Làm người chính là bài học đầu tiên ai cũng phải kinh qua. Học cách tu thân, đối đãi với người bằng nhân nghĩa, lễ nghi chính là tiêu chuẩn mà các bậc thánh hiền đã đặt ra cho lớp người hậu thế.
Người xưa quan niệm rằng, làm người thì phải có được 8 đức tính: Trung, hiếu, nhân, ái, tín, nghĩa, hòa và bình. Thực ra, đây vốn là những tiêu chuẩn mà Khổng Tử đã đặt ra cho các môn đệ của mình, cũng là những cột trụ của Nho gia.
Từ hàng ngàn năm qua, chúng đã được coi là nền tảng đạo đức của cả một xã hội Á Đông rộng lớn, bao gồm cả Trung Hoa, Việt Nam, Nhật Bản, Triều Tiên… Một người được cho là “quân tử”, chân chính chính là luôn ước thúc bản thân hành xử theo những quy chuẩn này.
Trung: Là nói đến sự trung kiên, lòng trung thành không lay chuyển. Người xưa quan niệm trung không chỉ là với vua mà còn là trung với bách tính, với quốc gia. Quan lại không tham nhũng, làm lợi cho dân, ấy chính là trung với nhân dân, với quốc gia. Những tấm gương mẫu mực thời cổ đại cũng đều gắn liền với chữ Trung này.
Hiếu: Là nói đến quan hệ giữa con cái và đấng sinh thành. Có câu “Bách thiện hiếu vi tiên” (trăm việc thiện, hiếu đứng đầu). Người không có hiếu thì không phải là người thiện lương, có đạo đức.
Tăng Sâm (một học trò của Khổng Tử) bị mẹ đánh, bật khóc nức nở. Mẹ hỏi Tăng Sâm vì sao các lần trước đánh đều không khóc, giờ lại khóc? Tăng Sâm gạt lệ trả lời: “Lần trước mẹ đánh con đau, con biết là mẹ còn khỏe nên không khóc. Giờ mẹ đánh con không đau nữa, biết là mẹ đã yếu đi nhiều, nên con khóc”. Thực là một tấm gương chí hiếu.
Nhân: Là phẩm chất nền tảng của tất cả các phẩm hạnh của Nho gia. Một học trò nổi tiếng của Khổng Tử là Nhan Hồi từng nói: “Nhân thiện ngã, ngã diệc thiện chi, nhân bất thiện ngã, ngã diệc thiện chi”. (Tạm dịch: Người đối tốt với ta, ta cũng đối tốt với người. Người không đối tốt với ta, ta vẫn đối tốt với người).
Ái: Là tình yêu thương, nhân từ, là thiện ý, lòng trắc ẩn của con người, là sự khoan dung, độ lượng với lỗi lầm của người khác.
Học trò của Khổng Tử là Tử Cống từng hỏi ông rằng: “Thưa thầy! Thỉnh thầy nói về một chữ có thể trở thành nguyên tắc làm người?”. Khổng Tử đáp: “Chính là chữ “Thứ”. Chữ “Thứ” này chính là khoan dung, độ lượng”.
Tín: Có nghĩa là sự tin tưởng, tin cậy, tín nghĩa. Hành động và lời nói nên chân thành, không gian dối. Nếu đã hứa hẹn thì chắc chắn phải làm đúng lời. Tín nghĩa chính là điều giúp bạn có được sự tôn trọng của người khác, giúp bạn thành công và sống ung dung, tự tại trên đời.
Trong “Luận ngữ” có viết: “Nhân nhi vô tín, bất tri kì khả dã. Đại xa vô khẩu, tiểu xa vô khẩu, kì hà dĩ hành chi tai?“, đại ý là nếu con người không giữ chữ tín, cũng giống như một cỗ xe lớn không có đoạn gỗ chốt nối giữa càng xe và ách xe, sẽ không thể chạy được.
Nghĩa: Là chỉ sự ngay thẳng, dâng hiến, phụng sự cho công bằng, chính nghĩa. Khi “nghĩa” phù hợp với tự nhiên thì nó là chính nghĩa, “nghĩa” trái với tự nhiên thì nó là phi chính nghĩa. Nền tảng của nghĩa là thiện. Thời cổ đại, các cuộc chinh chiến, thảo phạt chỉ khi nhằm để duy trì cái thiện, sự ổn định, công bằng thì mới được coi là chính nghĩa.
Nghĩa là sự thể hiện của đạo Trời. Vì thế, người xưa luôn tin rằng chính nghĩa sẽ chiến thắng tà ác. Là một con người, bạn cần phải hướng về chính nghĩa, duy hộ cho sự công bằng và thiên lý.
Hòa: Là sự hòa hợp, là trạng thái an hòa. Có câu “Đức mạc đại ôn hòa” (nghĩa là không có phẩm hạnh nào lớn bằng sự ôn hòa, hòa hợp). Hãy sống một cuộc đời thanh bình, không thù hận, bạn sẽ cảm nhận được hạnh phúc tuyệt vời nhất từ ngay chính trong tâm hồn mình.
Trong một gia đình, nếu các thành viên luôn thuận hòa, hòa ái với nhau, gia đình đó sẽ tràn đầy tình yêu, lòng bao dung, cuộc sống cũng diễn ra suôn sẻ, thuận lợi.
Bình: Biểu thị sự bình đẳng, vốn là điều rất quan trọng trong đời mỗi người. Nó chính là nền tảng xây dựng một xã hội bình đẳng, nơi mọi người có cơ hội để phát triển tiềm năng trọn vẹn của mình.
Khổng Tử nói: “Bất hoạn quả nhi hoạn bất quân. Bất hoạn bần nhi bất an” (Không sợ thiếu, chỉ sợ phân chia không đều. Không sợ nghèo khó chỉ sợ không an lạc).
Người không tham lam, coi trọng sự bình đẳng, luôn mong muốn sự công bằng cho mọi người chẳng phải chính là người hạnh phúc và giàu có nhất đó sao?
Tôn Trung Sơn, người khai sáng nền cộng hòa cho Trung Hoa, cả đời theo đuổi lý tưởng “Tam dân”: Dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc. Ông rất cổ vũ, tán dương 8 phẩm chất trên như là nền tảng đạo đức cho mọi xã hội dù thể chế chính trị có thay đổi thế nào.
Ở Đài Loan, nhiều trường học và đường phố được đặt tên theo của 8 đức tính trên. Rất nhiều trường học cũng đặt tên lớp học của mình theo những phẩm chất này. Ở trường, sinh viên được nhắc nhở về tầm quan trọng của nhân, nghĩa, lễ, trí tín.
Từ thập kỷ 70, người lãnh đạo Đài Loan Tưởng Giới Thạch đã cực kỳ chú trọng đến giáo dục văn hóa, đạo đức cho học sinh. Tưởng Giới Thạch yêu cầu nhà trường phải dạy cho học trò biết “lễ nghĩa và liêm sỉ” để văn hóa truyền thống được bám sâu rễ, bền gốc. Những kỳ thi sát hạch từ tiểu học, đại học cho đến nhân viên công vụ chính phủ đều có môn liên quan đến văn hóa cổ Trung Hoa. Đặc biệt, học thuyết Nho gia và vai trò của Khổng tử rất được chú trọng.
Từ năm 1969, để đẩy mạnh phục hưng văn hóa, Đài Loan đã kéo dài chế độ giáo dục bắt buộc từ 6 năm thành 9 năm, chương trình không chỉ giúp nâng cao tố chất quốc dân mà còn đẩy mạnh phát triển kinh tế, phục hưng lại nền văn hóa truyền thống. Khi ấy, ở Trung Quốc đại lục, cuộc “Đại Cách mạng văn hóa” do Mao Trạch Đông phát động đang điên cuồng phá hoại 5.000 năm văn minh, văn hóa truyền thống Trung Hoa, hủy hoại đi tất cả giá trị của Nho gia, của tín ngưỡng Phật Đạo Thần.
Chú trọng và lưu giữ văn hóa truyền thống, có lẽ nhờ vậy mà đất nước Đài Loan ngày nay là một nơi được nhiều người dân thế giới yêu thích và lựa chọn đặt chân tới.
Phương Lâm
Xem thêm:
- Tưởng Giới Thạch: ‘Nước bị diệt vong còn có thể phục hưng, nhưng văn hóa bị tiêu hủy thì tất cả đều bị hủy’
- 3 điều khiến người quân tử luôn khác biệt với kẻ tiểu nhân, bạn có được bao nhiêu?
- Tâm sự của du khách Trung Quốc: ‘Tới Đài Loan, tôi mới nhận ra mình đã từng bị lừa dối’