Ở Long Trung, Khổng Minh còn lưu luyến cảnh quê mùa, dặn em trai “lúc thành công anh lại quay về”. Ở Bạch Đế, Khổng Minh rồi đây là “cúc cung tận tuỵ đến chết mới thôi”…
Tiếp theo Kỳ 1
Phủ Thừa tướng, một đêm mùa hạ
Khổng Minh cứ trở mình trằn trọc mãi không ngủ được, bèn dậy thắp đèn, ngồi soạn mấy thiên binh pháp còn dở. Đêm đã về khuya nhưng vẫn nồng nực, tiết trời đang vào độ nóng nhất. Bỗng lính canh vào báo có tham quân Mã Lương đến yết kiến. Khổng Minh sai người mở cửa phủ, từ đằng xa đã thấy Mã Lương tất tả chạy vào:
– Bẩm Thừa tướng! Quân ta đóng doanh liên tiếp bảy trăm dặm, cứ mười dặm lại lập một đồn, tổng cộng là bốn mươi đồn. Hoàng thượng sai tôi mang địa đồ doanh trại về thỉnh ý ngài.
Khổng Minh đang ngồi soạn binh thư đứng phắt dậy, đến bên Mã Lương cầm lấy tấm địa đồ vừa soi đèn vừa giậm chân kêu:
– Trời ơi! Ai xui hoàng thượng lập trại thế này ắt phải chém đi, chắc chắn đó là gian tế. Phép dùng binh đâu có chuyện cắm trại dài bảy trăm dặm bao giờ. Khí trời đang nực, quân ta đóng toàn ở chỗ nhiều cây cỏ khô nỏ, lỡ quân Ngô đánh hoả công thì đại sự chẳng hỏng ráo sao!
Mã Lương ngập ngừng đáp:
– Bẩm Thừa tướng! Đó là chủ ý của bệ hạ…
Khổng Minh nghe vậy, thở dài một tiếng, lắc đầu mấy lần, trầm ngâm chẳng nói, bước ra ngoài sân nhìn lên bầu trời đầy sao mà than:
– Chẳng lẽ khí số nhà Hán đã tận rồi sao…
Chiến trường Di Lăng
Gió đông nam bắt đầu thổi lớn. Lá soái kỳ trong đại trại đột nhiên gãy đổ. Lưu Bị nghi quân Ngô cướp trại ban đêm, sai Quan Hưng, Trương Bào đi tuần các nơi. Giữa canh một, gió thổi ngày một lớn, lửa cháy ở trại bên trái ngự dinh, từ đó lan ra các trại khác. Gió mạnh lửa hồng, cây cỏ khô bắt lửa rất nhanh, quân Thục không thể dập nổi.
Lưu Bị đang nghỉ trong trướng, thấy quân sĩ hô hào cứu hoả, giật mình ra ngoài quan sát. Chỉ thấy một vùng trời đỏ rực như lò than hồng, tiếng người hô hoán dậy đất, binh sĩ giẫm đạp lên nhau mà chạy, chết không biết bao nhiêu.
Quân Ngô trước sau hai mặt xộc tới, không biết nhiều ít thế nào. Thục quân vỡ trận. Quân lính thây chất đầy đồng, nghẽn cả dòng sông. Xích Bích năm nào tái hiện. Lưu Bị kíp lên ngựa, dẫn theo vài chục tên kỵ mã mở đường máu chạy suốt đêm về thành Bạch Đế.
Thành Bạch Đế
Lưu Bị thua trận ở Di Lăng, trên đường rút chạy mấy lần chết hụt, nguyên khí hao tổn, đành phải ở lại Bạch Đế dưỡng bệnh. Thất bại ở Di Lăng lần này, với họ Lưu, là một đòn chí mạng. Xét tình riêng, ông không thể trả thù được cho nghĩa đệ Quan Vũ. Xét việc công, ông không thể tái chiếm được Kinh Châu để mở con đường lớn vào Trung Nguyên. Long Trung đối sách mà Khổng Minh vạch ra sẽ mãi mãi không thể thực hiện được nữa. Giấc mộng khôi phục Trung Nguyên, trùng hưng Hán thất của Lưu Bị ngày càng xa vời…
Tâm bệnh ngày càng nặng, Lưu Bị biết khó lòng qua khỏi, bèn cho triệu Gia Cát Lượng từ Thành Đô tới gấp. Đêm ấy, Thừa tướng đến cung Vĩnh An thấy văn võ bá quan đều đang xôn xao đi lại ở ngoài cửa. Thấy Khổng Minh tới, ai nấy đều ra đón lễ, nói:
– Bệ hạ nguy lắm rồi! Thừa tướng hãy mau vào trong, bệ hạ đang đợi.
Khổng Minh lật đật bước vào, thấy tiên chủ nằm trên long sàng, mắt nhắm nghiền, thở hắt ra từng tiếng, bệnh đã nguy lắm rồi. Khổng Minh vội phủ phục dưới long sàng. Tiên chủ hé mắt nhìn, giơ tay lên vẫy Khổng Minh tới ngồi cạnh sập vàng, vỗ vỗ vào lưng mà rằng:
– Trẫm bôn ba hơn nửa đời người, may gặp được Thừa tướng mới thành đế nghiệp ngày nay. Không ngờ nông cạn, không nghe lời can, đến nỗi thảm bại thế này. Trẫm nay bệnh đã vào xương tuỷ, chưa biết sống chết ra sao. Con trẫm ngu hèn, vậy nay trẫm đem việc lớn uỷ thác cho Thừa tướng.
Nói xong, tiên chủ cầm chặt lấy tay Khổng Minh, hai hàng nước mắt ròng ròng. Khổng Minh cũng sa nước mắt mà nói rằng:
– Bệ hạ vạn thọ vô cương, xin hãy tĩnh dưỡng long thể. Chúng thần dẫu gan óc lầy đất cũng không thể báo đền ơn tri ngộ.
Tiên chủ thở dài nói:
– Con chim sắp chết, tiếng kêu bi thương, con người sắp chết thì lời nói phải. Thừa tướng tài gấp mười Tào Phi tất yên định được thiên hạ, làm nên việc lớn. Con trẫm Lưu Thiện tư chất kém cỏi, có thể giúp được thì giúp, nhược bằng không thì ngươi nên làm chủ Thành Đô đi!
Khổng Minh nghe xong rụng rời, mồ hôi toát ra đầm đìa khắp mình, vội phục lạy dưới đất dập đầu chảy cả máu, khóc lớn:
– Thần nguyện ra sức khuyển mã, dốc niềm trung trinh, cúc cung tận tuỵ đến chết mới thôi!
Tiên chủ khẽ gật đầu, lại sai người đỡ nằm xuống gọi mấy anh em Lưu Vĩnh, Lưu Lý đến nói:
– Khi ta mất rồi, ba anh em chúng mày phải coi Thừa tướng như cha, sớm tối phải nghe lời dạy bảo, không được khinh nhờn!
Nói xong tiên chủ thở hắt ra mấy tiếng, rồi thấy tinh thần mê man, trong người bải hoải, băng hà, thọ sáu mươi ba tuổi. Bấy giờ là vào mùa hạ, tháng tư năm Chương Vũ thứ ba (tức năm 222).
***
Khúc ca bi tráng ở thành Bạch Đế khiến người đời sau nhắc đến mà sởn da gà. Nhưng người đời vốn thói đa nghi, lại có bao kẻ dựa vào một câu nói của Lưu Bị mà dựng thuyết âm mưu, hạ thấp nghĩa quân thần của Hoàng thúc và Thừa tướng. Người ta nói rằng Lưu Bị dặn Khổng Minh giúp con mình được thì giúp, không thì hãy lên làm chủ Thành Đô chính là thử lòng, là nghi ngờ, thậm chí là… “dằn mặt”. Nhưng ấy chỉ là tư duy nhỏ nhen, vụ lợi, trọng lợi khinh nghĩa vốn đã biến dị ngày càng ghê gớm của con người hiện đại mà thôi. Tư duy của người xưa, cách hành xử và sự hàm dưỡng của người xưa không thể dùng chuẩn mực của thức đạo đức đã quá thấp kém thời hiện đại mà đánh giá được.
Thực ra, câu nói của Lưu Bị trước sau đều là nghĩ cho người khác, đều là chân tình thành thật, tuyệt không có chút ý hư tình giả nào. Một người đã từng cất công ba lần đội tuyết băng rừng đến tận lều cỏ nơi thôn dã cầu hiền, liệu có thể hành xử nhỏ mọn như vậy chăng? Một người lấy nhân nghĩa làm gốc dựng nghiệp đế vương, liệu có thể dùng thủ đoạn gian manh như vậy chăng? Ta hãy thử tĩnh tâm lại và phân tích một chút.
Thứ nhất, Lưu Bị trước sau đều tuyệt đối tin tưởng Gia Cát Lượng, nhiều lần giao hết ấn soái, binh quyền vào tay mà không mảy may nghi ngờ. Cớ sao đến lúc sắp lìa đời, ông lại cần phải thử lòng trung thần của mình? Chuyện đó xem ra hơi thừa thãi. Và nếu có muốn thử lòng thật thì chắc Lưu Bị cũng đủ khôn ngoan để chọn một thời điểm khác chứ không phải là lúc mình đang hấp hối.
Thứ hai, Gia Cát Lượng theo Lưu Bị nam chinh bắc chiến, lập nhiều công trạng, xứng đáng được nhận ân huệ thậm chí còn lớn hơn chức Thừa tướng. Lưu Bị nhấn mạnh việc Gia Cát Lượng có thể “làm chủ Thành Đô” âu cũng lại là một lần khẳng định tài năng, phẩm giá của vị quân sư này. Điều đó nói lên rằng, với Gia Cát Lượng, Lưu Bị không tiếc một thứ gì, kể cả là cơ nghiệp mình đã đổ máu để gây dựng. Lòng tin ấy, sự trọng vọng ấy lớn đến mức nào? Trước nay có Hoàng đế nào đãi ngộ thần tử của mình đến thế? Tất nhiên chúng ta biết và Lưu Bị cũng biết, Gia Cát Lượng chắc chắn sẽ không ngồi lên ngai vàng. Lời nói ấy của Lưu Bị chỉ càng khiến Gia Cát Lượng một mực trung thành hơn mà thôi!
Thứ ba, hơn ai hết Lưu Bị hiểu rằng người thừa kế của mình không đủ khả năng để trở thành thánh quân, thậm chí chưa chắc đã biết cách tận dụng tài năng của Gia Cát Lượng. Lưu Bị nói ra câu này trước mặt tất cả quần thần chính là khẳng định địa vị số một của Gia Cát Lượng ở Thục quốc, dưới một người trên vạn người. Đó cũng là lời nhắc nhở đối với Lưu Thiện con trai ông: “Hãy làm một vị vua tốt nếu không sẽ có người khác làm thay”. Lời nói của tiên hoàng đối với người kế vị dường như là lời của thánh nhân, nhất định phải tuân theo. Lưu Bị chính là nghĩ cho Lưu Thiện và cũng nghĩ cho Gia Cát Lượng vậy.
***
Cố sự “Bạch Đế gửi con côi” đã quá nổi tiếng trong lịch sử, mấy trăm năm qua rồi, người ta vẫn còn tái hiện nó trên phim ảnh, văn chương, sân khấu… Người ta nói rằng, cuộc gặp gỡ ở thành Bạch Đế này đã khiến Lưu Bị và Gia Cát Lượng trở thành hình tượng “đệ nhất quân thần” vĩ đại trong sử xanh, là tấm gương nghìn đời. Cuộc gặp ở Bạch Đế lại khiến người ta liên tưởng tới một cuộc gặp khác cách đó nhiều năm: ba lượt đến lều cỏ ở Long Trung.
Cuộc gặp đầu tiên diễn ra lúc Lưu Bị còn thuở hàn vi, tay không tấc đất, thất bại liên miên, luồn cúi chư hầu xin miếng cơm manh áo. Cuộc gặp thứ hai diễn ra lúc Lưu Bị đã là Hoàng đế, chia thế chân vạc thiên hạ. Nhưng cuộc gặp sau cơ chừng lại buồn thảm hơn cuộc trước.
Ở Long Trung, Lưu Bị cầu được hiền tài, phơi phới niềm tin hưng phục nhà Hán. Ở Bạch Đế, Lưu Bị sức cùng lực tận, nuốt nước mắt gửi con côi, vừa thua Di Lăng, bệnh tình nguy kịch, vừa mất Kinh Châu, lại mất cả hai nghĩa đệ Trương Phi, Quan Vũ.
Ở Long Trung, Gia Cát Lượng tự tin hiến kế thâu tóm thiên hạ. Ở Bạch Đế, Gia Cát Lượng cảm thấy áp lực đè nặng lên vai, giữ được nước Thục đã là hồng phúc.
Ở Long Trung là Lưu Bị quỳ trước Khổng Minh. Ở Bạch Đế là Khổng Minh phủ phục trước Lưu Bị đang trăn trối.
Ở Long Trung là khởi nghiệp. Ở Bạch Đế là khủng hoảng.
Ở Long Trung là ngày đông tuyết lạnh. Ở Bạch Đế là mùa hè nắng thiêu.
Ở Long Trung là tương ngộ buổi ban đầu. Ở Bạch Đế là chia lìa sinh ly tử biệt.
Ở Long Trung, Khổng Minh còn lưu luyến cảnh quê mùa, dặn em trai “lúc thành công anh lại quay về”. Ở Bạch Đế, Khổng Minh rồi đây là “cúc cung tận tuỵ đến chết mới thôi”…
Muốn biết Gia Cát Lượng đã “cúc cung tận tuỵ đến chết mới thôi” ra sao, mời quý độc giả theo dõi tiếp kỳ sau…
* Bài viết phóng tác theo “Tam Quốc diễn nghĩa” và một số tư liệu khác