Bậc quân tử, tướng quân thời xưa mỗi người đều có những chuẩn mực và bí quyết của mình khi giải quyết một sự việc xảy ra, khiến cho sự việc tưởng bế tắc thành thuận lợi, đó là cái khôn ngoan khéo léo của trí tuệ, dù vậy ai cũng có thể thông qua tu dưỡng mà đạt được.

1. Chiến lược vòng vèo

Có rất nhiều người khi xử lý sự việc hay nói thẳng thừng mọi điều, kết quả khiến viêc không thành mà trái lại còn thường làm hỏng việc. Người khôn ngoan sẽ vận dụng tài trí khéo léo để làm mọi việc hanh thông, như câu chuyện dưới đây.

Vua Tề Cảnh Công thời Xuân Thu là người rất thích nuôi chim, ông để đại thần của mình là Trúc Công giúp ông trông coi con chim quý hết mực yêu mến. Nhưng khốn thay, vì không cẩn thận, Trúc Công để con chim bay mất. Tề Cảnh Công vô cùng tiếc nuối, tức giận muốn giết Trúc Công.

Một vị tướng của nước Tề là Yến Tử sau khi biết được sự việc đã nói với Tề Cảnh Công: “Dạ được, xử hắn chết để tạ tội với hoàng thượng, nhưng trước khi giết chết Trúc Công, thần muốn luận tội của ông ta trước mặt hoàng thượng, để ông ta chết cũng nhắm được mắt”.

Yến Tử, họ Yến tên Anh, là tướng quốc của Tề Cảnh Công thời Xuân Thu, nổi tiếng tài giỏi và liêm khiết (Ảnh: tinhhoa.net)

Nói lời, Yến Tử cho người trói Trúc Công, rồi lớn tiếng luận tội, tổng cộng có ba tội: “Thứ nhất, con chim mà vua yêu thích đã bị Trúc Công sơ ý làm bay đi mất; Tội thứ hai, chỉ vì con chim bay mất mà khiến vua phạm tội giết người; Tội thứ ba, Trúc Công chết rồi cũng chẳng sao, nhưng việc vua vì một con chim mà giết người bị truyền ra ngoài, thì quốc vương các nước chư hầu và toàn dân sẽ cười nhạo nói Tề Vương coi trọng một con chim hơn tính mạng một con người, như vậy chẳng phải làm bại hoại danh tiếng của vua rồi sao?”

Tề Cảnh Công nghe xong chợt bừng tỉnh, liền cười nói: “Ta hiểu rồi, hãy nhanh chóng thả Trúc Công ra”.

Đây chính là sự thông minh sử dụng chiến lược vòng vèo của Yến Tử, nhờ đó mà khiến Tề Vương tự nhận ra cái sai của mình, lại cứu mạng được một đại thần , binh pháp Tôn Tử gọi đây là biến cong thành thẳng.

2. Tư duy suy nghĩ trái chiều

Tôn Tẫn là một nhà binh pháp nổi tiếng thời Chiến Quốc, câu chuyện kể lại khi ông tới Ngụy quốc cầu danh. Ngụy Huệ Vương lòng dạ hẹp hòi, đố kỵ người tài hoa, cố ý làm khó và nói với ông: “Nghe nói ngươi rất có tài năng, nếu nhà ngươi có thể làm ta đang ngồi trên này đi xuống dưới đó thì ta sẽ bổ nhiệm ngươi làm tướng quân”. Ngụy vương vừa nói vừa thầm cười nhạo Tôn Tẫn: “Ta sẽ không đứng lên để xem nhà ngươi làm thế nào?”

Ảnh minh họa: nhân vật Tôn Tẫn trong tác phẩm điện ảnh
Nhân vật Tôn Tẫn trong tác phẩm điện ảnh (Ảnh: youtube)

Tôn Tẫn nghĩ: “Ngụy vương ỷ lại việc mình đang ngồi trên ngai vàng, nếu ta dùng hành động cưỡng ép ông ấy xuống đây, sẽ vì mang tiếng đắc tội với hoàng đế mà chịu tội chết. Làm thế nào được nhỉ? Chỉ có cách dùng lối tư duy nghịch hướng, để ông ta tự động xuống đây”.

Tôn Tẫn bèn nói với nhà vua: “Thưa đại vương, tôi thật sự không có cách nào có thể làm ngài đang ngồi trên ngai vàng đi xuống đây nhưng tôi có cách để làm ngài đang từ đây lên ngồi trên ngai vàng”.

Ngụy vương nghĩ thầm: “Thế thì cũng có gì khác nhau chứ, ta cứ không ngồi lên ngai vàng để xem nhà ngươi làm thế nào?”. Nói xong vua hớn hở đi từ trên ngai vàng xuống chỗ Tôn Tẫn.

Tôn Tẫn liền nói: “Bây giờ thật sự tôi không có cách làm đức vua trở về ngai vàng, nhưng tôi đã làm cho ngài từ trên ngai vàng đi xuống dưới này rồi”. Lúc này Ngụy vương mới biết mình đã mắc mưu, chỉ còn cách phong cho ông làm tướng quân.

3. Công bình ôn hòa

Công bình ôn hòa chính là Trung Dung. Trung Dung là một tiêu chuẩn đạo đức của Nho gia, chính là yêu cầu người ta khi đối nhân xử thế nên giữ công bằng chính trực hài hòa, vô tư không thiên vị. Có câu chuyện kể như sau:

Trong điều luật nước Lỗ có quy định, nếu có người dân trong nước dám bỏ tiền ra đi chuộc những người dân bị nước láng giềng bắt về làm tì thiếp, thì vua sẽ ban cho một món tiền thưởng. Học trò của Đức Khổng Tử là Tử Hiền là người giàu có, sau khi chuộc người về lại không muốn nhận tiền thưởng. Khổng Tử biết được liền mắng anh ta:

“Cậu sai rồi, người quân tử khi làm việc nên tự thay đổi nguyên tắc của bản thân trở thành tiêu chuẩn kiểu mẫu cho quần chúng, sao mà có thể chỉ vì sự cao hứng của bản thân, để đạt chút hư vinh mà có thể tùy ý muốn sao làm đó? Hiện nay nước Lỗ dân số ít, đại đa số lại là nghèo. Cậu làm như vậy vô hình chung lại tạo thành tiền lệ không tốt về sau, khiến mọi người đều nghĩ chuộc người về mà nhận tiền thưởng là một việc làm mất mặt, sau này còn ai dám đi chuộc người về nữa! Từ nay về sau phong trào chuộc người về nước sẽ dần dần bị biến mất thì sao?”

Tử Hiền vô cùng bội phục tấm lòng quảng đại của Khổng Tử, tuyệt đối không phải là một người chỉ học bắt chước về đạo đức, mà là một người công bằng chính trực hài hòa, không chỉ nghĩ một mà còn nghĩ hai, suy nghĩ trước sau để việc mình làm không tổn hại đến toàn thể, từ bấy làm việc gì cũng nghĩ đến đại cục trước chứ không kể tư tâm của mình ra sao.

Ảnh: Khổng Tử và môn đệ
Khổng Tử và môn đệ (Ảnh: Pinterest)

4. Bình tĩnh mỗi lần đối diện với việc lớn

Trong Tam Quốc Diễn Nghĩa có ghi chép sau khi Lưu Bị chết, nước Ngụy và nước Ngô liên kết với các dân tộc thiểu số mang ngũ lộ đại quân tiến đánh nước Thục. Khi ngũ lộ đại quân đánh tới nơi, Lưu A Đẩu bị dọa sợ tới gần chết chứ đừng nói tới việc dẫn đầu đại quân đi chống lại. Nhưng Gia Cát Lượng thì ngược lại, tự giam mình trong phòng ba ngày không tiếp khách, tĩnh tâm suy nghĩ đối sách, kết quả ngũ lộ đại quân bị sự ung dung của ông hóa giải. Đây chính là câu chuyện Gia Cát Lượng “An cư bình ngũ giải” nổi tiếng.

Ảnh minh họa: nhân vật Gia Cát Lượng trong tác phẩm điện ảnh
Sự ung dung của nhân vật Gia Cát Lượng trong tác phẩm điện ảnh (Ảnh: youtube)

Tôn Tẫn và Gia Cát Lượng đều là những nhà đại chính trị “nội thánh ngoại vương” (bên trong là tài đức của một bậc thánh hiền, bên ngoài là từ bi lương thiện của một bậc đế vương) hiếm có trong lịch sử, đều là những người đạt được thật sự tĩnh chỉ trong suy nghĩ. Trong Giới Tử Thư, Gia Cát Lượng đã tổng kết một cách thấu đáo cái gọi là “Phi ninh tĩnh vô dĩ trí viễn” Không đạm bạc thì không thể sáng cái chí, không yên lặng thì không thể nghĩ được xa.

Kiên Định biên dịch