Văn minh Á Đông có lịch sử lâu đời, tài nữ các triều đại đời nào cũng xuất hiện vô số. Họ không những xinh đẹp, lại còn hiển lộ tài hoa phi phàm, khiến lòng người rung động…

Xem thêm Phần 1.

4. Đa tài phong nhã: Thượng Quan Uyển Nhi

Thượng Quan Uyển Nhi, cũng gọi là Thượng Quan Chiêu Dung, là nữ quan, thi nhân, hoàng phi đời Đường, người huyện Thiểm, Thiểm Châu (nay là Tam Môn Hiệp, Hà Nam), là cháu của Thượng Quan Nghi. Thượng Quan Nghi vốn là tể tướng đương triều, vì bí mật theo lệnh vua soạn chiếu phế truất Võ hậu mà bị Võ hậu hại chết. Sau khi Thượng Quan Nghi bị tội chết, cô theo mẹ Trịnh Thị bị đày vào cung đình làm nữ tỳ. Năm 14 tuổi, nhờ thông minh lại giỏi văn chương nên được Võ Tắc Thiên trọng dụng.

Thượng Quan Uyển Nhi ( 664 – 21 tháng 7, 710), còn gọi là Thượng Quan Chiêu dung là một trong những nữ nhân nổi tiếng của lịch sử Trung Quốc vì tài năng về thơ phú, thư pháp. Ảnh dẫn theo wikipedia.org

Thượng Quan Uyển Nhi phụ trách các sắc vua nhiều năm, có danh là “Cân quắc tể tướng” (Tể tướng nữ nhi). Thời Đường Trung Tông, được phong làm Chiêu Dung, quyền thế càng lớn, có địa vị trọng yếu trong chính đàn và văn đàn. Từ đó với thân phận hoàng phi cai quản nội cung và chính lệnh, văn cáo triều đình. Bà từng kiến nghị mở rộng thư quán, tăng thêm học sỹ. Trong thời gian này, bà chủ trì phong nhã, thay mặt cung đình đánh giá văn thơ trong thiên hạ, một thời, các quan làm từ phần lớn tập trung nhà bà. “Toàn Đường thi” thu thập 32 bài thơ của Uyển Nhi. Năm 710, Lâm Tri Vương (tức Đường Huyền Tông) khởi binh phát động cuộc chính biến Đường Long, bị giết cùng với Vi hậu.

Thượng Quan Uyển Nhi cả đời chìm nổi, thủy chung với Võ Hậu, Trung Tông. Bà môn đệ cao quý nhưng thân thế chông gai. Năm mới chào đời, ông nội Thượng Quan Nghi do nghị luận việc Võ Hậu phế lập mà chịu tội chết, cha bà là Đình Chi cũng chết theo. Uyển Nhi theo mẹ bị đày vào cung làm nô tỳ. Thượng Quan Uyển Nhi tư chất thông minh, nhanh nhẹn, thời niên thiếu ở trong cung đình đã xuất hiện đầy tài năng. “Cảnh Long văn quán ký” có chép: “Uyển Nhi 14 tuổi, thông minh mẫn tiệp, kiến thức sâu rộng, tài hoa vô tỷ. Thiên Hậu nghe danh thử cô, vung bút liền thành, như là đã biết từ lâu”.

Thượng Quan Uyển Nhi không chỉ văn từ giỏi, mà rất sáng suốt trong các việc thư lại, nên được Võ Tắc Thiên tín nghiệm, được tham dự phê duyệt tấu chương, và khởi thảo các chính lệnh, trở thành nhân vật chính trị trung tâm của vương triều Võ Chu. Bài từ “Lưỡng triều chuyên mỹ” đã biểu lộ địa vị hiển hách của Thượng Quan Uyển Nhi thời Võ Hậu và Trung Tông, thực sự không hề nói quá chút nào.

Vào giao thời thế kỷ thứ 7, 8, là người hoằng dương và cũng là người kết thúc thơ ca cung đình thời Sơ Đường, Thượng Quan Uyển Nhi so với các tác giả phổ thông, thể hiện rõ nét phong thái thơ ca của thời đại, do đó cuối cùng đã có thể vượt lên trở thành bà tổ sáng tác của thể “Thượng Quan thể”. Trên cơ sở của “Thái lệ nhật tân”, bà đã rót thêm vào cái khí cương kiện và cảnh rộng mở, thúc đẩy chuyển đổi thơ ca thời Đường từ thơ ca cung đình thời Sơ Đường sang âm Thịnh Đường, từ đó có cống hiến trọng yếu cho thơ ca cổ đại Á Đông. Thượng Quan Uyển Nhi với thân phận nữ lưu mà ảnh hưởng đến văn phong một thời, là bậc kỳ tài hiếm có trong lịch sử văn học cổ đại Á Đông.

Thượng Quan Uyển Nhi với thân phận nữ lưu mà ảnh hưởng đến văn phong một thời, thật là bậc kỳ tài hiếm có trong lịch sử văn học cổ đại Á Đông. Ảnh dẫn theo vietwiki.net

Uyển Nhi tuy được rất nhiều người cảm thông, năm thứ 2 sau khi chết, thân phận Thượng Quan Chiêu Dung được khôi phục, hơn nữa được thụy phong làm “Huệ Văn”. Sau khi Lý Long Cơ lên ngôi, vẫn nhớ tài văn của Uyển Nhi, đã thu thập các tác phẩm của bà, biên tập thành 12 quyển văn tập. Một tài nữ khoáng thế một đời, không thể bị mai một trong dòng sông dài lịch sử.

Chúng ta cùng thưởng thức tài văn thơ của Uyển Nhi qua bài “Thái thư oán” với bản dịch của Nguyễn Minh:

Hồ Động Đình lá rơi lác đác
Nhớ chàng nơi xa cách muôn trùng
Móc rơi hoa lá lạnh lùng
Trăng khuya lặn bức bình phong ẩn tàng
Muốn gảy đàn bài Giang Nam khúc
Lại bận thư Kế Bắc gửi đi
Trong thư cũng chẳng có gì
Chỉ là buồn nhớ trong khi xa chàng.

Tuyền kỳ tuyệt xướng: Tô Huệ

Tô Huệ, người Thủy Bình (nay là huyện Vũ Công, Thiểm Tây), giỏi chắp nối văn tự, là một trong ba đại tài nữ thời Ngụy Tấn, là tập đại thành của thể thơ Hồi văn, tác phẩm truyền thế chỉ còn một bức gấm dệt thêu các màu khác nhau “Tuyền ki đồ”.

“Tấn thư – Liệt nữ truyện” có chép, Tô Phường huyện Vũ Công có một thiếu nữ, tên Huệ, tự Nhược Lan, là con gái thứ 3 của huyện lệnh Trần Lưu Tô Đạo Chất. Nhược Lan từ nhỏ thiên chất thông tuệ, 3 tuổi học chữ, 5 tuổi học thơ, 7 tuổi học vẽ, 9 tuổi học thêu, 12 tuổi học dệt gấm, đến tuổi cập kê đã là khuê nữ thư hương tư dung kiều diễm, người đến ướm hỏi, nườm nượp không ngừng, nhưng ngôn từ đều là những kẻ tầm thường, chẳng ai lọt vào mắt xanh của Tô Huệ.

Tô Huệ, tự Nhược Lan người Thủy Bình (nay là huyện Vũ Công, Thiểm Tây), là một tài nữ thời Tiền Tần Phù Kiên, khoảng thời kỳ Ngũ Hồ thập lục quốc trong lịch sử Trung Quốc. Ảnh dẫn theo wikipedia.org

Năm 16 tuổi, Tô Huệ theo cha đi du lãm chùa A Dục Vương nổi tiếng Chu Nguyên, trên bờ hồ phía tây chùa trông thấy một thiếu niên khôi ngô tuấn tú đang ngửa người bắn cung tên, tiếng dây cung vang lên, mũi tên vút đi, những con chim bay theo những âm thanh đó mà rơi xuống. Khi anh ta cúi người bắn xuống nước, mặt nước nổi lên những con cá dính tên, đúng là tên bắn bách phát bách trúng. Trên bờ hồ, anh ta rút bảo kiếm ra khỏi vỏ, ánh sáng lạnh lóe sáng, ép lên mấy cuốn kinh sách. Nhược Lan bỗng nảy sinh tình cảm ngưỡng mộ, trong lúc trò chuyện được biết chàng trai này là Đậu Thao. Hai bên phụ mẫu đứng ra, Đậu Thao và Tô Huệ kết phu thê vào năm Kiến Nguyên thứ 14 đời Tiền Tần (năm 374).

Theo “Tấn thư – Đậu Thao thê Tô Thị truyện”, và “Chức cẩm hồi văn thi tự” trong “Giang yêm biệt phú” của Lý Thiện Thiếu có nói, có thể thấy sau khi Phù Kiên nắm quyền, Đậu Thao cảm thấy tài lược văn võ đã có cơ hội thi triển, vào làm quan cho triều Tiền Tần, chính tích nổi bật, nhiều lần lập chiến công, được thăng làm thứ sử Tần Châu. Sau đó bị gian thần đố kỵ công lao và tài năng, gièm pha hãm hại, bị xử tội lưu đày ở Lưu Sa (vùng sa mạc Bạch Long Than, Tân Cương ngày nay), tại cổng bắc thành chùa A Dục Vương thề non biển với vợ Tô Huệ, rồi gạt lệ cáo biệt.

Tô Huệ tỏ rõ tình yêu trung trinh không đổi đối với Đậu Thao, đợi anh trở lại đoàn viên, bể cạn đá mòn chẳng đổi lòng, thề chết không cải giá. Nhưng Đậu Thao sau khi đến Lưu Sa lại tìm người đàn bà mới, Tô Huệ biết tin, từ nhớ nhương chuyển sang uất hận. Dưới trăng trước hoa, trước đèn chốn khuê phòng, cô đơn oán hận, ngâm tụng thành thơ. Sau đó bỗng nảy sinh những ý tưởng kỳ lạ, lại qua nhiều lần cân nhắc thôi xao ý tứ, đem thơ từ viết ra sắp xếp ẩn chứa trong 29 hàng chữ. Sau đó lòng đầy ưu tư, quên ăn quên ngủ dệt thơ từ lên trên tấm lụa gấm 8 tấc. Tô Huệ gọi bức lụa gấm này là “Tuyền ki đồ”, gửi cho Đậu Thao bội bạc.

Đậu Thao đọc đến những câu thơ tình ý chân thành bi thiết, lương tâm khởi phát, hận mình hành vi phóng túng, đuổi người tình Triệu Dương Đài về Quan Trung, chuẩn bị xe và lễ nghênh đón Tô Huệ đến Hàm Dương. Từ đó tình cảm phu thê lại nồng thắm như xưa. Cũng vì sự việc này mà Đậu Thao bị người đời chê trách.

“Tuyền ki đồ” là chiếc khăn tay vuông 8 tấc. Hình gốc là màu đỏ, vàng, xanh, trắng, đen, tím. Dùng chỉ ngũ sắc dệt và thêu, chứa đựng 841 chữ, chia làm 29 hàng. Bên ngoài và bên trong tạo thành hình chữ “Tỉnh” (9 ô vuông), chữ màu đỏ, 4 góc ngang dọc đều là 6 chữ màu đen, trên dưới dọc 6 chữ ngang 16 chữ, và phải trái dọc 13 chữ, ngang 6 chữ, đều là các chữ màu xanh. Giữa chữ “Tỉnh” (ô vuông chính giữa) trên dưới dọc 4 chữ, ngang 5 chữ, và trái phải dọc 5 chữ, ngang 4 chữ, 4 góc ô vuông chính giữa mỗi góc 3 chữ màu vàng.

Tô Huệ và bài Tuyền ki đồ nổi tiếng. Ảnh dẫn theo wikipedia.org

Ngang dọc, xoay tròn, xuôi ngược đọc đều thành câu, có thể tổ hợp thành các thể thơ tam ngôn, tứ ngôn, ngũ ngôn, lục ngôn, thất ngôn, tổng có 7.958 bài. Mỗi bài thơ ngữ cú tiết tấu rõ ràng, đối ngẫu chỉnh tề, vận luật hài hòa. Như tố cáo như oán trách, tình chân thành, ý thiết tha. Đọc lên, chỗ thương cảm làm người ta rơi lệ, chỗ vui vẻ làm người ta gạt lệ phá lên cười, thật đúng là diệu thủ thiên thành.

Tô Huệ đa tài đa nghệ, còn là một nữ thi sỹ sáng tác năng suất cao. Có sách ghi chép, cô ngoài “Tuyền ki đồ” ra còn viết trên 5 nghìn bài thơ, đáng tiếc đều đã thất lạc, không ai tìm được.

Về ảnh hưởng thơ ca, từ sau thời cô, hơn nghìn năm nay, rất nhiều văn nhân học sỹ dũng sáng tác nhiều bài thơ từ thể hồi văn, như Vương Dung nước Tề thời Nam Triều, Phan Mạnh Dương, Trương Tiến đời Đường, Vương An Thạch, Tô Thức, Lý Ngẫu đời Tống, Thanh Hiển Tổ, Trương Phần đời Minh, Trương Hoài, Khưu Quỳnh Sơn, Tạ Mặc Khanh đời Thanh v.v… , cũng đều viết các vài thơ thể hồi văn. Nhưng có thể giống “Tuyền ki đồ” của Tô Nhược Lan, có thể đọc thành mấy nghìn bài, thì đến nay vẫn chưa có. Nhưng thơ từ hồi văn người đời sau cũng có sáng tạo: có thơ từ có thể đọc ngược câu, có thơ từ điểm phá câu gốc, đọc ngược cấu thành thơ từ cùng thể. Cũng có câu thơ đọc ngược biến thành thơ từ, độ khó dần dần gia tăng.

Sau này, thơ từ hồi văn bất luận là có biến đổi thế nào, Tô Nhược Lan vẫn là người sáng lập, là người thầy vỡ lòng cho tất cả các thi nhân thể hồi văn.

Nhạn qua để tiếng: Tiết Đào

Tiết Đào là nữ thi sỹ đời Đường, tự Hồng Độ, người Trường An (Tây An, Thiểm Tây ngày nay). Cha Tiết Đào là Tiết Vân, làm quan đất Thục, sau khi chết, vợ con lưu lạc cư ngụ ở Thục. Thời thơ ấu theo cha trú ngụ ở Thành Đô, 8, 9 tuổi biết làm thơ, cha mất sớm, mẹ ở góa, hai mẹ con nương tựa nhau mà sống, cuộc sống cực kỳ túng quẫn, năm 16 tuổi bị rớt xuống lạc tịch (tầng lớp tiện dân), sau khi thoát khỏi lạc tịch, cả đời không lấy chồng. Cuối cùng định cư ở Hoán Hoa Khê.

Tiết Đào (768 – 831), tự Hồng Độ, lại có tự Hoành Độ, người Trường An, là nữ thi nhân thời nhà Đường, thường được gọi là Nữ Hiệu Thư. Ảnh dẫn theo wikipedia.org

Tiết Đào tư dung diễm lệ, tính nhanh nhẹn thông tuệ, 8 tuổi biết làm thơ, thông hiểu âm luật, giỏi biện luận trí tuệ, chuyên thơ phú, đa tài đa nghệ, danh tiếng khuynh động một thời, là nữ thi nhân nổi danh đương thời. Từng ở Hoán Hoa Khê, làm các giấy hoa tiên màu hồng viết thơ, người đời sau bắt chước làm theo, gọi là giấy “Tiết Đào tiên”. Công viên Vọng Giang Lâu ở Thành Đô ngày nay có mộ Tiết Đào.

Tiết Đào có giao lưu ca xướng với các thi nhân nổi tiếng đương thời như Nguyên Chẩn, Bạch Cư Dị, Trương Tịch, Vương Kiến, Lưu Vũ Tích, Đỗ Mục, Trương Hỗ v.v… Những năm cuối đời thích làm trang phục nữ đạo sỹ, xây dựng Ngâm Thi Lâu ở Bích Kê Phường, sống những ngày cuối đời trong thanh tĩnh. Vương Kiến trong “Ký Thục trung Tiết Đào hiệu thư” có viết:

Vạn Lý kiều biên nữ hiệu thư,
Tỳ bà hoa lý bế môn cư.
Tảo mi tài tử ư kim thiểu,
Quản lĩnh xuân phong tổng bất như.

Dịch thơ:

Bên cầu Vạn Lý nữ hiệu thư,
Dưới khóm tỳ bà vẫn ẩn cư.
Vẽ mi tài tử nay chẳng ít,
Gom hết gió xuân vẫn chẳng như.

Thơ Tiết Đào, sở trường ngôn từ thanh tú câu thơ mỹ lệ, còn có các tác phẩm hiện thực quan hoài có tư tưởng sâu sắc. Phụ nữ thời cổ đại, đặc biệt là những phụ nữ tầng lớp như bà thì thật hiếm có.

Hãy cùng thưởng thức bài thơ từ “Xuân vọng từ kỳ 4” của Tiết Đào qua bản dịch của Giáp Hoàng Tôn:

Đành cam hoa nở đầy cành!
Cho tương tư lại rẽ thành ra hai.
Trâm ngọc kề gương sớm mai,
Gió xuân chẳng biết chẳng hoài gì đâu!

Nam Phương biên dịch