Lời toà soạn: Các dân tộc Á Đông có một nền văn minh vô cùng xán lạn. Lịch sử Á Đông nói chung, trong đó có Trung Quốc và Việt Nam, rất hào hùng, tràn đầy khí chất. Lịch sử 5000 năm văn minh, văn hoá của Á Đông là cả một kho tàng vô giá cho hậu thế. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của những quan niệm mới có phần thiên kiến, lệch lạc, lịch sử ấy đã bị cải biên và nguỵ tạo nhiều. Với mong muốn phục hưng lại nền văn minh vĩ đại cũng như những truyền thống đạo đức quý báu của người Á Đông, chúng tôi tiến hành loạt bài về lịch sử Việt Nam, Trung Hoa… gửi đến quý độc giả, ngõ hầu phá giải được những quan niệm sai lệch hiện nay.
Là mảnh đất “địa linh nhân kiệt”, cổ sử nước Việt đã sản sinh ra nhiều dũng tướng nổi tiếng, lưu danh thiên cổ, được hậu nhân nghìn đời ca tụng. Dù con sóng của dòng chảy lịch sử có bồi lấp thế nào, những cái tên ấy vẫn chưa từng bị quên lãng.
Bảng xếp hạng 9 vị tướng quân nổi danh nhất lịch sử Việt Nam đã được chúng tôi lựa chọn dựa trên nhiều tiêu chí khác nhau. Tất nhiên sự xếp hạng vẫn chỉ là tương đối. Do giới hạn của bài viết, ở đây chỉ xin bàn về những danh tướng trong cổ sử Việt Nam. Ở kỳ 1, chúng tôi đã điểm qua 5 cái tên đầu tiên: Trần Quang Diệu, Triệu Quang Phục, Phùng Hưng, Đặng Dung và Lê Hoàn. Ở kỳ 2 này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu 4 cái tên cuối của danh sách.
4. Ngô Quyền (897 – 944)
Ngô Quyền có gốc gác không hề tầm thường. Ông sinh ra trong một gia đình dòng dõi hào trưởng có thế lực. Thời đại của ông chứng kiến sự thống trị đang trên đà suy yếu của nhà Đường. Người Việt đang ngày càng tìm lại được vị thế, thậm chí có ý muốn tự lập, giành lại quyền tự chủ, điển hình như họ Khúc và họ Dương.
Ngô Quyền là con rể của Dương Đình Nghệ. Năm 937, Kiều Công Tiễn ám sát Dương Đình Nghệ, tiếm quyền, trở thành Tĩnh Hải quân Tiết độ sứ. Sau đó, để giữ yên chiếc ghế của mình, Công Tiễn đã cho người sang cầu viện nhà Nam Hán. Ngô Quyền trước mang quân tức tốc ra bắc diệt Công Tiễn, sau tập hợp binh sĩ, chuẩn bị kháng cự giặc ngoại xâm.
Chiến công nổi bật nhất của Ngô Quyền chính là trận thắng oanh liệt, nhấn chìm hàng vạn quân Nam Hán dưới dòng nước sông Bạch Đằng. Năm 938, Lưu Cung, hoàng đế Nam Hán lệnh cho con trai là Vạn Vương Hoằng Tháo mang quân sang trên danh nghĩa là cứu Công Tiễn mà thực chất là mưu đồ xâm lấn nước Việt.
Để chống nhau với giặc, Ngô Quyền cho đóng cọc ngầm ở cửa biển Bạch Đằng. Khi quân Nam Hán dong thuyền tiến vào, Ngô Quyền cử một toán binh ra khiêu chiến, giả thua để dụ địch đuổi theo. Khi thuyền địch đã vào vị trí đóng cọc, Ngô Quyền cho quân bất ngờ phản kích, quân sĩ đều liều mình chiến đấu, 1 người sức địch lại 10.
Khi thuỷ triều xuống, thuyền của quân Nam Hán mắc kẹt ở bãi cọc, bị huỷ hoại cả. Đội ngũ quân địch rối loạn, Hoằng Tháo chết trận. Lưu Cung tự mình dẫn quân tiếp ứng phía sau nhưng cũng bất lực, phải rút quân về.
Sau khi đánh bại quân Nam Hán, bảo toàn được nền độc lập non trẻ, năm 939, Ngô Quyền xưng vương, sáng lập ra nhà Ngô, dời đô về Cổ Loa. Năm 944, Ngô Quyền qua đời, thọ 47 tuổi. Sử thần Ngô Sĩ Liên hết lời khen ngợi ông, đánh giá ông là “mưu tài đánh giỏi, làm nên công dựng lại cơ đồ, đứng đầu các vua”.
3. Lý Thường Kiệt (1019 – 1105)
Tên thật của ông là Ngô Tuấn, tự Thường Kiệt, sau lại được vua ban cho quốc tính nên mang họ Lý. Ông là cháu 6 đời của Ngô Quyền. Thuở nhỏ, Thường Kiệt đã tỏ ra là một người có chí khí. Khi được chú hỏi về chí hướng, ông khẳng khái trả lời: “Về văn học, biết chữ để ký tên là đủ. Về võ học, muốn theo Vệ Thanh, Hoắc Khứ, lo đi xa vạn dặm để lập công, lấy được ấn phong hầu, để làm vẻ vang cho cha mẹ”.
Lý Thường Kiệt học tập chăm chỉ, đêm đọc sách, ngày bắn cung, cưỡi ngựa, lại nghiên cứu binh pháp rất tâm đắc. Năm 1041, khi vừa tròn 22 tuổi, Thường Kiệt được sung vào cung làm “Hoàng môn chỉ hậu” (một chức quan thái giám). “Việt điện u linh” chép Lý Thường Kiệt: “Chưa được một kỷ (12 năm), tiếng nổi nội đình“. Ông nhanh chóng được thăng chức, trọng dụng, hàng ngày được hầu cận bên vua.
Ông dần trở thành một trụ cột của triều đình, lãnh nhiều trọng trách quan trọng. Năm 1061, ông được cử đi dẹp loạn ở vùng Thanh – Nghệ. Năm 1069, Lý Thường Kiệt cùng vua Lý Thánh Tông nam tiến bình Chiêm Thành. Vua Chiêm là Chế Củ phải hàng, đồng ý cắt 3 châu để chuộc lấy tự do.
Sau khi Lý Thánh Tông qua đời, Lý Thường Kiệt làm Thái uý, ủng hộ Thái phi Ỷ Lan nhiếp chính. Bản thân Lý Thường Kiệt giữ vai trò phụ chính đại thần. Nhà Tống ở phương bắc nước nam đang có tang, có ý động binh, ra sức chiêu mộ, huấn luyện binh sĩ ở vùng Hoa Nam, sẵn sàng tiến đánh Đại Việt.
Lý Thường Kiệt quyết định đánh phủ đầu, “tiên phát chế nhân”, chủ động tấn công sang đất Tống. 10 vạn quân Đại Việt bất ngờ ập sang đánh phá các căn cứ hậu cần của quân Tống ở Khâm Châu, Liêm Châu, thậm chí còn hạ được thành Ung Châu. Sau đó, quân Đại Việt đốt cháy, phá huỷ hết căn cứ, đồn luỹ, kho lương, trại huấn luyện của quân Tống. Ung Châu vốn là tiền đồn phục vụ cho kế hoạch chinh phạt Đại Việt, nay tan tành, ngập trong đổ nát.
Sau khi rút quân về nước, Lý Thường Kiệt mau chóng chỉnh đốn quân đội, xây dựng căn cứ phòng thủ. Không lâu sau, 10 vạn quân Tống tràn vào Đại Việt. Lý Thường Kiệt lập chiến luỹ ở sông Như Nguyệt nghênh địch, lại cho đắp thành cao, cắm luỹ tre, đào hào để cố thủ lâu dài.
Trận chiến sông Như Nguyệt diễn ra vô cùng ác liệt. Với sức mạnh kỵ binh của mình, có lúc quân Tống tưởng như đã phá vỡ được phòng tuyến, chọc thủng được lớp phòng ngự của quân Đại Việt. Tuy nhiên, Lý Thường Kiệt đều kịp thời cho quân phản kích, lập lại phòng tuyến.
Sau nhiều ngày công phá không thành, người ngựa lại không quen thuỷ thổ, quân Tống chán nản, mệt mỏi, nhuệ khí hao hụt đi mấy phần. Quân Đại Việt nhiều lần tập kích, đánh trại, đốt phá, càng dồn quân Tống vào thế bí, hoang mang, lo lắng.
Dù đang chiếm được ưu thế nhưng để tránh gây thêm hoạ chiến loạn thêm cho đất Nam, Lý Thường Kiệt bèn sai sứ sang nghị hoà. Tướng Tống là Quách Quỳ lập tức đồng ý, vội vã rút quân về. Cuộc kháng Tống thành công chính là chiến công lớn nhất của Lý Thường Kiệt.
Cả đời ông là những cuộc chinh chiến liên miên. Năm 1075, Lý Thường Kiệt mang quân đánh Chiêm Thành. Năm 1103, ông cầm quân dẹp loạn Lý Giác ở Diễn Châu. Năm 1104, khi đã ở tuổi 85, ông lại cầm quân đánh Chiêm một lần nữa để lấy lại 3 châu mà vua Chế Ma Na cướp đoạt. Chế Ma Na thua, xin hàng và nộp lại đất cho Đại Việt.
Lý Thường Kiệt sau được ban tước Khai quốc công, chính là vị thái giám quyền lực nhất lịch sử phong kiến Việt Nam, vừa làm tướng quân chinh chiến biên thuỳ, lại vừa nắm quyền nội chính, phò tá 2 đời hoàng đế nhà Lý.
2. Quang Trung (1753 – 1792)
Ông tên huý là Nguyễn Huệ nhưng tổ tiên lại có gốc gác thật sự lại là họ Hồ ở Nghệ An. Nguyễn Huệ ngày còn trẻ tuổi đã nổi tiếng khoẻ mạnh, can đảm. Sách “Tây Sơn lược” miêu tả đôi mắt ông: “Ban đêm khi ngồi không có đèn thì ánh sáng từ đôi mắt soi sáng cả chiếu”. Ông được học hành đến nơi đến chốn, cả hai ban văn võ đều thông hiểu từ thuở thiếu thời.
Cuối thế kỷ 18, tình hình Đàng Trong trở nên ngày một bất ổn. Quyền thần Trương Phúc Loan lũng đoạn triều chính, chúa Nguyễn bất lực, ở nhiều nơi chiến loạn nổ ra. Năm 1771, ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ và Nguyễn Huệ nhân đó dựng cờ khởi nghĩa, thu thập tráng binh, lấy danh nghĩa đánh dẹp Trương Phúc Loan, xây dựng căn cứ ở Tây Sơn (Bình Định).
Với khẩu hiệu: “Lấy của nhà giàu chia cho nhà nghèo”, lại tập hợp quanh mình được nhiều võ tướng thiện nghệ, anh dũng (như Bùi Thị Xuân, Võ Văn Dũng, Trần Quang Diệu, Võ Đình Tú…), quân Tây Sơn của Nguyễn Huệ đánh đâu thắng đó, thanh thế ngày một lớn, người theo về mỗi lúc một đông.
Trong hàng ngũ quân Tây Sơn, Nguyễn Huệ ngày càng chứng tỏ được bản lĩnh của mình, liên tiếp lập nhiều chiến công: chiếm Phú Yên, bình Gia Định, đánh Phú Xuân, đoạt Thăng Long… Chỉ trong vòng 9 năm, Nguyễn Huệ, với tư cách là đại tướng tiên phong của Tây Sơn, đã diệt cả chúa Nguyễn lẫn chúa Trịnh, về cơ bản thống nhất giang sơn lần đầu tiên trong vòng hơn 200 năm Trịnh – Nguyễn phân tranh.
Ở những năm về sau, vai trò của Nguyễn Huệ càng lớn. Ông vừa là đại tướng, vừa là cột trụ chống đỡ nhà Tây Sơn trong bối cảnh cả Nguyễn Nhạc và Nguyễn Lữ đều là những tay bất tài, không có chí lớn. Năm 1784, theo lời cầu viện của Nguyễn Ánh, 5 vạn quân Xiêm hai đường thuỷ bộ tràn sang, tiến đánh Gia Định. Chỉ trong một trận Rạch Gầm – Xoài Mút, Nguyễn Huệ đại phá đội thuỷ binh 300 chiến thuyền và khoảng 2 vạn quân Xiêm.
Năm 1789, vua Lê Chiêu Thống cầu viện nhà Thanh, Tổng đốc Tôn Sĩ Nghị được lệnh của vua Càn Long mang theo 29 vạn đại quân rầm rộ tiến xuống phía nam. Cùng lúc đó, ở Gia Định, chúa Nguyễn Ánh cũng liên tục công thành, chiếm đất.
Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế, lấy niên hiệu là Quang Trung. Ngay sau đó, ông cất quân thần tốc từ Phú Xuân đánh ra Bắc Hà. Vừa hành quân, vừa tuyển mộ binh sĩ, Quang Trung có được trong tay 10 vạn quân và một đội tượng binh gồm 200 thớt voi chiến. Chỉ trong không đầy 1 tháng, quân Tây Sơn đã áp sát Tam Điệp (Ninh Bình), chia làm 5 đạo cùng tiến đánh, hẹn nhau mùng 7 sẽ quét sạch quân Thanh, vào Thăng Long ăn Tết.
Quân Tây Sơn thậm chí còn tốc chiến nhanh hơn dự định. Chỉ trong 6 ngày, quân Tây Sơn đã liên tiếp tiêu diệt các đồn Gián Khẩu, Hà Hồi, Khương Thượng, Ngọc Hồi. Tướng nhà Thanh là Sầm Nghi Đống túng thế phải thắt cổ tự vẫn. Tổng đốc Tôn Sĩ Nghị còn tháo chạy trước khi đồn Ngọc Hồi bị đánh. Quân Thanh đua nhau rút chạy qua sông Nhị Hà. Tôn Sĩ nghị ra lệnh cắt cầu để cắt đường truy kích của quân Tây Sơn, bởi thế binh lính rơi xuống sông chết đuối vô kể.
Đến mùng 5 Tết, Quang Trung đã đường hoàng tiến quân vào Thăng Long. Khi ấy, ông chính là hoàng đế duy nhất trên dải đất Việt, hoàn toàn đủ tư cách thay thế địa vị của các vua Lê và chúa Nguyễn.
Sau khi phá quân Thanh, tình hình Bắc Hà dần ổn định. Nhưng mối lo ở phía nam vẫn còn canh cánh. Chúa Nguyễn Ánh, với sự giúp sức của người Tây phương, đang dần chiếm lại lợi thế. Nguyễn Huệ huy động hơn 20 vạn quân thuỷ bộ, chia làm 3 đường. Nguyễn Ánh vô cùng lo ngại, xác định sẵn một trận quyết chiến sống còn với Quang Trung. Nhưng đúng lúc đó thì Quang Trung đột nhiên qua đời (năm 1792), hưởng dương 39 tuổi.
Cái chết đột ngột của Quang Trung Nguyễn Huệ khiến nhà Tây Sơn nghiêng đổ. Chỉ ít năm sau, Nguyễn Ánh lần lượt đánh bại các tướng lĩnh Tây Sơn, thu về thiên hạ, lập ra vương triều Nguyễn (1802).
Hoàng đế Quang Trung nhận được sự tôn trọng của hầu hết các sử gia, kể cả sử gia triều Nguyễn, đối thủ của ông. Văn võ song toàn, là đại tướng, Nguyễn Huệ chinh nam chiến bắc, lập nhiều đại công, một tay gây dựng cơ đồ nhà Tây Sơn, khi lên ngôi hoàng đế, ông lại đưa ra nhiều chính sách cải cách khôn ngoan, hợp lý. Cái chết của ông là một tiếc nuối lớn của lịch sử. Nhiều người đã thử tưởng tượng ra nước Việt dưới thời trị vì của vua Quang Trung sẽ hùng mạnh ra sao. Nhưng dù thế nào, cuộc đời binh nghiệp rực rỡ, bách chiến bách thắng của ông đã tạc vào lịch sử nước nhà những trang nhất.
1. Trần Hưng Đạo (? – 1300)
Ông tên thật là Trần Quốc Tuấn, xuất thân hoàng tộc, là cháu gọi Trần Thái Tông Trần Cảnh là chú ruột. Ngay từ nhỏ, Quốc Tuấn đã tỏ rõ tư chất thông minh hơn người, đọc rộng hiểu nhiều, tài kiêm văn võ. Cha của Quốc Tuấn là Trần Liễu, trước khi mất dặn ông phải bằng mọi giá đoạt lấy thiên hạ, rửa mối nhục cho nhà (vợ Trần Liễu đang mang thai nhưng bị dâng cho Trần Cảnh).
Tuy thế, Quốc Tuấn vẫn một lòng trung nghĩa hướng về nhà Trần. Ông chủ động gạt bỏ ân oán cũ, làm hoà với Trần Quang Khải (con Trần Thái Tông), thậm chí ông đã từ mặt con trai khi biết Quốc Tảng có ý muốn báo thù.
Thời đại của Trần Quốc Tuấn đầy biến động. Vó ngựa quân Mông Cổ đã tung hoành cả thế giới, gieo rắc bao nỗi sợ hãi cho cả châu Á, châu Âu. Người Mông Cổ quyết ý tiến đánh Đại Việt, mở thông cửa ngõ vào Đông Nam Á.
Cả ba lần vào các năm 1257, 1285 và 1287, Trần Quốc Tuấn đều góp mặt trong cuộc chiến tranh Mông Cổ – Đại Việt. Hai lần sau, ông chính là tổng chỉ huy tối cao, thống lĩnh toàn quân. Trong suốt 30 năm chiến loạn ấy, dù đã nuốt chửng cả Trung Hoa, diệt nhà Nam Tống, lập ra triều Nguyên nhưng người Mông Cổ vẫn không sao đặt chân lên Đại Việt nổi. Ba cuộc tấn công, đợt sau dữ dội hơn đợt trước, đều thất bại ê chề.
Dưới sự chỉ huy của Trần Hưng Đạo, quân dân nhà Trần “lấy đoản binh chống lại trường trận”, dùng kế vườn không nhà trống, kiên cường kháng chiến lâu dài và đã lập nên kỳ tích trong lịch sử thế giới. Những trận chiến oanh liệt ở Hàm Tử, Chương Dương, Tây Kết, Vân Đồn, Bạch Đằng, Đông Bộ Đầu… đều ghi dấu ấn không thể phai mờ của Trần Hưng Đạo.
Năm 1300, trước khi mất, khi vua Trần đến bên giường, Trần Hưng Đạo để lại di ngôn, cũng là lời tổng kết xác đáng nhất cho những cuộc kháng Mông Nguyên vĩ đại: “Vừa rồi Toa Ðô, Ô Mã Nhi bốn mặt bao vây. Vì vua tôi đồng tâm, anh em hoà mục, cả nước góp sức, giặc phải bị bắt. Ðó là trời xui vậy. Ðại khái nó cậy trường trận, ta dựa vào đoản binh. Dùng đoản chế trường là sự thường của binh pháp”.
Không chỉ là một binh gia xuất chúng, Quốc Tuấn cũng là một nhà chính trị tài ba. Ông có tầm nhìn sâu sắc về việc dưỡng sức dân, đào tạo hiền tài. Trong những năm chiến tranh, ông đã bồi dưỡng được một lớp nhân tài đủ sức phục vụ cho nước nhà như: Yết Kiêu, Dã Tượng, Phạm Ngũ Lão, Đỗ Hành, Trương Hán Siêu…
Trần Hưng Đạo cũng không chỉ biết hành quân, đánh trận, binh chinh thiên hạ mà còn rất giỏi văn chương, thơ phú. Những tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là: “Hịch tướng sĩ”, “Binh thư yếu lược”, “Vạn Kiếp tông bí truyền thư”…
Ông là bậc chính nhân quân tử, trung nghĩa kiên cường, giỏi thao lược binh pháp lại khéo trị nước, an bang. Quân Mông Cổ đánh khắp Á, Âu, làm cỏ biết bao vương quốc, kể cả là nhà Nam Tống ở Trung Nguyên nhưng chỉ vừa chạm đến cửa ngõ Việt Nam đã phải chịu khuất phục trước khí chất của Trần Hưng Đạo, của hào khí Đông A nhà Trần.
Với công trạng và đức độ to lớn ấy, người đời sau tôn phong ông làm bực thánh, gọi là “Đức Thánh Trần”. Từ những trang sử hào hùng, Trần Hưng Đạo đã đi vào thế giới tín ngưỡng, tâm linh của người Việt, được coi là bậc hộ quốc công thần muôn đời. Địa vị của ông cũng tương tự như Quan Vũ ở Trung Hoa, đều đã trở thành một biểu tượng của lòng trung dũng và nghĩa khí.
Xem thêm: