Có bài thơ rằng:
“Sông Đằng một dải dài ghê
Sóng hồng cuồn cuộn tuôn về bể Đông
Những người bất nghĩa tiêu vong
Nghìn thu chỉ có anh hùng lưu danh”
(Bạch Đằng Giang Phú – Trương Hán Siêu)
Lịch sử như dòng sông dài cuốn đi trong lớp sóng của nó bao nhiêu sự tích, chiến công, thành bại của cả một dân tộc. Thế kỷ 21 hiện đại với quá nhiều thú vui và dục vọng, mấy ai còn lưu tâm đến những huy hoàng của quá khứ, những tinh hoa của cổ nhân hay những bài học sâu sắc từ ngàn xưa?
Việt Nam 4.000 năm văn hiến với nhiều triều đại kiệt xuất thấm đẫm văn hóa Phật Đạo Thần đã đem đến cho dải đất xinh đẹp này biết bao nhiêu kỳ tích và truyền kỳ vẫn còn rọi sáng đến tận hôm nay. Chúng tôi tiến hành loạt bài viết về lịch sử Việt Nam mong muốn đem đến cho quý độc giả một góc nhìn mới về sử Việt, chính là ôn cũ biết mới, ngẫm chuyện xưa nhìn chuyện nay, tự đúc rút cho mình những trải nghiệm riêng.
Trong các di sản còn lại của thời phong kiến thì kinh thành Huế là còn nguyên vẹn và tiêu biểu nhất. Kiến trúc của kinh thành chính là thể hiện tầm vóc và sinh khí của cả dân tộc. Hãy cùng bắt đầu chuyến tham quan kinh thành Huế, khám phá đời sống của các đế vương, lần giở lại những trang sử lập quốc của một triều đại phong kiến Việt Nam đã từng rất hùng mạnh.
Xem thêm: Phần 1
Điện Thái Hòa: Con đường tu Đạo trở thành Thánh nhân của Hoàng đế
Trước khi bước vào điện Thái Hòa chúng ta sẽ đi qua một nghi môn bằng đồng ghi các chữ như sau “Chính trực đẳng bình” (mặt ngoài) và “Cư nhân do nghĩa” (mặt trong), là lời nhắc nhở cho vua quan khi tiến vào hoàng cung từ cửa Ngọ Môn, ý nói phải cư xử công chính, bình đẳng và luôn sống trong nhân nghĩa đạo đức. Điều rất đơn giản này rất dễ bị lãng quên khi người ta có được quyền cao chức trọng và sống trong xa hoa, nhung lụa.
Sau đó chúng ta sẽ đi qua một cây cầu gọi là cầu Trung Đạo, đây là lời nhắc nhở rằng khi trị quốc không được đi sang cực đoan, giữ đạo Trung Dung của nhà nho. Chiếc cầu băng ngang qua hồ Thái Dịch, bố trí đăng đối hai bên, tượng trưng cho Âm Dương hài hòa, tô điểm thêm cho ý nghĩa cầu Trung Đạo. Làn nước trong xanh phía dưới mang ý nghĩa là đức hạnh của nhà cầm quyền đem lại nguồn sống trong lành cho dân.
Cầu Trung Đạo nằm trên trục Dũng Đạo là trục thiết kế chính của kinh thành Huế. Tất cả các kiến trúc của kinh thành đều đăng đối dựa trên trục này, thể hiện một tư duy trung dung và hài hòa, vốn là điều người xưa luôn vươn đến. Sống trong một kiến trúc hài hòa và hoàn mỹ về phong thủy như vậy, liệu người ta có thể nào sinh ra tư tưởng cực đoan không?
Đến cuối Cầu Trung Đạo lại có thêm một lời nhắc nhở nữa dành cho vua quan trước khi bước vào điện Thái Hòa. Đó là một nghi môn có gắn 4 chữ lớn nổi “Trung hòa vị dục” ở mặt trong. Trung là gốc của thiên hạ, hoà là đạt đạo của thiên hạ, khi đã đạt được “trung hoà” thì trời đất yên ổn, vạn vật sinh sôi. Câu này phù hợp với ý nghĩa của chữ “Thái Hoà” ở quẻ Càn trong Kinh Dịch.
Ở mặt ngoài nghi môn là dòng chữ “Chính đại quang minh”. Hai câu này chính là tổng kết và nhắc nhở thêm một lần nữa về tầm quan trọng của việc thi hành chính sách chính trị đặt trọng tâm ở chữ Hòa và phải luôn minh bạch, chính trực như ánh Mặt Trời, làm gương cho muôn dân.
Băng qua sân Đại Triều Nghi là đến điện Thái Hòa, là tòa cung điện đẹp và nguy nga nhất hoàng cung. Đây là nơi đăng quang của Hoàng đế, nơi thiết triều nên cũng là trung tâm của hoàng thành và trung tâm quyền lực của cả quốc gia.
Bước vào trong nội điện là ngai vàng lấp lánh đặt trên sập ngự với bửu tán che trên đầu vua. Ta có thể dễ dàng thấy hàng trăm bài thơ chữ Hán và các bức tranh đan xen với nhau theo lối Nhất Thi Nhất Họa. Nội dung các bài thơ chính là mang ý nghĩa cát tường, ca ngợi đất nước văn hiến, hùng cường, ca ngợi non sông gấm vóc, ca ngợi triều Nguyễn với công lao to lớn thống nhất giang sơn, mở rộng bờ cõi, ca ngợi triều đại thịnh trị. và mong muốn quân vương trị vì tạo nên hòa bình thịnh thế. Ví dụ:
Văn hiến thiên niên quốc
Xa thư vạn lý đồ
Hồng Bàng khai tịch hậu
Nam phục nhất Đường Ngu
Dịch:
Nước ngàn năm văn hiến
Cơ đồ muôn dặm xa
Từ Hồng Bàng mở cõi
Trời nam một sơn hà
Tên điện Thái Hòa bắt nguồn từ Quẻ Thuần Càn trong Kinh Dịch. Quẻ này tượng trưng cho Thiên Đạo và cũng ám chỉ nhà vua. Quẻ Càn này có 4 đặc điểm là Nguyên, Hanh, Lợi, Trinh mang ý nghĩa cát tường như sau:
- Nguyên là nguyên thủy, căn do, gốc gác.
- Hanh là biến hoá, trường thịnh, hanh thông.
- Lợi là thoải mái, ích lợi.
- Trinh là thành đạt, bền vững, vĩnh cửu.
4 chữ này chính là để mô tả bốn giai đoạn tuần hoàn của Thiên Đạo thể hiện trong vạn vật, cũng chính là quy tắc mà đế vương phải biết để điều chỉnh sự cai trị của mình cho phù hợp:
Nguyên (Đại tại càn nguyên, vạn vật tư thỉ, nải thống thiên). Đạo trời là căn nguyên sinh ra, làm cho vạn vật phát triển. Quốc gia bách tính cũng như vậy. Đều do từ Đạo lớn mà vận hành.
Hanh (Vân hành vũ hí, phẩm vật lưu hình. Đại minh chung thỉ, lục vị thì thành, thì thừa lục long, dĩ ngự thiên). Nhờ căn nguyên ấy, nhờ nguồn sống vô biên ấy, vạn vật trở nên lớn mạnh, phát huy được mọi tiềm năng, tiềm lực. Nên đạo trị quốc chính là làm cho chính sự thông suốt, đơn giản tự nhiên mà hiệu quả, giảm bớt gánh nặng của dân mới là thuận theo đạo mà đạt được hanh thông vậy. Người cai trị không phải ở chỗ tích lũy mà ở chỗ làm cho đạo Trời tuần hoàn không bế tắc. Ý là nói vua phải luôn luôn tu thân sửa mình.
Lợi Trinh (Càn đạo biến hóa, các chính tính mệnh, bảo hợp thái hòa, nãi lợi trinh. Thủ xuất thứ vạt, vạn quốc hoàn minh). Phát triển theo Đạo, thuận tự nhiên nên nhờ vậy mà luôn thuận lợi nhẹ nhàng. Chính sự hanh thông từ đạo đức và thiện tâm của nhà vua khi thi hành Thiên Đạo tất sẽ tự nhiên đem đến cái lợi cho sự cai trị chứ không phải dùng công cụ hình pháp hay các biện pháp vơ vét khác.
Lợi ở đây chính là lợi cho quốc gia, lợi cho bách tính thì tự nhiên vua sẽ được lợi. Thánh nhân trị vì chính là lấy cái lợi ích của bá tánh đặt trước lợi ích của bản thân mà được cái lợi lâu dài vĩnh viễn thịnh trị cho quốc gia cùa mình, đó là chữ Lợi. Sau khi thi hành Thiên Đạo trong cai trị một cách hoàn hảo nhất, cuối cùng nhà vua sẽ đi đến chỗ thành tựu, đến chỗ hoàn thiện, trở thành Thánh nhân lưu lại công nghiệp thiên cổ, đó là chữ Trinh.
Như vậy chỉ dùng bốn chữ Nguyên, Hanh, Lợi, Trinh mà vẽ được tất cả vòng biến thiên, tiến hoá của Trời Đất, từ lúc manh nha (Nguyên) cho đến lúc kết quả (Trinh) hay cũng chính là 1 quy trình cai trị quốc gia từ lúc lên ngôi cho đến lúc băng hà. Nguyên, Hanh, Lợi, Trinh ứng vào bốn mùa là Xuân, Hạ, Thu, Đông, và ứng vào tiết tấu biến dịch là: Sinh, Trưởng, Liễm, Tàng. Là bài học lớn mà bất kỳ ông vua nào cũng phải ráng thực hành suốt cả đời mình để đạt được 4 chữ này.
Tóm lại, ý nghĩa của Điện Thái Hòa là thể hiện bài học về trị vì thiên hạ theo Đạo Trời. Thánh đế trị vì thiên hạ chính là người đã giác ngộ được cái căn nguyên của Đạo Trời nơi lòng mình (Nguyên), nên sẽ dùng quốc gia, thời gian, chính sách làm môi trường để tu luyện, để phát huy mọi khả năng biến hóa của Thiên Đạo nơi tự thân (Hanh), để đạt tới đỉnh cao lợi ích cho toàn dân (Lợi), để giáo hóa dân chúng đến tận thiện, làm cho mọi người sống trong cảnh thái bình, an lạc và để lại công nghiệp muôn đời (Trinh).
Tử Cấm Thành: Nơi tu dưỡng đạo đức và tinh thần trong đời sống cá nhân của Hoàng đế
Từ điện Thái Hòa ra phía sau sẽ đến Đại Cung Môn, chính là cửa lớn để ra vào Tử Cấm Thành. Đây là nơi ở chính thức của vua, hoàng hậu và các cung tần trong tam cung lục viện. Ví lý do đó nên từ kiến trúc đến tên gọi của các cung điện ở đây luôn được thiết kế với chuẩn mực cao nhất.
Tử Cấm Thành nghĩa là thành cấm màu tía. Theo nghĩa Hán tự, chữ Tử có nghĩa là màu tím, lấy ý theo thần thoại: Tử Vi Viên ở trên trời là nơi ở của Trời, Vua là con Trời nên nơi ở của Vua cũng gọi là Tử. Cấm Thành là khu thành cấm màu tím cấm dân thường ra vào.
Nói cách khác thì kiến trúc Tử Cấm Thành chính là thể hiện mở rộng của Quẻ Càn (tượng trưng vua và Trời) dùng trong điện Thái Hòa. Một cách tổng quan, ta sẽ thấy kiến trúc này khiến cho người sống bên trong nó phải sống tuân theo một chuẩn mực đạo đức khắt khe chưa từng có. Thực chất làm vua phong kiến không đơn giản như mọi người vẫn tưởng.
Cần Chánh Điện: Tinh thần làm việc vì dân vì nước
Qua Đại Cung Môn ta sẽ thấy hai bên 2 tòa nhà Tả Vu và Hữu Vu dành cho quan văn võ chuẩn bị triều phục trước khi vào chầu vua ở điện Cần Chánh. Hai tòa nhà này chính là ứng vào hai ngôi sao Tả Phù và Hữu Bật vốn là trợ thủ đắc lực của Tử Vi trên trời. Chái bắc Tả Từ Vu là viện Cơ Mật, chái nam là phòng Nội Các, nơi đây tập trung phiến tấu của các Bộ, Nha trình vua ngự lãm.
Vì sao lại chia ra văn võ 2 ban như vậy? Chính là trị quốc cần làm tốt 2 mặt cứng mềm, văn võ phải song toàn chứ không thiên lệch bên nào cả. Làm vua càng phải rèn luyện binh pháp thao lược cũng như trau dồi văn tài mới có thể cầm cương quần thần hiệu quả.
Sau hai tòa Tả Hữu Vu sẽ đến điện Cần Chánh, là nơi làm việc và sinh hoạt ăn uống chính của nhà vua. Cần Chánh mang nghĩa là làm vua phải siêng năng với công việc cai trị của mình, phải cần chánh thì mới quản được Tả Hữu Vu kia. Hãy xem lịch làm việc 1 ngày của vua như thế nào thì gọi là “cần chánh”.
Trong: Một chuyến du hành đến xứ Nam Hà (1792-1793), John Barrow viết về một ngày của Gia Long như sau:
“Để cho phép mình tham dự một cách tốt hơn vào các vấn đề của chính quyền, cuộc sống của ông được điều phối bằng một kế hoạch không đổi. Vào 6 giờ sáng ông trở dậy và đi tắm nước lạnh. Vào 7 giờ sáng ông gặp các quan. Tất cả các lá thư đã nhận được ngày hôm qua được đọc, và lệnh của ông được các thư ký ghi chép lại.
Sau đó ông đến xưởng vũ khí hải quân, kiểm tra các công việc được thực hiện trong thời gian ông vắng mặt, đi thuyền chèo quanh cảng, kiểm tra các tàu chiến. Ông đặc biệt chú tâm đến ban hậu cần. Và trong xưởng đúc, được dựng trong khu xưởng vũ khí, đại bác được đúc theo mọi kích cỡ.
Đến 12 giờ hoặc 1 giờ, ông ăn sáng trong sân cảng, gồm có một ít cơm và cá khô. Đến 2 giờ, ông về phòng và ngủ đến 5 giờ. Đến lúc ấy ông trở dậy, gặp mặt các sỹ quan thủy quân và quân đội, những người đứng đầu tòa án hoặc phòng ban công cộng, và thông qua, loại bỏ, hoặc sửa đổi những gì họ đề xuất. Những công việc này thường sẽ đòi hỏi ông phải làm việc đến nửa đêm. Sau đó ông về phòng riêng để ghi chép và lập biên bản những việc đã xảy ra trong ngày. Sau đó ông ăn tối nhẹ, dành một tiếng đồng hồ với gia đình, và về giường lúc hai đến ba giờ sáng; như vậy, ông ngủ làm hai đợt, khoảng sáu tiếng trên hai mươi bốn tiếng.
Ông không dùng rượu Trung Quốc, hoặc bất kỳ loại rượu chưng cất nào, và chỉ cần rất ít thịt là đủ rồi. Một ít cá, cơm, rau và hoa quả, với trà và bánh ngọt, là những món ăn chính trong thực đơn của ông… Thân hình ông cỡ trung bình; diện mạo cân đối và dễ gần; da hung đỏ, rất rám nắng do liên tục tiếp xúc với thời tiết. Đến thời điểm này (1806), ông mới vừa bước sang tuổi năm mươi”.
Tử Cấm Thành đã coi như là nơi riêng tư để Hoàng đế sinh hoạt. Thế nhưng sinh hoạt đó lại phải xoay quanh việc chính là thiết triều để xử lý công việc nên điện Cần Chánh mới được thiết kế ở vị trí đầu tiên ngay khi bước vào Đại Nội. Điều đó cũng nói lên rằng ưu tiên lớn nhất của việc làm vua chính là chính sự.
Làm vua chính là gánh vác mối lo của trăm họ nên ngay cả nơi ngủ nghỉ cũng phải ưu tiên cho công việc rồi sau đó mới đến giải trí cá nhân. Thế mới đúng là: “Lo trước nỗi lo thiên hạ, vui sau niềm vui thiên hạ”. Chỉ khi làm được vậy mới có thể khiến cho triều đại của mình được Nguyên Hanh Lợi Trinh và đạt đến Thái Hòa.
Nói trên khía cạnh phong thủy và Dịch học thì thiết kế Cấm Thành với Cần Chánh điện chính là theo nguyên tắc “Dương trưởng âm tiêu”, khiến cho tinh thần Hoàng đế hăng hái làm việc, nhân cách hướng thượng sinh ra Dương khí mạnh mẽ để cân bằng lại khí Âm mạnh mẽ của sự vui chơi hưởng lạc ở Tam Cung Lục Viện ngay đằng sau. Điều đó sẽ khiến nơi ở của nhà vua đạt đến sự hài hòa, khiến cho mọi chuyện cát tường.
Cung Càn Thanh và Khôn Thái: Duy hộ đạo đức nội cung, hạn chế ăn chơi hưởng lạc:
Có câu “Vạn ác dâm vi thủ”, ý nói tham đắm nữ sắc dâm dục là điều cấm kỵ của toàn xã hội, không phân biệt vua chúa hay dân chúng. Chính vì lẽ đó, các bậc vua sáng nghiệp luôn rất lo lắng về chuyện con cháu mình ăn chơi hưởng lạc, sa đọa trong nhục dục mà để mất nước. Vậy nên khi xây dựng Tam Cung Lục Viện, các Hoàng đế đã rất chú ý vấn đề này, luôn để lại những lời nhắc nhở cho hậu nhân.
Do đó sau điện Cần Chánh, chúng ta sẽ bàn đến 2 cung điện Càn Thanh và Khôn Thái. Đây là 2 cung điện dành cho vua và hoàng hậu ngủ nghỉ.
Điện Càn Thanh trước năm 1811 gọi là điện Trung Hòa (trong câu “Trung hòa vị dục”) là nơi vua ở, trước điện có cái sân rộng, ao sen và bức bình phong chắn điện Càn Thanh và điện Cần Chánh. Điện nằm ngay trung tâm Tử Cấm Thành đặt trên nền cao 2 thước 3 tấc (gần 1m), được làm theo lối trùng thiềm điệp ốc gồm 3 tòa nhà ghép nối với nhau, chính điện 7 gian 2 chái kép, tiền điện và hậu điện đều 9 gian 2 chái đơn, nối với nhau bằng hai trần vỏ cua đỡ hai máng nước bằng đồng dài 50m, mái lợp ngói lưu ly vàng và lắp cửa kính. Hành lang vòng hai bên điện nối với điện Cần Chánh ở phía Nam và điện Cao Minh Trung Chính ở phía Bắc, hành lang bên hữu nối ra cung Diên Thọ.
Càn Thanh có nghĩa là bầu trời sáng đẹp trong xanh, chính là mang ý nghĩa mong cho tâm tư Hoàng đế lúc nào cũng sáng suốt và phẳng lặng như trời xanh. Điểm quan trọng nhất khi Thiên tử sinh hoạt ngủ nghỉ chính là phải làm sao đạt được trạng thái thân tâm thuần tịnh, hài hòa để có thể chiêm nghiệm và hiểu thêm đạo Trời.
Điều này nghe có vẻ khó hiểu với các lãnh đạo hiện nay nhưng Hoàng đế thời xưa chính là luôn mong muốn bản thân tu hành đắc Đạo ngay trong lúc làm vua hay ít ra phải đạt được lối sống của một người tu hành nơi trần thế. Bởi vì chỉ có trong tâm thái thanh tịnh của cuộc sống đó thì nhà vua mới có thể trị vì tốt quốc gia của mình mà lập nên công nghiệp lưu danh thiên cổ. Hãy xem câu chuyện cầu Đạo của Hoàng Đế Hiên Viên:
“Lần này Hoàng Đế đơn độc một mình, yên lặng đi lên núi Không Động. Lúc này Hoàng Đế đã học được cung cách khiêm tốn, trên đường đi gặp được một vị trưởng giả (tức là tiên ông Xích Tùng Tử). Xích Tùng Tử chỉ điểm cho Hoàng Đế rằng: “Tiên và phàm là không có biên giới, chỉ phân biệt ở trong tâm. Nếu không quản ngại lê bước trên đầu gối, thì lòng thành đó sẽ mở ra cả trăm cửa”.
Trên đường đi, Hoàng Đế không ngừng suy nghĩ ý nghĩa của câu nói này. Đến khi đôi giầy của ông đã hoàn toàn mòn quẹt rách rưới, và bàn chân đau đến độ không thể đi bộ nổi nữa, ông đột nhiên tỉnh ngộ, quyết tâm đi tới núi Không Động bằng đầu gối. Đá và cát sỏi giống như dao cắt, cứa đầu gối của ông đến chảy máu. Máu của ông nhuộm đỏ cả đá trên đường đi.
Quảng Thành Tử đã sớm biết sự việc Hoàng Đế lại đến cầu Đạo. Lòng thành và ý chí kiên trì của Hoàng Đế đã làm tiên ông Quảng Thành Tử cảm động. Lúc Hoàng Đế bò đến dưới chân núi Không Động, Quảng Thành Tử lập tức phái một con rồng vàng xuống chở ông lên núi. Sau đó Quảng Thành Tử đã truyền Đạo cho Hoàng Đế. Khi Hoàng Đế trở về nước, cứ y theo con đường mà tiên ông Quảng Thành Tử dạy bảo, yên lặng tu dưỡng thân tâm. Khi Hoàng Đế được 120 tuổi thì ông cưỡi rồng bay lên Trời giữa ban ngày”.
Gần hơn nữa thì chính triều đại Nhà Trần có Trần Nhân Tông là vị vua của vương triều kính Phật số một Việt Nam, đã tu hành đắc Đạo, lập nên Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Nước Đại Việt dưới thời ông đã đánh bại quân thù hùng mạnh nhất thế giới, trở nên hùng cường nhất trong lịch sử.
Vì trí huệ chỉ phát sinh trong lúc tĩnh lặng nhất hay trong trạng thái thiền định nên kiến trúc của cung Càn Thanh cao to đẹp đẽ mà lại đơn giản thanh thoát khi phía trước chỉ có một sân rộng, bình phong và hồ nước nhỏ. Tất cả đều thiết kế với mục đích không làm xao nhãng sự tĩnh tâm của Thiên tử.
Sau lưng điện Càn Thanh là cung Khôn Thái, nơi ở của Hoàng Quý Phi (nhà Nguyễn không lập Hoàng Hậu). Khôn Thái tức là mặt đất tươi đẹp, tên này lấy từ quẻ Địa Thiên Thái trong Kinh Dịch. Nó gồm sự kết hợp của quẻ Càn và quẻ Khôn, chính là tượng trời đất giao hòa, âm dương phối triển sản sinh vạn vật. Nó cũng như sự hòa hợp của vua và vợ, cần phải có đức dày, ổn trọng và nuôi dưỡng nguồn sống của vạn vật và sinh ra người kế tục cho hoàng triều.
Điện chính của cung Khôn Thái là Cao Minh Trung Chính, chính là biểu dương cho đức hạnh của Hoàng quý phi giống như mặt trăng đêm rằm cao vời, sáng tỏ, tròn đầy ngay chính để xứng là bậc mẫu nghi thiên hạ.
Các cung điện khác của các phi tần còn lại gồm có viện Thuận Huy, là chỗ ở các bà Tân. Phía tây viện Thuận Huy là viện Đoan Huy, Đoan Thuận, Đoan Hoà, Đoan Trang và Đoan trường, là chỗ ở của các bậc Tiệp dư, Tài nhân, Mỹ nhân, Quý nhân cùng những tài nhân vị nhập giai, các viện trên gọi là “lục viện”.
Tên gọi các viện đều lấy chữ Đoan trong Đoan Chánh, nguồn gốc từ câu của Trang Tử: “Đoan chánh nhi bất tri dĩ vi nghĩa, tương ái nhi bất tri dĩ vi nhân”. Ý tứ là ngay thẳng mà không biết thế nào là nghĩa, thương yêu mà không biết thế nào là nhân. Hàm ý là các phi tần còn lại phải sống đạo đức ngay chính, hạn chế việc câu dẫn Hoàng Đế bằng nhan sắc. Quả thật là suốt 9 đời chúa 13 đời vua Nguyễn không hề có một ông vua nào bị hủy hoại bởi tham đắm nữ sắc cả.
Cung Diên Thọ và Trường Sanh: Nêu cao Đạo Hiếu, đề cao luân lý, làm gương cho dân:
Có câu: “Bách thiện hiếu vi tiên“. Hiếu đễ chính là quy chuẩn đạo đức quan trọng nhất mà vậc đế vương đạt đạo ắt phải luôn nghiêm cẩn tuân theo. Chính vì thế nên Cung Càn Thanh có một trường lang dẫn thẳng đến cung Diên Thọ và Trường Sanh, nơi ở của Thái hậu. Mục đích là để nhà vua có thể thuận tiện đến vấn an Thái hậu bất cứ lúc nào, thể hiện lòng hiếu thuận.
Xét theo phong thủy lý số thì Ngũ hành của mẹ chính là sinh vượng cho con trai. Nhà vua ở gần mẹ để nghe lời chỉ dạy cũng như thấm nhuần đạo đức của mẹ mình mà cai trị ngày càng tốt hơn.
Cung Diên Thọ gồm có Diên Thọ chính điện, điện Thọ Ninh, lầu Tịnh Minh, tạ Trường Du, các Khang Ninh. Các công trình này được nối kết với nhau bằng hệ thống hành lang có mái che.
Tên các cung điện nói lên sự cầu chúc cho Thái hậu được trường thọ và khỏe mạnh (Diên Thọ, Thọ Ninh, Khang Ninh). Sự trường thọ và khỏe mạnh này chính là đảm bảo cho phúc đức nhà vua được lâu dài vậy. Bản thân nhà vua cũng không dám và sẽ không bao giờ lỗi đạo Hiếu. Tất cả các vua chúa nhà Nguyễn các đời đều là những người con rất có hiếu vậy. Vua Tự Đức khi xây lại cung cho mẹ mình đã dụ như sau:
“Từ trước đế vương hiếu thờ cha mẹ, trong có phòng nghỉ, ngoài có cung triều, lễ rất tôn nghiêm, phép rất lớn lao. Trẫm lấy thân nhỏ mọn, được nối nghiệp lớn, thực là nghĩ đức tính hiếu từ, phép dạy phải nghĩa của Thánh mẫu nên đến được như thế”.
(Còn nữa)
Tĩnh Thủy