô Văn Sở, Bùi Thị Xuân, Trần Quang Diệu… thì những vị đô đốc Hải Tặc cũng không kém phần nào khi cũng đi vào sử sách với một binh nghiệp hiển hách dưới thời Tây Sơn. Có thể kể ra một vài vị như sau:

Trần Thiên Bảo – đệ nhất danh tướng hải tặc

Là một tướng người Hoa của nhà Tây Sơn, ông là danh tướng hải tặc giỏi nhất mà nhà Tây Sơn đã từng có. Từng được phong Nguyên Soái Tổng Binh Đô Đốc, Bảo Đức Hầu. Ông chính là người thay mặt Quang Trung chiêu mộ hầu như các hải tặc khét tiếng nhất của châu Á về đầu quân cho Tây Sơn. Cùng với Mạc Quan Phù và Trịnh Nhất, ông từng là một trong những cướp biển hùng mạnh nhất tại vùng biển giữa Đại Việt và Trung Hoa vào thời Tây Sơn.

Trần Thiên Bảo vốn làm nghề đánh cá ở vùng nước ven biển thuộc phủ Liêm Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Năm 1780, thuyền của ông bị gió bão đẩy vào vùng biển Đại Việt, ông ở lại và đánh cá ở vùng quanh Thăng Long. Năm 1783, cả gia đình ông bị quân Tây Sơn bắt giữ. Nhà Tây Sơn phong cho ông chức tổng binh và (theo lời kể của Trần Thiêm Bảo) buộc ông tham gia các chiến dịch chống quân chúa Trịnh. Ông đã tham gia chiến dịch quân sự đẩy quân Trịnh ra khỏi Phú Xuân.

Năm 1788, ông được phong tước Hầu, chỉ huy 6 chiến thuyền và 200 binh lính. Cuối năm đó, ông được cấp thêm 16 chiến thuyền và được ủy quyền tuyển mộ thêm tướng lĩnh cho nhà Tây Sơn. Ông đã tuyển mộ Mạc Quan Phù (làm cướp biển từ năm 1787), năm sau tuyển thêm Trịnh Nhất. Cả hai người này đều được phong tướng.

Năm 1795, ông được phong chức Đô đốc. Ông tiếp tục cùng Tây Sơn chống lại Nguyễn Ánh cho đến sau thất bại của Tây Sơn năm 1801. Cuối tháng 11 năm đó, Trần Thiên Bảo cùng gia đình và 30 người tùy tùng ra đầu thú với nhà chức trách Trung Quốc.

Trần Thiên Bảo thay mặt Quang Trung tuyển mộ một lượng lớn hải tặc thành đội quân tinh nhuệ thủy chiến (Ảnh: Wikipedia)

Mạc Quan Phù – Vua hải tặc biển Đông – Đông Hải Vương

Là một tướng người Hoa của nhà Tây Sơn. Cùng với Trần Thiên Bảo và Trịnh Nhất, Trịnh Thất, Vương Quý Lợi và Ô Thạch Nhị, ông cũng là một trong những cướp biển hùng mạnh nhất tại vùng biển giữa Đại Việt và Trung Hoa vào thời Tây Sơn. Vào thời hùng mạnh nhất, Mạc Quan Phù đã từng tham dự nhiều trận đánh chống lại Nguyễn Ánh lập nhiều chiến công và năm 1796 Mạc được vua Cảnh Thịnh phong chức Đông Hải Vương. Sau khi thất trận trong cuộc hải chiến cuối cùng tại Hà Nội, ông thất trận bị bắt và sau đó bị xử tử.

Trịnh Thất – thủ lĩnh hải tặc khét tiếng từ họ Trịnh, Đài Loan

Một trong những tướng cướp nổi tiếng trong một gia tộc từng là thủ hạ dưới trướng của Trịnh Thành Công ở Đài Loan. Trịnh Thất cùng với Mạc Quan Phù, Vương Quý Lợi và Ô Thạch Nhị (Mạch Hữu Kim), được Quang Trung phong quan tước, được giao trách nhiệm quy tụ những nhóm hải tặc nhỏ lại lập thành những hạm đội lớn.

Bản thân Trịnh Thất và Mạc Quan Phù đã từng tham dự nhiều trận đánh chống lại Nguyễn Ánh, lập nhiều công trạng cho Tây Sơn. Dưới tay Trịnh Thất bấy giờ có hơn 200 chiến thuyền, là lực lượng ngoài biển lớn nhất thời ấy và được thăng tới chức Đại tư mã, thống lĩnh toàn bộ lực lượng hải tặc vùng biển Hoa Nam.

Trịnh Nhất – thủ lĩnh đế chế hải tặc Hồng Kỳ Bang mạnh nhất châu Á

Là tướng cướp nổi tiếng từng phục vụ cho nhà Tây Sơn, anh em họ của Trịnh Thất. Trịnh Nhất nguyên danh là Văn Hiển nhưng đương thời thường gọi là Trịnh Nhất hoặc Trịnh Nhất Lang, người huyện Tân An, phủ Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông (tương ứng vùng Thẩm Quyến, Hong Kong ngày nay).

Trịnh Nhất là con của Trịnh Liên Xương, thời trẻ từng cùng với anh họ là Trịnh Thất, thống lĩnh thủ hạ mở rộng địa bàn cướp bóc đến cả vùng vịnh Bắc Bộ. Khi Nguyễn Huệ tiến quân ra Bắc Hà, ông đã chiêu dụ nhiều nhóm hải tặc, phân chia mỗi nhóm một lãnh bàn hoạt động, chỉ đạo các chiến dịch và cho họ nơi trú ẩn. Một trong những căn cứ chính của lực lượng hải tặc dưới sự.

Năm 1801, nhà Tây Sơn suy yếu, Trịnh Thất cùng với Ô Thạch Nhị đưa bộ hạ trở về Trung Quốc, cướp bóc các thuyền buôn ở vùng duyên hải Quảng Đông và vịnh Bắc Bộ. Sau khi lên ngôi, Gia Long kiên quyết trấn áp nạn hải tặc tại đảo Giang Bình để lập lại trị an, đồng thời cũng là một biện pháp tiêu diệt hẳn các tàn dư của Tây Sơn.

Qua nhiều lượt càn quét, căn cứ Giang Bình bị lực lượng thủy quân nhà Nguyễn san phẳng và thủ lĩnh Trịnh Thất cũng bị tiêu diệt. Các nhóm tàn quân còn lại của các nhóm hải tặc phải tháo chạy về Trung Quốc.

Thời kỳ các nhóm hải tặc bất đồng, lâm vào tan rã. (Ảnh: Chinesemartialstudies)

Sau khi trở về Trung Quốc, các nhóm hải tặc lại tiếp tục rơi vào cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng giữa những bang nhóm từng là đồng minh lỏng lẻo với nhau. Trong số 12 thủ lĩnh hải tặc ở vùng duyên hải Lưỡng Quảng, 5 người đã chết trong cuộc tương tranh khốc liệt kéo dài đến tận năm 1805. Còn lại 7 người là Trịnh Nhất, Ô Thạch Nhị, Ngô Trí Thanh, Kim Cổ Dưỡng (Lý Tương Thanh, Lý Thượng Thanh), Trịnh Lão Đồng (Trịnh Lưu Đường), Quách Bà Đới (Quách Học Hiển, Quách Học Hiến), Lương Bảo (Tổng binh Bảo), đồng ý hòa giải, kết thành liên minh hải tặc.

Trong 6 nhóm, Hồng Kỳ bang dưới quyền thủ lĩnh của Trịnh Nhất có thực lực hùng hậu nhất với từ 600 đến 1.000 thuyền lớn, từ 2 vạn đến 4 vạn hải tặc, cùng với nhiều đầu lĩnh trứ danh, trong đó quan trọng nhất là Thạch Dương (Trịnh Nhất tẩu), một cựu kỹ nữ, và là vợ của Trịnh Nhất, và Trương Bảo Tử, con nuôi của Trịnh Nhất. Dưới sự thống lãnh của Trịnh Nhất, hải tặc Hồng Kỳ bang trở thành một đế chế hải tặc, thao túng toàn bộ vùng biển từ phía Nam Trung Quốc sang đến Malaysia.

Ngày 16 tháng 11 năm 1807, năm Gia Khánh thứ 12, Trịnh Nhất đột nhiên tử vong tại vùng duyên hải Việt Nam. Có thuyết cho rằng do Trịnh Nhất âm mưu tấn công vào kinh thành Huế để trả thù cho vua Quang Trung nhà Tây Sơn, bị thủy quân nhà Nguyễn đánh trả trúng đạn mà chết.

Sau khi Trịnh Nhất chết, góa phụ của Trịnh Nhất thâu tóm mọi quyền lực về tay mình và trao chức thống lĩnh Hồng Kỳ bang cho đầu lĩnh Trương Bảo Tử. Đế chế Hồng Kỳ bang tiếp tục phát triển dưới thời của Trịnh Nhất tẩu cho đến khi bà chịu quy phục nhà Thanh vào năm 1810.

Nếu hải quân Tây Sơn tồn tại thêm 1 thời gian… 

Thời Tây Sơn cũng là thời kỳ hoàng kim của hàng hải và hải quân. Các đế quốc biển với năng lực hải quân hùng mạnh từng bước thống trị thế giới. Quốc gia nào có lực lượng hải quân mạnh được coi như làm chúa mặt biển và cũng trở thành cường quốc trên bộ.

Công tước xứ Choiseul, thủ tướng Pháp vào thập niên 1760 đã nói: “Trong tình trạng hiện tại của Âu Châu, thuộc địa và thương mại và nhất là hải quân sẽ quyết định việc cân bằng lực lượng trên đất liền”. Vì vậy với việc xây dựng thành công một quân đội tinh nhuệ có hải quân mạnh mẽ và vũ khí tiên tiến nhất ở châu Á thời đó, nhà Tây Sơn đã làm lệch hẳn cán cân địa chính trị khu vực sang một hướng hoàn toàn có lợi cho đất nước ta.

Vì sao lại nói như thế?

Hãy nghĩ xem, nếu Nguyễn Huệ còn sống thêm 10 năm với một lực lượng như thế ông sẽ thuận lợi thống nhất Việt Nam. Hải quân của ông vốn xuất thân là hải tặc có mạng lưới đóng quân dày đặc khắp biển Đông. Quân nhà Thanh với hải quân lạc hậu coi như đã dâng toàn bộ biển Nam Trung Hoa vào tầm kiểm soát của nhà Tây Sơn.

Không một nước nào trong 10 nước Đông Nam Á dám thách thức quyền thống trị của lực lượng này. Hãy nhìn đế chế hải tặc Hồng Kỳ Bang khuynh đảo châu Á sau này, nên nhớ rằng thủ lãnh của họ đã từng là chiến tướng của Tây Sơn và cách họ chia lãnh địa là cách mà Tây Sơn đã làm.

Với tư tưởng cởi mở và cách mà ông từng làm cho hải tặc, các thương cảng dọc theo bờ biển Việt Nam từ Nam ra Bắc sẽ xuất hiện như nấm vừa nhằm tăng nguồn thu cho hải quân vừa tăng thu nhập cho quốc khố. Các chiến thuyền của Tây Âu sẽ không có cớ để xâm chiếm Việt Nam và cũng không dám thách thức vương triều có kinh tế và quân lực mạnh mẽ như vậy.

Vậy thì bạn thử nói xem ảnh hưởng chính trị của hải quân Tây Sơn có lớn không? Có lẽ chưa đủ lớn để làm cho Việt Nam thành một siêu cường nhưng ít ra cũng sẽ làm tăng vị thế của Việt Nam trong 100 năm sau đó.

Với sức mạnh củ thủy chiến, Quang Trung một thời từng nắm trong tay cả một vùng biển phía nam Trung Hoa. (Ảnh: Chinesemartialstudies)

Lời bàn

Xưa có câu “Thượng binh phạt mưu” nghĩa là nếu mưu lược tốt thì không cần phải động binh cũng chế áp được kẻ địch và giành thắng lợi toàn diện nếu phải xảy ra can qua. Nên nếu nước ta có tầm nhìn đủ tốt để hoàn thiện xây dựng quân đội có hải quân mạnh mẽ thì có thể tranh thủ cho dân tộc nhiều cơ hội để trở mình. Cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm đã từng viết:

“Bích tẩm tiên sơn triệt để thanh,
Cự ngao đới đắc ngọc hồ sinh.
Đáo đầu thạch hữu bổ thiên lực,
Trước cước trào vô quyển địa thanh.
Vạn lý Đông minh quy bả ác,
Ức niên Nam cực điện long bình.
Ngã kim dục triển phù nguy lực,
Vãn khước quan hà cựu đế thành”

Tạm dịch :

Núi tiên biển biếc nước trong xanh
Rùa lớn đội lên non nước thành.
Đầu ngẩng trời dư sức vá đá,
Dầm chân đất sóng vỗ an lành.
Biển Đông vạn dặm giăng tay giữ,
Đất Việt muôn năm vững trị bình,
Chí những phù nguy xin gắng sức,
Cõi bờ xưa cũ tổ tiên mình.

Hai câu thơ: “ Biển Đông vạn dặm giang tay giữ. Nước Việt muôn năm vững trị bình” chính là lời tiên tri thiên tài về vận mệnh nước ta và tầm quan trọng của Biển Đông đối với sự trường cửu và thịnh vượng của toàn dân tộc. Muốn nước Việt muôn đời vững mạnh thì phải làm chủ và bảo vệ huyết mạch quan trọng nhất của Tổ Quốc – Biển Đông.

Vấn đề này đáng tiếc thay mấy trăm năm qua không được các triều đại Việt Nam coi trọng. Nổi bật nhất cũng chỉ có các hải đội Trường Sa Hoàng Sa thô sơ của nhà Nguyễn. Mãi đến thế kỷ 20 chúng ta mới lại có hải quân.Vì vậy khi mà hàng loạt biến cố đau lòng diễn ra ngay trong thời đại chúng ta, khi biển Đông ngày càng trở nên hấp dẫn với các cường quốc và bị tranh nhau xâu xé giữa rất nhiều quốc gia.

Nếu như người Việt có thể sớm xây dựng thành công hải quân của chính mình cùng thời với các nước phương Tây thì có lẽ diện mạo thế giới hiện nay sẽ khác biệt rất nhiều. Điều này càng làm cho người ta nhớ nhiều đến Nguyễn Huệ, người duy nhất đã từng xây dựng được một trong những lực lượng đáng sợ nhất châu Á – hải quân Tây Sơn.

Dù bàn về ông có nhiều quan điểm trái chiều cả khen lẫn chê nhưng ai cũng phải thừa nhận rằng việc ông sử dụng hải tặc để xây dựng thành công hải quân trong một thời gian ngắn là điều rất đáng phục và phải suy ngẫm. Hùm chết để da, người ta chết để tiếng, hậu nhân hãy luôn nhớ câu nói đầy bi tráng và khí phách của ông: “Chờ cho mười mươi năm nữa, để ta gây nuôi cho nước giàu quân mạnh thì ta có sợ gì chúng nó?“.

(Hết)
Tĩnh Thủy