Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây… Tại Trung Quốc có từ thời nhà Tống (960 – 1279) cũng đã có câu thành ngữ này.
Đầu năm là dịp để ca ngợi truyền thống cổ xưa về việc coi trọng nguồn cội, nuôi dưỡng tình yêu thương và sự hòa thuận giữa các thành viên trong gia đình.
Theo Khổng Tử, gia đình có tầm quan trọng đối với sự hưng thịnh của một quốc gia. Trong cuốn sách nổi tiếng “Kinh Dịch” có viết, “Gia đình ổn định thì quốc gia mới vững vàng”. Và “Kinh Lễ” có viết, “Các gia đình có nền nếp gia phong thì quốc gia sẽ được cai trị tốt”.
Nhiều điển cố điển tích được truyền lại qua các thời kỳ nói lên những quan điểm của người xưa về tầm quan trọng của gia đình và sự hòa thuận của gia đình đối với con người và xã hội. Dưới đây là một vài ví dụ trong số đó.
Tương kính như tân – Vợ chồng kính trọng nhau như khách
Câu chuyện đầu tiên kể về sự tôn trọng lẫn nhau giữa một người đàn ông tên Hỉ Khuyết và vợ.
Trong thời Xuân Thu (771 – 476 trước Công nguyên), vua Tấn đã cử một viên sứ thần của mình đi thăm nước khác. Trên đường về nhà, viên sứ này thấy một người nông dân đang làm việc trên đồng ruộng và một người phụ nữ trẻ mang bữa trưa cho anh ta.
Mặc dù thức ăn rất đạm bạc, người phụ nữa trẻ, hẳn là vợ người nông dân, đã đưa bữa trưa trên khay bằng hai tay cho chồng với một thái độ rất tôn kính.
Và cũng như vậy, người nông dân kính cẩn nhận lấy phần ăn trưa của mình. Và trong khi người chồng dùng bữa, người vợ chờ đợi một cách lễ độ.
Theo lời dạy của Khổng Tử, gia đình có tầm quan trọng đối với sự hưng thịnh của quốc gia
Viên sứ thần đã rất xúc động với những gì ông nhìn thấy, ông bước về phía cặp vợ chồng để nói chuyện với họ.
Khi trở về nước Tấn, ông đã xin yết kiến đức vua và kể cho ngài câu chuyện về Hỉ Khuyết và vợ anh ta.
“Thần đã quan sát Hỉ Khuyết và vợ anh ta đối xử với nhau bằng sự tôn trọng tuyệt vời, như thể họ là khách của nhau vậy”, ông tâu lên đức vua.
“Bệ Hạ, thần tin rằng sự tôn kính lẫn nhau là biểu hiện tiêu biểu của đức hạnh, và những người có đạo đức là những người tốt nhất để cai quản việc quốc gia đại sự”.
Ông đã tiến cử Hỉ Khuyết với nhà vua, và vua đã làm theo lời khuyên của ông, bổ nhiệm Hỉ Khuyết vào chức vụ quan trọng ở nước Tấn.
Hỉ Khuyết đã phụng sự nước Tấn với lòng dũng cảm, trí tuệ, có được những công trạng lớn lao và liên tục được thăng chức.
Lòng tốt của con dâu đã cứu cả gia đình
Câu chuyện thứ 2 diễn ra vào thời nhà Thanh (1644 – 1911) kể về một người đàn ông tên Cố Thành và người con dâu đức hạnh của ông.
Cố Thành có một người con trai đã lập gia đình với cô gái trẻ họ Tiền.
Một lần, khi cô con dâu của Cố Thành về thăm cha mẹ đẻ, một căn bệnh truyền nhiễm đã đột ngột lan tới thị trấn mà Cố Thành sinh sống. Dịch bệnh lây lan nhanh chóng và rộng khắp, rất nhiều người đã chết.
Mọi người rất sợ hãi và thậm chí cả người thân cũng không dám tới thăm nhau vì sợ bị nhiễm bệnh. Thật đáng buồn, sau tất cả sáu người con trai và con gái, Cố Thành và vợ ông cũng bị nhiễm bệnh
Khi con dâu của Cố Thành biết được tin này, ngay lập tức cô chuẩn bị trở về nhà chồng để chăm sóc gia đình của anh. Tuy nhiên, cha mẹ của cô vì quá yêu thương cô đã cố thuyết phục cô đừng đi. “Chúng ta lo sợ con cũng sẽ nhiễm bệnh”, họ nói.
Nhưng con gái họ đã trả lời: “Khi con lấy chồng, cũng là lúc con có bổn phận phải phục vụ và giúp đỡ cha mẹ chồng và gia đình anh ấy. Bây giờ họ đang trong vòng nguy hiểm của bệnh tật. Nếu con không quay về chăm sóc họ, đó có phải là bất nhân, bất nghĩa không?”.
Cô con dâu của Cố Thành đã nỗ lực hết mức để động viên cha mẹ đừng lo lắng quá, cô nhanh chóng quay về quê nhà chồng.
Ngay khi cô vừa về tới, kỳ diệu thay, tất cả tám thành viên của gia đình Cố Thành bỗng nhiên hồi phục.
Người dân địa phương tin rằng, lòng tốt và sự hiếu thảo của cô con dâu trẻ đã lay động được các vị Thần khiến họ ban phước lành cho cả gia đình cô.
Khổng Dung chọn lê
Câu chuyện kể về một cậu bé hiếu lễ tên Khổng Dung được kể trong “Tam Tự Kinh” – tác phẩm gồm những đoạn kinh chỉ gồm 3 chữ đơn giản ghép với nhau, được biên soạn từ thời nhà Tống dùng để dạy trẻ em về các nguyên tắc đạo đức cũng như văn học, lịch sử và một vài chủ đề khác.
Khổng Dung được sinh ra vào gần cuối thời Đông Hán (25 – 220) và là hậu duệ của Khổng Tử. Khi mới lên bốn tuổi, Khổng Dung đã thể hiện đức tính tôn trọng người hơn tuổi và luôn kính nhường họ với sự lịch thiệp và lễ nghi đúng đắn.
Khổng Dung có một số anh trai và chị gái. Một ngày nọ, gia đình cậu nhận được một giỏ quà đầy lê ngon, và cha cậu đã cho phép cậu là người đầu tiên được chọn lê trong giỏ.
Khổng Dung đã ngay lập tức chọn quả lê nhỏ nhất. Cha ông bảo:” Con trai, sao con lại chọn quả lê nhỏ thế sao không lấy quả to hơn?”.
Khổng Dung trả lời cha: “Con nhỏ tuổi nhất nên con nên lấy quả nhỏ nhất. Anh, chị lớn tuổi hơn con nên quả to là để cho họ”.
Do tấm lòng tốt bụng, trung thực và sự kính nhường cũng như luôn nghĩ tới người khác, gia đình Khổng Dung luôn xem ông là người tình cảm và hiếu thảo đặc biệt.
Cuộc đụng độ giữa hai anh em trượng nghĩa và toán cướp
Một câu chuyện khác kể về một tình yêu thương vĩ đại và sự hi sinh giữa hai anh em ruột xảy ra thời nhà Hán (khoảng từ năm 206 trước Công Nguyên – 220 sau Công Nguyên)
Chuyện kể về một người đàn ông tên là Triệu Tiêu và người em trai tên Triệu Lý, cả hai anh em đều là người tốt bụng và yêu thương nhau.
Một năm nọ, nạn đói hoành hành ở quê hương của họ, một toán cướp đã bắt cóc Triệu Lý, mang đến hang ổ của chúng ở trong núi và định ăn thịt cậu.
Triệu Tiêu đuổi theo những tên cướp tới hang hổ của chúng và nói rằng: “Em trai tôi sức khỏe không tốt, cũng gầy gò nữa. Nó ăn uống không được tốt. Tôi khỏe mạnh và mập mạp hơn, nên tôi mong các ông hãy ăn thịt tôi thay cho nó”.
Tuy nhiên, Triệu Lý không đồng ý với anh mình:
“Em mới là người bị bắt. Đó là số mệnh của em. Chẳng có lý do gì để anh thay thế em cả anh trai ạ”.
Nói đoạn, hai anh em ôm chầm lấy nhau và cả hai cùng khóc.
Chứng kiến nhân cách vô cùng cao quý của hai anh em, toán cướp rất xúc động và chúng đã thả cả hai người.
Hoàng đế sau đó đã biết đến câu chuyện cảm động này và ban cho cả Triệu Tiêu và Triệu Lý giữ các vị trí xử án trong triều đình.
Bảo Thoa