Hầu như vương triều nào vào thời mạt vận cũng xuất hiện nhiều gian thần tác oai tác quái. Gian thần bởi thế chính là dấu hiệu báo điềm diệt vong của quốc gia. Hãy cùng điểm qua một số gương mặt như thế trong lịch sử Trung Hoa.
1. Triệu Cao triều Tần
Triệu Cao (? – 207 TCN) là một hoạn quan, Thừa tướng của triều đại nhà Tần, có ảnh hưởng chính trị rất lớn trong suốt giai đoạn tồn tại của nhà Tần. Ông đã trải qua cả ba đời quân chủ nước Tần là Tần Thủy Hoàng, Tần Nhị Thế và Tần Tử Anh, nắm quyền hành rất lớn.
Năm 210 TCN, Tần Thủy Hoàng bị bệnh trên đường tuần du, không lâu sau chết ở Sa Khâu (nay là Quảng Tông, Hà Bắc). Hoạn quan Triệu Cao vốn là người có dã tâm, xuyên tạc di chúc của Tần Thủy Hoàng, trừ bỏ con trưởng Phù Tô, lập con thứ Hồ Hợi làm vua. Sự kiện này được gọi là “Sa Khâu chi biến” nổi tiếng.
Để độc chiếm quyền lực, Triệu Cao xúi bẩy Nhị Thế giết chết Lý Tư cùng nhiều đại thần rồi một mình thao túng triều chính trong vai trò Thừa tướng. Lòng tham của thái giám Triệu Cao lên tới đỉnh điểm khi phái cả nghìn quân vây kín Vọng Di cung, ép Nhị Thế phải nhường ngôi cho mình. Hôn quân Hồ Hợi hèn mọn chỉ biết khóc lóc thảm thiết, rồi tự sát vì bất lực.
Sau khi Hồ Hợi bị giết, Triệu Cao muốn xưng vương ở Quan Trung, bèn bí mật liên lạc với Lưu Bang để xin cùng diệt nhà Tần và chia đôi Quan Trung. Để thực hiện mưu đồ này, ông ta lập Tần Tử Anh (em trai Tần Thủy Hoàng) lên ngôi vua, định sau này sẽ giết chết. Nhưng sau 5 ngày lên làm vua, Tần Tử Anh đã cho người giết chết Triệu Cao và tru di tam tộc.
2. Tần Cối triều Tống
Tần Cối tên hiệu là Hội Chi (1090 – 1155), là Thừa tướng của nhà Tống, bị đánh giá là một Hán gian vì đã hại chết Nhạc Phi, anh hùng chống quân Kim.
Sau khi đầu hàng người Kim, Tần Cối tiếp tục hãm hại trung lương. Đối với những người kiên quyết kháng Kim, thu phục Trung Nguyên, bảo vệ quốc gia dân chúng như Nhạc Phi, Tần Cối coi như mối họa lớn. Ngột Truật, đại tướng nhà Kim, phái người đưa mật thư cho Tần Cối, nói rằng: “Triều đình nhà ngươi xin cầu hòa với triều đình Đại Kim ta, nhưng Nhạc Phi cứ muốn đoạt Trung Nguyên khỏi tay chúng ta. Ngươi nhất định phải tìm cách giết Nhạc Phi, chúng ta mới đồng ý nghị hòa”.
Tần Cối cũng sợ hễ Nhạc Phi còn sống thì có ngày âm mưu bại lộ, kết cục không hay nên hạ quyết tâm sát hại cho kỳ được Nhạc Phi. Hắn bịa đặt tội danh phản quốc để giết hại Nhạc Phi, tạo thành án oan thiên cổ.
Sau khi hãm hại trung thần, Tần Cối bắt đầu phải chịu trả giá. Một ngày, khi đang đi chơi ngắm cảnh Tây Hồ, đột nhiên hắn nhìn thấy có một người khổng lồ nghiêm giọng nói: “Ngươi tàn hại trung lương, tội đáng phanh thây vạn mảnh“. Về đến nhà, lưng Tần Cối bắt đầu bị hoại thư.
Tần Cối muốn xây một ngục lớn, âm mưu hãm hại Hàn Thế Trung, Trương Tín, Trương Trung Hiến, Hồ Văn Định…. Hắn rắp tâm mở đại ngục, tàn hại trung thần. Một hôm Tần Cối đang ngồi viết thì đột nhiên tâm thần mê đảo, thấy một vị thần cầm chùy đánh vào người, bảo hắn: “Ngươi tội ác quá nhiều, giờ chết đã cận kề, còn cả gan mưu hại trung lương!“. Tần Cối thất kinh, kêu lớn: “Tha mạng!“.
Tần Cối không thể cầm nổi bút để phê chuẩn vào danh sách những trung lương phải bị hành hình. Tần Cối tâm thần mê sảng, hễ nhắm mắt vào thì lại thấy một vị thần giơ chùy mà tiến đến, vài ngày sau hoại thư ung nhọt lan rộng, hắn chết. Lúc Tần Cối sắp chết những người xung quanh nghe thấy hắn kêu lớn: “Tha mạng”, lại nghe thấy tiếng xích sắt vang lên. Không lâu sau, con trai hắn là Tần Hy cũng chết.
Tần Cối có một viên nha dịch là Hà Lập, đến vùng Đông Nam công cán thì hoảng hốt thấy mình lạc vào Âm phủ. Nhìn thấy Tần Hy đang mang xiềng xích, bèn hỏi: “Thái sư đang ở đâu?“. Tần Hy khóc nói rằng cha mình đang ở Phong Đô. Hà Lập đi theo lời ấy đến nơi, quả nhiên nhìn thấy Tần Cối và Vạn Sĩ Tiết đều mang xiềng xích, đang bị độc hình tra tấn. Chúng nói với Hà Lập: “Hãy nói cho phu nhân biết, vì hãm hại Nhạc Phi mà báo ứng đã phát tác rồi“.
Khi nghe Hà Lập về kể chuyện, Vương Thị đột nhiên nhìn thấy cảnh Tần Cối đang bị xiềng xích đầy mình, sợ đến hồn phi phách tán, lại nhìn thấy ma quỷ cầm chùy sắt và xiềng xích tiến lại gần, rồi đầu mụ bị chùy đánh trúng ngã lăn quay. Mọi người bên ngoài chỉ nghe tiếng mụ kêu lên hốt hoảng: “Tha mạng“, lại gần mà xem thì ra Vương Thị đã chết rồi.
“Thanh sơn hữu hạnh mai trung cốt. Bạch thiết vô cô chú nịnh thần“. Đó là câu thơ người xưa vịnh mộ Nhạc Phi ở Tây Hồ, Hàng Châu. Ý nghĩa của nó là: Núi xanh có phúc được chôn người trung nghĩa. Sắt trắng không tội mà phải đúc tượng nịnh thần. Tần Cối và vợ là Vương Thị được người đời sau đúc thành tượng đồng, bắt quỳ ở miếu Nhạc Phi, đời đời phải chịu phỉ nhổ.
3. Ngụy Trung Hiền triều Minh
Ngụy Trung Hiền (1568 – 1627) nguyên tên là Ngụy Tiến Trung, là người Túc Ninh, tỉnh Hà Bắc, là một hoạn quan vào cuối triều nhà Minh. Thời trẻ, Trung Hiền vốn là một kẻ vô lại, ham mê đánh bạc, ăn chơi trác táng. Vì thua tiền, bị đòi nợ, hắn phải trốn chui trốn lủi không còn đường sống, bèn phải tự thiến để vào cung, làm một tiểu hoạn quan.
Năm 1589, Trung Hiền vào cung cấu kết với Khách Thị là nhũ mẫu của Hoàng đế Hy Tông, bắt đầu “một bước lên mây”, trở thành một trong những hoạn quan chuyên quyền nổi tiếng lịch sử. Khi Hy Tông lên ngôi, Ngụy Trung Hiền được tín nhiệm, bèn câu kết với Khách Thị, bài trừ những người đối lập, kéo bè kết phái.
Năm Thiên Khải thứ 3 (1623), Ngụy Trung Hiền kiêm luôn việc trông coi Đông xưởng, vốn là cơ quan đặc vụ của triều đình, thế lực ngày càng mạnh. Nội các của triều đình đều là tay chân của Ngụy Trung Hiền, bọn họ tranh nhau gọi ông là cha, là ông nội, tự xưng mình là con nuôi, cháu nuôi. Những nhân vật quan trọng của đảng hoạn quan Ngụy Trung Hiền là “Ngũ hổ”, “Thập cẩu”, “Thập hài nhi”, “Tứ thập tôn”…
Ngụy Trung Hiền lộng quyền triều chính, giết hại người đối lập đến nỗi mà người ta “chỉ biết đến Ngụy Trung Hiền chứ không biết đến Hoàng thượng”. Năm 1627, sau khi Minh Tư Tông kế vị đã khép Ngụy Trung Hiền phạm 10 đại tội và xử theo quân pháp. Ngụy Trung Hiền treo cổ tự vẫn mà chết, đảng phái của ông ta cũng bị quét sạch, tiếng ác lưu truyền ngàn đời.
4. Hòa Thân triều Thanh
Hòa Thân (1750 – 1799), tự Trí Trai, là người Chính Hồng Kỳ Mãn Châu. Thời thiếu niên nghèo khổ không có chỗ dựa, cha của ông ta là một Phó đô thống vô danh, nhưng tổ tiên của ông ta là Ni Nhã Ha có công lớn. Vì thế Hòa Thân kế thừa chức tam đẳng khinh xa đô úy, không lâu sau được làm tam đẳng thị vệ, được làm cảnh vệ của Càn Long.
Nhờ trời phú cho sự lanh lợi, nhạy bén, Hòa Thân dễ dàng nắm bắt được tâm ý của Hoàng đế, rồi tìm mọi cách để làm vui lòng nhà vua. Được Hoàng đế che chở, lại thêm việc có chức có quyền, đại tham quan này không chỉ lén lút mua quan bán chức mà còn công khai tham nhũng, nhận hối lộ, vơ vét tài sản chẳng khác nào “cướp giữa ban ngày”.
Là sủng thần bên cạnh Càn Long, Hòa Thân có đủ năng lực để cất nhắc người này, hạ bệ người kia. Quan lại lúc ấy đều biết nguyên tắc “không hối lộ, không gặp mặt” của Hòa đại nhân, liền thay nhau dâng lên những báu vật hiếm lạ trong nhân gian để đút lót. Sau khi Càn Long chết, Gia Khánh kế vị, Hòa Thân bị giết, gia sản bị tịch thu, kết quả khiến mọi người kinh ngạc.
Tổng gia sản tịch biên được của Hòa Thân có tất cả 1,1 tỷ lạng bạc trắng, tương đương với thu nhập 15 năm của triều Thanh. Bởi vậy, dân gian khi ấy mới lưu truyền câu nói: “Thứ Càn Long có Hòa Thân có, thứ Càn Long không có Hòa Thân chưa chắc không có!”. Sau này nghe nói, số lớn của cải châu báu tịch thu được đều được Gia Khánh cho người đến chuyên chở về cung. Vì thế trong dân gian có câu nói châm biếm vần miệng là: “Hòa Thân bị đổ, Gia Khánh vớ bở“.
5. Lý Lâm Phủ triều Đường
Triều Đường dưới sự cai trị của Đường Huyền Tông, có một người nổi tiếng xấu xa nhưng đã giữ chức Tể tướng trong thời gian dài nhất, đó là Lý Lâm Phủ (683 – 752 ). Ông ta làm Tể tướng suốt 19 năm. Trong thời gian nắm quyền, mọi việc đều bê trễ, bị người người chê trách.
Trong suốt những năm giữ chức vụ của mình, Lý Lâm Phủ chuyên dùng lời bỡ đỡ lấy lòng Hoàng thượng, mưu mô hãm hại người khác. Trước mặt, ông ta tỏ ra chân thật lấy lòng người khác để họ trò chuyện nói ra những suy nghĩ của mình, sau lưng ông ta sẽ đem những chuyện đó của họ tấu lên Hoàng thượng.
Những người này nếu không bị cách chức thì cũng không thể thăng tiến lên được. Người đời gọi Lý Lâm Phủ là người “miệng mật lòng gươm”, kéo bè kết phái, bài trừ người đối lập, tham ô hối lộ, sống một cuộc sống xa xỉ.
Lý Lâm Phủ không biết đã hãm hại bao nhiêu người hiền tài, lừa gạt bao nhiêu lương thần, khiến cho trong triều đình các gian thần lên ngôi, bọn tiểu nhân tha hồ giương oai giễu võ, tạo nên thế lực xấu xa và đen tối trong xã hội, từ đó dẫn tới biến loạn An Lộc Sơn những năm cuối đời Thiên Bảo.
Lý Lâm Phủ cùng với Đường Huyền Tông cuối đời mê đắm thanh sắc, tham lam hưởng lạc không cần biết tới tương lai của triều đình. Năm 752, Lý Lâm Phủ bị bệnh mà chết. Lý Lâm Phủ vừa chết bị Dương Quốc Trung tố giác, ngay lúc chưa chôn cất liền bị lột bỏ tước vị và được mai táng như dân thường, con cháu bị đày đi Lĩnh Nam.
6. Đổng Trác nhà Hán
Đổng Trác (132 – 192 ) tự là Trọng Dĩnh, người Lâm Thao Lũng Tây, tính tình rất hung dữ, hiếu chiến. Thời còn trẻ, ông ở gần người dân tộc Khương, có giao du với các hào soái địa phương. Trác nổi tiếng là một gian thần, một quân phiệt tàn bạo, giữ chức Thứ sử Tịnh Châu. Lợi dụng sự tiến cử của Viên Thiệu với Đại tướng quân Hà Tiến, người đang muốn tiêu diệt thế lực hoạn quan, Đổng Trác đã tiến kinh khống chế kinh thành, phế Hán Thiếu Đế Lưu Biện, lập Hán Hiến Đế Lưu Hiệp.
Tháng 4 năm Sơ Bình thứ 3 (192), Hán Hiến đế vừa khỏi bệnh, dự cuộc họp triều thần tại Mạt Ương điện. Thế là Vương Doãn và Sĩ Tôn Thuỵ mật tấu với Hán Hiến đế việc mưu sát Đổng Trác. Sĩ Tôn Thuỵ đem chiếu thư giao cho Lã Bố, lệnh cho Lã Bố cùng mười mấy dũng sĩ tâm phúc nguỵ trang thành vệ sĩ mai phục sẵn tại Bắc Dạ môn chờ Đổng Trác đi tới.
Vừa lúc Đổng Trác sắp đến thì con ngựa sợ hãi không đi nữa. Đổng Trác cảm thấy kỳ lạ định quay trở về. Lý Túc khuyên Đổng Trác cứ đi, thế là người ngựa kéo nhau vào Bắc Dạ môn. Lý Túc dùng đao đâm Đổng Trác. Nhưng Đổng Trác mình mặc áo giáp nên không bị giết, chỉ bị thương ở bả vai, nhảy xuống xe.
Trác quay đầu hô lớn: “Lã Bố con ta đâu? Mau đến cứu ta“. Lã Bố đáp: “Ta phụng lệnh chiếu thư hoàng đế đến giết tên kẻ cướp này!“, rồi vung cây mâu giết chết Đổng Trác, quân lính ùa lên băm chém Trác. Lã Bố cưỡi ngựa công bố chiếu thư tiêu diệt Đổng Trác để cho mọi người trong ngoài triều đình đều biết. Quân binh ai cũng hô to vạn tuế, nhân dân thì ca múa nhảy nhót, hoan lạc trên đường phố.
Triều đình cử Hoàng Phủ Tung đến My Ổ vây đánh Đổng Mân, em trai của Đổng Trác, bắt giết mẹ, vợ và con gái của hắn, coi như tiêu diệt tông tộc Đổng thị. Đổng Trác bị bêu đầu ở ngoài phố, thân xác bị châm lửa đốt. Thiêu đốt xong, tro bụi bay đầy đường. Từ trong thành My Ổ, vốn là lô cốt của Đổng Trác, người ta lấy ra được hơn hơn 2 vạn cân vàng, khoảng 8 vạn cân bạc, còn nhiều châu báu, gấm vóc, lương thực khác chất cao như núi.
Cổ nhân tin rằng: “Thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo“. Tục ngữ cổ cũng có câu: “Thiện ác không phải không có báo mà là chưa đến lúc“. Câu chuyện về những đại gian thần trong lịch sử phải chịu số phận thê thảm một lần nữa lại minh chứng cho điều này, quả là tấm gương lớn cho hậu thế soi mình.
Chân Tâm
Xem thêm:
- Tần Thủy Hoàng, bí mật bị che giấu suốt 2.000 năm (P.3): Vì sao Thủy Hoàng tự xưng mình là ‘Hoàng đế’?
- Sự thật về Hoàng đế phong kiến Việt Nam: Chuyên quyền, độc tài hay là lãnh đạo chuẩn mực nhất mọi thời đại?
- Vạn Lý Trường Thành không phải là bức tường phòng thủ lớn nhất ở Trung Quốc