Cổ nhân soạn sách một là để tự tổng kết sở học của mình, hai là để sửa lại đạo đức cho thế nhân. Do đó, suốt hàng nghìn năm qua, những bài học ấy vẫn còn nguyên giá trị cho hậu thế.
Xem thêm: Phần 1
Từ hàng nghìn năm qua, “Trung Dung”, cùng với “Luận ngữ”, “Đại học” và “Mạnh Tử” chính là những kinh điển của Nho gia, hàm chứa triết lý tu thân, trị quốc, làm người. Bộ “Trung Dung” được Tử Tư (tên thật là Khổng Cấp) soạn ra. Tử Tư là học trò của Tăng Tử, cũng chính là cháu nội của Khổng Tử.
“Trung Dung” dạy người ta đạo lý làm người phải biết trung hòa, không cực đoan, thái quá, hành xử theo Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín để đạt đến cảnh giới của người quân tử. Trong sách có rất nhiều lời bàn, lời dạy của cả Khổng Tử và Tử Tư, đối với hậu thế quả là một kho tàng lớn về xử thế. Hãy cùng chúng tôi điểm qua 20 câu tinh hoa nhất trong đó, loạt này giới thiệu 10 câu tiếp theo phần 1:
11. Học cho rộng, hỏi cho kỹ, nghĩ cho cẩn thận, phân tích cho sáng tỏ, làm cho hết lòng
Nguyên văn: Bác học chi, thẩm vấn chi, thận tư chi, minh biện chi, đốc hành chi
Học rộng là học lắm biết nhiều, hỏi kỹ, thỉnh giáo những vấn đề mang tính nhắm thẳng. Suy nghĩ cẩn thận là học cách suy nghĩ một cách chu toàn. Phân biệt một cách rõ ràng là hình thành khả năng phán đoán một cách thấu triệt. Tiến hành một cách thiết thực là dùng những tri thức và tư tưởng đã học được để chỉ đạo thực tiễn.
12. Chỉ có bậc chân thành hết mức trong thiên hạ mới có thể hiểu biết trọn vẹn bản tính của mình. Có thể hiểu biết trọn vẹn bản tính của mình thì có thể hiểu biết trọn vẹn bản tính của người. Có thể hiểu biết trọn vẹn bản tính của người thì có thể hiểu biết trọn vẹn bản tính của vật. Có thể hiểu biết trọn vẹn bản tính của vật thì có thể giúp vào công việc nuôi nấng và chuyển hóa của đất trời. Có thể giúp vào công việc nuôi nấng và chuyển hóa của trời đất thì có thể cùng tham dự với trời đất vậy.
Nguyên văn: Duy thiên hạ chí thành, vi năng tận kỳ tính; năng tận kỳ tính, tắc năng tận nhân chi tính; năng tận nhân chi tính, tắc năng tận vật chi tính; năng tận vật chi tính, tắc khả dĩ tán thiên địa chi hóa dục; khả dĩ tán thiên địa chi hóa dục, tắc khả dĩ dữ thiên địa tham hĩ.
13. Người ta đều nói “Tôi sáng suốt”, thế mà bị xua đuổi vào lưới, mắc bẫy ở trong hầm hố, lại chẳng biết trốn đi. Người ta đều nói “Tôi sáng suốt”, thế mà chọn đạo trung dung, không thể giữ trọn được một tháng.
Nguyên văn: Nhân giai viết: Dư trí, khu nhi nạp chi cổ hoạch, hãm tỉnh chi trung, nhi mạc tri tị dã. Nhân giai viết: Dư trí, trạch hồ Trung dung, nhi bất năng kỳ nguyệt thủ dã.
Ai nấy đều nói rằng mình rất thông minh, nhưng khi bị đuổi tới mức rơi vào trong lưới lại không biết cách trốn đi. Ai nấy đều nói rằng mình thông minh, nhưng họ đã chọn đạo Trung dung mà lại không thể kiên trì dẫu chỉ trong một tháng. Điều này chỉ một người chịu sự ước chế của thiên mệnh, thiên tính mà không thể làm chủ bản thân. Họ bị tình cảm, nhận thức và dục vọng của mình kéo đi, cũng như rơi vào lồng, rơi xuống hố sâu mà nhưng lại không biết cách tránh đi. Thực là ngu muội tới mức cực điểm! Biết sự tôn quý của thiên tính và thiên mệnh mà không thể kiên trì là do trí huệ chưa tới.
14. Kẻ ngu dốt mà thích tự mình làm lấy, kẻ ở cấp dưới mà thích tự chuyên quyền, sinh ra ở đời nay lại làm trái đạo thời xưa, như thế thì tai họa đến thân mình vậy.
Nguyên văn: Ngu nhi hiếu tự dụng, tiện nhi hiếu tự chuyên, sinh hồ kim chi thế, phản cổ chi đạo, như thử giả, tai cập kỳ thân giả dã.
15. Có lòng nhân ấy là người chân chính, thân yêu người thân là đức lớn. Có nghĩa ấy là cư xử thích đáng, trọng người hiền là đức lớn.
Nguyên văn: Nhân giả, nhân dã, thân thân vi đại, nghĩa giả, nghi dã, tôn hiền vi đại.
“Nhân” (nhân ái) chính là yêu thương con người. Yêu thương người thân chính là lòng nhân ái lớn lao nhất. “Nghĩa” chính là làm việc một cách phù hợp. Tôn kính người hiền chính là nghĩa cử to lớn nhất.
16. Người ta cố một, mình cần cố trăm, người ta cố mười, mình cần cố nghìn, nếu quả thực được như vậy thì dẫu kẻ ngốc nghếch cũng thành thông minh, kẻ yếu đuối cũng trở nên mạnh mẽ.
Nguyên văn: Nhân nhất năng chi dĩ bách chi, nhân thập năng chi dĩ thiên chi, quả năng thử đạo hĩ, tuy ngu tất minh, tuy nhu tất cường.
17. Quân tử tự thức tỉnh bản thân nên không thấy hổ thẹn. Đức hạnh người quân tử cao hơn người thường là bởi dẫu người khác không nhìn thấy nhưng họ vẫn có thể nghiêm khắc yêu cầu bản thân.
Nguyên văn: Quân tử nội tỉnh bất cứu, vô ác vu chí, quân tử chi sở dĩ bất khả cập giả, kỳ duy nhân chi sở bất kiến hồ!
18. Phàm việc phải có chuẩn bị thì mới thành công, không có chuẩn bị thì sẽ thất bại. Trước khi nói có chủ định thì không vấp váp. Trước khi làm có chủ định thì không khốn đốn. Trước khi hành động có chủ định thì không sai lầm. Trước khi hành đạo có chủ định thì không lúng túng bế tắc.
Nguyên văn: Phàm sự dự tắc lập, bất dự tắc phế; ngôn tiền định, tắc bất kiếp; sự tiền định, tắc bất hoặc; hành tiền định, tắc bất cứu; đạo tiền định, tắc bất cùng.
19. Nói lời phải chú ý đến việc làm của mình, việc làm phải chú ý đến lời nói. Người quân tử có lẽ nào không thực hành điều đó được?
Nguyên văn: Ngôn cố hạnh, hạnh cố ngôn, quân tử hồ bất tháo tháo nhĩ.
Lời lẽ phải phù hợp với hành vi của bản thân mình, hành vi phải phù hợp với lời lẽ của mình. Những người quân tử như vậy sao có thể không trung hậu, thành thực được đây?
20. Chân thành là khởi đầu và quy tụ của vạn vật, không chân thành thì không có vạn vật. Vì thế người quân tử rất quý sự chân thành.
Nguyên văn: Thành giả, vật chi chung sử; bất thành, vô vật, thị cố quân tử thành chi vi quý.
Theo Soundofhope
Nhã Văn biên dịch