Thông minh, xinh đẹp, tài giỏi, cá tính… bạn nghĩ rằng có thể mình sẽ được nhiều người yêu mến? Thực ra vấn đề có vẻ phức tạp hơn một chút. Có rất nhiều người được yêu quý dù họ chẳng sở hữu bất kỳ điểm mạnh nào trên. 

Gần đây, trường Đại học California đã tiến hành một cuộc khảo sát về chủ đề này. Kết quả hết sức bất ngờ. Người ta phát hiện rằng mẫu người được yêu mến và tôn trọng nhất thường ứng xử chân thành, ôm giữ tâm thiện đãi với mọi người. Họ chính là những người có chỉ số EQ cao.

EQ là từ viết tắt của thuật ngữ “Emotional Quotient” (nghĩa là chỉ số cảm xúc). Người ta dùng EQ để đo lường sự sáng tạo, cảm xúc, trí tưởng tượng, tinh thần của một người. Nó khác với IQ (lntelligent Quotient) là chỉ số đo lường sự thông minh. 

Căn cứ theo số liệu khảo sát hành vi thu thập từ trên 1 triệu người, các chuyên gia tiến hành phân tích và phát hiện ra người có chỉ số EQ cao thường sở hữu 8 yếu tố sau:

1. Biết cách đưa ra câu hỏi

Trong giao tiếp giữa người với người, điều đầu tiên và quan trọng nhất chính là cần phải biết lắng nghe. Sau đó là biết cách quan tâm, đưa ra câu hỏi cho đối phương đúng lúc. Chỉ cần làm được vậy, bạn sẽ dễ dàng gây ấn tượng với đối phương. Người nói chuyện với bạn cũng sẽ cảm thấy được lắng nghe, tôn trọng, thấy được sự chân thành và quan tâm của bạn đến họ.

Nhiều người cho rằng, thường xuyên gật đầu khi nói chuyện chính là biểu hiện tích cực của việc chúng ta lắng nghe. Kỳ thực chuyện không phải vậy. Biết cách đặt câu hỏi mới chính là chìa khóa vàng duy trì một cuộc nói chuyện.

Những câu hỏi, tự nó giúp truyền tải thông tin đến đối phương rằng: “Tôi muốn lắng nghe nhiều hơn nữa“, từ đó khuyến khích người đối diện có thể trút bầu tâm sự thoải mái hơn. 

2. Không dùng điện thoại khi đang nói chuyện

Ngày nay, với nhiều người, chiếc điện thoại đã trở thành vật bất ly thân. Dẫu là gặp mặt, ăn cơm, hội họp, đi đường, ngồi xe…, họ đều không thể rời xa chúng một phút. Nhưng chính những chiếc smartphone (điện thoại thông minh) ấy đã trở thành chướng ngại vật lớn nhất, cản trở người ta giao tiếp với nhau. 

Thử tưởng tượng, khi bạn đang say sưa kể chuyện với người đối diện nhưng họ thì cứ mải mê, cắm cúi vào màn hình điện thoại, cảm giác sẽ thế nào? Bạn sẽ cảm thấy mình không được tôn trọng, cụt hứng, không muốn trò chuyện tiếp. Đó chính là sự thất bại lớn nhất trong giao tiếp.

Rất nhiều bạn trẻ đều có thói quen không tốt này. Tới quán cà phê, ngồi bên bàn tiệc, đôi khi họ chỉ kịp bắt tay, chào nhau vài ba câu. Sau đó, mệnh ai người nấy… chơi điện thoại. Người thì chơi game, người lại chát chít. Thay vì những tiếng cười đùa vui vẻ là những âm thanh bàn phím khô khốc, tiếng máy điện thoại vô cảm.

Nếu chúng ta thực sự trân trọng mỗi lần gặp mặt nhau, khi nói chuyện với người khác thì tốt nhất hãy bỏ điện thoại vào túi. Khi đó bạn sẽ phát hiện rằng nói chuyện trực tiếp với nhau mang lại cảm xúc thú vị hơn biết chừng nào! Người đối diện cũng cảm nhận được sự trân trọng của bạn. Trong mắt họ, bạn chính là người có văn hóa, lịch sự, là người dễ mến, dễ gần. 

Khi nói chuyện với người khác thì tốt nhất hãy bỏ điện thoại vào túi. (Ảnh: mtgrupo.com)

3. Thành thật giữ chữ tín

Bình đẳng tương thân” chính là nguyên tắc cơ bản nhất trong giao tiếp giữa người với người. “Tương thân” chính là tôn trọng, quý mến và tín nhiệm lẫn nhau. Ai cũng thích được kết giao cùng những người thành thật và thủ tín. Người thủ tín vừa thành thật, thẳng thắn lại vừa nghiêm khắc giữ lời. 

Giữa bạn bè, chữ tín là vô cùng quan trọng. Tin tưởng nhau thì có thể tâm sự thoải mái, nói chuyện cởi mở. Nghi kỵ nhau thì một câu nói ra cũng phải dè chừng dò ý đối phương. Lại có câu: “Quân tử nhất ngôn, tứ mã nan truy” (Quân tử nói một lời, bốn ngựa còn khó đuổi). Biết giữ chữ tín, bạn sẽ là người quân tử đích thực. Mà người quân tử thì đi đến đâu cũng được người khác quý trọng.

4. Không phê bình người khác vô căn cứ

Những người hẹp hòi khi gặp phải việc không phù hợp với quan niệm bản thân thường tỏ vẻ khó chịu, liền muốn phê bình, đổ lỗi cho người khác. Họ cho rằng chỉ nhận thức của mình mới là đúng đắn. 

Mọi người đều thích chỉ dạy người khác nhưng liệu ai có thể phân biệt được đúng sai rõ ràng, tuyệt đối? Thế sự trùng trùng, đan xen, ngoắt ngoéo, không dễ gì nhìn được chân tướng. Mọi biểu hiện bên ngoài đều chỉ là tương đối. Nếu chỉ nhìn biến hóa bề mặt mà vội vã phê bình, đánh giá thì chính là thiên kiến, lệch lạc. 

Nếu có thể duy trì một thái độ cởi mở, nhìn sự vật ở nhiều khía cạnh khác nhau từ điểm nhìn của người khác mà không cố chấp vào bản thân, bạn mới gây được thiện cảm, thấu suốt được lý lẽ đúng đắn. Đừng vội phê phán bất kỳ ai. Lời nói ra nặng nề có thể khiến bạn gây ác cảm. Ngoài ra, chính người hay phê bình vô căn cứ lại là người dễ mắc lỗi nhất.

5. Nhiệt tình

Trên đường du lịch bạn thích đi với một người lạnh lùng, thích một mình đi dạo hay là đồng hành với một người nhiệt tình, cười cười nói nói, cùng bạn cảm nhận phong cảnh, những điều thú vị của vùng đất mới? Những người tràn đầy nhiệt huyết, nhiệt tình luôn có sự cảm nhận cuộc sống rất mạnh mẽ. Lời họ nói ra thường mang những năng lượng tích cực. Hành động, dáng vẻ của họ cũng rất thu hút. Họ tạo được ảnh hưởng rất lớn tới người xung quanh, khiến mọi người cùng vui vẻ. Do đó, ai cũng thích được gần gũi họ. 

6. Gọi tên

Nhiều người gặp nhau chào hỏi chỉ khẽ gật đầu hoặc nói lời khách sao: “Chào anh, chào chị, chào cô, chào bác“. Nhưng một người có chỉ số EQ cao khi thấy dáng người từ xa đã gọi tên bạn để chào hỏi niềm nở, nhiệt tình. Người khác nhớ tên mình là một việc rất vui, lại còn chủ động gọi tên mình từ xa. Điều đó luôn khiến cho người đối diện mãn nguyện vì cảm nhận được sự chân thành và coi trọng. 

7. Công tư phân minh

Nhiều người vì có quan hệ thâm tình với đồng nghiệp mà trong công việc thường có hành động, cử chỉ không phù hợp. Điều đó khiến người khác nhìn vào và cảm thấy khó chịu. Họ cũng đánh giá bạn là người thiếu nghiêm túc. 

Hãy phân biệt rạch ròi giữa công việc và chuyện cá nhân. Trong công việc, ngay giữa giờ làm cần nghiêm túc với chuyên môn của mình, phải có thái độ làm việc nghiêm khắc, tuân thủ nội quy. Sau khi tan ca, bạn có thể cùng đồng nghiệp hợp thành một cạ, một đội. Điều đó hẳn không sao. Nhưng trong công việc, nhất định bạn phải làm được công tư phân minh. Có như vậy, bạn mới nhận được sự cảm mến và tôn trọng của người khác.

8. Va chạm cơ thể

Giữ một khoảng cách thích hợp khi giao tiếp, trò chuyện là điều tối thiểu của phép lịch sự. Người ta thường không thích người lạ đụng chạm vào thân thể mình. Sự không ý tứ sẽ khiến cuộc giao tiếp trở nên căng thẳng, dè chừng, đặc biệt là giữa nam và nữ.

Những người hiểu giao tiếp và phép lịch sự thường sẽ chọn những hoàn cảnh và không gian thích hợp để tiếp xúc. Ví dụ khi có một người bạn gặp chuyện buồn, bạn chỉ cần trao một cái ôm nhẹ nhàng động viên. Hoặc giả khi cần sự khẳng định, khích lệ thì một cái vỗ vai chắc nịch cũng đủ để người khác cảm động.

***

Bây giờ thì bạn đã hiểu vì sao chỉ số EQ lại quan trọng đến vậy trong việc đo lường mức độ được yêu quý của một người. Bạn có thể thông minh, tài năng, làm việc tốt, kiếm tiền giỏi nhưng nếu tâm hồn khô cằn, trống rỗng, lại không hiểu phép tắc lịch sự, văn hóa thì rốt cuộc cũng không thể “đắc nhân tâm”, được người khác quý trọng.

Tất nhiên, việc được ai đó quý mến hay công nhận không phải là mục đích sống và làm người của bạn. Nếu quá đặt nặng chuyện này, bạn sẽ đi lệch sang cực đoan, sống mà chỉ chăm chăm nhìn vào cảm xúc của người khác.

Ảnh minh họa. (youtube.com)

Người xưa nói: “Hữu xạ tự nhiên hương” (Có chất xạ, ắt tự nhiên tỏa mùi hương). Loài hươu xạ có một túi xạ nhỏ ở dưới bụng, tỏa ra hương rất thơm. Người ta dùng chúng để điều chế ra xạ hương. Câu này ý nói người tốt đẹp thì tự nhiên nức tiếng xa gần, chẳng phải khoe khoang, cầu danh, cầu lợi.

Như vậy, bạn chỉ cần sống lương thiện, lấy thiện đãi người, luôn nghĩ cho người khác trước thì tự khắc sẽ được người ta trân trọng, cảm phục và mến mộ. Sự yêu mến của họ là phần thưởng giành cho bạn vì đã sống phúc hậu chứ hoàn toàn không phải là mục đích bạn phải theo đuổi trong cuộc đời này.

Minh Vũ

Xem thêm: